Trung thực trước thần linh

Thứ Năm, 14/02/2019, 09:58
Ai đi lễ hội, đi chùa cũng đều cầu cho mình được bình an, lợi lộc, có tham ô, tham nhũng thì cũng cầu được tai qua nạn khỏi chứ hiếm ai lại đến để thề từ giờ tôi sẽ không tham lam, không lấy cái gì của ai...


Mấy năm gần đây, cứ sau Tết Nguyên đán là Thủ tướng Chính phủ lại có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết và năm nào công điện cũng có nội dung yêu cầu: Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời giờ và hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công…

Việc thực hiện công điện đã được nhiều cấp, ngành và địa phương triển khai nghiêm túc. Tuy nhiên, mùa lễ hội nào chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh biển người chen chúc, xô đẩy nhau, tay lăm lăm tờ tiền cùng sính lễ dâng lên cầu tài, cầu an, xin lộc, “xin” được thăng quan, tiến chức…

Và hẳn chúng ta còn nhớ mùa lễ hội Mậu Tuất 2018, qua thông tin từ báo chí đã phát hiện ra trường hợp Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố Nam Định - tỉnh Nam Định, rồi Giám đốc Điện lực huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam và còn có cả Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường THCS Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bỏ trụ sở, trốn việc để đi lễ vào giờ hành chính gây phản cảm, bức xúc ...

Sau khi có thông tin của báo chí thì những cán bộ này đã được "cất nhắc" xuống vị trí bớt "áp lực" hơn. Đúng là cầu an mà sống không nghiêm ngắn thì sẽ khó an. Tuy nhiên, vấn đề kỷ cương công vụ không được thực hiện một cách đầy đủ, không có người giám sát thực hiện cũng như chúng ta chưa có chế tài để uốn, nắn nên năm này lại lặp lại những hiện tượng của những năm trước. Điều đáng buồn và cần nói đến ở đây là hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” hoặc nghe nhưng không làm.

Lễ hội Minh Thề ngày 14 tháng Giêng tại Kiến Thụy, Hải Phòng năm 2018.

Việc ăn cắp thời gian công vụ cũng phải coi là hành vi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để từ đó đưa ra chế tài xử lý rõ ràng. Còn việc dùng sính lễ, tiền bạc để hối lộ, lấy lòng thần linh mà được những gì mình mong muốn thì e rằng sẽ chẳng còn ai lại đi miệt mài cày cuốc ngoài đồng ruộng, đổ mồ hôi trong các nhà máy, công sở nữa cả.

Thật đáng ngại biết bao khi cán bộ, công chức ăn lương Nhà nước, sống bằng tiền thuế của nhân dân lại tìm mọi cách làm hài lòng thần linh mà quên mất ai là người nuôi họ, ai là người mà họ cần phải tôn trọng, phải “lấy lòng”.

Là cán bộ, công chức, không ai là không biết đến Lễ hội Minh thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại Miếu thờ Thành hoàng bản Thổ, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Thành phố Hải Phòng nhằm tái dựng nghi lễ những người làm quan thề “không tham nhũng” và những nông dân thề “trung thực, ngay thẳng”. Theo ghi nhận của phóng viên báo chí qua nhiều năm cho thấy, các vị lãnh đạo huyện, xã và một số nhà nghiên cứu văn hóa, sử học chỉ về dự mà không tham gia nghi thức “thề không tham nhũng”' ở lễ hội này.

Phải chăng đây là một tín hiệu vui, vì xem ra cán bộ của chúng ta vẫn còn biết coi trọng lời thề, sợ thề rồi mà không làm được. Trước thánh, thần họ đã không dám dối lòng mình. Chính vì thế mà trong tờ sớ kêu cầu, các cán bộ đã ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, vị trí công tác nên mới bị báo chí và người dân phát hiện việc bỏ nhiệm sở, đi lễ vào giờ hành chính. Còn việc họ không dám thề thì cũng là điều tích cực bởi ai nắm tay được cả ngày, ai dám chắc mình đã thanh liêm. Họ không tự tin vìbản thân mình cũng có những điều không trong sạch? Vì làm quan thanh liêm thời nay khó lắm!

Ai đi lễ hội, đi chùa cũng đều cầu cho mình được bình an, lợi lộc, có tham ô, tham nhũng thì cũng cầu được tai qua nạn khỏi chứ hiếm ai lại đến để thề từ giờ tôi sẽ không tham lam, không lấy cái gì của ai. Xin trích dẫn một câu ở hội Minh thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử...”, vì có thần linh chứng giám, lại là lời thề độc “lấy của công làm của tư thì thần linh đánh chết” thì thử hỏi là cán bộ đương chức… có vị nào dám thề không? Biết đâu thề rồi mà làm ngược lại biết đâu nó vận vào thân?

Người xưa có câu rất hay "Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú quý sơn lâm khách hữu tòng". Tức là, nghèo khổ sống giữa đô thị không ai tới thăm, nhưng phú quý, giàu sang dù sống nơi rừng xanh, núi thẳm cũng có người tìm tới. Trong quan hệ giữa con người với con người, khi mà người ta hưng thịnh, người ta có quan trường thì nhiều người đến, nhiều người ở lại. Còn người đã thất thế, nghèo đói thì ít người quan tâm đến.

Do vậy, Lễ hội Minh Thề năm nào cũng vắng khách, còn lễ hội cầu thăng quan tiến chức đông người tham gia nó vừa vặn với ý trên. Việc thờ cúng ở nơi không đem lại lợi lộc thì ít người lui tới khẩn cầu. Bởi vì những người bản tính thực dụng, thích lợi lộc, ưa vinh hoa chẳng ai lại đến cầu cho mình "thanh liêm, trong sạch" cả.

Thế cho nên, hội Minh Thề cho dù được báo chí cổ vũ nhiều đến bao nhiêu, nhân dân tán thưởng nồng nhiệt thế nào thì vắng khách vẫn hoàn vắng khách. Dân vẫn phải đóng giả quan để đọc lời thề thể hiện sự trung thực và ngay thẳng trước thần linh.


Cù Tất Dũng
.
.