Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ
Rung cảm cái Tôi, vô cảm cái Ta?
Mai Quỳnh Nga
Trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, MC Phan Anh là người đã than khóc rất nhiều cho đại họa của trái tim nước Pháp. Anh viết lên trang cá nhân: "Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Lòng quặn đau như muốn khóc!" và còn bay sang Pháp để cầu nguyện trước mất mát này.
Người ta hiểu cho điều mà Phan Anh thương xót, dù rằng hơi quá. Anh yêu Nhà thờ Đức Bà Paris, đó là chuyện cá nhân anh và không ai ngăn cấm anh đau đớn, sang Pháp cầu nguyện khi nó bị thiêu rụi. Nhưng đến khi vụ cháy rừng quy mô lớn xảy ra ở Hà Tĩnh, hàng trăm người phải di tản, quân dân phải chiến đấu với biển lửa hiểm nguy, báo giới sẻ chia thì Phan Anh không một lời nói.
Nhiều người chỉ trích Phan Anh, bảo dẫu sao nhà thờ kia có là di tích nổi tiếng nhưng nó vẫn nằm ở châu Âu xa xôi, còn nỗi đau ngay trên dải đất ruột thịt bỏng rát thì Phan Anh lại không lên tiếng. Sự im lặng lúc ấy bị đánh đồng với sự vô cảm, dửng dưng... Phan Anh ngộ ra và xin lỗi, một lời xin lỗi chân thành, cầu thị. Có lẽ anh đã hiểu chất vấn, đòi hỏi của công chúng về trách nhiệm của nghệ sĩ trước các vấn đề xã hội là không hề quá đáng.
Hội viên các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương nhận giải thưởng năm 2018. |
Phan Anh cũng từng bị "ném đá" và phải xin lỗi khi ngồi ghế nóng cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 khi hời hợt cho rằng, việc ban tổ chức vẫn thực hiện đêm bán kết tại tâm bão số 12 ở Khánh Hòa không đáng bị dư luận chỉ trích. Anh còn khoe rất nhiều người đã đến xem chương trình. Trong khi đó, cơn bão số 12 khiến nhiều người chết, hàng ngàn người mất nhà mất cửa.
Cũng ngồi ghế giám khảo cuộc thi này, Á hậu Hoàng My đổ thêm dầu vào lửa. Khi bão tan, cô đăng dòng trạng thái với nội dung: "Nhìn các em mà chị quên mất rằng chính các em cũng là những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão Damrey. Số tiền bán vé bán kết đã được ban tổ chức dành để cứu trợ và còn huy động thêm, tổng 1 tỷ đồng.
Bão Damrey đến rồi đi trong đêm, không nhằm nhò gì so với thiệt hại của những cơn bão không hồi kết cho đương kim hoa hậu đâu em ạ... Những bàn tay nõn nà của tôi, đừng bị trầy xước gì nhé". Đi kèm minh họa cho dòng trạng thái là hình ảnh các thí sinh hoa hậu nhặt cành cây gãy đổ trong cơn bão đêm qua. Khỏi phải nói đến sự phẫn nộ của công chúng trước cách so sánh khập khiễng và thái độ dửng dưng của cô Á hậu.
Ngay sau đó, Hoàng My phải nhanh chóng xóa dòng trạng thái và giải thích vụng về. Nhưng dư luận khó lòng chấp nhận phát ngôn của một người đang "cầm cân nảy mực" cho cuộc thi mà họ ra rả là hướng tới chân - thiện- mỹ.
Phản ứng của công chúng cho thấy những đòi hỏi nghiêm túc của khán giả về trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ. Họ là người của công chúng, mọi tác phẩm, hành xử của họ đều có sức lan tỏa, ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng.
Một bộ phận văn nghệ sĩ (nhất là người trẻ) chỉ chăm chút cho mình khi xuất hiện trên sân khấu, trên truyền hình mà quên mất hình ảnh, lời ăn tiếng nói thường nhật, ý thức sâu sắc trách nhiệm công dân. Đương nhiên, họ không phải là thánh thần để bắt buộc phải hoàn hảo mọi lúc mọi nơi. Nhưng ngay những phát ngôn trên trang cá nhân, nơi tiếp xúc với vô vàn khán giả mộ điệu hay ở nơi công cộng, họ phải có cách hành xử văn minh.
Đằng này, mạng xã hội lên ngôi khiến chủ nghĩa cá nhân được dịp tung hoành. Không hiếm nghệ sĩ ăn nói văng mạng, tục tĩu, gây hấn với đồng nghiệp trên Facebook, cổ súy lối sống thực dụng, trác táng mà thiếu đi những nghĩa cử cao đẹp vì xã hội, thông điệp sống tích cực.
Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ thể hiện đầu tiên ở tác phẩm, hoạt động nghệ thuật của họ. Thế nhưng, cũng có không ít văn nghệ sĩ khiến khán giả thất vọng. Nếu văn chương vẫn rộ lên những áng văn đèm đẹp ngôn tình, ôm ấp cái Tôi nhiều cô đơn, đau khổ thì âm nhạc, điện ảnh, sân khấu cũng không khá khẩm gì hơn.
So với những tác phẩm trên, những tác phẩm đấu tranh với cái xấu, cái ác, đi sâu vào nỗi đau đồng loại, nỗi đau môi trường...; phát hiện nhân tố mới và xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp, vun đắp nhân cách, làm cho con người trở nên người hơn... quá khiêm tốn.
Tác giả trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê cho rằng: "Không ai kỳ thị và cấm đoán văn nghệ sĩ thấu cảm và lên tiếng vì những vết thương của riêng mình. Nhưng thiết nghĩ, cuộc sống ngoài kia rộng lớn, phức tạp, vốn dĩ có hàng vạn nỗi đau khác ngoài nỗi đau tình yêu luôn cần họ chia sẻ.
Đó là nỗi đau căn tính, nỗi đau lưu vong, nỗi đau tuyệt diệt, nỗi đau văn hóa, nỗi đau bệnh tật, nỗi đau môi trường… Nó kinh hoàng và ám ảnh hơn nhiều nỗi đau cá nhân, nỗi đau tình yêu... vốn dĩ là câu chuyện thường ngày và muôn thuở". Và đương nhiên, những cái đèm đẹp của chủ nghĩa hình thức, những tác phẩm đẫm cái Tôi vị kỷ, giải trí nhất thời ấy rồi cũng trôi qua nhanh, đi vào quên lãng, bởi nói như đại thi hào Goethe: "Chỉ những công cuộc nào vì cảnh ngộ mà làm nên thì mới lâu bền được".
NSND Kim Cương: Nghệ sĩ đem đến cái đẹp nên hãy sống cho đẹp
Phan Thi Uyên (thực hiện)
- Dù đã rời xa sân khấu, tuổi cao sức yếu nhưng năm nào bà cũng tổ chức các chương trình thiện nguyện hướng về nghệ sĩ nghèo, các cặp đôi khuyết tật, trẻ mồ côi... Hành trình đó đã bền bỉ trong hơn 50 năm qua. Đó có phải là một trong những cách để bà thể hiện trách nhiệm xã hội của một nghệ sĩ?
+ Để thể hiện trách nhiệm xã hội, người nghệ sĩ có nhiều cách: bằng hoạt động nghệ thuật, bằng tác phẩm, bằng nhân cách, thái độ hay các hành động cụ thể trước vấn đề của đất nước, nhân dân. Và việc thiện nguyện cũng chỉ là một trong số đó. Từ nhỏ, má tôi - NSND Bảy Nam- luôn gieo những bài học nhân ái, dạy dỗ chúng tôi bổn phận phải chia sẻ nỗi đau của người khác. Do đó, khi đứng trước những số phận không may mắn, tôi đau khổ, trăn trở và day dứt, không cầm lòng được.
Là phụ nữ làm nghệ thuật bao giờ gánh nặng công việc cũng lớn hơn gánh nặng gia đình. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía mái ấm nhỏ thì tôi không thể lo cho mái ấm lớn, đó là cộng đồng những nghệ sĩ đang gặp khó, cần sự yểm trợ để họ ổn định cuộc sống. Vì vậy tôi sẽ làm việc thiện nguyện cho đến khi nào không còn đủ sức.
Tôi tự hào vì nghệ sĩ cũng có thể làm nên chuyện, cũng có thể dùng sức ảnh hưởng của mình để góp phần mang lại cho cuộc sống cộng đồng những giá trị tốt đẹp mang tính nhân văn. Mình làm việc thiện vì cái tâm, cái trách nhiệm của người nghệ sĩ. Điều làm mình rất vui là việc thiện nguyện này được nhiều anh em nghệ sĩ khác và nhiều người cùng chung tay tham gia, hỗ trợ.
- Giữa thế hệ nghệ sĩ của bà và thế hệ ngày nay, bà nhận thấy có sự khác biệt nào trong việc nêu cao trách nhiệm xã hội?
+ Má tôi - NSND Bảy Nam - là người thầy đầu tiên trong đời tôi. Má thường răn: "Con ơi, nghề mình không phải là nghề kiếm tiền. Nó là cái Đạo". Hồi nhỏ, tôi không hiểu Đạo ở đây là gì. Sau này lớn lên, lăn lộn với nghề, tôi hiểu thì ra má nói về cái Đạo làm người. Tôi học được ở má hai điều quan trọng: đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ và sự trân trọng của người nghệ sĩ đối với nghề nghiệp của mình. Do vậy, nghệ sĩ chúng tôi ngày xưa rất thận trọng với nghề. Chúng tôi kính Tổ nghiệp đến nỗi không dám nói một câu thất đức.
Tôi rất buồn khi thấy bây giờ những màn tấu hài vô bổ, thiếu văn hóa đang chiếu nhan nhản, công khai trên truyền hình. Điều đó thể hiện sự vô trách nhiệm của người nghệ sĩ. Nó rất nguy hiểm. Nếu nghệ sĩ tụi tôi diễn trên sân khấu mà có nói bậy thì chỉ mấy trăm người ở đó biết thôi, còn truyền hình thì độ phổ cập của nó rất lớn, nó đi vô từng nhà của mỗi người.
Ngày xưa chiến tranh khó khăn là vậy mà chúng ta có biết bao nhiêu vở hay, đẫm giá trị nhân văn, chạm đến nhiều vấn đề thời cuộc như "Đời cô Lựu", "Lá sầu riêng", "Tô Ánh Nguyệt"... còn bây giờ thì tràn lan tấu hài, chọc lét, hù ma nhảm nhí. Khán giả ra rạp không đọng lại được cái gì, thậm chí còn kéo thị hiếu của họ xuống thấp.
- Vậy lời khuyên của bà là gì đối với những nghệ sĩ trẻ hôm nay?
+ Có dịp gặp gỡ các thế hệ nghệ sĩ trẻ, tôi hay nói với họ rằng: cái nghề mình không phải là nghề dễ, nghệ thuật không phải lao động của chân tay mà là lao động của tâm hồn. Bởi tâm hồn mình thế nào thì mình mới chạm được tâm hồn khán giả. Mà làm cho khán giả khóc với mình, cười với mình cực khó.
Nghệ sĩ phải hiểu vai trò của mình đóng góp như thế nào với nghệ thuật và câu nói của mình ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội. Bởi nghề này có sức ảnh hưởng rất lớn đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Mình không thể dạy người đời sống đẹp mà bản thân mình lại sống lọc lừa, độc ác, dửng dưng vô cảm với đồng loại, với nỗi đau của dân tộc...
Nghệ sĩ là người đem đến cái đẹp, ca ngợi cái đẹp nên họ phải sống sao cho đẹp, dù biết đó là điều rất khó, đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Ca sĩ Thụy Uyên: Nhiều nghệ sĩ chỉ chạy theo danh tiếng, tiền tài
Phải công nhận nghệ sĩ trẻ bây giờ rất có tài, hát hay hơn thế hệ trước rất nhiều, nhưng không ít người bị cuốn theo vòng xoáy của xã hội hiện nay nên sống thực dụng. Họ làm nghệ thuật nhưng đa phần chỉ chạy theo chức năng giải trí.
Và giải trí bây giờ không đơn thuần chỉ là sự rung cảm, xúc động trầm trồ trước cái hay, cái đẹp mà nhường chỗ cho việc thỏa trí tò mò; sự phấn khích, khoái trá trước những màn ngu dốt được thể hiện công khai giữa bàn dân thiên hạ; hoặc thậm chí là kích thích sự giận dữ, sợ hãi của đám đông...
Trong âm nhạc, yếu tố giải trí được tận dụng triệt để. Nhiều người bây giờ bỏ qua "giải trí nghệ thuật" để chỉ làm "giải trí thuần túy", nghĩa là không cần đếm xỉa gì đến cái gọi là chức năng thẩm mỹ, giáo dục, trách nhiệm xã hội... mà chỉ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình lẫn công chúng.
Có tài năng nhưng họ không chỉn chu về chuyên môn mà chỉ lo chạy theo phong cách sành điệu, chưng diện và lối sống ảo. Tôi thấy rất nhiều người lên Facebook chỉ để cốt khoe của, khoe thân, cuộc sống sang chảnh mà ít những hoạt động cộng đồng, chính kiến về vấn đề xã hội. Trong khi đó, đây là phương tiện rất tốt để người nghệ sĩ truyền tải thông điệp, hành động tích cực đến công chúng.
Rất nhiều người có cách hành xử thiếu suy nghĩ, bàng quan với thời cuộc còn bởi họ thiếu trải nghiệm, không thấu cảm và chia sẻ với người khác. Nhịp sống hiện đại gấp gáp, thế giới mạng tích tắc kết nối mọi thứ khiến giới trẻ ngày càng phụ thuộc công nghệ. Họ chỉ biết chúi đầu vào chiếc máy tính, điện thoại, hào hứng với tương tác ảo mà thiếu đi sự tương tác thật. Nghệ sĩ trẻ cũng không ngoại lệ. Do đó, sự vô cảm là điều tất yếu.
Những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, kêu gọi lan tỏa thông điệp tích cực vẫn có nhưng lắm người vẫn nặng tính hình thức. Trách nhiệm xã hội không phải là cuộc biểu diễn, làm màu trước công chúng. Điều này rất dễ nhận ra khi khán giả thấy một nghệ sĩ trao quà từ thiện ở vùng lũ mà ăn mặc, trang điểm lòe loẹt hay để các em học sinh, người nghèo đứng chờ còn mình thì ghế êm nệm ấm. Là một công dân, người nghệ sĩ phải hòa mình vào đời một cách chân thành, và lắng nghe bằng cả trái tim để hiểu từng hoàn cảnh.
Có lẽ nhiều nghệ sĩ thiếu trách nhiệm xã hội bởi họ còn ngại khó, ngại khổ. Để làm được những điều tích cực cho cộng đồng không phải là điều dễ. Nó cần cái tâm, cái tầm lẫn sự hy sinh, chia sẻ. Không phải anh chỉ ở ghế sofa là anh đã làm tròn trách nhiệm của người nghệ sĩ. Mà anh phải đi, phải trải nghiệm.
Đi từ thiện hay dọn rác, tuyên truyền cho bà con nhân dân... đều cần những con người không quản nắng mưa. Không nói suông, họ phải hành động thì mới thuyết phục được công chúng làm theo. Tôi rất trân trọng những tấm lòng nghệ sĩ chân chất, không ngại gian khổ để giúp đỡ bà con ở vùng sâu vùng xa như MC Quyền Linh hay nghĩa cử hiến tạng cứu người của chị Việt Trinh và nhiều nghệ sĩ khác.
Nhà văn Trầm Hương: Ngòi bút cần đồng hành với nỗi trăn trở của xã hội
Là người cầm bút lớn lên sau chiến tranh, tôi cảm nhận sâu sắc sự giàu có từ tầng tầng lớp lớp trầm tích của lịch sử dân tộc. Máu và nước mắt của cha ông trong dựng và giữ nước để lại di sản lịch sử khổng lồ cho con cháu. Ẩn số những giọt nước mắt, những phận đời bé nhỏ đằng sau những cột mốc lịch sử là nguồn cảm hứng mạnh mẽ thôi thúc nhà văn cầm bút.
Những người viết trẻ đang gánh lấy trên vai trách nhiệm kép khi chính họ vừa làm người kế thừa di sản quý báu của lịch sử mà thế hệ tiền nhân chưa kịp làm đã ra đi vừa là những "chiến sĩ" tiếp tục đồng hành với nhân dân về các vấn đề bức xúc của đời sống đương đại, trách nhiệm giữ gìn chủ quyền quốc gia, sự tha hóa quyền lực, sự xuống cấp đạo đức, sự giằng xé những học thuyết và khuynh hướng, những nỗ lực vươn lên từ sai lầm, đổ vỡ… Nhiều vấn đề ngổn ngang đặt ra cho người viết trẻ.
Không ít người viết trẻ lao vào chuyện ngôn tình, những câu chuyện giật gân của giới showbiz, những chán chường, vỡ mộng, những phá phách, lật đổ thần tượng, sám hối, những vọng tưởng, thiên di... và không ít tác giả trẻ thành công, có số ấn bản đáng mơ ước. Nhưng nếu văn học chỉ có thế thì người cầm bút thế hệ hôm nay còn mắc món nợ lớn với đồng bào. Hơn lúc nào hết, văn chương cần đồng hành với nhân dân, chạm đến trái tim con người từ những vấn đề cốt lõi của đời sống.
Chuyện hạt gạo, nắm rau, miếng thịt, con cá ngày nay đi vào tâm thức đồng loại con người, đơn giản vì chúng ta sống bằng những điều giản dị ấy. Nhưng hơn lúc nào hết, chúng ta luôn bất an vì lo sợ những thứ nuôi sống mình và những người thân yêu trong gia đình bị nhiễm độc. Chuyện bất cập của nền giáo dục khiến hàng triệu phụ huynh tìm cách đưa con em du học, nhiều người tài đức cũng lìa bỏ quê hương ra đi, không phải để tìm tiện nghi mà cần môi trường sống thích hợp.
Chuyện môi trường sống bị ô nhiễm, nạn ngập lụt, bạo lực và xuống cấp đạo đức làm thổn thức, đau nhói những con tim ngỡ vô cảm, chai sạn. Chuyện chủ quyền đất nước, xả độc của các nhà máy làm cá chết hàng loạt, hủy hoại môi trường biển làm đồng bào phẫn nộ, xót xa. Chuyện những người lính thời bình hy sinh khi làm nhiệm vụ khiến đất trời cũng rơi lệ tiễn đưa.
Chuyện tai nạn giao thông cướp mất bao tinh hoa, tước đoạt bao mạng sống con người luôn được đặt trên các bàn nghị sự. Chuyện tham nhũng, bất công, lợi ích nhóm, tha hóa quyền lực làm xói mòn lòng tin khiến xã hội nhức nhối… Hơn lúc nào hết, độc giả cần có những trang viết đồng hành với mối an nguy, trăn trở của dân tộc.
Để có những trang viết đồng hành cùng với đời sống đồng bào, ngoài tài năng, nhà văn cần có sự bứt phá, dũng cảm, dấn thân. Càng có quá nhiều bất ổn, nghịch lý, bất công thì công chúng càng mong đợi những tác phẩm nói thay nỗi niềm của họ; cùng góp sức đấu tranh, xây dựng và kiến tạo xã hội ngày càng có chất lượng sống tốt hơn.
Ngày nay, mạng xã hội làm thay đổi cách truyền thông. Nhiều bức xúc của công chúng, những người viết trẻ không được in "đúng quy trình" sẽ tìm cách tải trên mạng xã hội. Nơi đây, nhiều trăn trở, bức xúc đời sống xã hội được chia sẻ, lan truyền nhanh.
Tôi nghĩ người viết trẻ cần được chia sẻ, khích lệ, bao dung. Bởi lẽ, những người viết trẻ không bức xúc trước những vấn đề chủ quyền, quốc gia, dân tộc, tiến trình dân chủ, hạnh phúc con người thì còn đáng sợ hơn. Họ có thể quá đà, nông nổi nhưng họ cũng cần lắm sự bao dung để đi đúng đường, để tận hiến vai trò của một nhà văn - chiến sĩ thời hiện đại, đồng hành cùng nhân dân trong những vấn đề cốt lõi của đời sống.