Bài học về những giá trị mới

Thứ Bảy, 23/03/2024, 14:59

Đầu năm 2024, một nữ sinh lớp 6 có tên là Lò Thị Tuyết, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tìa Dình, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) muốn xin nghỉ học bởi hoàn cảnh gia đình em trai còn nhỏ, chị gái đang học cuối cấp và bà đã quá già yếu (cha mẹ các em đã bỏ đi). Không đành lòng trước số phận ấy, thầy hiệu trưởng Khương Cao Quyền cùng các giáo viên đã quyết định đón Tuyết và em trai xuống trường nuôi ăn học.

Thật ra, nhắc đến tấm lòng nhân ái của các thầy, cô giáo trên mọi miền đất nước không phải là câu chuyện mới mẻ nhưng với thầy Quyền, điều vất vả hơn việc lo nơi ăn, chốn ở cho hai chị em Tuyết là việc phải thuyết phục gia đình đồng ý cho hai chị em dọn xuống trường.

thầy khương cao quyền cùng chị em lò thị tuyết, lò đức khải tại huyện điện biên đông- ảnh quỳnh nguyễn.jpg -0
Thầy Khương Cao Quyền cùng chị em Lò Thị Tuyết, Lò Đức Khải tại huyện Điện Biên Đông. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Người bà (giờ đây đã đi xa) của em Tuyết từng nói: "Tôi không muốn xa các cháu nhưng chúng được đi học là mừng". Thách thức lớn nhất và cũng là sự thành công lớn nhất với các thầy cô ở Tìa Dình chính là vượt qua định kiến (không muốn xa các cháu) của người miền núi. Nếu ai đã và đang sống ở miền sơn cước sẽ biết có muôn vàn lý do cản bước một em nhỏ đến trường. Sự cần thiết nhân lực lao động cho gia đình, định kiến trong nếp nghĩ không muốn con cháu đi xa và lợi ích của "cái chữ", của sự hướng ngoại, kết nối quan hệ xã hội...

Cũng ở miền Tây Bắc hùng vĩ và hiểm trở đó, tại mái trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, thầy giáo trẻ Đồng Văn Phong nhiều năm nay đã bỏ tiền túi nấu cơm cho học trò cùng ăn. Người viết ấn tượng với câu nói của người giáo viên này: "Thôi, có gì nấu đó, thầy trò cùng ăn". Và, hằng ngày "thầy trò cùng ăn" bữa cơm bình dị để vượt qua khó khăn, gieo con chữ lên miền rẻo cao quả là một câu chuyện cảm động. Cảm động ở chỗ họ cùng nhìn về phía tương lai...

Cũng như thầy Quyền, thầy Phong, cô giáo Quách Thị Bích Nụ (Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) suốt 18 năm qua đã lái đò đón học sinh đến lớp. Chia sẻ với các phóng viên của VTV, cô Nụ bảo: "Dù có 1 cháu, 10 hay 17 cháu, tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này. Chưa bao giờ có ý nghĩ vất vả quá thì thôi. Nếu ngừng thì các cháu sẽ không được đến lớp. Tôi rất vui vì đã giúp chút chút cho các con được đến trường...”.

untitled-2.jpg -2
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ 18 năm lái đò đưa học sinh tới lớp. Ảnh: Ngô Nhung

Tấm lòng nhân ái của các thầy cô miền Tây Bắc xa xôi này đẹp như một bức tranh với sắc màu rực rỡ... Chúng ta đâu chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống mà còn làm giàu thêm các giá trị nhân văn trong thời đại công nghệ.

Chỉ cần sống chậm, chúng ta sẽ nhận ra những điều nhỏ bé và sâu sắc như thế. Mới đây, người viết được xem một đoạn clip của John Downer Productions về một robot hải cẩu đã đồng hành cùng chú hải cẩu con trước thử thách xa mẹ khi biển động. Nội dung của đoạn clip không có gì to tát nhưng nó thật sự mở ra một suy nghĩ mới về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên. Bởi thế, dù robot hải cẩu chỉ làm những điều mà con người đã lập trình chứ không xuất phát từ cảm xúc nào nhưng điều quan trọng hơn là đã khiến chú hải cẩu con an lòng.

Ngay tại vùng biển Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), ngày 16/3 vừa qua ngư dân đã bắt được gần 20 con cá lạ (cá heo), mỗi con dài hơn 1m, nặng khoảng 50-60 kg. Sau khi được thông tin chia sẻ, cùng sự vận động tuyên truyền của chính quyền, một số người dân trong xã đã quyên góp số tiền 32 triệu đồng hỗ trợ ngư dân (tiền xăng dầu) để thả đàn cá về lại biển khơi.

Những tin tức này có lẽ đã khiến những người yêu môi trường được an ủi phần nào sau những "tổn thương tâm hồn" khi chứng kiến rác thải nhựa ở đáy đại dương, thấy mảnh lưới, vòng, chai nhựa... siết vào thân thể các sinh vật biển. Có những bài học hôm nay không đến từ một cuốn giáo khoa, từ sự truyền thụ của người thầy nào mà vang lên từ chính lương tâm của mỗi người.

Nhưng, đó là câu chuyện của những người đã trưởng thành, đã va vấp nhiều trong cuộc sống, vậy những người trẻ, mới lập nghiệp đã tạo ra được giá trị gì? Hay, nói cách khác, thế hệ Gen Z đã đáp lại sự quan tâm và hy vọng cho chúng ta như thế nào. Tác giả Hoa Lê đã có nhận xét mang tính phát hiện trong bài viết có tiêu đề: "Ưu tiên số 1 của Gen Z khi tìm việc: Thứ quan trọng hơn cả tiền lương", tác giả chỉ ra các yếu tố: "Các nhu cầu được huấn luyện, trao cơ hội phát triển cũng như thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp" và "chính sách làm việc linh hoạt". Vậy, những đòi hỏi đó có gì mới, đáng để quan tâm?

thầy đồng văn phong và học trò ăn bên mâm cơm ấm áp, sẻ chia-ảnh nhân vật cung cấp.jpg -1
Thầy Đồng Văn Phong và học trò bên mâm cơm ấm áp, sẻ chia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người viết cho rằng, cần lùi xa một chút chúng ra sẽ nhận ra đằng sau hai câu chuyện này có một ý nghĩa văn hóa khá thú vị. Đó chính là những mong muốn, những khát vọng thay đổi nhận thức để điều chỉnh, cải tạo cuộc sống này theo hướng đi tốt đẹp hơn. Các thầy, cô giáo trên những mảnh đất Tìa Dình, Phong Thổ, Đà Bắc... vừa kể trên hay những ngư dân vùng biển Cương Gián, các bạn trẻ thế hệ Gen Z... tuy ở những độ tuổi, nghề nghiệp và nhận thức khác nhau nhưng họ đang trực diện với cuộc sống, thay đổi nhận thức để tìm ra giải pháp tốt nhất. Nhận thức, cách ứng xử chính là một sản phẩm vô hình nhưng luôn được định giá cao nhất.

Con nhớ Thomas Jefferson (1743-1826) vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ từng nói: "Lòng trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ". Thiết nghĩ, lòng trung thực phải bắt đầu từ sự nhận thức của mỗi cá nhân để từ đó mới có thể thành thật với chính mình và tiếp đó là với những người khác. Nhận thức ấy không chỉ giúp chúng ta nhận ra cái nào đúng, cái nào sai, điều gì là bất cập mà quan trọng hơn là đi đến cái thứ ba, đó là: sự thay đổi, tạo dựng không gian, môi trường mới...

Với suy nghĩ đó, người viết đã bắt gặp ý tưởng của kiến trúc sư Trình Phương Quân khi ông lí giải về bài toán graffiti trên các đô thị, ông viết: "Graffiti, cùng với emceeing (đọc rap), DJing và b-boying (nhảy breakdance), được coi là những yếu tố của văn hóa hip hop, để thể hiện và biểu đạt cá nhân".

Từ đó, ông Quân nêu ra một đề xuất khả thi: "Các khu vực hoang vắng có thể được sử dụng để thí điểm trở thành không gian graffiti, tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên thể hiện năng khiếu và sự sáng tạo. Ngoài ra, các đô thị lớn có thể tổ chức cuộc thi để tạo sân chơi, giúp tìm kiếm những tác phẩm nổi bật, phù hợp để trang trí trên các công trình trọng điểm" (theo vnexpress.net). Phải chăng, không chỉ graffiti mà ngay trong cách quản lý, cách đánh giá đóng góp của con người cũng cần tạo ra lối suy nghĩ mới. Lối nghĩ mới đó cũng chính là một giá trị...

Để kết lại bài viết này, người viết cho rằng bài học về những giá trị mới là những điều đáng để chúng ta quan tâm và suy nghĩ nhất. Cuộc sống vẫn từng ngày diễn ra với những bất ngờ, khó khăn, thách thức luôn cản bước nhưng sự sáng tạo và lương tâm con người chưa bao giờ chùn bước. Sống đẹp cũng là cách sản sinh ra các giá trị văn hóa để người được thụ hưởng là chính chúng ta...

Lâm Việt
.
.