Trẻ em có gì ngoài Youtube?

Thứ Năm, 30/07/2020, 09:19
Từ phố về, cha tôi mang vẻ mặt đầy thất vọng bởi không còn tìm được cái đầu đĩa DVD nào ưng ý. Những cái đĩa ghi ca khúc mà ông yêu thích sẽ đi vào ngăn tủ bảo tàng của gia đình. Cùng với chúng, ông như người lạc lõng bị dạt ra bên rìa của một đại lộ thông tin giải trí. Nghịch lý thay, chính đó là nơi mà con cháu ông đang băng băng, đại lộ bất tận của youtube.


Chẳng thế, sau một đêm chị hàng xóm nhà tôi bỗng trở thành một bà nội trợ hiểu biết trong bữa cơm thân mật giữa hai gia đình. Youtube không chỉ là “ông bụt” của chị-một người vốn vụng về nấu nướng-mà với bất kì ai: ví như một anh trai quê mới lớn thấy những cách làm bẫy chim thú, mẹo bắt cá vô cùng thú vị; một cô gái ở thành phố quan tâm đến cách trang điểm, làm móng; cụ ông nào đó tham khảo cách chăm tỉa cây cảnh, cụ bà biết cách bấm huyệt, dược xem các bài tập dưỡng sinh. 

Xem chừng, “túi khôn” ấy của thiên hạ không hề nhỏ khi trong đó có cả những câu chuyện về sự trải nghiệm từ đông sang tây. Có thể đó là một clip không có thuyết minh, phiên dịch nhưng vẫn được nhiều lượt xem trên youtube bởi tính hấp dẫn của nó. Thứ ngôn ngữ của người thật, việc thật.

Youtube đánh cắp tuổi thơ của biết bao đứa trẻ nghiện Internet.

Mọi sự hấp dẫn, tiện lợi, đa dạng đều là tâm điểm của xã hội hiện đại. Tuy vậy, người già vẫn có thể thích đến công viên xem đám chim cảnh đấu giọng hót; người trẻ hơn vẫn thích xem bóng đá trên tivi hay đến tận sân, thích ngồi quán cà phê, đi phượt, làm vườn… nghĩa là không hoàn toàn phụ thuộc vào không gian mạng bởi họ luôn muốn thoát ra ngoài không gian sống vốn ngày càng chật hẹp, bức bí bởi tốc độ đô thị hóa đang bức tử cảnh quan tự nhiên. 

Chỉ có duy nhất một đối tượng mơ hồ coi youtube là một không gian thực đó là trẻ em. Trẻ em có thể xem điện thoại để không nghịch những trò nguy hiểm hay phá hỏng đồ đạc. Bé bỗng dưng ngoan ngoãn ăn hết cả bát cơm. Sự chăm chú ấy đem lại một ích lợi rất lớn cho cha mẹ. Youtube đã không còn là một kho giải trí nữa, nó đã trở thành  nguồn cung cấp một mặt hàng thiết yếu cho mỗi gia đình như điện, nước, khí đốt…

Youtobe đã “gãi” đúng chỗ ngứa ở các bé đó chính là sự sinh động, trực quan. Chúng ta không thể (và không dám) tái hiện lại tuổi thơ của những; chân đất, đầu trần, trèo cây, bơi hồ, chăn trâu, cắt cỏ, nướng khoai, úp cá…. ở con, cháu mình. Không hề hấn gì, đâu đó nơi vùng sâu, vùng cao, miền sông nước lại có những em nhỏ sẵn sàng vào vai “nhân vật trải nghiệm” trong clip do chính cha mẹ là đạo diễn. 

Thậm chí, vượt qua sức tưởng tượng của chính các phụ huynh, có những người lớn “rảnh việc” có thể thực nghiệm ăn bim bim, kem, chấm café hay bất kì một hoạt động độc, lạ nào khác hoặc cười đến chảy nước mắt bởi sự ngô nghê, những tai nạn ngẫu nhiên… Nhưng xem ra, vẫn có thể rút ra được những lo ngại từ sự tác động của youtube đến đời sống của trẻ em.

1.Trẻ em sẽ lớn lên nhờ youtube bằng một cách khác? Trẻ em cần một khoảng cách so với chân lý bằng sự tưởng tượng, điều này tưởng như lỗi thời trước xu thế tăng cường trang bị kĩ năng sống cho trẻ. 

Ví như trước khi được xuống biển, lên rừng, được đến vườn bách thú, được biết sự thật của tầng khí quyển, vũ trụ… phải là quãng thời gian trẻ ngây thơ, khờ dại tin ở chuyện nàng tiên cá, chuyện thần rừng, thần núi, về các bạn thú, về ông trăng… tức là những gì vượt lên khỏi hiện thực dẫu là phi thực tế và nhanh chóng tan biến sau khi các em được tiếp cận tri thức đời sống. 

Nhưng, mấy ai biết được chính sự mơ tưởng ngỡ là viển vông đó sẽ góp phần tạo dựng tư duy trừu tượng, sự liên tưởng và đặc biệt là sự sáng tạo vượt thoát khỏi những gì đang có, làm cho hiện thực phong phú hơn.

2.Youtube đem đến một lối sống mở hay chỉ tạo cho người ta thói trưng diện với người khác? Có thể, sức hút của các kênh “Quỳnh Trần JP”, “Bà Tân Vlog”, “Ẩm thực mẹ làm”…đã khiến cho quan niệm về cách “lên hình” đã thay đổi. 

Những hoạt động đơn giản trong đời sống được giới thiệu dông dài, khề kha vẫn thu hút được sự quan tâm bởi mạng xã hội đang phá dỡ những “vách ngăn” riêng tư của từng cá nhân. Người ta có thể nhìn sang cuộc sống của nhau cũng như dẫn dắt người khác theo quan niệm sống, thói quen của mình. Điều đó có chứa nguy cơ nào chăng? 

Sống, vốn dĩ cần sự lặng lẽ, âm thầm, khiêm nhường tích lũy, tôi rèn thay vì luôn phụ thuộc vào dư luận như anh chàng đem gỗ ra giữa đường đẽo cái cày trong câu chuyện dân gian. Nếu anh thực sự tạo nên sự khác biệt, anh sẽ thu hút nhưng đó là chuyện ở người trưởng thành. Còn nếu thói quen về cách “khoe” lối sống đã ăn sâu vào tâm trí trẻ từ quá sớm, biết đâu sẽ làm các em đánh mất sự lặng lẽ, khiêm nhường kia để trở thành những người sống hời hợt, cẩu thả với chính mình thay vì nhẫn nại và tích lũy.

Thế giới ảo đang ăn mòn tâm hồn của những đứa trẻ.

3. Ngoài youtube ra, rồi trẻ em sẽ có gì? Các bậc phụ huynh hẳn sẽ tặc lưỡi: Đời còn dài, còn vô số trải nghiệm và bài học xương máu, hãy cứ để trẻ vui với những thứ chả chết ai trên you tobe  đã. Chỉ cần cài đặt tính năng hạn chế các kênh phản cảm và đăng kí những kênh lành mạnh, bổ ích là ổn. 

Có lẽ, giờ đây từ thành thị đến nông thôn, các bé đều trở nên năng động hơn thế hệ chúng ta nhờ internet. Mỗi thế hệ cần được tiếp cận với cuộc sống bằng những gì đang có chứ không nhất nhất theo một nề nếp cố định. Điều ấy đã được chứng minh qua nhiều thế hệ. Nhưng đằng sau sự hợp lý ấy lại đặt ra nhưng trăn trở: Youtube là cách ta nhìn bằng “lăng kính” của người khác, là cách họ chọn điểm nhìn cho ta trước một hiện tượng đời sống. 

Dĩ nhiên, theo gót một nhân vật trải nghiệm đầy vốn sống về rừng núi, đầy tài năng về nghệ thuật, kĩ năng… thì không còn gì thú vị hơn. Nhưng, sự khởi đầu cho cuộc đời mỗi con người vẫn cần chính những nền tảng cốt lõi đó là sự tự thân. Trẻ cần khổ luyện với các môn võ, lấm lem với màu vẽ hay thậm chí chỉ là những việc vặt hàng ngày. Những nền tảng đó mới giúp cho một con người có ý trí và khát vọng đi được xa trong cuộc đời.

4. Youtube sẽ tự thay đổi để khỏi cũ kĩ đơn điệu, hoặc một hình thức khác sẽ ra đời thay thế nó. Sẽ là quá sớm để khẳng định điều đó. Chỉ biết rằng, giờ đây youtube đã đi vào cuộc sống. Chúng ta không cần cố gắng né tránh hay bằng mọi giá tìm ra mặt hạn chế để phê phán. 

Sự lựa chọn của đám đông, dẫu đôi lúc chỉ mang tính phong trào nhưng vẫn có những cái lý nhất định. Hay trân trọng youtube và cần giữ cho đôi mắt của trẻ được khỏe mạnh, cần giữ cho ý nghĩ của trẻ được mạnh mẽ, có được chính kiến, cá tính, sở thích, những góc nhìn của riêng mình.

Một lớp người mới lớn lên hôm nay sẽ là chủ nhân của xã hội ngày mai. Sự khác biệt giữa các thế hệ đâu chỉ phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, điều kiện sống mà còn cả sự nhìn nhận khác. Trước khi tháo các “vách ngăn” về suy nghĩ để hòa nhập, con người cần có cho riêng mình để tự tin và mạnh mẽ. Đó sẽ là khoảng thời gian mất hút cho những hì hụi không thể thiếu trong những góc nhỏ để khám phá đồ vật, tri nhận thế giới để tự đúc rút những bài học cho cá nhân mình. 

Sẽ không có ai làm thay chúng ta, sống thay chúng ta, vấp ngã, tổn thương thay cho ta. Đó là cái lý lẽ nghiệt ngã, éo le của cuộc sống. Những bậc cha mẹ, những người đi trước hay nhìn ra khoảng trống ngoài youtube của các bé. Có thể giờ đây nó còn đang là một vùng mờ tối bởi sự lúng túng, bởi sự bán tin bán nghi của chúng ta. Quan niệm điều gì đến từ các nước văn minh tất đã được kiểm chứng có lẽ cần xem lại. 

Chúng ta chớ quên, ở ngay chính những quốc gia phát triển nhất, con người vẫn phải đối mặt với những căn bệnh của xã hội hiện đại. Nó như một cơn bão chưa tràn đến nhưng ít nhiều đã báo hiệu để chúng ta nhận ra để kịp có động thái cho riêng mình. 

Để trẻ được chơi và hay chơi với trẻ vẫn là triết lý khá thuyết phục nhất, thay vì ta chỉ biết cúi đầu cảm ơn youtube đã “cầm chân” đứa trẻ thân yêu của mình trong bốn bức tường.

Bùi Việt Phương
.
.