Xây dựng uy tín, thương hiệu "người đứng đầu"

Thứ Năm, 16/08/2018, 09:37
Cần phải thực hiện nghiêm túc các Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và việc thưởng, phạt phải nghiêm minh...


Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu là vấn đề hiện đang được người dân và công luận rất quan tâm. Vừa qua, Đảng, Chính phủ đã đánh dấu bằng việc cách chức, miễn nhiệm, xóa tư cách của một số Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các tập đoàn, công ty nhà nước có liên quan đến những sai phạm cá nhân. Lá bùa "trách nhiệm tập thể" dần bị vô hiệu hóa bằng kỷ luật Đảng, bằng pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, có nhiều lĩnh vực, nhiều quy định còn bị chồng chéo không được phân định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn và khi xảy ra vi phạm pháp luật, xảy ra các sự cố thì không biết trách nhiệm thuộc ai giải quyết, tất cả đều chờ "sếp" phán xét. Rồi, sợ trách nhiệm nên đùn đẩy nhau, né tránh dẫn đến hậu quả sự cố không lo giải quyết mà toàn lo tranh cãi xem trách nhiệm của ai, của bộ phận nào.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cao công tác cán bộ trong tình hình mới tại hội nghị Trung ương 7.

Một thời gian dài, trách nhiệm tập thể đã được cá nhân, người đứng đầu ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng làm tấm "khiên" che chắn cho sự yếu kém năng lực và cả tư tưởng trốn tránh trách nhiệm, lấy đây làm nơi "trú ẩn an toàn". Nó đã thực sự trở thành một vấn nạn của đất nước. Và khi có sai phạm xảy ra thì tất nhiên là "tập thể chịu trách nhiệm", mà tập thể chịu trách nhiệm tức là… chẳng có ai chịu cả… Nhà nước và dân chịu tất, nhưng nguy hại hơn là không có gì đảm bảo rằng lần sau sẽ không lặp lại những lỗi lầm tương tự nữa. Và khi không cảm thấy trách nhiệm thì rất khó sửa chữa, khắc phục.

Chính phủ đã ban hành Nghị định, Quốc hội cũng ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ, Công chức, trong đó đều có quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và ở cơ quan, đơn vị, địa phương đều có các bản phân định trách nhiệm, quyền hạn của mỗi vị trí công tác cùng quy trình tương tác theo các quá trình thực thi công vụ.

Tuy nhiên, vì sợ trách nhiệm nên khi sự cố, sai phạm xảy ra, thay vì việc lãnh đạo và các bộ phận liên quan cùng nhau bàn bạc để tìm cách xử lý sự cố, không để ảnh hưởng của nó lan rộng, gây ra những thiệt hại lớn thì ngược lại, khi có sự cố, sai phạm xảy ra, việc đầu tiên của lãnh đạo chúng ta là tập trung "họp", cũng có phân tích tìm nguyên nhân đấy, nhưng lại hay sa đà vào việc đùn đẩy, xem xét trách nhiệm thuộc về ai.

Có thể tranh luận nảy lửa, nhưng kết cục cuối cùng thường theo kiểu "dĩ hòa vi quý", đổ tại các yếu tố khách quan, bên ngoài. Dù hậu quả có nghiêm trọng hay không nghiêm trọng thì việc xử lý đa phần là kiểm điểm rút kinh nghiệm, hãn hữu mới thấy có người bị xử lý trách nhiệm hình sự. Nghĩa là ai cũng cảm thấy thanh thản sau những gì đã xảy ra. Đó là điều nguy hiểm trong quản lý điều hành, khi mà người phạm lỗi không còn cảm giác áy náy vì những sai phạm của mình.

Chúng ta đừng quên nguyên lý 80/20, nghĩa là 80% lỗi gây ra là do lãnh đạo, chỉ có 20% là do người thừa hành. Lãnh đạo phải dám dũng cảm nhận trách nhiệm chứ không nên đổ lỗi cho cấp thừa hành. Mục đích quan trọng nhất cần đạt được là khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại và tìm ra nguyên nhân để lần sau các lỗi tương tự không lặp lại, hay có thể rút kinh nghiệm, phòng ngừa cho những lỗi khác không xảy ra.

Cần phải thực hiện nghiêm túc các Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và việc thưởng, phạt phải nghiêm minh. Việc này phải thường xuyên duy trì cho đến khi nó ăn vào máu, thay đổi quan hệ cố hữu về việc đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể và cũng đừng quên trách nhiệm luôn gắn liền với quyền hạn và quyền lợi. Vạn sự khởi đầu nan, nếu không đi, chúng ta sẽ không bao giờ đến, không bắt đầu sẽ không khi nào được thành quả. Và điều cuối cùng phải kiên trì, đừng bỏ dở giữa chừng, nếu chúng ta nhận thấy điều đó là cần thiết và phải làm.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định dành cho mình thì người đứng đầu cũng cần phải xây dựng cho mình uy tín, thương hiệu riêng. Ngày nay, khái niệm thương hiệu không chỉ gắn với sản phẩm mà có thể gắn với bất kỳ chủ thể nào, như: tổ chức, địa danh, tập đoàn, công ty… và cả con người.

Quá trình xây dựng uy tín, thương hiệu cá nhân không chỉ đơn thuần là gây dựng một hình ảnh đẹp mà nó còn là sự tự nhận thức về các điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, cảm xúc… là quá trình "truyền bá" những thông điệp, khẳng định những giá trị cá nhân. Xây dựng được uy tín, một thương hiệu cá nhân thành công cũng đồng nghĩa với việc có một công cụ hữu ích để kiểm soát bản thân mình, góp phần lãnh đạo, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển bền vững.

Cù Tất Dũng
.
.