Vắng bóng phim truyền hình dành cho thiếu nhi

Thứ Bảy, 20/06/2020, 08:28
Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt có nhiều khởi sắc. Những bộ phim về đề tài chính luận, hình sự, tình yêu - hôn nhân... liên tục ra mắt và nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là phim truyền hình dành cho trẻ em lại hoàn toàn vắng bóng một thời gian khá dài.

Nhờ được đầu tư đúng hướng từ khâu kịch bản, đạo diễn đến diễn viên, quay phim... phim truyền hình Việt đã lấy lại sự yêu mến từ phía khán giả. Một số bộ phim đã trở thành hiện tượng trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, trong bức tranh phim truyền hình dần khởi sắc ấy vẫn có một mảng trống là dòng phim dành cho thiếu nhi.

Đã từ rất lâu, không có một bộ phim truyền hình dài tập nào có đề tài về trẻ em được phát sóng đến mức khán giả yêu phim Việt cũng không thể nhớ nổi, phim được chiếu gần đây nhất là phim nào. So với trước, thế hệ thiếu nhi hiện nay đang phải chịu thiệt thòi vì thiếu thốn những sản phẩm văn hóa dành riêng cho lứa tuổi của mình.

“Cậu bé nước Nam” là bộ phim hiếm hoi dành cho trẻ em được sản xuất thời gian gần đây.

Đã từng có giai đoạn, những người sản xuất phim truyền hình khá chú trọng tới việc sản xuất phim dành cho trẻ em. Đó là điều kiện để một số bộ phim ra đời, chinh phục được đông đảo khán giả nhí như "Đất phương Nam", "Kính vạn hoa", "Đội đặc nhiệm nhà C21", "Trinh thám nghiệp dư", "Ngũ quái Sài Gòn"...

Ngoài nội dung dung phim đa dạng, hấp dẫn, diễn viên nhập vai chân thực thì cách làm phim phù hợp tâm lý lứa tuổi đã giúp những bộ phim ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Trong số đó, đến nay, nhiều khán giả vẫn nhắc tới bộ phim "Đất phương Nam" (chuyển thể từ tác phẩm văn học "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi). Lấy bối cảnh chính là cuộc sống của người dân Nam Bộ trong thời kỳ Pháp thuộc, với hai nhân vật chính là An và Cò, ngoài bức tranh hiện thực rõ nét, phim còn mang tới thông điệp về tình bạn, tình yêu cuộc sống của người dân vùng sông nước ấy. Giai đoạn 2004 - 2005, nhiều bộ phim dành cho thiếu nhi được ra mắt và thành công.

Tiêu biểu phải kể tới "Kính vạn hoa" (được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). Với độ dài 28 tập, bộ phim khi đó thường xuyên được phát đi phát lại tại các Đài truyền hình. Ngoài một hai bộ phim về tuổi học trò của đạo diễn Lê Hoàng được phát sóng mà không tạo được hiệu ứng tích cực với khán giả thì hơn chục năm qua, gần như không có một bộ phim được truyền hình dài tập nào dành cho trẻ em được ra mắt.

Bộ phim gần đây nhất được sản xuất để dành cho thiếu nhi là "Cậu bé nước Nam" do Đài Truyền hình Vĩnh Long kết hợp cùng Phương Nam Film sản xuất. Phim này được phát sóng từ mùng 6 Tết Kỷ Hợi với độ dài 50 tập.

Có thể thấy, nhiều năm qua, mảng phim thiếu nhi thực sự là một khoảng trống trong bức tranh phim truyền hình Việt. Nhiều mùa hè trôi qua, khán giả nhí không có được đắm mình trong những câu chuyện, nhân vật của lứa tuổi mình trên màn ảnh nhỏ.

Sự thiếu hụt này, thoáng qua tưởng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của các em, đặc biệt là trẻ em nông thôn, miền núi hay vùng sâu vùng xa. Bởi, với trẻ em thành phố, mùa hè các em có thể tới rạp xem phim nước ngoài, tới trung tâm giải trí, tham gia các khóa học nghệ thuật.

Nhưng với trẻ em nông thôn, nơi chỉ có trang sách hay chiếc tivi làm phương tiện giải trí thì việc không có phim truyền hình dành riêng cho các em, đồng nghĩa với việc các em thiếu đi một phương tiện để làm phong phú đời sống tinh thần. Từ thực tế đó, có ý kiến cho rằng tuổi thơ của các em có thể bị đánh cắp bằng việc ngồi cùng người lớn xem những bộ phim dài tập không phù hợp lứa tuổi. Thậm chí có em sử dụng thời gian hè rảnh rỗi trong những quán game.

Không thể phủ nhận, hiện nay, trên truyền hình vẫn có vô số những chương trình giải trí dành cho khán giả nhí như các cuộc thi hát, các chương trình gameshow, các cuộc thi về kiến thức... Tuy nhiên, phim ảnh với đặc trưng của nó vẫn luôn là một món ăn tinh thần cần thiết và giúp các em giải trí, giáo dục nhân cách rất hiệu quả.

Cho đến nay, phim “Đất phương Nam” vẫn là một trong số ít bộ phim thành công ở mảng đề tài này.

Không khó để nhìn ra nguyên nhân khiến phim truyền hình dành cho trẻ em vắng bóng suốt một thời gian dài và chưa có tín hiệu thay đổi. Phía những nhà sản xuất thì cho rằng sản xuất một bộ phim truyền hình dành cho trẻ em khó khăn hơn so với làm phim về các đề tài khác, đặc biệt ở khâu diễn viên. Với đặc thù của phim truyền hình, quá trình sản xuất kéo dài nên không phải diễn viên nhí nào cũng đáp ứng được.

Các phụ huynh luôn phải cân nhắc giữa việc cho con đóng phim và đảm bảo số buổi học trên lớp. Coi việc đóng phim là tay ngang nên đa số phụ huynh vẫn giữ quan điểm việc học là chính. Mùa hè là thời điểm dễ dàng nhất cho các em tham gia đoàn làm phim nhưng không phải bộ phim nào cũng có thể quay vào thời điểm này. Lâu nay, diễn viên nhí tham gia phim phần lớn đều chỉ học diễn xuất ở những câu lạc bộ nên các nhà làm phim không có được những diễn viên chuyên nghiệp thực sự ở mọi phương diện.

Không chỉ thiếu nguồn diễn viên chuyên nghiệp, kịch bản phim truyền hình dành cho thiếu nhi cũng luôn trong tình trạng khan hiếm. Một số bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm văn học có thể chuyển sang phim không nhiều. Hơn nữa, để có được những bộ phim phù hợp với trẻ em hiện nay, cần những kịch bản viết về cuộc sống hiện đại với những nhân vật, vấn đề của đúng lứa tuổi đó. Đáng buồn là lâu nay, chúng ta chưa có một kịch bản phim dài hơi nào đáp ứng được tiêu chí này. Vẫn chỉ là những kịch bản dành cho tiểu phẩm, những tình huống phát sóng trên truyền hình.

Những khó khăn ấy khiến các nhà sản xuất phim thiếu nhiệt tình với dòng phim trẻ em. Thực tế là giờ đây, việc sản xuất phim của các nhà sản xuất tư nhân phụ thuộc vào quảng cáo. Phim không thu hút được quảng cáo, thua lỗ là điều chắc chắn, trong khi các thương hiệu nhãn hàng có vô số kênh lựa chọn để quảng bá.

Nhà sản xuất tư nhân không mặn mà với phim thiếu nhi vì bài toán kinh tế. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, để có được những bộ phim dành cho thiếu nhi cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Phim truyền hình cho thiếu nhi khó thu hồi vốn, sản xuất dễ lỗ, nếu nhà đài không hỗ trợ sóng, cơ quan quản lý nhà nước không hỗ trợ vốn thì rất ít nhà sản xuất tư nhân nào dám mạo hiểm với túi tiền của mình.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần có yêu cầu với Đài truyền hình như dành thời lượng nhất định hay có một tỷ lệ phim nhất định dành cho thiếu nhi. Nhưng đó phải là những bộ phim có bối cảnh trong nước, được sản xuất ở trong nước chứ không phải những phim mua bản quyền phát lại.

Trẻ em rất cần những bộ phim nói về gia đình, tình yêu thương, những giá trị đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày, những mơ ước khát vọng làm động lực để các em hướng tới trong tương lai. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, các sản phẩm giải trí cho thiếu nhi rất được chú trọng, thậm chí, họ có những hãng phim riêng để sản xuất cho thiếu nhi. 

Sự thiếu hụt dòng phim thiếu nhi tưởng chừng đơn giản nhưng có thể lại dẫn đến những hậu quả vô cùng nặng nề, đó là sự khô khan trong tâm hồn hay sự mất cân bằng, lạc lõng về văn hóa trên chính nơi mình sinh ra vì sự ảnh hưởng quá nhiều từ các sản phẩm văn hóa nước ngoài. Trẻ em là mầm non, tương lai của đất nước nên rất cần được nuôi dưỡng một cách đầy đủ từ vật chất đến tinh thần, từ nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức đến vui chơi, giải trí.

Hiện nay, mảng phim ảnh bị bỏ ngỏ dẫn đến một sự thiếu hụt trong bồi đắp đời sống tinh thần cho các em. Nhà sản xuất không mặn mà, cơ quan quản lý chưa có biện pháp hiệu quả để thay đổi thực trạng này dẫn đến phim truyền hình vẫn là một món ăn xa xỉ với các trẻ em. Nếu có được những bộ phim hay, hấp dẫn thì không chỉ giúp các em có một đời sống tinh thần phong phú mà còn thông qua đó tuyên truyền, giáo dục cho các em những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Khánh Thảo
.
.