Ai kiểm duyệt OTT?

Thứ Năm, 04/05/2023, 09:10

Cách đây 10 năm, làng showbiz Việt ồn ào về một bộ phim đề tài xã hội đen phải nhận quyết định cấm chiếu từ Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Ngay sau lệnh cấm, bản DVD lậu của bộ phim ấy bất ngờ được tung ra thị trường và tạo nên tranh cãi nên cấm hay không. Đó là "Bụi đời Chợ Lớn", bộ phim cuối cùng của Johnny Trí Nguyễn trong vai hành động tính cho tới hôm nay.

Xem lại các phân cảnh trong "Bụi đời Chợ Lớn" chúng ta phần nào sẽ hiểu tại sao Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch lại "nghiêm khắc" đến thế. Bạo lực không phải là cốt lõi của lệnh cấm. Cốt lõi là ở bối cảnh bạo lực xảy ra hồn nhiên, vô tổ chức, vô pháp vô thiên, không kiểm soát vốn dĩ không đúng với thực trạng của Việt Nam và dễ tạo một hình ảnh méo mó về xã hội Việt Nam hiện đại. Hơn nữa, những người làm phim vì quá đắm đuối với hành động mà đã bỏ quên một thứ cơ bản: họ dường như không hiểu thực trạng thế giới ngầm hoạt động như thế nào, sự quản lý của nhà nước hiện thời ra sao.

"Bụi đời Chợ Lớn" đã trở thành dĩ vãng. Nhưng những thước phim kiểu như "Bụi đời Chợ Lớn" lại không thiếu hiện nay và chính điều đó đã tạo nên một câu hỏi rất lớn về kiểm duyệt. Đơn cử như series "Hùng Long Phong Bá" hiện đang được độc quyền phát hành trên nền tảng OTT (Over The Top) GalaxyPlay. Nói thẳng, series 2 mùa, mỗi mùa 5 tập này không khác gì một "Bụi đời Chợ Lớn" được chia nhỏ và kéo dài. Những cảnh đâm chém, tiếng chửi thề… đậm đặc 10 tập của series đang ăn khách này. Cá biệt hơn, bài hát chính của series, một bản rap, được hát với lời lẽ cũng tục tĩu không kém với câu hát có tiếng chửi thề rõ mồn một. Người xem có thể nghĩ rằng với bối cảnh hạ lưu xã hội, tiếng chửi thề trong lời thoại phản ứng chân thực và khiến series thật hơn, đời thường hơn. Nhưng đó là thoại phim, một thứ có thể được chấp nhận có mức độ trong điện ảnh. Còn với ca khúc trong phim, thứ dễ phổ biến hơn cả phim thông qua nhiều phương tiện khác nữa, sử dụng lời chửi thề tục tĩu, phản cảm là không thể chấp nhận được.

Câu hỏi "Ai kiểm duyệt?" cần phải được đặt ra ở đây. Đối với các nền tảng OTT xem nội dung theo yêu cầu (Video On Demand - VOD), hiện thời chỉ có 2 Nghị định liên quan đến kiểm soát nội dung là Nghị định 06/2016/NĐ-CP và 71/2022/NĐ-CP mà thôi. Song, cả 2 Nghị định kể trên mới chỉ đưa ra yêu cầu chung, chủ yếu tập trung vào dạng OTT TV, tức truyền hình trực tuyến, chứ chưa tập trung vào dạng OTT VOD giải trí. Và cơ bản hơn cả, chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc duyệt nội dung các series giải trí phát trên OTT.

Với OTT TV, các đơn vị kinh doanh nền tảng này cần duyệt nội dung ở các đơn vị báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình. Nhưng với OTT VOD giải trí, thực tế là các cơ quan kiểm duyệt đang lúng túng thật sự. Cục Điện ảnh chỉ duyệt phim chiếu rạp trong khi các nội dung kiểu "Hùng Long Phong Bá" lại thuộc thể loại series web drama. Chính kẽ hở này đã dẫn tới nhiều nội dung được phát hành rầm rộ trên các nền tảng OTT với nội dung không ai kiểm soát.

Hiện tại, ngoài GalaxyPlay, ở Việt Nam có khá nhiều nền tảng OTT trong nước như VieOn, FPT Play, VTVGo… Theo như thông tin trong ngành kinh doanh nội dung giải trí trực tuyến, trừ các đơn vị OTT gắn với nhà nước như VTVGo, gần như toàn bộ các nền tảng của tư nhân đầu tư đều không kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành.

Nội dung độc hại ở quá gần chúng ta và đừng chỉ quan tâm đến những nền tảng miễn phí nước ngoài như Youtube, TikTok mà hãy bắt đầu từ chính những nền tảng được cấp phép trong nước. "Nội thương" chưa được chữa lành thì việc lo "bệnh ngoài da" chỉ là vô ích mà thôi.

Văn Đoàn
.
.