Trước làn sóng COVID thứ ba

Thứ Năm, 29/04/2021, 10:43
Sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Ấn Độ với biến chủng virus mới đang thực sự là mối quan tâm hàng đầu trên thế giới hiện nay. Với số ca nhiễm và số lượng người tử vong tăng chóng mặt, Ấn Độ đã trở thành quốc gia có số người nhiễm bệnh đứng thứ hai toàn cầu.


Nhiều dự báo không khả quan lắm về đợt dịch này ở Châu Á bởi nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất cao do tập quán sinh hoạt của cư dân các vùng dịch. Và nếu không được kiểm soát tốt, Châu Á có thể sẽ vượt Châu Âu về số lượng ca nhiễm khi bản thân Ấn Độ là một quốc gia thuộc diện đông dân nhất nhì thế giới. Và điều đáng lo ngại là biên giới đường bộ của Ấn Độ rất dài, tiếp giáp với 6 quốc gia là Trung Quốc, Nepal, Bhutan, Pakistan, Myanmar, Bangladesh.

Việt Nam tuy cách xa Ấn Độ nhưng nguy cơ các ca bệnh thâm nhập qua những ngả đường biên là rất cao. Chính vì thế, trước diễn biến khó lường của làn sóng dịch bệnh thứ ba này, Bộ Y tế đã có những kế hoạch rất cụ thể, lên kịch bản chi tiết để ứng phó với đợt dịch mới này. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu đại ý rằng "Nhìn vào bức tranh tình hình lây nhiễm COVID -19 trên thế giới hiện nay có thể thấy, tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Đối với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để kiểm soát tốt tình hình". Qua phát biểu này, chúng ta đều hiểu làn sóng thứ 3 sẽ có thể tàn khốc thế nào và để lại hậu quả lớn, lâu dài ra sao.

Một người đàn ông Ấn Độ chạy qua dàn hỏa thiêu bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Reuters

Thực tế, không lực lượng nào đủ sức căng mình án ngữ được từng mét đường biên trên bộ cả. Do đó, để đối phó với dịch bệnh, cần nhất là thái độ của từng người dân trong cộng đồng. Chỉ có một thái độ chống dịch nghiêm túc mới có thể giúp Việt Nam duy trì được tình trạng an toàn và ổn định như hiện nay. Song, dường như sau 2 lần “vượt khó” ở hai làn sóng dịch bệnh trước đây, cộng đồng đang có vẻ rất chủ quan, thậm chí còn tồn tại cả thái độ xem thường.

Nếu như cách đây 1 năm thôi, khi dịch bệnh vừa bùng phát, người Việt luôn có ý thức rất cao về việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, tránh tụ tập đông người thì hiện tại, ý thức này đang lơi lỏng dần. Ngày càng ít gặp những người ra đường cùng với chai nước rửa tay diệt khuẩn mang theo như một phụ kiện không thể thiếu. Tình trạng không đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng phổ biến hơn và hơn thế nữa, các hoạt động tụ tập đông người cũng thường xuyên không khác gì thời kỳ chưa tồn tại dịch bệnh COVID -19.

Rõ ràng, sự chủ quan này mới là điểm yếu lớn nhất, đáng đề phòng nhất trong giai đoạn bùng phát dịch. Sự chủ quan ấy đồng nghĩa với một thái độ phó mặc cho các cơ quan quản lý nhà nước như ngành Y tế, lực lượng biên phòng... Nói thẳng, thái độ phó mặc này là không thể chấp nhận được khi việc phòng, chống dịch là trách nhiệm riêng của từng người.

Chúng ta đã được yên ổn sau hai đợt dịch lớn và công tác chống dịch của Việt Nam cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ quốc tế. Song, không thể vì những khen ngợi ấy mà tự tin thái quá. Chẳng có nền y tế tiên tiến nào có thể đáp ứng nổi việc 50% dân số nhiễm bệnh cả. Và thái độ tự phòng vệ là yếu tố tiên quyết nhất mà mỗi người cần phải có. 

Từng người cần phải nhớ rằng, việc mình có ý thức, trách nhiệm phòng dịch sẽ giúp giảm tải cho các ngành nghề khác rất nhiều. Đặc biệt là với ngành Y, bởi hơn một năm qua, họ đã phải sống liên tục trong căng thẳng, quá tải ở mức tới hạn chịu đựng của con người rồi.

Văn Đoàn
.
.