Tục xông đất: Những ý nghĩa nhân văn vĩnh cửu!

Thứ Sáu, 12/02/2021, 11:37
Cái lõi ý nghĩa của tục xông đất đầu năm là khát vọng tốt lành, may mắn, hạnh phúc. Khó tìm ra lịch sử tục này có từ khi nào, chỉ biết nó gắn liền với ngày đầu năm mới có ở hầu hết các dân tộc phương Đông của nền văn minh lúa nước. Ở nước ta, từ thời Vua Hùng, đây đã được coi đây là một mỹ tục.


Xông đất (còn gọi là xông nhà) là việc vào giờ/ngày đầu của năm mới một người (đàn ông) từ bên ngoài nhà vào chúc chủ nhà những điều tốt đẹp nhất, ăn nên làm ra, mạnh khỏe, phúc lộc dồi dào, thành công, thành đạt... Nếu nhà có trẻ con thì “mừng tuổi” chúng bằng tiền lẻ còn mới được cho vào một phong bao màu đỏ tươi. Chủ nhà đáp lễ cũng chúc những lời “có cánh” và không thể thiếu việc mời khách chén rượu đầu xuân... 

Như vậy người xông không cứ phải là khách mà có thể là người trong nhà, trước giao thừa đi lễ chùa hái lộc hoặc du xuân đâu đó, sau giao thừa về chính nhà mình “xông”. Điều cơ bản và quan trọng nhất là “hợp tuổi” và tâm tính nên người xông thường được gia chủ chọn và có “lời” trước đó, có khi là cả vài tháng. Vì một quan niệm từ rất xưa là xông nhà đầu năm mang tính “quyết định” mọi việc trong năm của cả nhà! Chữ “xông” nghĩa là tiến đến. Ngày nay vẫn dùng trong ngữ cảnh “xông lên”, “xông vào”...

Nghi thức tái hiện Lễ hội Tịch điền!

Có một “văn bản” bất thành văn trong việc chọn người xông nhà phải dựa trên các “tiêu chí” về sức khỏe (khỏe mạnh, ít ốm đau, thần sắc tươi tỉnh, nhanh nhẹn, hoạt bát); về gia cảnh (vợ con đề huề, đủ trai đủ gái, ăn nên làm ra); về địa vị xã hội (được mọi người nể trọng, tin cậy); về tính cách (xởi lởi, hồn hậu, thương người, giúp người). Các tiêu chí “mềm” này có thể không “hoàn mỹ” nhưng ít nhất cũng phải “được”. 

Nhưng tiêu chí “cứng” là “hợp tuổi” thì bất di bất dịch. Ví như chọn người xông nhà năm Tân Sửu này phải chọn người có ngũ hành, thiên can, địa chi tương sinh với tuổi của chủ nhà, cũng đồng thời phải tương sinh với năm Tân Sửu. Chủ nhà mệnh Hỏa nên chọn người mệnh Mộc, Thổ, Hỏa. Chủ nhà mệnh Thổ nên chọn người mệnh Hỏa, Kim, Thổ...

Điều này không hề duy tâm mà thực sự duy vật. Khoa học tâm lý thần kinh hiện đại chứng minh mỗi người có một “trường sinh học” riêng, có “hút” có “đẩy” theo một quy luật nhất định, tức có “tương sinh”, “tương khắc”. Gần gũi với chuyện xông nhà (của năm) này là chuyện “đón vía” (của ngày). Ngày trước (và cả bây giờ) trước khi đi việc hệ trọng, người ta thường chọn người có “vía” tốt “đón đường” (là người đầu tiên gặp). Người này hẳn nhiên phải là con trai, có “tiêu chí” gần với “xông nhà”. 

Nhưng cả “xông nhà” và “đón vía” nếu ngẫu nhiên gặp được bé trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh là sự tốt nhất. Vì trẻ em luôn là biểu tượng cho sự trong sáng, thánh thiện, phát triển. Trong truyền thống yêu trẻ quý người thì tự thân hình tượng này biểu hiện của khát vọng may mắn, tốt lành. “Xông nhà” hay “đón vía” cũng là sự hy vọng hanh thông. Ngay trong tâm lý thông thường thì các khát vọng gặp gỡ, nâng đỡ nhau đã là niềm vui! Chưa biết mục đích chuyến đi thành công thế nào nhưng người đi đã thấy vui, đã thấy sự hứa hẹn... 

Chuyện kể trước 1945 một nhà tư sản đốt pháo đón giao thừa, đúng lúc ấy mấy đứa trẻ hàng phố “xông” vào nhặt pháo “lép”. Chủ nhà ngán ngẩm thất vọng sẽ có một năm “lụn bại” (vì “xông nhà” là những đứa trẻ con nhà nghèo, thậm chí ăn mày!). Nhưng ngược lại với suy nghĩ này thì suốt năm ấy, cả gia đình ông đều tốt đẹp. Ông đem chuyện kể với nhà tử vi nổi tiếng mới biết thế là điềm may. Năm sau ông chủ động mời những đứa trẻ “xông nhà” thì “hiệu quả” không như ý...

Thì ra trong chuyện “xông nhà” này không thể cứ “cố ý” là “như ý” được! Còn là chuyện “nhân duyên”. Thế nên mới có giai thoại về cụ Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859) thời chưa làm quan, nhà nghèo, mời người xông nhà không được, ông bèn có câu đối: “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/ Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”. 

Ông lấy cái nghèo để làm câu đối vui, rồi bao người nghèo vui lây nhờ câu đối nổi tiếng này. Nó còn cho ta thấy một tập quán ai có công nợ gì thì phải “giải quyết” trong chiều ba mươi, còn đến giao thừa Mồng Một chỉ là chuyện vui, chuyện lạc quan. “Bồng ông phúc” cũng là một cách “xông nhà”. “Ông phúc” là điều lành, tốt đẹp, may mắn!

Biểu tượng Trâu vàng đem đến thành công của Sea Games 2003.

Khoa học phong thủy hiện đại chứng minh mỗi mảnh đất/vùng đất cũng có “từ trường” (tốt/xấu) hợp với người này chẳng hợp với người kia. Việc xông nhà, về bản chất là mang một năng lượng sinh học mới không chỉ cho người mà còn cho cả đất đai. Năng lượng này “đến” vào thời điểm nhạy cảm nhất là lúc giao mùa/giao thừa (Tết/tiết tức thời điểm chuyển giao cuối năm và đầu năm) thì sự hô ứng, tiếp nhận diễn ra càng “trọn vẹn”. Cũng chính vì vậy mà gọi “xông nhà” hay “xông đất” đều đúng.

Thêm nữa, theo tín ngưỡng thờ cúng thì ngày Tết là sự gặp gỡ của đại gia đình, cả ông bà tổ tiên (gia tiên) về phù hộ con cháu, cả gia thần (ông Công ông Táo, tức thổ địa) nên người xông nhà đến còn là sự “chúc phúc” cho cả gia tiên, gia thần. Lời chúc đầu năm luôn được “thiêng” hóa là vì thế. Ai ai cũng đều chúc nhau những điều may mắn. Ai ai cũng hy vọng một năm tràn đầy thành công. Người ta kiêng những điều nói “gở”, nói sái... Thì ra ý thức đổi mới, khát vọng đổi mới có trong sâu thẳm tâm thức của bất cứ ai!

Với người Việt ta thì mô hình “nước” là sự mở rộng của “nhà”, “nhà” với “nước” ghép lại thành “Nhà nước”, tức “nhà” với “nước” là một. Việc nước cũng là việc nhà. Gắn bó, sống chết với ruộng đồng nên “nhà” với “ruộng” cũng đồng nhất với nhau, thậm chí ruộng đồng nhất với người (mặt chữ điền)... Thế nên có “xông nhà” ắt có “xông ruộng”, “xông nước” mà Lễ hội Tịch điền là sự thể hiện sinh động nhất. 

Sau khi “Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy” và những chuyện tế lễ khác thì ngày 7 tháng Giêng tổ chức Lễ hội Tịch điền. Cũng hẳn nhiên Vua (chủ của nước nhà), người quyền cao chức trọng nhất, có uy tín nhất luôn mặc áo vàng (hành thổ) cầm cày, tức là người “xông ruộng”. 

Tương truyền lễ hội này do vua Thần Nông, thủy tổ của người Việt, cụ nội của Vua Hùng khai mở. Cũng như “xông nhà”, về bản chất “xông ruộng” (dân gian còn gọi là “xuống đồng”. Chữ Hán là “Hạ điền cầu bông”) mang khát vọng no ấm cầu Thần Nông, các thần mây, mưa, sấm, chớp... các thành hoàng, thổ địa cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Mùa xuân năm 987, Vua Lê Đại Hành cày ruộng ở Đọi Sơn, tương truyền bắt được chum vàng. Năm 988, vua cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vàng bạc chắc không có nhưng cái có thật là sự khuyến khích nhân dân gắn bó với đất đai chăm chỉ cày cấy thì sẽ cho thành quả “vàng bạc”! Dù là vua nhưng vẫn cầm cày, “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Hình ảnh này ấn tượng sâu đậm với người nông dân về nghề nông, về sự tôn trọng quý trọng con trâu “đầu cơ nghiệp” cùng con người sản xuất lúa gạo nuôi sống xã hội!

Ngày nay người xông nhà mừng tuổi bằng vàng, bằng tiền, bằng nhiều tiền, thậm chí bằng “đô la xanh” thì tính nhân văn nguyên thủy (thiên về tinh thần, tiền lẻ chỉ là biểu trưng) không còn. Có khi đấy là sự “biến tướng” sang lĩnh vực “vật chất” của những điều không tốt đẹp!? Xin giới thiệu lại nguồn gốc.

Ngày xưa dưới hạ giới có một cây đào rất to, là nơi trú ngụ của rất nhiều yêu quái như hồ ly tinh, chuột tinh, ma quỷ... Chúng luôn muốn quấy phá gây hại cho con người nhưng bị các thần tiên canh giữ ngăn chặn nên chúng không làm gì được. Nhưng mỗi năm, tới đêm giao thừa, các vị tiên đều phải về trời để “thiết triều”. Được dịp, lũ yêu tinh tác oai tác quái. Thường lúc giao thừa chúng lẻn vào nhà xoa đầu trẻ con trêu chọc. Con trẻ đang yên giấc bỗng khóc thét, sợ hãi. Các bố mẹ phải thức cả đêm để canh trẻ. 

Lần ấy, có mấy vị tiên đi tuần bắt gặp, hiểu rõ ngọn ngành, các vị bèn hóa thành những đồng tiền nằm bên con trẻ. Yêu tinh đến những đồng tiền lóe sáng làm chúng sợ hãi bỏ chạy. Từ đó Tết đến, người lớn bỏ tiền vào trong phong bao màu đỏ tặng con trẻ để tránh yêu quái. Đấy là tiền mừng tuổi mong chúng hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, tránh mọi sự dữ, đón mọi điều lành. 

Ngày nay người lớn có cần phải “hay ăn chóng lớn” đâu mà còn “mừng tuổi”?! Người được mừng mà nhận cũng vô duyên, vì tự coi mình là trẻ con! Nhưng mừng tuổi người già thì đúng, vì “một già một trẻ bằng nhau”. Nên mừng tuổi người già để họ có thêm “vũ khí” chống lại “yêu tinh” đau ốm, bệnh tật!

Nguyễn Thanh Tú
.
.