Trầm lắng mùa phim Tết
- Phim Tết dương lịch 2020: Hai “bom tấn” phim nội thắng thế khi so găng với phim ngoại
- Phim Tết đắt khách liệu có tìm ra tương lai phim Việt?
- Doanh thu khủng thời “vàng ròng” của phim Tết có trở lại?
- Phim Tết có đủ vui hết tháng Giêng?
Phục vụ Tết Canh Tý 2020, thị trường phim Việt chiếu rạp diễn ra khá trầm lắng. Nếu điện ảnh trong năm phong phú nhiều thể loại từ hài, hành động, tâm lý xã hội... thì mảng miếng phim ngày xuân chỉ vỏn vẹn hài và kinh dị.
Đến nay, chỉ có ba phim gồm "Gái già lắm chiêu 3" của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, "30 chưa phải là Tết" - đạo diễn Nguyễn Quang Huy và "Bí mật của gió" - đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình là chú trọng khâu PR, quảng bá. Điều này cũng dễ hiểu vì cả ba bộ phim sở hữu nhiều gương mặt ngôi sao đình đám như: Trường Giang, Ninh Dương Lan Ngọc, NSND Hồng Vân, Hoàng Yến Chibi...
Tuy nhiên, sức nóng của ba phim trên vẫn thua kém loạt phim tạo hiệu ứng vừa qua như "Mắt biếc", "Chị chị em em", "Anh trai yêu quái"... So với sự sôi động đầy khởi sắc của phim Việt nửa cuối năm 2019 thì mùa phim Tết khá ảm đạm. Các hoạt động quảng bá chỉ diễn ra lẻ tẻ chứ không quy mô như các phim trên. Riêng hai phim Tết còn lại là "Đôi mắt âm dương" và "Tiền nhiều để làm gì" lại khá ít thông tin trước khi ra rạp.
Năm nay thiếu hẳn phim về đề tài dân gian hoặc cổ trang như mùa Tết mọi năm. Nếu những năm trước có "Trạng Quỳnh", "Táo quậy", "Ngày xửa ngày xưa"... thì Tết 2020 lại tập trung vào đề tài đương đại, xoáy sâu hiện thực cuộc sống. "Gái già lắm chiêu 3" tiếp tục khai thác chuyện tình bi hài giữa trai trẻ và gái già.
Danh hài Trường Giang góp mặt trong phim "30 chưa phải là Tết". |
Thành công ở "Gái già lắm chiêu 2", cặp đôi Ninh Dương Lan Ngọc và Lê Xuân Tiền tiếp tục đảm nhiệm vai chính trong phần 3. Lần này, nhân vật Ms Q của Ninh Dương Lan Ngọc có cơ hội trở thành nàng dâu của gia đình trâm anh thế phiệt tại Huế.
Với sự thông minh, sắc sảo của một cô gái từng trải và bản lĩnh, Ms Q phải tìm cách để hòa hợp với bà mẹ chồng siêu giàu cũng như giữ chặt người chồng trẻ trung, đào hoa. Sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh rộng, NSND Lê Khanh trở lại với vai bà mẹ chồng giàu sang, phú quý. Điều này khiến khán giả háo hức chờ đợi.
"30 chưa phải là Tết" lại khai thác về sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Danh hài Trường Giang hóa thân thành chàng trai tên Hân. Hân mồ côi mẹ và lớn lên dưới đòn roi cay nghiệt của cha. Sau một thời gian bỏ đi biền biệt mưu sinh trên thành phố, Hân quay về giành giật mảnh đất của cha mình.
Vì một phép lạ, anh bị mắc kẹt trong ngày 30 Tết và phải tìm cách thoát ra để đón năm mới. Nhờ người bạn tu hành Phật pháp (Mạc Văn Khoa đóng), Hân mới dần nhận ra giá trị gia đình mà mình đã bỏ quên. Cũng theo phong cách hài hước, "Tiền nhiều để làm gì" là sự trở lại của đạo diễn Lưu Huỳnh với đường đua phim Tết. Tên phim gợi nhớ đến câu nói nóng sốt của vị đại gia ngành cà phê trong thời gian qua. Bám vào câu nói này, nội dung bộ phim xoay quanh ba gã khờ hám tiền. Đang yên đang lành thì đột ngột Thần Chết đến hỏi thăm từng người. Ba gã khờ phải tìm mọi chiêu trò để thoát khỏi cánh tay tử thần.
Trái ngược hẳn với ba bộ phim mang phong cách hóm hỉnh, tình cảm nhẹ nhàng trên, "Bí mật của gió" và "Đôi mắt âm dương" lại chọn mảng miếng kinh dị để hù khán giả ngày Tết. Đạo diễn Nhất Trung, người làm nên cơn sốt "Cua lại vợ bầu" ở mùa Tết Kỷ Hợi với kỷ lục phòng vé hơn 190 tỷ đồng, khá tự tin khi thực hiện đề tài không mấy phù hợp với không khí đầu năm: "Giữa rừng phim hài, phim kinh dị "Đôi mắt âm dương" của tôi chắc chắn sẽ là món ăn lạ khiến khán giả chú ý".
"Đôi mắt âm dương" có motif khá quen thuộc: sau vụ tai nạn giao thông, người vợ của một gia đình giàu sang có khả năng nhìn thấy ma. Đến khi trở về ngôi nhà của mình, những chuyện hoang đường, rùng rợn liên tục xuất hiện và dần phơi bày sự thật khủng khiếp về chồng cô.
Tương tự, "Bí mật của gió" cũng kể về cô gái có khả năng phát hiện ra những hiện tượng kỳ bí trong biệt thự cổ ở Đà Lạt. Từ đó, câu chuyện quá khứ được nối kết với hiện tại. So với "Đôi mắt âm dương", "Bí mật của gió" có chất kinh dị ít hơn, chủ yếu nhắm vào đề tài thanh xuân, giả tưởng. Là một trong những phim từng tham dự Liên hoan phim Busan 2019 (Hàn Quốc) ở nhánh dành cho phim nổi bật của các đạo diễn châu Á nhưng "Bí mật của gió" không mấy thu hút khán giả khi tung trailer.
Mùa Tết Canh Tý cũng chứng kiến kiểu ra rạp chừng mực, giãn cách thời gian chứ không tung cùng lúc tất cả phim vào giờ vàng. Cụ thể, đụng độ ngày 25-1 (tức Mồng 1 Tết) chỉ có ba phim là "30 chưa phải là Tết", "Đôi mắt âm dương" và "Gái già lắm chiêu 3".
Một tuần lễ sau, hai phim còn lại là "Bí mật của gió" và "Tiền nhiều để làm gì" mới lần lượt trình làng. Cách làm này giúp phim Việt đảm bảo được doanh thu cho từng phim, tránh cạnh tranh gay gắt. Nếu ra rạp cùng một lúc, phim nổi trội nhất sẽ được chú ý, cuối cùng chỉ có một, hai phim thắng còn các phim khác giãy chết.
Cảnh trong phim "Tiền nhiều để làm gì". |
Bây giờ, khán giả thận trọng và khó tính hơn khi đến rạp, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt của phim ngoại khiến các nhà làm phim nội địa dè chừng. Những mùa Tết trước đó từng chứng kiến cảnh ế ẩm của "phim nhà làm".
Vì vậy từ Tết 2016 trở đi, số lượng phim chỉ cầm chừng bốn, năm tác phẩm dù rằng trong năm có gần 50 phim Việt ra rạp. Và muốn thành công, họ không còn cách nào khác là phải làm ra những bộ phim chất lượng. Thành công của phim "Hai Phượng", "Mắt biếc", "Cua lại vợ bầu"... chứng tỏ một điều rằng: dù làm phim thể loại gì, chiếu ở thời điểm nào, chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Để đáp ứng mong mỏi của khán giả, các nhà sản xuất không ngừng tìm tòi, thử nghiệm cái mới. Thực hiện một bộ phim đúng nghĩa dành cho mùa Tết, đạo diễn Nguyễn Quang Huy, danh hài Trường Giang cùng ekip phải nghiên cứu, chọn lựa kịch bản kỹ lưỡng trước cả năm trời.
"30 chưa phải Tết" được chọn bấm máy vì sở hữu yếu tố kỳ ảo mới mẻ, phù hợp với thị hiếu đương thời của khán giả trẻ. Bên cạnh đó, nội dung phim còn truyền tải thông điệp nhẹ nhàng về tình cảm gia đình, tình bằng hữu, luật nhân quả…. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy tâm niệm: "Bây giờ không có khái niệm làm phim theo mùa để hốt bạc. Chúng tôi tin tưởng rằng cứ dốc hết tâm sức làm phim thật hay thì khán giả sẽ chọn xem".
Cũng tâm niệm như thế, riêng với những phim không tập trung vào đề tài Tết như "30 chưa phải là Tết", nhà làm phim có quyền lùi thời gian chiếu thích hợp chứ không hẳn phải tung vào ngày đầu năm. "Hai Phượng" là một ví dụ. Ra rạp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2019 nhưng phim nhanh chóng vượt lên thành phim Việt đạt doanh thu cao nhất mọi thời. Trước đó, "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" dự định ra rạp vào Tết 2016 nhưng Ngô Thanh Vân quyết định lùi vào mùa hè để tránh rủi ro.
Tuy vậy, việc nhà làm phim không còn mặn mà với mùa Tết đang khiến phim nội địa lép vế so với phim ngoại. Số phim Việt có nội dung thú vị, mới mẻ khá hiếm hoi trong dịp đầu năm. Trong khi đó, đổ bộ rạp chiếu xuân Canh Tý có khá nhiều "bom tấn" đặc sắc của nước ngoài như "Bác sĩ Dolittle: Chuyến phiêu lưu huyền thoại", "Những gã trai hư trọn đời", "Đại thảm hoạ núi Baekdu", "Birds of Prey: Cuộc lột xác huy hoàng của Harley Quinn"… Điều này khiến nhiều người lo ngại phim Việt lại gặp một mùa Tết thất bát.