Vũ đoàn làm liveshow: Muôn vàn thách thức

Thứ Sáu, 05/04/2019, 08:12
Có không ít ý kiến trái chiều về liveshow của vũ đoàn "Bước Nhảy". Những người ủng hộ cho rằng, liveshow là việc làm cần thiết để đánh dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật của vũ đoàn cũng như khẳng định vị trí của "Bước Nhảy" trong showbiz...


Nhân kỷ niệm 15 năm hoạt động, vũ đoàn "Bước Nhảy" quyết định thực hiện liveshow riêng với tên gọi "Bước Nhảy's Night" vào ngày 7-4 tới đây tại Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, TP Hồ Chí Minh. Ca sĩ tổ chức liveshow là "chuyện thường" nhưng một vũ đoàn trong showbiz Việt tổ chức liveshow riêng lại là chuyện hiếm. Liveshow "Bước Nhảy's night" được cho là dấu ấn quan trọng không chỉ của vũ đoàn "Bước Nhảy" mà với tất cả các vũ đoàn ở Việt Nam hiện nay.

Nhiều ý kiến trái chiều

"Bước Nhảy" là một trong những vũ đoàn lớn, có thời gian hoạt động lâu năm nhất trong showbiz Việt. Vũ đoàn đã tham gia minh họa cho nhiều ca sĩ "hot" như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Thanh Thảo, Quang Hà, Thủy Tiên, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Minh Hằng, Bảo Anh, Bảo Thi, Hương Tràm…

Đồng thời, vũ đoàn cũng xuất hiện trong rất nhiều chương trình nghệ thuật, truyền hình lớn, trong đó có cả các chương trình ca nhạc mang quy mô khu vực như "Asia Songs Festival", "Influence Asia"… "Bước Nhảy" cũng là nơi "chắp cánh" cho nhiều tài năng biên đạo múa trẻ như Quang Đăng, Huỳnh Mến, Mai Kiều…

Vũ đoàn "Bước Nhảy" trong buổi họp báo giới thiệu liveshow "Bước Nhảy's Night" sẽ diễn ra vào ngày 7/4 tới đây.

Theo Ban tổ chức, "Bước Nhảy's Night" sẽ là đêm diễn được đầu tư công phu, quy mô về âm thanh, ánh sáng cho đến thiết kế và dàn dựng sân khấu. Được biết, số tiền đầu tư cho liveshow này là hơn 2 tỷ đồng. Riêng phần trang phục được đầu tư với 16 thiết kế mới, tổng số hơn 500 bộ trang phục cho 34 diễn viên. Đêm diễn có gần 20 tiết mục với nhiều thể loại nhảy múa như dân gian đương đại, hip hop, break dance…

Bên cạnh đó, những nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Yến Trang, Đông Nhi, Yến Trang, Noo Phước Thịnh, Bảo Anh sẽ xuất hiện với vai trò nghệ sĩ khách mời trong chương trình. Các tiết mục sẽ được làm mới, mang đến cho khán giả những tiết mục hoành tráng, hấp dẫn, nhiều màu sắc. Xen kẽ phần trình diễn của ca sĩ là các tiết mục vũ đạo lôi cuốn và sôi động.

Thực hiện liveshow lần này không chỉ đánh dấu 15 năm làm nghề của "Bước Nhảy" mà còn là cơ hội để "Bước Nhảy" chứng minh năng lực cũng như niềm đam mê của mình với công việc đã theo đuổi. Các ca sĩ sẽ xuất hiện trong liveshow với vai trò bổ trợ cho những tiết mục biểu diễn của "Bước Nhảy". Tức là có sự đảo chiều về vị trí xuất hiện trên sân khấu trong liveshow giữa ca sĩ và vũ công. Những tiết mục đồng diễn hay solo được thực hiện trên nền nhạc và cả giọng hát biểu diễn của ca sĩ. Chính vì vậy, "Bước Nhảy" tự tin về những gì mình sẽ mang đến cho khán giả.

Có không ít ý kiến trái chiều về liveshow của vũ đoàn "Bước Nhảy". Những người ủng hộ cho rằng, liveshow là việc làm cần thiết để đánh dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật của vũ đoàn cũng như khẳng định vị trí của "Bước Nhảy" trong showbiz.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, "Bước Nhảy" quá liều vì vũ đoàn làm liveshow chưa có tiền lệ. Làm liveshow về nhảy múa khó hấp dẫn khán giả vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân là khán giả chưa thực sự hiểu về ngôn ngữ múa nên khó tìm được sự đồng cảm. Chính vì vậy, khả năng thu hồi vốn từ liveshow nhảy múa rất khó nên "Bước Nhảy's Night" là "canh bạc" đầy may rủi.

Khán giả chưa nhìn nhận đúng về nhảy múa minh họa

Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác về số lượng vũ đoàn hoạt động ở Việt Nam. Qua theo dõi cho thấy, ngoài những vũ đoàn hoạt động chuyên nghiệp như "Bước Nhảy", "Hoàng Thông", "MTE", "ABC", "Sài Gòn", "Arabesque", "Mai Trắng", "Phương Việt", "Bình Minh"… còn có rất nhiều nhóm nhảy, múa lớn nhỏ khác do các bạn trẻ yêu thích nhảy múa sáng lập.

Sự ra đời của những nhóm nhảy múa đã góp phần làm phong phú thêm "thực đơn" giải trí nghệ thuật và chứng tỏ, nhảy múa đang ngày càng có sức hút với giới trẻ. Về địa bàn hoạt động, các nhóm nhảy múa xuất hiện nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh hơn so với Hà Nội và các tỉnh thành khác bởi đây là thị trường giải trí sôi động nhất ở nước ta hiện nay.

Nhìn chung, vũ công ở Việt Nam chưa có được chỗ đứng xứng đáng mặc dù đó là lĩnh vực nghệ thuật vất vả, đòi hỏi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc. Để có được phần trình diễn tốt trên sân khấu, các nghệ sĩ phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, đổ mồ hôi, nước mắt trên sàn tập.

Tuy nhiên, cơ hội tỏa sáng của các vũ công lại rất hiếm hoi. Một trong những yếu tố làm nên cái đẹp trong nghệ thuật nhảy múa là sự đồng đều, phối hợp ăn ý của các diễn viên. Chính vì vậy, trong dàn diễn viên múa lên đến vài chục người, khán giả khó có thể nhớ mặt, càng khó để nhớ tên họ.

Hoạt động của các vũ đoàn chủ yếu vẫn là minh họa cho các ca sĩ. Vũ công thường là người đứng sau, góp phần tạo nên thành công của các ca sĩ. Hiện nay, khán giả có xu hướng thích "xem âm nhạc", tức là những tiết mục âm nhạc được đầu tư về "phần nhìn" được ưa chuộng hơn tiết mục hát đơn thuần. Gần như nghệ sĩ trẻ nào khi lên sân khấu cũng kèm theo dàn diễn viên nhảy múa minh họa.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ, anh từng xem những người nhảy phụ họa chỉ làm chật thêm sân khấu. "Từ khi làm việc với nhóm trong nhiều dự án, tôi hoàn toàn thay đổi suy nghĩ. Sự xuất hiện của họ hỗ trợ cho các nghệ sĩ rất nhiều. Hiện nhiều tiết mục của tôi từ trong nước đến quốc tế đều không thể thiếu sự hợp tác với "Bước Nhảy", ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói. Chia sẻ của Đàm Vĩnh Hưng cũng là quan điểm chung của phần lớn nghệ sĩ Việt hiện nay.

Sự xuất hiện của của dàn diễn viên nhảy múa minh họa làm sân khấu trở nên sôi động, tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, thực tế đáng phải bàn luận là là tình trạng lạm dụng múa minh họa. Tiết mục nào cũng có múa minh họa với cách biên đạo và động tác nhảy múa không nhiều đổi mới khiến chương trình trở nên nhàm chán. Một số ca sĩ trẻ sử dụng vũ đoàn như một cách để "lấp liếm" yếu điểm trong giọng hát của mình.

Những phần trình diễn của ca sĩ trẻ Noo Phước Thịnh thường có sự hỗ trợ tích cực của các vũ đoàn.

Đã có thời kỳ, báo chí lên tiếng báo động về tình trạng lạm dụng nhảy múa minh họa khi nó được sử dụng tràn lan ở khắp mọi nơi, ngay cả trên sân khấu xiếc, những màn trình diễn thời trang... Ca sĩ trình diễn ca khúc thuộc thể loại âm nhạc nào cũng có vũ đoàn minh họa. Nhiều khi, múa minh họa không truyền tải bất cứ thông điệp nghệ thuật gì và cũng "chẳng liên quan" đến nội dung ca khúc. Điều này đã làm khán giả nhìn nhận chưa đúng về nhảy múa, làm mất đi vai trò của nhảy múa với tư cách là một môn nghệ thuật độc lập.

Một vấn đề khác cũng cần phải bàn luận là vì sao ở Việt Nam lại thiếu vắng những liveshow của các vũ đoàn cũng như các vũ công?. Phải chăng vũ công ở nước ta chưa đủ tài năng để làm show riêng? Phải thấy rằng, ngay cả với các ca sĩ tên tuổi, việc làm liveshow cũng phải hết sức cần nhắc vì chi phí đầu tư lớn nhưng rủi ro cao. Trong bối cảnh bùng nổ các kênh thông tin giải trí, các nghệ sĩ tìm cách tiếp cận khán giả khác hiệu quả hơn so với việc làm liveshow.

Trong cuộc họp báo giới thiệu liveshow "Bước Nhảy's Night" hồi tháng 3-2019, Trưởng vũ đoàn Quang Vinh cho biết, ban đầu anh dự định làm show với khoản kinh phí khoảng từ 400 - 500 triệu đồng với mục đích chính là họp fan. Tuy nhiên, quá trình lên ý tưởng, dàn dựng, thuê sân khấu, ánh sáng, âm thanh, may trang phục, chi phí tăng lên 2 tỷ đồng. Anh và quản lý nhóm - Bảo Thịnh định cầm giấy tờ nhà để có chi phí chi trả. May mắn sát ngày diễn tìm được nhà tài trợ đồng hành nên bớt áp lực. Rõ ràng, để làm liveshow, trong đó có show về nhảy múa thì bài toán về kinh phí vẫn nan giải.

Bên cạnh đó, làm liveshow về nhảy múa rủi ro cao hơn khi môn nghệ thuật này chưa thực sự mang tính "phổ thông" ở Việt Nam. Nói đến nhảy múa, khán giả thường có quan điểm đồng nhất nó với các tiết mục nhảy trên sân khấu hoặc cho rằng, múa trừu tượng, khó hiểu. Chính vì vậy, khả năng bán vé, thu hồi vốn sẽ rất khó khăn với các liveshow về nhảy múa.

Tường Phạm
.
.