Văn học trẻ: Thời của "nhà văn thần tượng"
Cảm xúc, lạ lẫm, trẻ trung... là những tính từ người ta ưu ái tặng cho tác phẩm của một số cây bút trẻ mới nổi gần đây. Sách của họ luôn nằm trong mục best-seller (sách bán chạy). Tên của họ luôn được độc giả trẻ háo hức kêu gào không kém ngôi sao showbiz mỗi khi họ xuất hiện. Họ là "nhà văn thần tượng".
Ngữ nghĩa của "nhà văn thần tượng" cũng na ná như "ca sĩ thần tượng", "diễn viên thần tượng"... Ca sĩ thần tượng được hâm mộ bởi giọng ca, vũ điệu. Diễn viên thần tượng được hâm mộ bởi cách diễn xuất. Nhưng khi đã gắn mác thần tượng, nghĩa là họ lung linh, toàn vẹn từ tài năng, ngoại hình cho đến lối sống và nhân cách trong mắt giới trẻ.
Tương tự, đối với "nhà văn thần tượng", họ là những cây bút 8x có ngoại hình "bắt mắt", có sách bán chạy, và đặc biệt họ là thần tượng của một fan hâm mộ hùng hậu. Đừng lẫm lẫn họ với những ngôi sao giải trí viết sách. Bởi việc viết sách, thể hiện văn tài đối với các cây bút trẻ này khiến họ nổi bật hơn, được hâm mộ hơn so với hoạt động nghề nghiệp trước đó của mình. Chữ nghĩa và nội dung cuốn sách của họ mang hàm lượng văn chương cao hơn rất nhiều so với những cuốn sách (mà đa số là hồi ký kể lể chuyện đời, chuyện nghề) đôi khi rất lủng củng của các sao. Và họ dùng ngòi bút để sống, hay chính xác hơn là kinh doanh chứ không viết chơi chơi.
Sự xuất hiện của "nhà văn thần tượng" đã khiến cho làng sách liên tục lên cơn sốt. Tác giả Anh Khang làm nên hiện tượng sách in ra, chưa kịp phát hành đã phải in bổ sung, điều mà trước nay chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh độc tôn. "Buồn làm sao buông" của anh đã đứng đầu danh sách 10 tác phẩm bán chạy nhất tại Hội sách TP HCM 2014. "Người yêu cũ có người yêu mới" của cô gái trẻ Iris Cao, "Thương nhau để đó" của Hamlet Trương - Iris Cao và "Nếu như không thể nói nếu như" của Jun Phạm cũng lọt vào danh sách này.
Những buổi giao lưu, tọa đàm nếu có mặt một trong số các "nhà văn thần tượng" này, khán giả trẻ luôn đông nghẹt. Băn khoăn, lo lắng và muốn đóng góp xây dựng văn hóa đọc thì ít mà số đến xem mặt thần tượng, nghe thần tượng nói chuyện, hát... hoặc ngồi chờ hết giờ để xin chữ ký hoặc chụp ảnh với thần tượng thì nhiều vô kể. Điều gì đã giúp "nhà văn thần tượng" làm nên cơn sốt?
Thứ nhất đó chính là sức hút của chính bản thân tác giả. Họ là những người trẻ. Vậy nên những điều họ viết ra, đồng điệu với giới trẻ là chuyện đương nhiên. Không ai hiểu giới trẻ bằng họ. Họ có ngoại hình nổi bật, sành điệu, có lối sống năng động và thân thiện. Họ biết chăm chút cho hình ảnh của mình khi xuất hiện bất cứ nơi đâu, nhất là hình ảnh và những phát biểu trên Facebook, nơi hàng ngàn người đang theo dõi họ. Trước khi cầm bút, họ đã có fan hâm mộ đông đảo bởi nghề nghiệp hiện tại.
Cây bút trẻ Anh Khang ký tặng sách trong vòng vây của fan hâm mộ. |
Jun Phạm là ca sĩ, thành viên của nhóm 365daband. Hamlet Trương được biết đến với tư cách nhạc sĩ, ca sĩ của dòng nhạc trẻ. Iris Cao làm việc tại công ty giải trí WEpro, Yan TV. Đồng thời cô còn là nhiếp ảnh gia quen thuộc của các ngôi sao showbiz. Còn Anh Khang vừa là phóng viên, vừa công tác trong lĩnh vực PR - Marketing, thỉnh thoảng còn lấn sân sang vai trò MC và sáng tác nhạc.
Ngoài ra, họ rất biết đặt những cái tựa theo kiểu chơi chữ, lặp từ nghe rất nên thơ và ấn tượng. "Buồn làm sao buông", "Nếu như không thể nói nếu như", "Ngày trôi về phía cũ", "Đường hai ngả người quen thành người lạ", "Người yêu cũ có người yêu mới"..., ngay cái tựa đã khiến độc giả cảm giác đây là một cuốn sách có nội dung lãng mạn và ngôn phong nhẹ bẫng như cái tên của nó.
Dự cảm đó quả không sai. Một số cây bút trẻ đã nắm bắt rất đúng mốt thời thượng của làng sách hiện nay: thể loại tản văn. Là loại văn tự do, cách thể hiện và nội dung đa dạng, mang tính chấm phá, chiêm nghiệm cuộc sống, tản văn đã được các tác giả tận dụng tối đa bởi nó rất hợp với nhịp sống đương đại xô bồ của giới trẻ. Chậm lại một chút, lắng lại một chút để nghe trang sách tâm tình, nhặt được mình trong đó. Tản văn còn là nơi thể hiện cá tính, mang đậm dấu ấn bản sắc của tác giả.
Bằng một lối văn duyên dáng, với "bộ áo" ngôn từ mới mẻ, phóng túng theo kiểu blog, nhật ký online hoặc status cảm xúc (dòng trạng thái), nội dung "nhà văn thần tượng" đề cập lại là vấn đề muôn thuở: tình yêu. Thảng hoặc xen lẫn vấn đề đương đại. Nó là câu chuyện, cảm thức của chính tác giả qua tiếng thủ thỉ chân tình, nghe như một câu thơ giàu nhạc điệu: "Anh chưa đi sao biết đường không thênh thang. Anh chưa nếm sao biết môi em chẳng ngọt ngào"... (Thương nhau để đó). Xen lẫn câu từ bảng lảng như thế là những câu thơ lãng mạn: "Buồn đem ra ngõ mà phơi/ Để cho người nhớ những lời người quên...". Hoặc "Hoa nở để mà tàn/ Người gặp để rẽ ngang" (Buồn làm sao buông).
Những câu chữ bay bổng, thổn thức này còn gửi gắm những triết lý vụn vặt - yếu tố ghi điểm trong mắt độc giả trẻ. "Có một người duy nhất để mãi mãi không thuộc về nhau nhưng cũng chẳng thể nào buông tay được. Có một người như thế, âu cũng là một phước phần cho riêng mình - dẫu có là phước phần đớn đau" (Buồn làm sao buông). Hay: "Tôi không dám chê trách hay mỉa mai ước mơ của người khác. Nhưng chân này ta co lên, chân khác ta phải đụng đất. Sự cố gắng và kiên trì chỉ có ích khi mình thực sự thuộc về thứ mà mình khao khát..." (Thương nhau để đó).
Chưa kể, hình thức cuốn sách giản dị, nhưng lịch thiệp. Với cuốn sách đầu tiên của mình, Iris Cao không chỉ là tác giả mà còn kiêm thiết kế mỹ thuật bằng những hình ảnh đẹp mắt do chính cô chụp. Còn Jun Phạm thì nhờ hai người bạn là ca sĩ Isaac và người đẹp Trương Minh Xuân Thảo làm nhân vật trong các hình minh họa. Đi kèm với sách còn là bài hát cùng tên "Nếu như không thể nói nếu như" do nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ sáng tác riêng cho sách với sự trình bày của ca sĩ Will, ra mắt rộng rãi trên Youtube, Facebook được cộng đồng mạng hưởng ứng.
Thực ra, những tản văn trên đã được các tác giả giới thiệu trên Facebook như một sự thử nghiệm và mời chào trước khi ra sách chính thức. Đây là điều quan trọng làm nên thành công cho tập thơ "Đi qua thương nhớ" của Nguyễn Phong Việt trước đó. Ngoài công cụ PR là mạng xã hội, chưa bao giờ chiến dịch quảng bá tác giả, tác phẩm cho những "nhà văn thần tượng" lại rầm rộ như hiện nay.
Các buổi giao lưu, tọa đàm, ký tặng xen lẫn ca hát, trình diễn, chiếu clip... liên tục diễn ra với nhiều hình thức. Mới đây là tọa đàm "Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì" của một đơn vị phát hành sách và buổi giao lưu, ca nhạc thân mật "Văn học trẻ, vừa mạnh mẽ, vừa rất hay" tại một quán cà phê. Ngoài ra họ rất thông minh khi biết kết hợp lại, tạo nên cái gọi là "gia đình văn hóa" nhằm tận dụng sức hút của nhau để quảng bá, hỗ trợ khi ra sách. Cho nên không lạ lẫm gì khi một người ra mắt sách thì các cây bút trẻ còn lại cũng có mặt để giao lưu, ký tặng.
Hẳn nhiên khi đọc những cuốn sách trên, nếu là người đọc khó tính, sẽ cho rằng văn chương hời hợt, nội dung xoàng xĩnh và làm "màu" một cách sến sẩm. Khắt khe hơn, có ý kiến cho rằng đó không phải là văn chương mà chỉ "giống văn chương". Những gì họ viết, tuy mới, tuy hấp dẫn, thông minh đến đâu nhưng nó vẫn quẫy đạp trong đáy giếng chật hẹp của cái tôi, chưa có những lý tưởng đại diện cho thế hệ. Nói cho công bằng, nếu xếp sách của họ vào văn học thì nó thuộc dòng văn học đại chúng, nặng về tính giải trí, thương mại, phổ cập theo thị hiếu đám đông.
Giá trị vĩnh hằng luôn khác hiện tượng nhất thời. Chẳng biết các tác giả trên có đi theo con đường viết văn chuyên nghiệp hay không? Nếu có, chặng đường xóa nhòa từ "thần tượng" sau từ "nhà văn" của họ còn rất chông gai. Bởi "thần tượng" có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nhưng "nhà văn" là một giá trị bất biến và không dễ gì giành lấy