Trào lưu Remix trong âm nhạc: Xin đừng phá nát ca khúc cũ

Thứ Sáu, 08/04/2016, 08:00
Cuộc thi "Hòa âm ánh sáng" (The Remix) 2016 đã kết thúc bằng một đêm liveshow khá hoành tráng cuối tháng 3/2016 vừa qua. Sau hai mùa lên sóng, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của nhiều khán giả. Sự sôi động kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, vũ đạo đã làm bùng nổ sân khấu, phù hợp với thị hiếu thưởng thức âm nhạc nhanh, mạnh, chú trọng về phần nhìn của khán giả trẻ tuổi. Tuy nhiên, cũng từ cuộc thi này, đã đến lúc cần nhìn lại trào lưu remix các ca khúc để đánh giá xem: đâu là giới hạn của remix và có cần chọn lọc ca khúc để remix hay không.


Nhạc nào cũng remix

Làm mới ca khúc đang là trào lưu rất được yêu thích trong giới trẻ Việt hiện nay. Đây có thể coi là giải pháp để giải quyết nhiều bài toán cho nhạc Việt. Một mặt, cập nhật được trào lưu phát triển của âm nhạc quốc tế, mặc khác, giúp giải tỏa "cơn khát" ca khúc hay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự lạm dụng thái quá trào lưu remix ca khúc đang gióng lên những hồi chuông báo động về thị hiếu thưởng thức âm nhạc, phá hỏng cảm xúc, tinh thần của ca khúc phiên bản gốc.

Đặc điểm chung của các tiết mục tham gia chương trình "Hòa âm ánh sáng" là đều được phối lại theo phong cách nhạc điện tử sôi động EDM (Electronic dance music), sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng và vũ đoàn. Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu những tác phẩm được phối lại vẫn giữ được tinh thần, cảm xúc của ca khúc cũ. Tuy nhiên, nhiều ca khúc cũ, được viết với tiết tấu chậm rãi, mang tính tự sự cũng bị "biến báo", "nhào nặn" gây phản cảm.

Những ca khúc trong chương trình "Hòa âm ánh sáng" đều được phối lại theo phong cách nhạc điện tử. Trong ảnh: Đội của Noo Phước Thịnh giành giải quán quân trong chương trình "Hòa âm ánh sáng" 2016.

Ca khúc "Chị tôi" (sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến) của Á quân Soobin Hoàng Sơn trong đêm liveshow 4, chương trình "Hòa âm ánh sáng" 2016 là một ví dụ. Bản phối mới được cho là quá lạ tai và khác biệt so với phiên bản gốc. Sự thay đổi về hòa âm, cách hát, tiết tấu... khiến bản phối không còn giữ được "tinh thần" của "Chị tôi" với câu chuyện man mác buồn ở một làng quê Bắc Bộ nào đó.

Tương tự như vậy, bản remix ca khúc "Dạ cổ hoài lang" (sáng tác: Nhạc sĩ Cao Văn Lầu) của đội ca sĩ Tóc Tiên trong đêm liveshow 5 chương trình "The Remix" 2015 cũng bị đánh giá là không thành công trong việc làm mới ca khúc cũ. Với sự hỗ trợ của diễn viên Thành Lộc, bản phối mới của "Dạ cổ hoài lang" được đánh giá là "làm trẻ hóa" ca khúc cũ, đưa tác phẩm đến gần hơn với khán giả trẻ nhưng cách hòa trộn âm thanh, không gian âm nhạc, cách hát ngắt nhịp đã khiến ca khúc trở nên rời rạc, thiếu cảm xúc. Có khán giả thẳng thắn nhận định rằng, "Tóc Tiên vô tình phá nát bài vọng cổ kinh điển".

Chưa hết, cuối năm 2015, tiết mục "Quảng Bình quê ta ơi" (sáng tác: Nhạc sĩ Hoàng Vân) do ca sĩ Hồ Ngọc Hà biểu diễn trong Lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 cũng gây nên những luồng dư luận trái chiều. Hồ Ngọc Hà đã mang đến một bản phối mới cho ca khúc nhưng nhiều khán giả cho rằng, tiết tấu âm nhạc nhanh, mạnh hoàn toàn không phù hợp với một ca khúc tình cảm về quê hương, nhất là đoạn cao trào được đẩy lên ở phần cuối ca khúc.

Với phần trình diễn của Hồ Ngọc Hà cùng vũ đoàn, người xem không cảm nhận được chiều sâu, sự da diết về một Quảng Bình anh hùng trong chiến đấu. Có khán giả còn "nặng lời" nhận định rằng, với ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" phiên bản remix, Hồ Ngọc Hà đã làm tan nát cõi lòng họ, làm người nghe "mất hết cảm xúc về ca khúc"...

"Đỉnh điểm" của trào lưu remix ca khúc phải kể đến nhạc karaoke. Ca khúc thuộc nhiều thể loại khác nhau như pop ballad, rock, thậm chí ca khúc mang âm hưởng dân ca cũng đều có phiên bản remix với tiết tấu nhạc dance vô cùng sôi động như "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", "Túp lều lý tưởng", "Sáu mươi năm cuộc đời", "Anh ba khía", "Chim trắng mồ côi", "Bèo dạt mây trôi", "Lòng mẹ"...

Không quan tâm đến "điểm xuất phát" của các ca khúc, tất cả các bản remix trong list ca khúc karaoke đều có tiết tấu sôi động, tạo không khí vui vẻ nhưng nếu nhìn dưới góc độ âm nhạc thì cách làm mới này đã làm hỏng những ca khúc cũ.

Cần có chọn lọc và giới hạn

Remix ca khúc hiểu một cách chung nhất là việc phối lại, làm mới ca khúc, tạo ra một phiên bản khác của ca khúc cũ. Với cách phối mới, các nhà sản xuất chỉnh sửa âm thanh về độ cao, tốc độ của giọng hát, làm bản nhạc có thể ngắn hơn hoặc dài hơn so với bản gốc, thêm vào hoặc bớt đi một số yếu tố nhằm đáp ứng nhu cầu làm cho bài nhạc sống động, vui tươi hơn. Có một sự khác biệt giữa bản nhạc phối lại và phiên bản cover. Nếu bản phối lại là sự kết hợp của nhiều đoạn âm thanh để tạo ra phiên bản tách biệt với ca khúc gốc thì cover là việc một ca sĩ thu âm lại bài hát mà ca sĩ khác đã thể hiện.

Nhìn ở một góc độ nào đó, remix nhạc là trào lưu, sự phát triển tất yếu của âm nhạc trong thời kỳ bùng nổ công nghệ hiện nay, phù hợp với xu hướng phát triển chung của âm nhạc thế giới. Nhu cầu thưởng thức của công chúng, nhất là khán giả trẻ đòi hỏi sự đa dạng, đa chiều trong âm nhạc. Các bạn trẻ có xu hướng ưa thích bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động, chú trọng về phần nhìn.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, để có được một bản remix chất lượng, tinh tế không phải là việc làm dễ dàng. Nó đòi hỏi khả năng tư duy, thẩm mỹ âm nhạc, tài năng, tri thức, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm nghề. Mỗi ca khúc ra đời là kết quả từ sự rung cảm của người nghệ sĩ, phản ánh tâm tư, tình cảm, góc nhìn của nhạc sĩ về cuộc sống. Mỗi câu, từ trong bài hát đều được cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã tính toán kỹ thể loại, phong cách, giai điệu, hòa âm nào là phù hợp nhất với tinh thần của bài hát để tạo sự cộng hưởng, làm tăng giá trị nghệ thuật của ca khúc.

Bản remix ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" do Hồ Ngọc Hà biểu diễn tại Lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 gây nhiều tranh cãi.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện từng chia sẻ rằng, "Remix có nguyên tắc của nó, người làm nhạc phải tuân thủ. Có những bài không thể remix được. Do bỏ qua hoặc vô tình bỏ qua vì vốn kiến thức âm nhạc của người làm còn hạn chế nên đã vô tình tạo nên một mớ hỗn độn các sản phẩm nhạc remix đến mức khán thính giả yêu nhạc không thể nghe được".

Rõ ràng, dù có làm mới ca khúc đến đâu thì vẫn phải giữ được cái "hồn cốt" của ca khúc. Làm mới phải dựa trên nền tảng ca khúc cũ, chỉ "khoác" thêm cho nó tấm áo mới chứ không thể biến ca khúc cũ thành một ca khúc hoàn toàn khác.

Chúng tôi cho rằng, cần phải có chọn lọc cũng như xác định giới hạn trong việc remix ca khúc cũ. Với những ca khúc nhạc trẻ, có tiết tấu sôi động thì việc phối lại ca khúc, sử dụng âm nhạc điện tử, đẩy nhanh tiết tấu có thể sẽ làm tăng tính hiệu quả trình diễn ca khúc. Những ca khúc có tiết tấu chậm rãi, trữ tình thì việc làm mới cũng cần cân nhắc, tính toán đến giới hạn của nó.

Với những ca khúc dân gian hoặc mang âm hưởng dân gian thì việc làm mới ca khúc càng cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng. Với những ca khúc này thì cái đẹp nằm ở ca từ và giai điệu âm nhạc trầm bổng, du dương, da diết, ngọt ngào, sâu lắng. Nếu phối lại ca khúc trên nền tiết tấu nhanh, "giật" thì còn đâu cái đẹp, tinh tế của dòng nhạc trữ tình quê hương?

"Mẫu số chung" trong việc làm mới ca khúc là làm sao để ca khúc trở nên hay hơn, hấp dẫn hơn nhưng vẫn giữ được chủ đề tư tưởng của ca khúc chứ không phải làm mới tràn lan, thiếu nguyên tắc.

Tường Phạm
.
.