Người hâm mộ và thần tượng

Truyền thông tạo ra thần tượng ảo

Thứ Hai, 30/04/2012, 08:00
Phỏng vấn nhà thơ Phan Huyền Thư.

- Chị Phan Huyền Thư thân mến, khi chị còn nhỏ, ai là thần tượng của chị và họ có ý nghĩa như thế nào đối với chị trong những năm tháng còn ngồi ghế nhà trường?

+ Suốt những năm đi học, tôi đều cố gắng phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ, vì tôi thần tượng Bác Hồ. Nhưng không chỉ có thế, sống cùng trang sách của tôi là những Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ, Nguyễn Bá Ngọc, Hồ Giáo...v.v. Tôi vẫn biết ơn hệ thống giáo dục trước cải cách, tôi thuộc hệ "I- Tờ" , thuộc hệ "Chú Kim đua xe đạp, chú đạp giỏi lắm, hoan hô chú Kim...". Đúng ra là tôi may mắn vì được cùng học chung một hệ thống giáo dục với "ông bà bô" nên các giá trị nhân cách, giá trị sống, nghị lực và lý tưởng sống trong gia đình khá đồng nhất... Theo thực tế những gì tôi trải qua thì thần tượng đối với tôi cũng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển và trưởng thành của chính mình. Sau này, còn những Einsteins, Chez Guevara rồi Bill Gates, rồi đến Osho, hay Jose Mourinho... nhưng cũng may là không phải là Bi Rains hay Châu Việt Cường để mà phải hôn ghế hay bị cưỡng bức.

- Mẹ chị, NSND Thanh Hoa, từng là thần tượng một thời của nhiều người bởi chính tài năng ca hát của bà. Bà có phải là thần tượng của chị không?

+ Mẹ tôi đã từng là thần tượng của một thời, điều này tôi đã vinh dự được mục sở thị từ khi còn bé. Có hôm, cả một chiếc xe Hải âu chở đại biểu đi họp của một tỉnh tìm đến tận nhà tôi chỉ để biếu mẹ tôi mấy cân đậu xanh và gạo nếp... vì họ thương nghệ sĩ vất vả, lao động còn nặng nhọc hơn cả nhà nông. Họ nói: "Đêm hôm trước nghe chị ngâm thơ gửi đồng bào ở xa Tổ quốc đến hơn 11 giờ, thế mà hôm sau, mới hơn 4 giờ sáng đã nghe chị hát véo von trên đài rồi...". Mẹ tôi nhờ có những tấm lòng và sự chia sẻ ấy mà cống hiến suốt gần 50 năm liên tục để phục vụ quần chúng nhân dân không biết mệt mỏi, không có khái niệm"ngôi sao" hay không bao giờ biết định giá mức "cát-xê" thế nào cho tương xứng với tên tuổi và vị thế của mình... Chẳng riêng gì mẹ tôi, hầu hết các nghệ sĩ của thời đó đều như vậy cả. Tôi nghĩ, thời thế tạo anh hùng. Thời đại thế nào, hình mẫu thần tượng của xã hội sẽ như thế ấy... Còn với tôi, mẹ tôi tốt nhất lúc nào chỉ nên là mẹ của tôi thôi.

- Dường như trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có thần tượng của riêng mình, là một hình mẫu để ta phấn đấu, theo đuổi nhằm vươn tới những mục đích tốt đẹp. Nhưng ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến rất nhiều bạn trẻ thần tượng một nhân vật nào đó theo "phong trào", không dựa trên nền tảng văn hóa và tri thức nào cả. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, chẳng hạn như câu chuyện về một nữ sinh lớp 12 ở Hải Phòng thần tượng một ca sĩ mà tên tuổi trước đó chưa từng được mấy người biết tới là Châu Việt Cường, và sau đó tố cáo bị ca sĩ này cưỡng hiếp. Chị bình luận thế nào về mối quan hệ của người nghệ sĩ và người hâm mộ trong những câu chuyện như vậy?

+ Tôi nghĩ trong chuyện này, truyền thông phải chịu trách nhiệm khá lớn đấy! Nếu báo chí không vì chạy theo những scandal hay muốn chứng tỏ "quyền lực mềm" của mình bằng cách tạo ra các giá trị ảo cho các nhân vật, cho các trào lưu còn thấp về giá trị thẩm mỹ và nhân văn... thì chưa chắc hội chứng "mù màu", "loạn thị" của thị trường giải trí về các "ngôi sao chết yểu" đã bị biến thành dịch bệnh như hiện nay.

- Thưa chị, nhìn vào các bạn trẻ tuổi học đường hôm nay, thật hiếm hoi những ví dụ về những bạn trẻ thần tượng các nhân vật lịch sử, những người có công lao trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà phần lớn là thần tượng các nghệ sĩ trong giới showbiz. Thần tượng của các em có khi là một ca sĩ thị trường, nổi tiếng bằng những Scandan tình ái, chụp ảnh khỏa thân, phát ngôn gây sốc là chính… Ngoài những hệ lụy liên quan đến truyền thông ra, theo chị còn lý do nào khác?

+ Tôi không khỏi đau lòng khi đọc báo, đặc biệt là báo mạng, và thấy những thông tin chính thống, quan trọng, liên quan đến danh diện của đất nước, vận mệnh dân tộc và quyền lợi của nhân dân... rất ít được đề cao hay chăm chút một cách tận tâm. Trong khi đó, nhan nhản các thông tin giật gân vẽ ra một bức tranh xã hội thật đen tối: bạo lực, tình dục, ma tuý, tội ác, biến thái về đạo đức, nhân cách và cả lối sống. Có chăng vài thông tin mang tính hữu ích thì cũng chỉ quẩn quanh vài mẹo chăm sóc sức khoẻ, làm sao để trẻ đẹp, sống lâu, chống bệnh tật... Tôi muốn gửi câu hỏi tương tự như của bạn đến các nhà chức trách, những người có trách nhiệm quản lý và định hướng cho sự phát triển của truyền thông…

- Những hành động thái quá, tiêu cực của các fan hâm mộ tuổi teen đối với các nhân vật mà các em tôn làm thần tượng đã làm đau đầu không ít bậc làm cha mẹ. Chị cũng là một người mẹ của ba con nhỏ, chị sẽ dạy con thế nào để chúng có thể "sáng suốt" trong việc lựa chọn ai đó làm thần tượng của mình?

+ Tôi không dám lớn tiếng khẳng định điều gì trong chuyện này. Khi bức tranh xã hội có màu sắc như báo chí phản ảnh hiện nay, tôi chỉ còn biết bảo vệ các con bằng cách định hướng về thẩm mỹ, đạo đức và giáo dục chúng theo một cách rất "yếm thế", là mang 14 điều răn của nhà Phật về chữ Đức ra để níu kéo các cháu...

- Theo chị, một người có văn hóa, thì họ phải biết ứng xử như thế nào với thần tượng của mình, và ngược lại, một người nghệ sĩ thực sự thì cần phải làm gì để giữ hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ?

+ Tôi nghĩ, với công chúng, trong cuộc sống bận rộn và chồng chất khó khăn như bây giờ, nên ít tham gia vào các hệ luỵ truyền thông, biết bỏ qua những "thông tin vô bổ", sống gần với giáo lý nhân văn hơn. Đó là một cách ứng xử khôn ngoan và có văn hóa trong thời buổi hiện nay... Còn người nghệ sĩ, hãy cố gắng tự xây dựng hình ảnh thật của mình trước công chúng bằng tài năng chứ đừng "nhờ" báo chí tạo ra "ảo ảnh" về mình... để đến một lúc nào đó, khán giả sẽ chỉ biết cái hình ảnh giả dối của anh mà không cảm nhận được tài năng thực sự của anh là gì...

- Xin cảm ơn nhà thơ Phan Huyền Thư

Hội Quân (thực hiện)
.
.