Trong mỹ thuật người lớn cũng đạo tranh
- Thưa họa sĩ Đỗ Phấn, là người làm Mỹ thuật lâu năm, mỗi lần nghe bàn đến chuyện họa sĩ nhái tranh của nhau để tham dự các cuộc thi, như chuyện họa sĩ trẻ Đỗ Trung Kiên chép tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Hải để tham gia Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 vừa qua, cảm giác của anh thế nào?
+ Không chỉ tôi mà tất cả những ai cầm bút đều thấy phẫn nộ. Những người làm nghệ thuật chân chính dường như đang bị giễu cợt. Nhân cách tối thiểu của một người cầm bút hình như là chuyện bây giờ người ta không quan tâm nữa. Không chỉ người trẻ mà ngay cả vài người lớn tuổi cũng có những hành động tương tự.
- Chép tranh để bán có lẽ là chuyện thường ở ta, nhưng chép tranh để tham gia các cuộc thi thì xem ra hoặc là tác giả không biết sợ, hoặc là không hiểu biết về luật pháp liên quan đến bản quyền. Lý giải điều này anh nghiêng về lý do nào hơn?
+ Tôi thấy lý do thứ nhất thuyết phục hơn bởi không ít lần người ta đã làm như vậy mà không việc gì. Cùng lắm tháo tranh xuống không trưng bày nữa. Rất có thể bức tranh ấy lại được bày ở chỗ khác hoặc bán cho người không biết. Tôi nghĩ bạn dùng chữ "sợ" ở đây là có phần xa xỉ. Đến biết ngượng còn không nữa là…
- Thường là sau một vụ phát hiện tranh giả, tác giả của nó chỉ cần xin rút khỏi cuộc chơi mà mình tham gia và nói lời xin lỗi là gần như xong chuyện. Ứng xử như vậy theo anh đã đủ chưa?
+ Nước mình chẳng có một chế tài rõ ràng cho hành động ăn cắp nghệ thuật. Các tác giả chân chính nhiều khi ngại ngần va chạm. Tôi hầu như cũng chưa thấy tác giả nào buộc kẻ ăn cắp phải xin lỗi mình. Xin lỗi nhau cũng chỉ là chuyện tầm phào, không cần thiết cho ai cả. Không khó để ra một chế tài theo cách cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn kẻ cắp không được mang tranh đi trưng bày. Hoặc ít nhất cấm cái tên tác giả ấy xuất hiện ở phòng triển lãm.
- Anh đã khi nào nhìn thấy tranh của mình bị chép lại ở đâu đó chưa, và tâm trạng của anh ra sao?
+ Gần hai chục năm trước, tranh "của tôi" đã được bày bán công khai rất nhiều ở Hội An. Các bạn tôi ở Đà Nẵng báo cho biết và tôi vào tận nơi xem xét. Chính tôi vào hỏi mua còn được chủ gallery cho biết sẽ giảm giá nếu mua nhiều. Tôi phì cười về tay nghề của họ. Nhưng cũng thấy thương cảm. Có thể vài đồng nghiệp nào đó quá nghèo khổ phải mượn tên tôi kiếm sống. Tôi chỉ nhắc nhở chân tình như thế này, vẽ như thế và bán với giá tiền như thế thì hà cớ gì phải ký tên tôi, cứ ký tên người vẽ tôi tin vẫn có thể bán được! Vài lần sau vào Hội An tôi đã không còn thấy tên tôi được bán như thế nữa. Cũng không rõ là uy tín của mình giảm sút hay tay nghề của họ đã được nâng lên.
- Về ý thức trong vấn đề bản quyền của giới mỹ thuật nước ta, anh "chấm điểm" như thế nào?
+ Tôi mạnh dạn cho 0 điểm. Từ các em mới đi học ở trường mỹ thuật cho đến cả mấy bác già cũng mắc phải những lỗi bản quyền hết sức tối thiểu. Trẻ em chép tranh người khác để làm bài thi, mang triển lãm. Người lớn chép tranh đồng nghiệp và đôi khi tự chép tranh mình mang bán cũng nhiều. Nói đến ý thức tức là nói đến cả hai mặt của vấn đề. Một là bảo vệ mình trước nạn ăn cắp bản quyền, hai là bảo vệ sự độc bản tác phẩm của chính mình. Không khó để thấy rằng cả hai mặt này với giới mỹ thuật của ta là số 0.
- Nhiều người cho rằng việc "ăn trộm" bản quyền trong mỹ thuật thường tinh vi hơn, khó phát hiện và cũng khó "kết tội" hơn trong văn học, anh thấy điều này có đúng không, vì sao?
+ Không đúng. Đọc một quyển sách dày để phát hiện ra vi phạm bản quyền thường mất khá nhiều công sức và thời gian. Với bức tranh người ta phát hiện ra chúng chỉ trong vài giây đồng hồ. Bạn giỏi lắm nhớ trong đầu được dăm ba quyển sách nhưng tôi tin họa sĩ có học hành tử tế luôn chứa trong đầu khoảng nửa vạn bức tranh. Chính vì thế những bức tranh của tác giả ít tên tuổi thường bị sao chép vô tội vạ. Nhiều khi phát hiện ra cũng chẳng để làm gì vì chúng đều kém như nhau. Tranh của họa sĩ lớn khó lòng bắt chước cả về tay nghề lẫn ý tưởng bởi nó nằm trong bộ nhớ của rất nhiều người.
- Trong không ít giải thưởng mỹ thuật, Hội đồng nghệ thuật đã để lọt những tác phẩm vi phạm bản quyền, thậm chí là trao giải cho tác phẩm có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Lỗi ấy, theo anh nguyên nhân căn bản là gì?
+ Tôi nghĩ đây là một lỗi tổng hợp. Trong đó lỗi lớn nhất thuộc về nghệ sĩ kém nhân cách. Thứ hai mới đến hội đồng. Họ cũng chỉ là những họa sĩ bình thường ít tên tuổi. Và cũng chỉ mắc lỗi ở những bức tranh kém giá trị sao chép từ một bức tranh kém giá trị khác ít người để ý.
- Theo anh, chúng ta muốn có một môi trường văn minh hơn cho mỹ thuật, ở đó không còn chuyện "ăn cắp bản quyền công khai" như nhiều ví dụ ta đã thấy trong những năm gần đây, thì việc trước tiên cần phải làm là gì?
+ Tuyệt đối cần đến hiểu biết thẩm mĩ. Không thể phổ cập ở mức cao nhưng cũng phải đạt được tầm khái niệm. Báo chí truyền thông là công cụ hữu hiệu nhất. Cả thế giới cũng phải dựa vào nó. Chúng ta chưa có một hệ thống đào tạo ra các nhà báo chuyên về nghệ thuật tạo hình. Hoặc là mảng nghệ thuật tạo hình ở các tờ báo chưa được quan tâm đúng mức. Cứ xem trên truyền hình thì thấy rằng các MC phỏng vấn các nhân vật không phải là họa sĩ thường trôi chảy và có chất lượng. Nhưng khi chuyện trò với họa sĩ lại không được như vậy.
- Xin cảm ơn họa sĩ Đỗ Phấn