Từ Trạng đến Trạng

Thứ Năm, 21/01/2021, 15:41
Bộ phim “Trạng Tí” đang rục rịch ra rạp, đang được rả rích quảng bá trên các kênh truyền thông. Câu hỏi thú vị là “Liệu nó có trở thành một phim bán chạy như Trạng Quỳnh hay không?”.


Nó có vẻ sẽ là một bộ phim hài giải trí, và cũng dựa trên một câu chuyện Trạng phổ biến như “Trạng Quỳnh”. Điểm khác với “Trạng Quỳnh” chỉ nằm ở chỗ khán giả mục tiêu của “Trạng Tí” là thế hệ sinh ra sau năm 2000, thế hệ đã quá quen với bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” mà trong đó, Trạng Tí là nhân vật biểu tượng.

Chưa thể trả lời “Trạng Tí” có đạt doanh thu như “Trạng Quỳnh” hay không hoặc có dở như “Trạng Quỳnh” hay không, nhưng có một điểm chúng ta có thể tin là giọng của các nhân vật trong phim sẽ khác với các nhân vật trong “Trạng Quỳnh”, ít ra cũng một phần nào đó, sau khi chúng ta xem trailer của phim vốn đã được tung trên mạng.

Một tình trạng phổ biến của phim Việt hiện nay là sử dụng giọng của nhân vật thiếu tính chân thực. “Trạng Quỳnh” là một trong rất nhiều phim lấy bối cảnh câu chuyện miền Bắc, nhân vật là người miền Bắc nhưng lại nghiễm nhiên nói giọng miền Nam. Điều này có thể sẽ là bình thường đối với những khán giả đến rạp xem phim để giải trí đơn thuần. Nhưng với những ai nghiêm túc với điện ảnh, nó là điều không thể chấp nhận.

Điện ảnh có thể ước lệ, có thể phá cách, có thể gì đi nữa thì vẫn có những vùng khu biệt riêng không được rời xa sự thật. Ví dụ như phim “Tấm Cám chuyện chưa kể”, nhân vật cứ nghiễm nhiên nói giọng miền Nam một cách bất chấp thực tế. 

Có thể sẽ có lý giải rằng vì phim được các hãng miền Nam sản xuất, thị trường điện ảnh phía Nam phát triển hơn, diễn viên toàn người miền Nam nên muốn lấy tiếng thật, do đó sử dụng giọng miền Nam. 

Song, lý giải đó là ngớ ngẩn, thể hiện tính cẩu thả của điện ảnh Việt hiện nay. Dù có là hãng phim phía Nam đi nữa, thị trường phía Nam phát triển hơn đi nữa, nhưng không thiếu diễn viên miền Bắc đủ tài để đảm nhận vai diễn và khán giả cũng không hề phản ứng lại với giọng miền Bắc nếu như phim hay, diễn xuất giỏi và đúng.

Ở nước ngoài, tính ước lệ bây giờ cũng rất cao, và nhiều vai diễn tưởng như không thể giao cho diễn viên có một xuất xứ khác vẫn được quyết định giao cho diễn viên như thế. Điển hình như series mới và khá hấp dẫn hiện nay về giới quý tộc Anh là bộ phim “Bridgerton”. 

Vai công tước Hastings của diễn viên lai gốc Phi Rege-Jean Page rất đáng tham khảo. Bối cảnh thời đầu thế kỷ 19 ở Anh, việc có một công tước da màu là gần như không thể. Nhưng điện ảnh thì vẫn cho phép, nhất là trong câu chuyện tưởng tượng.

Tuy vậy, tưởng tượng không thể phá vỡ không gian lịch sử. Bộ phim “The last Kingdom” nói về thời kỳ nước Anh chưa thành hình và xứ sở ấy còn là cuộc tranh đua giữa người Saxon, Briton, Scott và cả những người Viking xâm lấn. 

Trong không gian lịch sử ấy, nhất là khi câu chuyện gắn với một con người lịch sử có thật như Alfred đại đế, chỉ có sự xuất hiện của nhân vật với hình mẫu Vikings, Saxon, Briton, Celt, Scott... chứ không thể có người gốc Phi. Thậm chí, đôi chỗ, họ còn dùng thứ tiếng Anh cổ của thời thế kỷ thứ 9. Và chuyện phim đó hoàn toàn là hư cấu, nhưng trong hư cấu, sự thật vẫn có chỗ đứng của nó, rất đàng hoàng.

Chúng ta đã từng chứng kiến những phim dã sử Việt mà nhân vật ở thời Đinh, Lý, Trần, Lê lại nghiễm nhiên nói giọng miền Nam. Đó là sự cẩu thả, hay là sự xem thường tri thức khán giả? Khó trả lời. Nhưng có khi, phê bình nhà làm phim cũng sẽ đồng nghĩa với việc hứng gạch đá công kích ngược lại. Bởi thế, nhiều người... ngại chẳng buồn nói nữa.

Văn Đoàn
.
.