Âm nhạc và máy móc

Thứ Năm, 04/04/2024, 10:10

Thời gian gần đây, giới showbiz lại rộ lên tranh cãi giữa nhà sản xuất Viruss (tên thật là Đặng Tiến Hoàng) với nam ca sĩ Jack xoay quanh bản phối của ca khúc “Thiên lý ơi”. Đỉnh điểm của tranh cãi này là việc Jack đăng đàn công khai với dòng trạng thái “Beat trên mạng cũng có chứ đâu phải mới đây. Demo được làm từ 3-4 năm rồi. Anh nói như thể anh làm beat vậy”.

Trong giới âm nhạc thời đại này, chuyện tải beat (nhạc đệm sẵn) trên mạng (cả mất phí lẫn miễn phí) về rồi dựa trên beat đó để sáng tác ca khúc đã là quá thường tình. Nó thường tình và phổ biến đến mức độ những ai không thực hành âm nhạc theo kiểu đó sẽ bị gọi là cổ hủ, lạc hậu. Và, nó dẫn tới tình trạng ca khúc na ná nhau (do viết trên cùng một cái khung cố định có sẵn) cũng như tình trạng nhiều nhạc sĩ thậm chí còn không thể ký âm trên giấy chính ca khúc mình sáng tác.

Thực tế, từ khoảng 15 năm trước, việc sáng tác trên beat có sẵn đã bắt đầu nở rộ, nhưng chưa đến mức độ phổ biến như hiện thời. 15 năm trước, số lượng nhạc sĩ sáng tác bằng cách tự chơi một nhạc cụ nào đó, tự hát, tự ký âm trên giấy, tẩy xóa các đoạn chưa ưng ý cho tới khi hài lòng nhất... vẫn còn chiếm đa số.

Âm nhạc và máy móc -0
Jack và Viruss.

Nhưng, bây giờ, lực lượng ấy bị xem như đã “về già” vì nhạc của họ không còn thời thượng. Trong khi đó, các beat nhạc có sẵn được sản xuất hàng loạt lại luôn dựa trên nhu cầu nghe giải trí hiện tại của giới trẻ. Vì vậy, những nhạc sĩ trẻ cũng tận dụng luôn nguồn beat có sẵn và đàng hoàng bước vào thị trường với những bài hits có thể giúp họ mua được cả một chiếc xe hơi xịn sau khi bán độc quyền khoảng 2-3 năm cho ca sĩ.

Gần đây, bắt đầu còn manh nha cả việc dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để sáng tác bản nháp, sau đó nhạc sĩ chỉ chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp. Sự tiện lợi của công nghệ là không thể phủ nhận nhưng chính những việc như thế ngày một giết chết tính nghệ thuật cũng như phần hồn của âm nhạc.

Rất may mắn là trong trào lưu phổ cập đó, số lượng các ban nhạc trẻ ngày càng tăng mạnh. Hình ảnh một thanh, thiếu niên ra phố với cây guitar đeo sau lưng đã phổ biến hơn. Lực lượng này chơi thứ âm nhạc thuần khiết, được sáng tác bởi chính rung động tâm hồn và nhờ vào khả năng thao tác trên nhạc cụ của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, tệp khán giả của họ lại rất nhỏ và do đó, họ chưa thể chiếm được ưu thế trên thị trường giải trí.

Đáng tiếc là các giải thưởng âm nhạc được xem là uy tín của Việt Nam (trừ giải thưởng của Hội Nhạc sĩ) nhiều năm qua lại quá nuông chiều thị hiếu và luôn ưu ái cho các sản phẩm máy móc và công thức theo kiểu “dùng beat trên mạng”. Họ gần như bỏ qua nhiều sáng tác chất lượng đến từ những nghệ sĩ thuần túy, vẫn trung thành với việc sáng tác dựa trên việc chơi nhạc cụ và nắm vững nhạc lý để ký âm tác phẩm của mình. Đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng nhờ sáng tác trên beat, thậm chí tự tạo ra beat nhờ vào phần mềm sản xuất nhạc nhưng khi cần hòa tấu với đồng nghiệp bằng nhạc cụ thì lại không thực hiện được. Đây chính là nghịch lý của thị trường âm nhạc Việt hiện nay và đáng buồn là nó lại đang được cổ xúy một cách vô thức.

Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung vẫn phải được cất lên từ rung cảm thật để hướng tới chân, thiện, mỹ. Máy móc sinh ra để phục vụ con người nhưng không thể lạm dụng máy móc để thay cho phần hồn của con người được. Lớp nghệ sĩ trẻ nên suy ngẫm thật kỹ về tác phẩm mình sẽ tạo ra theo cách nào thay vì nghĩ tới tham vọng nổi danh và giàu có. Chỉ có như vậy, may ra họ mới có thể thoát ra khỏi kiếp “nhạc sĩ nô lệ cho công nghệ”.

Văn Đoàn
.
.