Vai trò của truyền thông trong tâm lý học đường

Thứ Sáu, 24/08/2018, 08:12
Với những vấn đề nhạy cảm như tâm lý học đường thì truyền thông Việt Nam đang bị quá đà, đi sâu vào khai thác đời tư, những yếu tố mang tính câu khách, đôi khi khiến dư luận hoang mang hơn là những phân tích mang tính giáo dục và định hướng.


Hậu quả nguy hiểm khi truyền thông quá đà

Hạnh Nguyên

Rõ ràng, tâm lý học đường đang là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm, đó cũng là mối lo chung của cả xã hội. Lo âu, trầm cảm, stress, thậm chí là tự tử, đều là những vấn đề của tâm lý học đường trước áp lực ngày càng cao từ học hành, từ xã hội, từ bạn bè.

Vậy truyền thông đóng vai trò như thế nào trong việc phản ánh tâm lý học đường để chúng ta có cái nhìn chân thực, nhân văn hơn.

Tại Hội thảo “Vai trò của truyền thông trong tâm lý học đường” vừa diễn ra tại Hà Nội, các diễn giả đã nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của truyền thông, ngoài việc phản ánh và cảnh báo cho người dân, truyền thông còn có vai trò định hướng và góp phần tạo dựng, gợi ý, xây dựng chính sách của Nhà nước trong ngành Giáo dục.

Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng và giáo dục Tâm lý học đường.

Truyền thông, quan trọng hơn nữa tạo ra “sự kết nối giữa nhà trường với xã hội và gia đình, giữa chuyên gia với cộng đồng”. Nhưng thực tế, truyền thông Việt Nam hiện nay đã làm tốt vai trò của mình hay chưa. Rõ ràng là chưa, thậm chí còn có rất nhiều bất cập trong việc phản ánh những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường. Truyền thông hiện nay thừa những bài câu view, dễ dãi, thiếu những bài báo nhân văn, khoa học. Hơn bao giờ hết, đạo đức của người làm báo được đề cao và góp phần quyết định giới hạn phản ánh của bài báo như thế nào.

Hơn nữa, báo chí Việt Nam chưa làm tốt vai trò của mình trong việc kết nối với các nhà khoa học. Họ mải chạy theo những thông tin bên lề để câu view hơn là những bài phỏng vấn chuyên sâu, những góc nhìn xác đáng, khoa học của các nhà nghiên cứu góp phần định hướng dư luận.

PGS. TS Trần Thành Nam khẳng định: “Báo chí có lẽ nên tập trung vào báo chí khoa học, tức báo chí chuyên sâu, báo chí chuyên biệt, báo chí chuyên ngành, những mảng mà chúng ta rất yếu”. Từ đó, truyền thông có lẽ mới làm tốt vai trò của mình, nhất là ở một lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng như tâm lý học đường.

Thạc sĩ Bùi Tiến Dũng, Trưởng ban Quốc tế Báo Tuổi trẻ: Truyền thông chưa làm tốt trong vấn đề kết nối với các nhà khoa học

- Theo anh sự khác biệt giữa truyền thông quốc tế và trong nước trong việc tiếp cận thông tin với các vấn đề tâm lý học đường hiện nay như thế nào?

+ Về sự khác biệt giữa truyền thông quốc tế và trong nước thì có lẽ tôi chỉ nói đến cái mà báo chí, truyền thông Việt Nam đang thiếu, đó là sự kết nối. Đó là sự kết nối giữa nhà trường với xã hội và gia đình, giữa chuyên gia với cộng đồng.

Theo tôi, công chúng cũng là một kênh rất hay, là một trong ba bộ phận có nhiều đóng góp trong sứ mệnh nuôi dạy con người mà lâu nay chúng ta đã bỏ quên. Chúng ta chỉ phó mặc cho nhà trường mà bỏ qua yếu tố gia đình, xã hội, cộng đồng và để làm được điều đó, chúng ta có nhiều phương tiện mà trong đó truyền thông, báo chí cũng là một phương tiện có vai trò quan trọng.

Ví dụ như Báo Tuổi trẻ là một tờ báo rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, chúng tôi dành rất nhiều tâm huyết trong mảng này, ít nhất 2 trang báo/ngày cho vấn đề giáo dục và có rất nhiều nội dung trong mảng này là tâm lý học đường. Chúng tôi chuyển tải một lượng thông tin rất lớn đến cộng đồng, xã hội.

- Việc kết nối giữa báo chí và các chuyên gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt thông tin và định hướng cho mọi người trong vấn đề tâm lý học đường. Nhưng ở ta, có vẻ điều này chưa được làm tốt?

+ PGS. TS Trần Thành Nam có nói một câu rất hay, đó là “Báo chí có lẽ nên tập trung vào báo chí khoa học, tức báo chí chuyên sâu, báo chí chuyên biệt, báo chí chuyên ngành, những mảng mà chúng ta rất yếu”. Cách đây 2, 3 năm, chúng tôi có thực hiện một dự án đào tạo báo chí khoa học quốc tế cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bao gồm 6 nước.

Mỗi nước cử khoảng 7-8 nhà báo tham dự dự án trong vòng 2 năm và chúng tôi sững sờ nhận ra rằng, lâu nay chúng ta ít nhắc tới lĩnh vực báo chí khoa học và đặc biệt là lĩnh vực liên quan tới giáo dục, nhất là tâm lý học đường. Tôi nghĩ rằng việc kết nối, mà một trong số đó là kết nối giữa những kiến thức, kỹ năng tiên tiến, hiện đại, phát triển của thế giới để áp dụng vào trong thực tế tâm lý học đường Việt Nam, báo chí làm vẫn chưa được tốt lắm.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để báo giới có thể tiếp cận đúng chuyên gia. Bởi đối với người làm báo, việc tiếp cận người được coi là chuyên gia nhưng lại không thực sự là chuyên gia, đó là một tai hại. Vì vậy, tôi mong các chuyên gia thực sự ở đây phải có cách nào đó có thể giúp chúng tôi tự mình lớn lên thêm chút nữa. Nghĩa là chính các nhà báo phải xóa mù tâm lý học đường trước rồi sau đó mới viết được.

Chúng ta cần biết mình cần gì ở các chuyên gia, để đặt hàng. Hy vọng chúng ta có thể chứng kiến sự thay đổi của báo chí, ít nhất là tờ báo nơi tôi đang công tác, Báo Tuổi trẻ, để chúng ta phản ánh được điều này trung thực, chính xác, khách quan, khoa học và giúp ích cho nhiều người.

- Vậy theo anh, hiện nay truyền thông đã làm tốt trách nhiệm của mình trong vấn đề tâm lý học đường hay chưa?

+ Báo chí hiện nay quá nhạy cảm với các chuyện tốt, xấu, tình, tiền, giết hiếp,… nó mang tính giật gân và thu hút người khác. Báo chí hiện nay đứng trước vòng xoáy về kinh tế, lượng độc giả đón đọc. Chi phí quảng cáo thì Google và Facebook lấy hết rồi. Nên có một tình trạng là báo chí câu view, fake news. Làm sao để chấm dứt tình trạng này, theo tôi giống như một số tờ báo đã làm, đó là đặt ra kim chỉ nam cho tờ báo, chúng ta không chỉ phản ánh những mặt tiêu cực, xấu xa của xã hội, mà còn một nhiệm vụ, sứ mệnh lớn lao, đó là lấy những cái đẹp, tích cực, tươi sáng, lấn át những cái xấu đi, điều mà lâu nay báo chí chúng ta làm không tốt.

Fake news có thể xảy ra với tất cả các loại báo, và như lời của CEO Vietel, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Truyền thông, ông nói một ý rất hay, tôi tạm vận dụng vào bối cảnh hiện nay đó là fake news nó có 2 loại, một là vô tình, tức là bản thân họ rất là tốt, không có ý xấu, họ làm nhưng do thiếu hiểu biết, thiếu sự chuyên sâu trong vấn đề đó. Ví dụ ta đưa tin về tâm lý học đường, nhưng ta đưa nửa phần, không chính xác thì vô tình tạo ra fake news. Loại này chúng ta cần bao dung. Loại thứ 2 là loại mà ta cần trừng trị, đó là cố tình đưa fake news, có ý đồ mục đích nào đó. Loại này cần thẳng tay.

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương: Khi đưa tin về trẻ em, hãy nghĩ ngay đến con em mình

Tôi cũng đồng ý là việc đưa tin giật gân rất nhanh, còn đưa tin tốt thì khó nhưng ngược lại, có một số nội dung, báo giới rất thụ động trong việc đưa tin trong khi trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đều lan truyền rất mạnh mẽ, mà đôi khi đó là những nội dung tuy nhỏ nhưng mang tính giáo dục cộng đồng, giáo dục con trẻ rất ý nghĩa. Điều mà chúng ta đang thiếu, đó là bây giờ nhà tâm lý học làm gì?

Ví dụ bây giờ phòng tâm lý học đã được thành lập, có văn bản quy định, nhưng chưa có mã ngành, mã nghề, không biết hoạt động như thế nào. Người làm nghề không biết làm gì. Chúng ta phải giải quyết được việc này.

Còn đối với báo giới, tôi nghĩ là khi đưa tin về trẻ em, thì hãy nghĩ ngay đến con của mình, em của mình, hãy nghĩ ngay đến bản thân mình hồi bé thì các bạn sẽ biết mình sẽ nên đưa cái gì. Hình ảnh các em có nên đưa hay không? Thân phận các em có nên nói hay không? Sự phức tạp trong mối quan hệ gia đình có nên khai thác hay không? Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta đưa lên một bài báo, có cảnh đánh nhau, chúng ta che mờ khuôn mặt các em đi là chúng ta đang bảo vệ các em, mà ngược lại, đó là chúng ta đang cổ súy cho bạo lực.

Vừa rồi chúng ta có Nghị quyết Trung ương 6 về bảo hiểm xã hội, chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng có nói là trong lĩnh vực bảo hiểm, thế giới có 6 bảo hiểm, Việt Nam chỉ có 5 cái, có duy nhất 1 cái thế giới làm rất tốt mà Việt Nam không có, đó là bảo hiểm gia đình. Nên tôi rất nghi ngờ trẻ con có được bảo vệ khỏi bạo lực gia đình hay không, ngay cả từ khi còn trong bụng mẹ, còn là bào thai thì có được bảo vệ không, câu trả lời cho vấn đề này là không có. Mà điều này cả xã hội phải cố gắng, không của riêng ai, nhưng mỗi người đóng góp một chút thì sẽ có kết quả.

GS. TS Phan Mai Hương, Cán bộ nghiên cứu Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Các nhà nghiên cứu cần chủ động kết nối với truyền thông

Tôi hiện là cán bộ nghiên cứu tại Viện Tâm lý học, trách nhiệm chính của chúng tôi là nghiên cứu và tư vấn chính sách. Chúng tôi không biết kết quả những nghiên cứu của mình sẽ đi được đến đâu nhưng chúng tôi biết rằng truyền thông là con đường để những kết quả ấy đến gần hơn với công chúng, và khi công chúng lên tiếng thì những kết quả ấy sẽ trở nên sống động và những nhà làm chính sách sẽ phải quan tâm.

Đấy là điều mà chúng tôi đã rút ra được. Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng nên những nhà nghiên cứu như chúng tôi cần tiếp xúc với giới truyền thông một cách chủ động hơn để đưa những kết quả nghiên cứu đến rộng hơn.

Một điều nữa là ở trên báo chí có thể có các số liệu khác nhau. Hầu như các báo khi bàn đến vấn đề gì cần có số liệu thì các số liệu được đưa ra hầu hết đều là các trường hợp chưa có các nghiên cứu, đánh giá mang tính khái quát hóa để hiểu những cái chung. Và chúng ta cần biết là để có những đánh giá mang tính khái quát hóa, chúng ta cần có các phương pháp nghiên cứu và cách trích lục số liệu làm sao cho chính xác.

Tôi đã xem xét một số bài báo khi nói về các số liệu này thì việc giải nghĩa cho các số liệu này cũng có cái sai. Vậy nên, những phương pháp mang tính khoa học đã không được các nhà báo tiếp cận đúng. Ví dụ thuật ngữ Điều tra xã hội học, trên thế giới không có thuật ngữ này mà chỉ có phương pháp điều tra, trong đó có phương pháp dành cho Xã hội học, các nhà Xã hội học Việt Nam là những người đầu tiên ở Việt Nam sử dụng thuật ngữ này và dùng quen. Vì vậy các nhà khoa học cần tiếp xúc với báo chí để chúng ta chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin chính xác, mang tính khái quát chứ không phải từ một trường hợp nhỏ để khái quát ra, điều này là không đúng.

PGS. TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội Làm báo hay làm khoa học đều phải đứng trên nguyên tắc “không gây hại một ai”

- Trong Hội thảo "Vai trò của truyền thông với tâm lý học đường", các diễn giả nhấn mạnh về sự kết nối của báo giới với các chuyên gia. Điều này rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin và định hướng cho độc giả. Vậy theo ông, quá trình tiếp cận của báo giới với các chuyên gia có gì đáng lưu tâm?

+ Tôi có phát hiện ra một điểm yếu của chúng ta, đó là các anh chị nhà báo, các anh chị không thể đi chuyên sâu vào các chuyên ngành, nhưng đối với những người làm khoa học như chúng tôi, đặc biệt những nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu, có nhiều kinh nghiệm thì họ không giỏi về truyền thông. Và nhiều lúc ở Việt Nam, có lẽ họ cũng sợ phải ra mặt trên truyền thông.

Ví dụ tại sao trên thế giới, về mặt dịch tễ học, tỉ lệ tự kỷ nó chỉ khoảng 1% thôi mà ở Việt Nam lại nhiều như thế? Mà Việt Nam là nước duy nhất chữa được tự kỷ. Tại vì sao, tại vì chúng ta chẩn đoán sai. Có một phần ở đây liên quan đến những người làm chuyên môn nhưng không phải chuyên môn thực, và cũng có ảnh hưởng của truyền thông vì những thông tin về dấu hiệu, kiến thức sai của tự kỷ được đưa lên mạng, các giáo viên, phụ huynh đọc nhiều rồi họ cũng cho rằng mình là chuyên gia, mình có thể áp dụng những kiến thức đó lên con em, học sinh của mình và chẩn đoán một bệnh nào đó.

Như vậy có thể thấy được ảnh hưởng của truyền thông và điều này gây ra nhiều khó khăn cho những người làm khoa học thực sự và chúng tôi thì không biết một kênh nào để chia sẻ hoặc nhờ các anh chị đính chính về thông tin đó.

Thứ 2, để làm cho xã hội tốt lên, chúng ta không muốn có một sự kỳ thị đối với những bạn lệch chuẩn về mặt hành vi hoặc tổn thương sức khỏe tinh thần tâm lý học đường, chúng ta cũng cần có các nhà báo hỗ trợ về truyền thông. Chúng tôi biết rằng những thông tin về các dạng bệnh rối loạn, lo âu, trầm cảm hay những vấn đề tâm lý học đường được đưa lên truyền thông toàn là những trường hợp quá nặng, mất hết khả năng lao động hoặc không còn khả năng hành vi, hoặc như trong phim ảnh, văn học cũng toàn là nhân vật hư cấu, sát nhân máu lạnh, điều này làm cho cộng đồng có những cái nhìn không đúng, tiêu cực nhiều hơn.

Bởi vì về cơ bản, chúng ta cũng có những lúc lo âu, trầm cảm nhưng chúng ta đã vượt qua và vẫn học tập, lao động, cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Thế nên nếu truyền thông không cùng những nhà khoa học làm rõ vấn đề này, sức mạnh không được tổng thể thì sẽ có nhiều ảnh hưởng rất tiêu cực mà không được xử lý.

Một tình trạng nữa là trong bối cảnh này đang fake news nhiều cái, kể cả những nhà khoa học như chúng tôi nếu như không cẩn thận cũng bị lừa như thường. Cách đây không lâu, có một tổ chức tâm thần nổi tiếng có nói rằng selfie quá nhiều trong 1 ngày cũng là bệnh tâm thần, thế là có một số người cũng là nhà khoa học đấy họ tin luôn.

Vì thông tin đó trích nguồn, có thể là trang uy tín, họ tin và tuyên truyền luôn việc đó, nhưng cuối cùng đó không phải thông tin chính xác mà là fake news. Cho nên trong khía cạnh khoa học cũng muốn có những nhà báo cùng đồng hành để đưa thông tin chính xác. Dạng fake news là một trong những vấn đề mà những người làm khoa học như chúng tôi rất phản đối, nhưng để chống lại nó chúng ta cần chung tay giải quyết.

- Vậy theo ông, làm sao để thấy được vai trò của nhà khoa học và truyền thông làm thế nào để giúp công chúng tiếp cận gần hơn những thông tin xác thực?

+ Tôi nghĩ, sau cùng thì tất cả chúng ta, những người làm báo chí, những nhà chuyên môn đều có một quy chuẩn đạo đức nói chung, tức là bản thân chúng tôi - những người làm khoa học khi đưa ra bất cứ thông tin gì cũng đều phải đứng trên nguyên tắc “Không gây hại đến một ai”.

Và báo giới cũng như vậy, nên như vậy. Nhiều lúc chúng tôi biết nhiều, nhưng nói như thế nào, giới hạn như thế nào là sự cân nhắc về mặt đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ, tại sao bạo lực học đường đã xảy ra từ lâu rồi nhưng đến tận thời điểm này mới là xu hướng, hot trend và bây giờ mọi người vẫn đang liên tục đưa tin về những vấn đề đó. Qua đó có thể thấy, giới truyền thông khi đưa tin cũng cần có một nguyên tắc, định lượng cần cân nhắc, tránh làm hoang mang dư luận.

Chỉ cần một em tự tử, truyền thông và tất cả mọi người xúm vào đưa tin về em tự tử đó, về sau lại có một loạt em tự tử theo. Cách thức tự tử cũng giống nhau. Nghĩa là việc này gây ảnh hưởng cho các em, rằng nếu các em chết theo cách đó, hành động theo cách đó, các em sẽ được xã hội quan tâm như vậy, trong khoảng thời gian dài như vậy. Điều này đánh động vào điều các em đang mong muốn có được chính là sự quan tâm của mọi người đối với mình.

- Có vẻ như bây giờ, truyền thông của chúng ta đang bị quá đà, họ không xác định được đâu là ngưỡng khi đưa tin về những vụ việc nhạy cảm như thế? Trong khi đó, họ lại thiếu sự kết nối với các chuyên gia?

+ Đúng vậy. Để nâng cao vai trò của tính xác thực từ chuyên gia đến với cộng đồng, tôi nghĩ rằng chúng ta cần có sự kết nối; làm sao có những cách thức nào để giới thiệu được các chuyên gia, kết nối với các chuyên gia để đưa ra được nguồn thông tin chính thống. Chúng ta cần cân nhắc giữa 2 chữ nhân trong nhân từ, đó là tiểu nhân, đại nhân. Không phải cứ gặp việc, hiện tượng gì, quay clip và đăng lên mạng xã hội hay đâu đó là nhân từ, nhân từ này chỉ là tiểu nhân. Mà chúng ta cần cân nhắc là hành động đăng lên đó của mình có bảo vệ được cả nạn nhân, thủ phạm, cân nhắc sự liên quan đến các vấn đề khác và mục đích chỉ là để cảnh báo nguy cơ và đây cũng chính là đại nhân.

Hành động đăng lên đó có tác động gì đến chính sách, có điều gì khiến các nhà khoa học phải nhảy vào nghiên cứu để phòng chống trong tương lai chứ không phải chỉ để sung sướng, thỏa mãn cá nhân, xã hội đang thích cái này thì tôi cũng post một cái mà dư luận quan tâm thích thú lên.

Chúng ta đều thấy rằng nhà báo có nguyên tắc nghề nghiệp của nhà báo, có nguyên tắc của đạo đức nghề nghiệp, cũng có những nguyên tắc kỹ thuật của chuyên môn nghề nghiệp và sự bất cập, sai lệch của thông tin, dù có được xem là chuyện thường nhưng đấy vẫn thuộc về chuyên môn của nhà báo và họ phải có trách nhiệm, họ phải tự chịu trách nhiệm về việc đó.

Ngược lại, bên phía các nhà khoa học, chúng ta thấy những chuyên gia tâm lý học đường họ cũng có những nguyên tắc nghề, nguyên tắc đạo đức, nguyên tắc trong chuyên môn và yêu cầu về mặt kỹ thuật của họ. Nếu như cả 2 đối tượng này đều làm tốt những điều này, chuyên gia tâm lý học đường làm tốt những nguyên tắc đạo đức nghề của mình, họ biết cách bảo vệ thân chủ, bảo vệ học sinh, biết cách đảm bảo những yếu tố tốt nhất cho người học. Những người làm tâm lý học đường, chúng ta có một nguyên tắc nghề nghiệp đó là bảo mật thông tin. Sự chia sẻ thông tin cho bên thứ 3 nó chỉ được xảy ra trong một số điều kiện nhất định nếu như thông tin đó khi được tiết lộ không gây hại cho học sinh, cho bất kỳ ai, hoặc theo yêu cầu của pháp luật.

Điều thứ 2 đó là chúng ta là những chuyên gia tâm lý học đường, chúng ta có danh dự, có chuyên môn. Trách nhiệm của chúng ta là trách nhiệm đối với cộng đồng. Giáo dục, truyền thông cộng đồng là trách nhiệm của chúng ta. Nếu chúng ta làm tốt trách nhiệm đó thì lập tức ta sẽ trở thành con người gan dạ, dũng cảm trong nghề nghiệp.

Như vậy, nghĩa là truyền thông cũng là một trong những yêu cầu nghề nghiệp, yêu cầu chuyên môn của những nhà khoa học. Như vậy chúng ta phải làm sao để nhà khoa học hay nhà báo, mỗi bên đều làm tốt nhất phần công việc, nhiệm vụ của mình để 2 nhà đều tốt thì sẽ kết nối lại với nhau. 
PV
.
.