Việc cần thực hiện sớm

Thứ Sáu, 11/11/2016, 13:05
Khi đề xuất định hướng đánh thuế nhà thứ hai trở lên với những cá nhân sở hữu nhiều nhà ở được đưa ra, đã có không ít tranh luận nổ ra. Có thể nói, đó là một trong những tranh luận cân bằng nhất trong thời đại xã hội mà người ta có thể tranh luận trên bất kỳ vấn đề gì, kể cả những lĩnh vực mà mình không thông suốt...

Nói đó là “tranh luận cân bằng” bởi ở vấn đề sở hữu nhà ở, hay nói đúng hơn là đánh thuế tài sản, đa số các ý kiến được đưa ra đều đến từ những cá nhân tương đối có uy tín xã hội, có trình độ và hiểu biết về lĩnh vực này.

Nhìn chung, trong xu thế phát triển hiện thời, việc đánh thuế tài sản, hay nói cụ thể ở câu chuyện đang được bàn đến ngày hôm nay là đánh thuế với nhà ở thứ hai trở lên, là một việc cần phải thực hiện, nếu không nói là cần làm sớm. Trên thế giới, số lượng quốc gia áp dụng loại thuế này không phải ít, và càng là các nước văn minh, phát triển, loại thuế này lại càng được áp dụng phổ biến.

Tại sao lại nói việc áp dụng loại thuế kể trên là việc cần phải làm đối với Việt Nam ngày nay phát xuất từ một lý do rất thực tiễn. Đó chính là tình trạng thị trường bất động sản hiện thời và xu hướng phát triển của nó trong khoảng hơn 20 năm qua.

Đánh thuế ngôi nhà thứ hai là việc làm cần thiết.

Không thể phủ nhận, đã có rất nhiều người giàu lên từ đất đai, nhà cửa và thậm chí, có những người chủ yếu sống bằng nghề buôn bán đất nhỏ lẻ. Nhưng chính sự manh mún của thị trường bất động sản không được điều tiết một cách khoa học đã làm nảy sinh tình trạng phát triển bong bóng và sau đó là đóng băng thị trường, dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn rơi vào tình trạng “bất động” và nợ xấu ngân hàng kéo dài.

Nói một cách thẳng thắn, đa số người kinh doanh bất động sản ở Việt Nam vẫn bước vào thị trường với tâm thế của thương nhân đơn thuần, chứ chưa phải những doanh nhân có năng lực, trình độ với những bước phân tích dự án, hạng mục đầu tư một cách khoa học nhất.

Bởi vậy, loại thuế kể trên có thể trở thành một công cụ điều tiết nền kinh tế rất hữu hiệu, vì nó khiến người có tiền đầu tư buộc phải cân nhắc giữa đầu cơ bất động sản với các hạng mục khác để đánh giá thiệt hơn một cách cặn kẽ.

Sự hợp lý của thuế đánh trên nhà sở hữu thứ hai trở lên nằm ở chỗ mỗi gia đình, về nhu cầu cơ bản chỉ cần 1 căn nhà để ở. Căn nhà đó được coi là tài sản phục vụ nhu cầu sinh hoạt tốt thiểu và cơ bản (nhu cầu sinh sống).

Vậy thì khi chủ thể có dư thừa tiền nhàn rỗi, và muốn mua một căn nhà thứ hai trở lên, khoản mua đó sẽ được coi là một khoản đầu tư, một hạng mục đầu tư. Và một khi đã là hạng mục đầu tư, tất nhiên nó phải chịu sự điều tiết của công cụ thuế.

Tại sao lại phải chịu sự điều tiết ấy? Dễ hiểu, nếu cùng với một khoản tiền khoảng 4-5 tỷ đồng, một cá nhân có lựa chọn: đầu tư vào thị trường chứng khoán; gửi tiết kiệm ngân hàng (cho vay); đầu tư kinh doanh; đầu tư nhà ở để cho thuê hoặc đầu cơ…

Nhiều người hiện nay đã không lựa chọn gửi tiết kiệm (vì lãi suất chưa đáp ứng nhu cầu sinh lợi của họ) hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán (vì họ không thích chứng khoán) mà thay vào đó, họ mua nhà hoặc xe hơi cho thuê.

Đơn giản, với khoản tiền đó, nếu gửi ngân hàng, lãi suất họ nhận được khoảng 35 triệu mỗi tháng. Nhưng nếu họ mua 5 chiếc xe hơi, cho thuê khoán đứt, họ có thể thu được 60 triệu mỗi tháng với điều kiện xăng xe, bảo dưỡng người thuê phải chịu. Và nếu họ mua 2 căn nhà nhỏ hoặc 3 căn hộ độc thân ở TP Hồ Chí Minh, họ có thể cho thuê được với giá khoảng 40 triệu trở lên.

Trong tương quan so sánh tiền trong ngân hàng không an toàn bằng bất động sản mình nắm giữ, người đầu tư sẵn sàng gạt bỏ phương án ngân hàng một cách dễ dàng. Vậy thì nếu một người đầu tư xe hơi cho thuê phải chịu thuế, tại sao người đầu tư, đầu cơ nhà để sinh lời, thậm chí có thể có lợi nhuận lớn hơn, lại không phải chịu thuế.

Đó là còn chưa kể đến tình trạng đầu tư/ đầu cơ nhà ở sẽ dẫn đến tình trạng những người cần nhà giá rẻ thì khó tìm mua được nhà trong khi những người dư thừa tiền lại dư thừa nhà giá rẻ. Điều đó tạo nên bất cân bằng xã hội với khoảng cách giàu nghèo sẽ càng phình to ra.

Trong khi đó, để phát triển kinh tế, ngân hàng rất cần huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Vì thế, công cụ thuế sẽ là thứ điều tiết mạnh mẽ để hướng lựa chọn đầu tư của người có tiền nhàn rỗi tới những lợi ích phát triển nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, để thực hiện được loại thuế này ở Việt Nam hiện nay rất cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng chứ không thể vội vàng nhìn vào cái lợi mà thực hiện khi chưa thể kiểm soát. Một trở ngại rất lớn hiện thời là ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu nhà nước và người dân chỉ được cấp quyền sử dụng.

Như vậy, nếu đầu tư của người có tiền nhàn rỗi hướng vào đất, chứ không phải nhà, thì thuế suất sẽ khác biệt ra sao. Hơn nữa, minh bạch tài sản chính là đòi hỏi quan trọng nhất để có thể tính thuế một cách công bằng, rõ ràng và mọi người đều tâm phục khẩu phục. Chưa hết, thanh toán cũng là vấn đề phải được tính đến bởi hiện nay, xã hội Việt Nam vẫn thông dụng việc thanh toán tiền mặt, chưa có quy định nghiêm khắc về việc thanh toán tín dụng ở những giao dịch giá trị lớn.

Nhìn chung, thuế nhà sở hữu thứ hai trở lên là một loại thuế văn minh, cần thực thi nhưng không thể gấp khi các hệ thống hỗ trợ nó chưa được hoàn thiện đầy đủ. Và trước mắt, để hướng tới thực hiện nó, song song với việc hoàn thiện các hệ thống cơ sở phục vụ nó, nên có những hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và chấp nhận loại thuế ấy như một điều kiện trước khi họ tính toán đầu tư vào hạng mục nào.

Hà Quang Minh
.
.