Tôi không bỏ qua vụ vi phạm bản quyền nào
- Thưa nhà văn Trần Đức Tiến, ông có quan tâm đến vấn đề bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học không? Và ông thấy tình hình thực hiện vấn đề này đang diễn ra như thế nào?
+ Tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Nhưng tình hình thực hiện bản quyền văn học ở ta hầu như chưa có động tĩnh gì. Tôi nói điều đó là căn cứ vào những chuyện thực tế xảy ra với chính bản thân tôi - một người có mấy chục năm viết văn, đã từng bị xâm phạm bản quyền, đã từng hy vọng vào Trung tâm QTGVHVN và rồi… hết hy vọng.
- Trung tâm QTGVHVN đã được thành lập từ 6 năm về trước, do nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến trực tiếp phụ trách. Ông có ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm các tác phẩm của mình không và quyền lợi ông nhận được là gì?
+ Có lẽ tôi là một trong số những người ký hợp đồng ủy quyền ngay từ đầu cho Trung tâm. Nhưng nói về quyền lợi à? Tôi chưa nhận được bất cứ "quyền" gì, "lợi" gì, mặc dù không dưới 2 lần tôi đã trực tiếp nhắc nhở những người có trách nhiệm ở Trung tâm về những chuyện tôi cho là mình bị xâm phạm về bản quyền văn học. Nhưng mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở những lời hứa. Mà tôi nghĩ, giải quyết những vụ việc tương tự như của tôi không đến nỗi khó khăn đến thế.
- So với các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc, hội họa, văn học vẫn gần như "nằm im tại chỗ" trong vấn đề thực hiện bản quyền tác giả, cho dù chúng ta đã gia nhập công ước quốc tế về bản quyền từ lâu. Theo quan sát của ông, nguyên nhân của vấn đề này do đâu?
+ Qua những gì công khai trên báo chí, những việc đã làm, những phát biểu, kể cả những vụ kiện tụng… thì trong vấn đề bản quyền ở lĩnh vực âm nhạc, người ta vào cuộc sớm hơn, mạnh mẽ hơn và đúng là có hiệu quả hơn lĩnh vực văn học thật. Tôi nghĩ việc gì cũng vậy, vấn đề muôn thuở vẫn là nhiệt tình, tâm ý của những người thực hiện. Cụ thể là những người có trách nhiệm trong việc này có thực sự làm việc vì nỗi bức xúc và quyền lợi của người cầm bút hay không? Hay lại mượn nó để vun vén cho lợi lộc của cá nhân mình? Khó nói lắm.
- Vậy, theo ông, ý thức của các nhà văn ta trong vấn đề bản quyền có gì bất cập?
+ Tôi nghĩ phần lớn các nhà văn đang thờ ơ với vấn đề này. Một số ít còn lại, trong đó có tôi, thì có quan tâm, nhưng thiếu thông tin, và nói chung là hiểu một cách rất đại khái về bản quyền. Chẳng hạn: Tôi là một trong số những tác giả có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho các em học sinh trong nước (kể cả giáo trình cho sinh viên ở nước ngoài). Ở nước ngoài thì tuyệt nhiên không thấy nói gì, một quyển sách biếu cũng không. Còn ở trong nước thì quãng mươi năm nay, chỉ có 2 lần người ta gửi nhuận bút cho tôi, mỗi lần 100 nghìn đồng. Sách thì năm nào cũng tái bản với số lượng rất… khủng. Thế có gọi là làm tiền trên lưng người khác không, có phải là vi phạm bản quyền hay không? Những nhà văn như tôi biết kêu ai đây?
- Khi phát hiện ra tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền, ông xử lý câu chuyện của cá nhân mình như thế nào?
+ Tôi là người viết khá nhiều thư, gọi khá nhiều cuộc điện thoại cho các nhà xuất bản, các báo, chỉ để… đòi tiền nhuận bút! Nói chung tôi không bỏ qua bất kỳ vụ vi phạm nào, nếu như chúng bị phát hiện. Làm như thế có lẽ không được tế nhị cho lắm - "tế nhị" hiểu theo cách của nhiều người. Nhưng tôi vẫn làm. Tôi còn khuyên cả người khác cũng làm như tôi. Tiền chẳng đáng là bao, có khi không đủ bù cho tiền điện thoại, nhưng tôi rất quý đồng tiền mình làm ra bằng việc viết lách, và ghét cay ghét đắng thói vô trách nhiệm của bất cứ ai.
- Rất nhiều nhà văn khi có tác phẩm bị xâm phạm bản quyền, như sách bị in lậu, bị đưa lên mạng không xin phép, bị sử dụng và cắt xén mà không được sự đồng ý của tác giả…., lại có tâm lý xuê xoa, ngại lên tiếng, kiện cáo, thậm chí có người còn nghĩ rằng như thế là tác phẩm của mình có nhiều người đọc hơn, được nổi tiếng hơn…Ông nghĩ sao về điều này?
+ Đúng là có nhiều người viết hành xử như thế thật. Nhưng nói thực là tôi không quan tâm lắm đến sự nổi tiếng. Nổi tiếng bằng cái giá ấy thì càng không bao giờ…
- Trung tâm QTGVHVN là đơn vị trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, nay do nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ phụ trách. Dưới góc nhìn của một người cầm bút, ông cho rằng đâu là những việc cấp thiết nhất mà Trung tâm cần làm trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà văn?
+ Tôi nghĩ rằng việc cấp thiết nhất là phải làm sao giúp cho các nhà văn có ý thức đầy đủ hơn về bản quyền. Phải thường xuyên thông tin cho họ những việc mà Trung tâm đã làm và sẽ làm. Và muốn nói gì thì nói, nhà văn phải thấy lợi. Nếu không có Trung tâm bản quyền của Hội thì họ sẽ rất khó khăn, hoặc chẳng bao giờ "đòi" được những quyền lợi đó.
- Xin cảm ơn nhà văn Trần Đức Tiến