Trâu ơi ta bảo trâu này...
- Canh giữ mùa xuân trên “cổng trời” Chóp Chài
- Bước chậm giữa mùa xuân
- Khắp nẻo đường mùa xuân chống dịch
Hai vị vua sinh năm Tân Sửu
Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu 761. Ông có sức mạnh vật đổ trâu, đánh lui hổ. Chính ông đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian khá dài. Nhân dân tôn ông là Bố Cái Đại Vương.
Lê Đại Hành sinh năm Tân Sửu 941, là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép là vào đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, dẫn trâu cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt, sản xuất.
Hai vị vua xuất thân từ trẻ chăn trâu
Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ là một mục đồng, chăn trâu cắt cỏ cho người chú là Đinh Thúc Dự. Thời đó, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thường bày ra trò chia phe đánh trận, tay cầm ngọn cỏ lau dài làm khí giới và cờ phướng lọng quạt, cưỡi trên lưng trâu. Đinh Bộ Lĩnh sau này là người dẹp được loạn 12 sứ quân rồi lên ngôi vua vào năm 968, xưng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, lập nên nước Đại Cồ Việt.
Anh hùng Lao động Hồ Giáo bên đàn trâu của mình. |
Mai Thúc Loan từ nhỏ phải làm nghề kiếm củi rồi đi ở đợ cho nhà giàu, chăn trâu, cày ruộng. Ông người đen trũi, nổi tiếng giỏi vật cả một vùng. Ông cũng có chí lớn, đã tập hợp được thanh niên và nhân dân trong vùng khởi nghĩa, đánh đổ được chính quyền đô hộ nhà Đường. Quân khởi nghĩa tôn ông lên làm Hoàng Đế. Sử gọi ông là Mai Hắc Đế, cầm quyền tự trị được khoảng 10 năm (713-722).
Hai thủ lĩnh nghĩa quân xuất thân từ trẻ chăn trâu
Chàng Lía là một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân ở Đàng Trong. Lúc nhỏ, Lía vì nhà nghèo nên phải đi chăn trâu thuê cho địa chủ trong vùng. Chàng Lía thường tổ chức chơi trò đánh trận với trẻ chăn trâu. Lúc này, nỗi bất bình oán giận của các tầng lớp xã hội đối với chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong ngày càng dâng cao. Nghĩa quân chàng Lía hoạt động ở tỉnh Bình Định với chủ trương “cướp của người giàu chia cho người nghèo”.
Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế chống Pháp, cũng là trẻ chăn trâu. Hồ sơ của Pháp ghi rõ: “Lúc nhỏ, Hoàng Hoa Thám ở nhà chăn trâu tại làng Ngọc Cục (Yên Thế), lớn lên cũng lấy vợ ở làng”.
Trong tác phẩm Chân Tướng quân, nhà chí sĩ Phan Bội Châu trên cơ sở những tìm hiểu thực tế của mình, đã kể về thời thơ ấu của “quan lớn” (chữ mà người dân Yên Thế quen dùng để nói về Đề Thám) như sau: “Hồi còn nhỏ, tính nết hết sức đặc biệt, người khỏe mạnh béo tốt, sức mạnh như hổ, khi chơi đùa đánh nhau với trẻ chăn trâu thì có thể đánh nổi vài chục đứa. Hễ gây chuyện đánh nhau thì bọn trẻ phải chịu thua, không dám chống lại, vì chúng rất sợ. Nhưng quan lớn ngài rất ôn hòa, được anh em yêu mến, anh em trẻ chăn trâu cần gì, ngài cũng cung ứng cho. Ngài rất can đảm, tài trí, có thể bắt gà của người ta giữa ban ngày mà không ai biết… Bắt được bao nhiêu gà đều đem về cho các bạn chăn trâu, rồi tụ họp nấu nướng cùng ăn với nhau rất vui vẻ… Anh em trẻ chăn trâu thấy vậy càng cảm phục, đi đứng chơi bời họ đều theo sự chỉ huy của Quan lớn. Trong đám người tầm thường bỗng nhiên có một cảnh tượng của ông vua mục đồng thì cũng là việc rất là kỳ lạ…”.
Mưu sĩ xuất thân từ một người chăn trâu
Đào Duy Từ vốn là con của đào hát nên không được trọng dụng ở Đàng Ngoài. Ông đành bỏ vào Đàng Trong đi ở chăn trâu ở Bình Định. Một hôm, ông luận về kẻ chăn trâu quân tử, kẻ chăn trâu tiểu nhân. Theo ông, chăn trâu tiểu nhân là những kẻ dắt trâu ra đồng ăn cỏ, đến tối là dắt trâu về, không nghĩ ngợi, lo lắng chi cả. Còn kẻ chăn trâu quân tử là những kẻ vừa chăn trâu vừa ôn tài, luyện chí, chưa gặp thời nên tạm theo việc để sinh nhai.
Việc tới tai chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Biết ông là người có tài nên chúa đã trọng dụng ông. Ông được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trao ngay cho chức Nha uý nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân cơ và Tham lý quốc chính. “Hổ trướng khu Cơ” được xem là bộ binh pháp duy nhất còn lưu truyền đến nay do Đào Duy Từ soạn.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên khen: “Đào Duy Từ là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”. Ông trở thành người đứng đầu trong hàng khai quốc công thần của dòng họ Nguyễn, từ một thế lực nhỏ buổi đầu nhanh chóng trưởng thành lớn mạnh với “9 chúa, 13 vua”.
Dùng trâu xung trận
Trong một trận đánh chống lại quân của chúa Trịnh, khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu chỉ huy đã huy động toàn bộ số trâu của nông dân trong vùng để thực hiện Hỏa ngưu trận. Nguyễn Hữu Cầu cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu. Sau đó, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông, châm lửa đốt đồng loạt khiến chúng xông vào quân đối phương. Nhân đó, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh và giành được thắng lợi…
Con trâu là người bạn thân quý gần gũi của trẻ em nông thôn Việt Nam. |
Trong một trận đánh chống lại quân Pháp, Ngưu quân Thượng tướng của Thiên Hộ Dương (lãnh tụ nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười) đã chỉ huy đội quân trâu hàng trăm con bằng mõ xông vào giặc và cũng giành được thắng lợi.
Nuốt lông trâu nước mà bơi lặn giỏi
Sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề chép rằng: Dưới thời Trần, có Yết Kiêu, người Gia Lộc (Hải Dương), một hôm đi trên bờ biển thấy hai con trâu nước chọi nhau. Ông dùng đòn gánh phang, trâu lặn xuống nước mất tích. Thấy trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, ông nuốt vào bụng, từ đó ông có tài bơi lặn, đi lại dưới nước như đi trên cạn!
Những điều luật bảo vệ trâu
Thời phong kiến, con trâu là sức kéo trong nông nghiệp nên rất được bảo vệ. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: “Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật”. Luật Hình thư (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt.
Anh hùng Lao động hai lần nhờ… chăn trâu
Hồ Giáo sinh năm 1930, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông có tuổi thơ hết sức cơ cực. Là anh cả của năm đứa em, 12 tuổi, chưa biết đọc chữ, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ, chăn trâu cho một gia đình giàu có trong làng. Năm 17 tuổi, Hồ Giáo tham gia cách mạng. Ông phục vụ quân đội cho tới năm 1960 thì chuyển ngành và được điều lên Ba Vì xây dựng nông trường chăn nuôi bò. Năm 1966, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Năm 1976, Hồ Giáo chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ, xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Dương và Bình Phước ngày nay). Năm 1977, Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu giống Mura với mục đích làm sức kéo và lấy sữa và Hồ Giáo chuyển sang nuôi những chú trâu này. Từ những con trâu đầu tiên, đàn trâu đã tăng lên trên 1.700 con. Năm 1986, ông được phong Anh hùng lao động lần thứ hai.