Văn học sinh thái: Mảng màu bị bỏ quên
Khi thiên nhiên vắng bóng trong văn chương
Du Nguyên
Nhắc đến văn học viết về đề tài thiên nhiên, có người kêu giời ôi đất hỡi, bây giờ ai còn viết mấy cái “quê mùa” đó nữa?! Văn chương bây giờ cũng như showbiz, phải “sốc” một tí, sex một tí, hở hang một tí mới có độc giả. Còn văn học sinh thái, mới nghe lại tưởng chừng một bộ môn sinh học khô cứng, nhạt nhẽo nào đó. Các nhà văn không còn hào hứng khi viết về đề tài này. Thiên nhiên ngày càng vắng bóng trong đời sống văn học hiện nay.
Chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi, công nghệ số dẫn dắt thị hiếu nghe nhìn. Con người quay lưng lại với tự nhiên. Trong văn học hôm nay, thiên nhiên là một nhân vật vắng mặt. Thay vào đó là những vấn đề thời thượng, những câu chuyện hot. Thế hệ nhà văn trẻ còn bận rộn… cô đơn, hoang mang.
Dễ thấy rằng trong nhiều năm qua, văn học trẻ của Việt Nam mải miết chạy theo những đề tài hot như tình dục, giới tính, đạo đức, phê phán xã hội… Đây là những đề tài được xem là “chông chênh” và bao giờ cũng vấp phải phản ứng hai chiều; thế nhưng, nhiều tác giả vẫn chọn.
Lý do khám phá bản thể và mổ xẻ hiện thực tâm lý, đời sống thì ít mà lý do gây sốc, tạo dư luận, lôi kéo độc giả về phía mình là nhiều. Nhiều tác giả chạy theo thị hiếu số đông, không ngại tung ra những tác phẩm mì ăn liền, sến sẩm. Nếu nhìn vào đầu sách của họ quả thực đáng nể nhưng nhìn vào chất lượng thì… gần như tỷ lệ nghịch. Mười cuốn như một.
Đặc biệt, văn chương của các bạn viết trẻ, gần như chỉ có một nội dung xuyên suốt: nỗi cô đơn thế hệ. Nội dung đó luẩn quẩn từ tác giả này sang tác giả khác và làm cho đời sống văn chương trẻ hiện nay chưa bám rễ được vào đời sống. Có một nhà văn nói rằng, chúng ta đang bỏ rơi dần một cứu rỗi cho tâm hồn của chính chúng ta, đó là truyền thống hòa hợp tự nhiên – vốn được xem là một trong những nội dung cơ bản của văn chương phương Đông.
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai triển khai một số chương trình hợp tác giữa hai bên liên quan tới sáng tác viết về đề tài thiên nhiên. |
Số lượng các tác phẩm viết về đề tài thiên nhiên ngày một ít và có xu hướng “già hóa”. Điểm danh một lượt, ta có thể kể ra đây một số ví dụ về những nhà văn có nhiều sáng tác đẫm phong cảnh thiên nhiên như “Sống mãi với cây xanh”– Nguyễn Minh Châu;“Muối của rừng”, “Con thú lớn nhất”, “Sói trả thù”– Nguyễn Huy Thiệp; “Thập giá giữa rừng sâu”– Nguyễn Khắc Phê; “Chuyến đi săn cuối cùng”– Sương Nguyệt Minh…
Hoặc thế hệ cầm bút trẻ hơn như “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy; "Cơn mưa hoa mận trắng" của Phạm Duy Nghĩa; "Chuyện ở bản Piát" của Vũ Xuân Tửu; "Ma Núi Rắn" của Nguyễn Đức Lợi, “Khói trời lộng lẫy”, “Nước như nước mắt”, “Sông”, “Cánh đồng bất tận” – Nguyễn Ngọc Tư; một số tác phẩm ký của Nguyễn Hàng Tình… ngày một hiếm đi.
Đến thế hệ viết 9x thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay được lác đác một vài người nhưng dấu ấn về đề tài này nhìn chung chưa rõ rệt. Một số cái tên từng gây dấu ấn và đạt giải thưởng văn học thì theo “đời cơm áo”, chẳng thấy mặn mà gì con đường chữ nghĩa nữa.
Nhà văn trẻ ít quan tâm, độc giả muốn đọc những tác phẩm viết về đề tài này, lại phải tìm đọc những tác phẩm của thế hệ nhà văn đi trước. Sách của các nhà văn như Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Vũ Hùng được tái bản liên tục.
Đây là những cây đại thụ văn chương mà những tác phẩm của họ còn nguyên giá trị tới ngày nay. Nhà thơ Cao Xuân Sơn từng chia sẻ rằng, nếu không có nhà văn Đoàn Giỏi, anh không biết đến mảnh đất phương Nam; nếu không có nhà văn Vũ Hùng, anh cũng sẽ không biết được mảnh đất Tây Nguyên đẹp đến nhường nào.
Đó là những nhà văn của những vùng miền hoang dã, kỳ bí, nhưng cũng nặng chân tình, bình dị, mến yêu. Bằng tài năng, tình yêu thiên nhiên xứ sở, thông qua tác phẩm của mình, họ đã ký thác vào dòng chảy văn chương Việt Nam một thứ ngôn ngữ riêng đầy hấp dẫn khi viết về đề tài này.
Văn học không lệ thuộc đề tài nhưng vì một lí do nào đó mà bỏ quên, không chú ý đến đề tài sẽ làm cho văn học nghèo nàn đi rất nhiều. Nhất là mảng đề tài thiên nhiên – vốn là một đề tài rộng lớn, khơi gợi khả năng sáng tạo không cùng của nhà văn, những người làm chủ con chữ của mình.
Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Văn học viết về rừng núi là văn học thiểu số: Đúng nhưng chưa đủ!
Thủy Tiên (ghi)
- Các tác giả trẻ hiện nay khai thác đề tài tình yêu, cô đơn là chủ yếu. Văn học viết về rừng nói riêng và thiên nhiên nói chung gần như là một khoảng trống. Là một tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x, Cao Nguyệt Nguyên nghĩ sao?
+ Tôi nghĩ một phần thuộc về sự trải nghiệm và sở trường của mỗi người viết; phần nữa là các bạn trẻ bây giờ chủ yếu viết về đề tài hướng đến số đông, họ còn phải nghĩ đầu ra cho sách, sức tiêu thụ và sự nổi tiếng của bản thân. Bên cạnh đó, viết về rừng theo tôi không phải ai cũng viết được và viết thành công về mảng đề tài này. Phải những người tâm huyết, có kiến thức, sống đam mê và đắm đuối với rừng núi mới có được những tác phẩm hay.
- So với các bạn viết trẻ cùng thế hệ, Cao Nguyệt Nguyên có khá nhiều tác phẩm về đề tài này. Bạn thấy viết về đề tài này có gì khó?
+ Theo tôi, đó là sự trải nghiệm và tình yêu đối với mỗi vùng đất đi qua, mỗi phận người đã gặp. Bạn không thể viết về miền núi, về rừng bằng tưởng tượng được. Nó thiếu thuyết phục và xa vời lắm. Chưa kể, không có vốn sống về rừng, khó có được sự sinh động trong câu chữ. Khi bạn viết, người đọc sẽ không thể cảm nhận được. Bạn phải sống, phải trải nghiệm nó bằng lăng kính của một người cầm bút thì may ra...
- Sức hấp dẫn của đề tài này, theo bạn là gì?
+ Đề tài về miền núi luôn có sức lôi cuốn lạ kỳ với tôi. Không phải vì tôi sinh ra ở một vùng trung du miền núi mà vì mảng đề tài này rộng, có nhiều chiều kích để khai thác. Cuộc sống của những người đồng bào dân tộc, những phong tục tập quán, cách nghĩ và cách sống của họ trong thời đại mới khi kinh tế thị trường đã len lỏi tới từng bản làng.
Sự khốc liệt của cuộc sống in hằn rõ nét nhất mà mắt ai cũng nhìn thấy khi những cánh rừng dần thu hẹp, những mảnh đất trơ cằn xói lở… Rõ ràng, đề tài này vẫn chưa được khai thác hết, vẫn có nhiều điểm mù chưa được các tác giả chạm vào. Tất cả đều là chất kích nổ, thúc giục ngòi bút của những người sáng tạo.
- Lâu nay, văn học viết về đề tài rừng rú vẫn bị mặc định là văn học thiểu số. Có ý kiến cho rằng, nó vẫn chưa được trả về đúng vị trí trong dòng chảy của văn học. Bạn nghĩ sao?
+ Nếu nhìn ở một góc hẹp, thì đề tài núi rừng là văn học miền núi. Song đúng nhưng chưa đủ, chưa toàn diện vì nó đâu có phải là của riêng văn học miền núi? Nó là tài sản chung của xã hội, của mọi người. Đặc biệt là với văn học, có lẽ do nó xuất hiện ít, và xuất hiện hầu như chỉ dưới ngòi bút của các tác giả miền núi nên bị áp đặt khiên cưỡng như thế, chứ bản chất không phải vậy.
Tôi nghĩ rằng, văn học viết về mảng đề tài này chiếm một vị trí quan trọng và nên được đánh giá cao. Hiện nay, số lượng các tác giả 8x, 9x viết về mảng đề tài này rất ít, và ít có những tác phẩm có chất lượng thực sự được bạn đọc nhớ đến. Đó là một thách thức nhưng chúng ta vẫn nên hy vọng và chờ đợi những cây bút mới sẽ tìm được sở trường của mình ở mảng đề tài này bằng tình dành cho miền núi.
- Nhà văn trẻ không mặn mà gì một nhẽ. Độc giả hiện nay hình như cũng không quan tâm và thích đọc những tác phẩm viết về đề tài này thì phải?
+ Thực ra nói độc giả hiện nay không quan tâm và thích đọc những tác phẩm viết về đề tài này là chưa thực sự thỏa đáng. Tôi biết rằng, vẫn có một bộ phận đông đảo độc giả yêu mến đề tài này. Văn học viết về rừng núi vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam. Nó vẫn có đất sống của nó.
Một số cái tên gần với thế hệ của tôi nhất khi tiếp cận đề tài này cũng có những tác phẩm hay, mà hỏi ra, rất nhiều bạn đọc đều nhớ rõ tên như "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy; "Cơn mưa hoa mận trắng" của Phạm Duy Nghĩa; "Chuyện ở bản Piát" của Vũ Xuân Tửu; "Ma Núi Rắn" của Nguyễn Đức Lợi... Vấn đề là những cây bút trẻ chúng tôi hiện nay làm sao để viết hay, viết chân thực và làm người đọc đồng cảm, rung động được với tác phẩm của mình mới.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai: Biết yêu thiên nhiên, thiên nhiên sẽ đền đáp bạn
Đậu Dung (ghi)
Để có thể quảng bá hình ảnh thiên nhiên sâu rộng trong cộng đồng, không chỉ đơn thuần là công việc của các đơn vị bảo tồn như chúng tôi, mà cần sự nhập cuộc và hỗ trợ mang tính cộng hưởng của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có văn học – nghệ thuật. Thậm chí, tôi cho rằng, cần phải đưa vào hệ thống sách giáo dục những bài học về rừng, về thiên nhiên, về văn hóa ứng xử với rừng.
Hiện nay, chúng ta có một lỗ hổng lớn về vấn đề này. Sự hiểu biết, mối quan tâm của các em nhỏ cũng như các bạn trẻ dành cho rừng nói riêng và thiên nhiên nói chung còn nhiều hạn chế, đáng lo ngại.
Một tác phẩm viết về thiên nhiên đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi. |
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, khi đọc văn của nhà văn Đoàn Giỏi, của nhà văn Sơn Nam, tôi đã yêu mảnh đất Nam Bộ ra sao; khi đọc văn của nhà văn Vũ Hùng, yêu Tây Nguyên như thế nào. Thậm chí, văn chương có một sức sống mạnh mẽ đến nỗi, dù chưa đặt chân tới những mảnh đất ấy nhưng khi đọc những tác phẩm hay, chân thực, thấm đẫm cảm xúc của nhà văn, tôi đã say đắm và si mê nó rồi. Đó cũng là điều thôi thúc tôi tìm đến những nơi chốn đó sau này.
Tất nhiên, các bạn trẻ bây giờ, khi viết về đề tài này, không thể đi theo dấu chân của những nhà văn đi trước. Bây giờ mà viết như thế, có điều thừa, cũng có điều thiếu. Tôi cho rằng, mỗi thế hệ, thời đại đều có một câu chuyện riêng của thế hệ, của thời đại đó. Chúng ta tiếp thu những áng văn hay viết về đề tài này và thổi vào đó hơi thở của đời sống hôm nay. Có thế, tác phẩm của các bạn trẻ mới có đời sống, mới được độc giả đón nhận.
Có người hỏi tôi, vì sao thời trước, các cụ viết hay thế, có những tác phẩm nổi tiếng, ảnh hưởng đến thế mà thời bây giờ bói mãi cũng không ra? Có người nói rằng, thế hệ các bạn viết trẻ ngày nay không đủ tài năng.
Tôi nghĩ, nói thế có phần thiển cận. Họ không phải không có tài năng đâu. Nhiều bạn giỏi giang, thành đạt lắm chứ. Tuy nhiên, họ thiếu sự dấn thân, họ thiếu tình yêu mến, không đủ sự nhiệt thành dành cho đề tài này. Thành ra, họ không mặn mà lắm. Nếu không mặn mà, làm sao chúng ta có những tác phẩm hay được.
Vừa qua, có một số đoàn của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh lên Khu bảo tồn chúng tôi đi thực tế sáng tác. Hai bên đã có những trao đổi mang tính thiết thực. Phía Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Khu bảo tồn tới đây sẽ kết nghĩa, có một số chương trình hợp tác nhằm khơi dậy lại đề tài này trong sáng tác văn học, nghệ thuật.
Theo đó, sẽ có những chương trình đi thực tế sáng tác, các trại viết để các tác giả có cơ hội tìm hiểu sâu về thiên nhiên hoang dã, về rừng; đồng thời cũng sẽ có cuộc thi sáng tác về đề tài này. Ngoài ra, Khu bảo tồn chúng tôi cũng rộng tay chào đón những tác giả muốn tìm hiểu sâu thế giới thiên nhiên ở đây. Muốn ngủ lại trong rừng, chúng tôi cũng sẽ sắp xếp. Nhà văn có chữ nghĩa nhưng vốn kiến thức về rừng có hạn, chúng tôi sẽ bù khuyết những chỗ trống đó. Suy cho cùng, điều đáng nói nhất vẫn phải có tình yêu với rừng, với thiên nhiên thì mới có thể viết hay được. Mà muốn viết hay, phải hiểu nó đã. Muốn hiểu, phải đi. Chỉ có cách đó thôi.
Nhà văn Vũ Hùng:Con đường dẫn tôi tới thiên nhiên
Tôi nhập ngũ năm 1950, học trường Thuỷ quân rồi sau học khoa Thông tin của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Ra trường, tôi phụ trách một điện đài phục vụ một trung đoàn quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Tôi mang đài đi theo đơn vị quân báo của trung đoàn, phối hợp với các chiến sĩ của bộ đội It-xa-la, bộ đội chủ lực Lào, hoạt động trên Trường Sơn và trong vùng đồng bằng sông Mê-kông. Cuộc sống sôi động, luôn dịch chuyển của người quân báo làm tôi say mê. Tôi theo đơn vị đi đây đó khắp nơi, tiếp xúc rộng rãi, có dịp quan sát sinh hoạt của nhiều vùng.
Trong mỗi chuyến đi, bao giờ chúng tôi cũng kiếm được một người đưa đường. Thường đó là những ông già đã nhiều lần qua lại Trường Sơn. Họ thuộc từng đường ngang lối tắt, thuộc những câu chuyện của từng cánh rừng, từng ngọn núi. Trong nhiều năm, tôi đã theo họ đi trên lối đi của những bầy voi, theo vết mòn của nước chảy, ngược dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố, qua dãy Giăng Màn, đèo Mụ Giạ…
Buổi chiều, khi ngừng lại trong rừng, họ thường chọn một chỗ an toàn, ít dấu chân thú cho chúng tôi ngủ đêm được yên lành. Khi đốt lửa nấu bữa ăn chiều, bao giờ họ cũng lãnh nhận việc nướng thịt. Không ai nướng thịt rừng tài tình bằng họ: tảng thịt bữa nào cũng được bao phủ một lớp vỏ thơm giòn, giống như quay trong lò.
Vừa xoay tảng thịt trên than hồng, họ vừa kể cho chúng tôi nghe đủ chuyện: chuyện con voi già của đề đốc Lê Trực, chuyện tướng quân Cao Thăng, chuyện cụ Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần Vương, rồi những chuyện về tập tính của các loài thú, chuyện những dây phong lan... cả đến chuyện của những người buôn trâu bò và muối lậu vượt Trường Sơn.
Họ kể bằng một ngôn ngữ giản dị, ít lời nhưng nhiều hình ảnh, thứ ngôn ngữ riêng chỉ có trong rừng, nơi người ta nói rất ít và làm nhiều. Ngay giọng nói của họ cũng để lại ấn tượng sâu sắc: một giọng trầm buồn của những ai đã sống lâu ngày trong hoang vắng. Tất cả chúng tôi ngồi lặng im đón nghe từng tiếng thì thầm của họ, trong không khí phảng phất mùi hoa và mùi nhựa cây của rừng đêm.
Những ông già đưa đường chẳng những đã cung cấp cho tôi nhiều tài liệu, họ còn dạy tôi những bài học về cách dùng ngôn ngữ. Bài học giản dị nhưng rất khó theo: hãy gắng đừng nói những lời thừa.
Người phía Đông và phía Tây Trường Sơn cùng sống một cuộc sống đơn sơ nhưng phóng khoáng, gần gũi thiên nhiên. Thiên nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tính họ. Người Xô, người Xêk, người Vân Kiều sống ở những vùng rừng rậm núi hoang nên tính tình thầm lặng, xa vắng. Người Lào sống từ lâu đời trên những vùng đồng ruộng rộng rãi, bên những dòng sông trong xanh nên tính tình êm dịu, hiền lành.
Tuy khác nhau về tâm tính nhưng họ giống nhau về tình yêu quê hương, xứ sở. Vùng đất làng thân thuộc và hiền hoà như một lưng voi bát ngát. Ở đây mọi cái gắn bó với họ, khiến họ yêu tất cả trên đời: bà con bè bạn, li rượu trong bữa cơm chiều, cái bếp ấm lửa đêm khuya, con suối, cánh rừng, hoa lá, tiếng chim hót và tiếng nhạc những cây khèn… Họ gắn bó với nhịp sống và khung cảnh sống của họ đến mức khi bắt buộc phải rời làng, bao giờ họ cũng tìm đến nơi có con suối giống con suối ở làng cũ, nương rẫy giống như nương rẫy cũ…
Họ sống với những tập quán và những luật lệ gần như hoang dã nhưng nếu để công lựa chọn sẽ thấy nhiều phong tục tốt đẹp, nhiều luật lệ giản dị và công bằng, lấy sự quý trọng con người làm nền tảng.
Ở những bản làng xa vắng của họ, niềm mong mỏi đón khách có tự lâu đời. Bữa ăn nào, người ta cũng thổi thêm xôi phòng khi khách đến. Dù khách là ai, là cán bộ, bộ đội hay chỉ là người đi kiếm măng kiếm nấm thì khi lên nhà, gặp bữa ăn bao giờ cũngđược mời. Đừng khách sáo, hãy ngồi vào cùng ăn với họ.
Tôi đã được dự những đám cưới trong đó cặp vợ chồng thực hiện một nghi thức lạ lùng: họ lấy gai rừng chọc vào má mình cho ứa máu rồi áp má để hai dòng máu hoà lẫn vào nhau. Đó là dấu hiệu để giữ tình yêu đến trọn đời.
Tôi cũng đã được dự những buổi họp làng để khen ngợi người có công hoặc xử phạt người có lỗi. Ai cũng được quyền buộc tội hoặc bào chữa cho kẻ phạm lỗi mà không sợ hận thù, ân oán. Tôi ngạc nhiên vì bao giờ cũng có nhiều người bào chữa, hình như với tâm hồn đơn sơ, rộng rãi, con người ở đây ưa tha thứ hơn trừng phạt…
Tôi muốn giới thiệu mọi điều đó với bạn đọc. Nếu biết rõ về thiên nhiên, về sinh hoạt và phong tục tập quán của các vùng đất nước, bạn đọc có lẽ cũng sẽ như tôi, càng thêm yêu mến đất nước, yêu mến con người.
Tôi nghĩ rằng, muốn viết về cái gì cũng phải có hiểu biết sâu sắc về nó. Nhiều người cho rằng văn chương hư cấu cũng được, có thể dựng nên bởi trí tưởng tượng. Riêng viết về thiên nhiên, về rừng, không bịa được đâu. Đó là những điều không phải mình cứ bịa ra là được. Những điều đó diễn ra theo quy luật của tạo hóa, không phải diễn biến theo ý mình. Tôi không thích thứ văn chương hư cấu. Nếu có hư cấu, có tưởng tượng, tôi vẫn cho rằng nó phải được xây dựng trên một nền tảng của sự thực và quy luật khách quan. Để rồi từ sự thực đó, qua tâm hồn nhạy cảm, mến yêu của nhà văn đến với độc giả mọi thế hệ. Phải thật yêu mới được. Nếu không yêu, khó mà viết hay.
Các bạn viết trẻ hiện nay có một thiệt thòi, đó là vốn sống có hạn. Thế hệ chúng tôi vất vả, gian khó nhưng được đi nhiều, có nhiều trải nghiệm. Điều đó cần thiết với một người viết, nhất là viết văn.
Tôi luôn nhớ câu người dẫn đường nói ở trên, hãy gắng đừng nói những lời thừa. Nhưng tôi tự thấy, tôi vẫn chưa làm được tròn vẹn lời dặn đó. Tôi nghĩ, nếu có thời gian để sửa sang, có khi những tác phẩm của tôi còn rút ngắn được nữa. Tôi thích sự cô đọng.
Một người anh cũng từng nói tôi, hãy gắng biểu hiện nhiều nhất tư tưởng nhân văn. Vốn sống phong phú và vốn nhân bản sâu sắc là hai cái cơ bản trong hành trình trở thành một người viết về thiên nhiên. Người viết cũng phải yêu cuộc đời nữa. Những người trẻ bây giờ thiếu những điều đó. Tôi nghĩ, văn chương, nghệ thuật là lâu dài. Tôi từ chối phụng sự những cái ngoài văn chương, ngoài cái đẹp.