Áp lực thi cử và công thức thành công
Sáng ấy, tôi nhận lời mời và đến quán café gặp một người bạn từ rất sớm. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như ngồi đối diện với tôi không phải là một người vốn ít giao du và luôn vùi đầu vào mạng xã hội. Sáng hôm ấy, anh ta thật sự rảnh vì thấy cái hệ sinh thái của mình bị xáo trộn bởi không khí thi cử: “Hơn cả những trận Đội tuyển Việt Nam gặp Đội tuyển Thái Lan ông ạ. Nhiều lời động viên “lên dây cót” tinh thần cho học trò nghe như “hịch” đánh giặc” - anh ta nói vậy.
Thực ra tôi cũng biết, từ đêm qua có phụ huynh còn tung cả phóng sự ảnh ôn lại kỉ niệm từ lúc con mình mới biết bò, như để nhắc lại hành trình mười mấy năm ăn học. Nghe thì thích, đọc thì cảm động nhưng mà... áp lực lắm.
Tôi bảo với ông bạn rằng mạng xã hội là một phần áp lực của cuộc sống mà mỗi chúng ta đều phải chấp nhận nó. Các anh chị lớp 12 đã là gì, ngay đến những cô bé, cậu bé vừa hết lớp 9 đã bước vào “đấu trường” nảy lửa của kì thi vào lớp 10. Ai cũng học tốt, phụ huynh nào cũng đầu tư cho con, thầy cô đều hết sức cố gắng, con em chúng ta sẽ trưởng thành từ chính áp lực ấy chứ đâu…
Nói là vậy, nhưng vài ngày sau chính tôi phải nghĩ lại. Thành tích thi cử có thật sự là áp lực tích cực mà các em có thể hấp thụ được hay không? Báo chí, các nhà sư phạm, các nhà tâm lí đã lên tiếng cảnh báo, nhưng làm thế nào để nhận thức được đầy đủ mặt trái của áp lực đó?
Ngẫm ra, lâu nay sai lầm lớn nhất của chúng ta là luôn nghĩ đến thành tích, hướng đôi mắt của con em mình đến đó mà chưa hề giúp chúng nhìn sang phía thất bại, có cách tiếp cận đúng với những gì không theo ý mình. Hay nói cách khác, chúng ta đồng nhất thất bại ấy với sự xấu hổ, hiểm họa, nguy cơ, vùng nguy hiểm mà quên mất rằng đó là một bài học không thể né trách, một bài test sàng lọc. Ai đó từng nói rằng người hâm mộ bóng đá Việt Nam chỉ thích thắng, chỉ ghi nhận chiến thắng chứ không muốn phân tích, đánh giá về những trận thua. Có lẽ, đó cũng là quan điểm chung của nhiều người với các mùa thi, các kì thi. Thế là từ một mái trường cho con trẻ đã trở thành đấu trường cho các bậc phụ huynh. Có lẽ, vào lớp 10, vào đại học vẫn là con đường độc đạo, đường đến chiến thắng duy nhất chăng?
Vào trường điểm, lớp chọn, vào đại học, thành người thành đạt… chính chúng ta đang khiến con em mình thất bại bởi công thức nghiệt ngã đó. Nhà báo Nguyễn Anh Thi đã nêu ra một thống kê: “Hệ thống trường công ở hai thành phố lớn này chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu học tập của học sinh. Cuộc thi vì thế trở nên "sống còn" với những gia đình không đủ tài chính để cho con vào trường tư, nhưng cũng không đủ niềm tin để thả con vào trường nghề” (vnexpress.net). Vậy con đường còn lại của 30-40% các em học sinh kia sẽ như thế nào? Hay nói cách khác, con đường của những người “thất bại” đó ra sao khi cha mẹ chẳng dám nghĩ đến học nghề nào đó phù hợp với sức của con mình?
Trước đây, ở khu phố tôi, có một cậu bé khi học lớp 9 đã nói với người cha rằng: “Con tự thấy mình khó có thể học tiếp được. Con muốn được đi học nghề”. Người cha ấy đã kể lại với tôi bằng khuôn mặt buồn của một ông bố bất lực. Sau đó, chắc vì nghĩ con mình mải đua đòi với bạn bè ở phố, anh đã đưa con về quê học cấp III, nhằm thay đổi môi trường học tập. Sau ba năm trở lại, lực học của cháu vẫn không khá hơn nhưng vợ chồng anh đã chấp nhận cho con thi vào một trường cao đẳng nấu ăn ở Hà Nội. Hóa ra, 3 năm ở quê đã giúp cậu nhận ra mình có tài nấu nướng sau thời gian phụ bà mở quán ăn. Hiện giờ, cháu đã làm ở một nhà hàng lớn và thu nhập ổn định. Tôi thoáng giật mình nghĩ, nếu “may mắn” hay bằng một “lối đi”nào đó, cậu bé ấy lại trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên thì thật đáng… ngại. Vậy con đường của cậu bé ấy là sự thành công hay thất bại?
Theo thống kê năm 2014 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, “chỉ có 20% học sinh tại TP Hồ Chí Minh hiểu biết về ngành nghề đã chọn”. Không lâu sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra một thống kê khác: “Ngay cả đối với những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành lên đến 60%. Chỉ vì chọn sai nghề mà các bạn sinh viên cũng như phụ huynh đã tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc, thời gian và công sức”. Đó chính là một thực tế phía sau cánh cửa của kì thi mà rất nhiều phụ huynh, học sinh không hay biết. Nhưng sau ngần ấy năm, liệu có sự thay đổi nhận thức nào từ chính những người trẻ hôm nay không?
Tình cờ, đọc trên Báo Dân trí, người viết tìm thấy một “điểm sáng”. Trong bài “Nam sinh Hà Nội không thi lớp 10, chọn học nghề đặt mục tiêu làm cho Google” của Toàn Vũ và Phạm Hồng Hạnh, tác giả có nêu: “Trong khi bạn bè cùng lớp căng mình ôn luyện, học ngày học đêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 được đánh giá là "khó hơn thi đại học", cậu bé Tường An (SN 2006) lại đang thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ tại quê ngoại ở Lương Sơn (Hòa Bình). Trước đó, Tường An đã nộp hồ sơ online đăng ký học nghề công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội. Quyết định học nghề thay vì tham gia kỳ thi lớp 10 khốc liệt được An đưa ra vào cuối năm lớp 8.
Qua tìm hiểu và lắng nghe chia sẻ từ phía cha mẹ, Tường An nhận thấy, nhiều anh chị sau khi học xong cao đẳng nghề đi làm đã có thể nhận được 6-7 triệu đồng tiền lương. Đây cũng là mức lương khởi điểm của nhiều sinh viên đại học. Chính vì vậy, cậu quyết định đưa ra lựa chọn sớm về nghề nghiệp”.
Nhưng liệu lối đi này của Tường An có phải là cá biệt, chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện? Phải nói rằng, đó là suy nghĩ của một cậu bé sống trong gia đình có học vấn và điều kiện kinh tế, chính cha mẹ cậu đã là một chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm. Biết chọn một mảnh đất phù hợp để gieo trồng ước mơ của mình chính là bí quyết thành công của rất nhiều người thay vì chạy theo những công thức. Thực ra, áp lực lớn nhất mà học sinh, phụ huynh đang phải đối mặt chính là dư luận mạng xã hội, thay vì như trước đây, chỉ lo nhà hàng xóm, con người ta ở vài nhà quanh khu đó đến sẵn sàng mổ xẻ, soi mói.
Người viết bài này thật sự tâm đắc với nhận định của nhà báo Hoàng Anh Tú trong bài viết “Con nhà người ta”: “Mạng xã hội gần như chỉ trưng ra những trailer đẹp đẽ. Phụ huynh chọn phần lung linh nhất của con để khoe. Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra (hoặc lờ đi điều đó) để bắt con mình trở thành nhân vật trong trailer của người khác” (theo vnexpress.net).
Hãy thay đổi cách nghĩ phó mặc con cái cho giáo dục, ăn may về trúng đề, trúng tủ, kiếm được cơ hội này, cơ hội khác. Chính chúng ta phải ngồi lại với con, cùng bàn bạc như những người bạn, sống với tâm lí, với thời cơ và thách thức của con em mình để tìm ra công thức thành công khả thi nhất. Thay vì chúng ta chỉ biết ép chúng vào một con đường duy nhất theo kiểu “học cho bố mẹ yên tâm”, học để không lép vế so với “con nhà người ta”; nhìn đứa A, đứa B mà học. Giáo dục cần sự thi đua, học hỏi giữa các em với nhau nhưng đừng để áp lực của nó làm tổn hại đến những tâm hồn trẻ vốn đầy ước mơ và khát vọng. Người viết tin rằng, thứ áp lực này sẽ chẳng tạo ra công thức thành công cho các em.