Tín ngưỡng - mê tín: Đâu là ranh giới?
- Tận mắt xem "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ"
- Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO xem xét ghi danh
Mừng ít, lo nhiều
Đầu tháng 12 vừa qua, hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" của Việt Nam đã được UNESCO biểu quyết trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tin vui này được lan tỏa rất nhanh, được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là đối với những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu, những thanh đồng, những thủ nhang, thủ đền...
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ coi đây là tin vui, niềm hãnh diện, tự hào, những người tôn kính tín ngưỡng thờ Mẫu - trong đó diễn xướng hầu đồng là một thành tố quan trọng - người ta còn tung hô rằng: "Vậy là diễn xướng hầu đồng được "cởi trói" rồi nhé, được UNESCO vinh danh, trở thành di sản của nhân loại đấy, chứ không riêng gì Việt Nam ta nữa rồi!".
Có thể nói, sau một thời gian lui vào hoạt động khép kín, khoảng 10 năm trở lại đây, các hoạt động diễn xướng hầu đồng đang trở nên phổ biến, công khai. Mỗi năm hàng ngàn lễ hội được mở ở các đền, chùa, phủ... là di tích của quốc gia hoặc địa phương đều có gắn với tục thờ Mẫu và nghi thức hầu đồng. Đó là còn chưa kể các phủ, miếu, mạo... do tư nhân lập ra, hoạt động diễn xưỡng hầu đồng còn diễn ra với tần suất dày đặc hơn gắn với việc cầu cúng, "trình đồng mở phủ".
Tái hiện không gian diễn xướng hầu đồng (giá Quan lớn đệ Nhất) tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ, số 50 Đào Duy Từ - Hà Nội. |
Chính vì thế, bằng việc được UNESCO vinh danh, được "cởi trói", những ý kiến lo ngại về việc các hoạt động thương mại hóa tín ngưỡng, "buôn thần bán thánh" đang trở thành một vấn đề rất đáng lo ngại: Không chỉ tốn kém về tiền bạc mà còn gây ô nhiễm môi trường bởi hoạt động đốt vàng mã tràn lan, khối lượng lớn và làm mất đi sự trong sáng, lành mạnh vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Điều đáng lo ngại nhất là, khi "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" được tôn vinh, rất nhiều người dân còn hiểu chưa đúng về nội dung, mục đích của sự tôn vinh này mà cứ lầm tưởng đó là sự tôn vinh nghi thức diễn xướng hầu đồng.
Hầu đồng thực ra chỉ là một thành tố trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc hiểu sai, "hiểu lập lờ" lệch lạc này khiến hoạt động này được "tung hô", lại càng dễ bị biến tướng, méo mó.
Theo nhận định của Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" và trực tiếp đưa hồ sơ qua các vòng thẩm định thì: "Chúng ta phải nhìn nhận rõ, UNESCO không vinh danh tín ngưỡng, vinh danh dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh mà vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là: Tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng… Đó chính là ghi nhận những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và được bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay".
Thế nhưng hiện nay một bộ phận công chúng vẫn đang hiểu theo khía cạnh là vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu và diễn xướng hầu đồng. Thậm chí có những người mặc nhiên cho rằng đó là UNESCO vinh danh tín ngưỡng hầu đồng. Tất cả những cách hiểu này đều sai lệch hoặc người ta cố tình hiểu sai đi vì một mục đích nào đấy, để dễ dàng sử dụng diễn xướng hầu đồng vào những mục đích không thuần túy là tâm linh.
GS. Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền: Ranh giới là đường chỉ mỏng manh
- Thưa GS. TS Nguyễn Chí Bền, ông có thể giải thích cho độc giả hiểu đâu là giá trị độc đáo, là điểm mấu chốt để hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
+ Điểm mấu chốt trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là chứa đựng hệ thống sáng tạo văn hóa, bao gồm những sáng tác văn chương của các nhà nho đã văn chương hóa các nhân vật được phụng thờ, đưa nhân vật được phụng thờ trở thành hình tượng, bên cạnh đó là âm nhạc, trang phục, vũ đạo... rất đặc sắc.
Thứ hai, đó là tín ngưỡng đề cao người phụ nữ thông qua hình tượng Thánh Mẫu, tức là người Mẹ. Thời nay, nam nữ bình đẳng nên giá trị ấy có thể là bình thường, nhưng chúng ta phải đặt tư tưởng đề cao người phụ nữ ấy trong xã hội Nho giáo xưa kia. Việc đề cao người phụ nữ với tất cả những khát khao, khát vọng cháy bỏng trong tín ngưỡng thờ Mẫu chính là một trong những điểm để Hội đồng thẩm định đánh giá rất cao.
Đó là tư tưởng có tính nhân văn cao, đề cao tình thương bao la của người mẹ đã có sự gặp gỡ chung với tư tưởng của nhân loại. Hồ sơ của Việt Nam khi đưa ra, không có ý kiến phản đối nào, 24/24 của các thành viên Hội đồng thẩm định Ủy ban Liên hính phủ đều bỏ "phiếu thuận". Trong khi đó, các di sản khác, các thành viên cãi nhau rất căng thẳng, gay gắt.
- Ông có lo ngại rằng, bằng việc được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới sẽ khiến cho các hoạt động lợi dụng việc thực tín ngưỡng thờ Mẫu để hành nghề mê tín dị đoan sẽ được dịp gia tăng và hoạt động công khai hay không?
+ Có thể nói, tôi là người đã phá thông lệ cũ để lần đầu tiên mở ra được một "Diễn xướng dân gian hầu Thánh" năm 2006 và gắn bó nhiều năm gắn bó, nghiên cứu nghi thức hầu đồng. Nhưng tôi cũng phải thưa thật là tôi rất lo ngại câu chuyện phía sau di sản này, có thể đẩy nó thành một thái cực mà tôi gọi là mê tín chứ tôi không gọi là dị đoan.
Thực ra, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là một đường chỉ mỏng manh, với tín ngưỡng thờ Mẫu lại càng mỏng manh hơn. Nhiều báo chí và đài truyền hình đã hỏi tôi về xu hướng bị lợi dụng, biến tướng, bị thương mại hóa... Rõ ràng xu hướng này là có. Các nhà nghiên cứu văn hóa và những người hành nghề thờ phụng Mẫu chân chính đều lo lắng, trăn trở đến điều này.
Vấn đề cốt lõi là làm sao để các thanh đồng, các ông đồng bà đồng hiểu được những giá trị đúng đắn của tín ngưỡng thờ Mẫu, để trong quá trình hành nghề trung gian nối giữa Mẫu và những tín đồ của Mẫu, người ta giữ được cái tâm trong sáng, góp phần gìn giữ giá trị đích thực của các giá đồng, giảm bớt việc đốt vàng mã, "phán lễ" cho các con nhang đệ tử, buôn thần bán thánh... Một số biện pháp quản lý hành chính là cần thiết, nhưng để thay đổi được điều này cũng không dễ dàng.
- Thưa ông, sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vấn đề cần quan tâm trong việc bảo tồn giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu là gì?
+ Có nhiều vấn đề cần quan tâm, có cả những vấn đề vĩ mô và những vấn đề nhỏ lẻ. Song, vì nó là tín ngưỡng, nó nằm trong lòng nhân dân cho nên theo tôi để việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng phải chú ý đến việc nâng cao ý thức cho người dân, vinh danh các cung văn giỏi, có nhiều công trong việc sưu tầm, truyền dạy hát văn; khuyến khích những thủ nhang, thanh đồng trong công tác bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa dân gian của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể, giúp cho việc kết nối, sự bình đẳng, hài hòa giữa thủ nhang, bản hội, tạo nên một cộng đồng thờ Mẫu thống nhất, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh, tránh lợi dụng các cơ sở thờ tự để "buôn thần bán thánh", "thương mại hóa".
- Xin cảm ơn GS. Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền.
NSƯT Văn Chương: Tin mà không hiểu là "mê"
- Thưa NSƯT Văn Chương, là người có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong việc thể hiện các bài hát văn phục vụ cho các nghi lễ phụng thờ thánh Mẫu, anh có thể chia sẻ quan niệm của mình trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam hay nói cách khác là tục hầu đồng?
+ Theo tôi, tục thờ Thánh Mẫu có thể coi là một tôn giáo bản địa riêng có của Việt Nam nhưng để hiểu đầy đủ về nó cũng không đơn giản. Nó có nhiều khía cạnh, nhiều nghi thức, tập tục khác nhau và có nhiều dị bản. Trong số đó có cách thờ được nhiều người biết đến nhất, để lại dấu ấn sâu đậm nhất, được nhiều người trong đạo và ngoài đạo biết đến, ngưỡng mộ, tôn vinh, đánh giá cao nhất chính là hình thức thờ thông qua một hình thức diễn xướng tâm linh mà dân gian gọi là lên đồng, hầu đồng, hầu bóng. Đó là việc một hay nhiều người hóa thân vào các nhân vật ở trong hệ thống thờ Tam phủ Thánh Mẫu.
Gọi nó là diễn xướng tâm linh bởi nó diễn ra ở không gian thờ tự, tạo nên một cảm nhận là giữa đời thực và thế giới siêu hình được gặp gỡ nhau. Tiếng chiêng, tiếng chống, tiếng nhạc, tiếng hát và mùi hương hoa, khói trầm hòa quyện vào nhau tạo cho con người ta sự thanh thản, khiến người ta có thể trút bỏ lo toan của đời thường để sống một đời sống tâm linh.
Khi một người hành lễ hóa thân vào một nhân vật tiên thánh, hay còn gọi là các "giá đồng" trong không gian tâm linh ấy, cái tôi của họ còn rất ít, phần hóa thân trở thành cơ bản, thậm chí thăng hoa đến độ trong khoảnh khắc tưởng chừng mình chính là nhân vật lịch sử ấy hay vị tiên thánh ấy. Vì thế, có thể nói, đó là một hình thức biểu diễn gắn với tâm linh.
Thế nhưng, vì là tín ngưỡng trong dân gian nên không phải ai cũng hiểu cặn kẽ như thế, họ thường bị đi quá xa với hiện thực. Vì thế, nếu nói đây là hình thức biểu diễn, là các ông đồng bà đồng không thích đâu. Họ thường bảo rằng: "Không, đó là Thánh nhập vào chúng tôi đấy chứ đâu phải do chúng tôi biểu diễn!".
- Theo anh, làm thế nào để phân biệt ranh giới giữa tín ngưỡng thờ Mẫu lành mạnh với các hoạt động mang tính mê tín dị đoan được gắn với tục thờ Mẫu của người Việt?
+ Giữa tín ngưỡng và mê tín có ranh giới nhưng không phải ai cũng phân biệt được ranh giới này. Cá nhân tôi cho rằng, gần đây việc lẫn giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan đã bớt đi rất nhiều nhưng vẫn còn. Bởi vì ngày nay có rất nhiều kênh thông tin khiến người ta hiểu biết hơn về những chuyện, những hiện tượng trước đây không thể giải thích được. T
ôi là người đi hát phục vụ việc hành lễ diễn xướng hầu đồng lâu năm, nhưng tôi lại là một nghệ sĩ biểu diễn cho nên tôi hiểu ranh giới giữa nhân vật mà mình hóa thân và người diễn viên như thế nào. Trong khi biểu diễn, nếu cái tôi của diễn viên còn qúa nhiều thì tỉ lệ thành công của vai diễn không cao, nhưng nếu người biểu diễn nhập vai quá đà, thì điều hành của người diễn viên đối với nhân vật hơi khó, sẽ bị "thăng" quá.
Tôi vẫn cho là, càng phải đẩy lùi mê tín dị đoan càng xa càng tốt. Bởi vì tâm linh là niềm tin vào một tương lai, vào cuộc sống tốt đẹp chứ không phải cứ đi tin vào điều mình không hiểu. Tin mà không hiểu, thì chính là "mê". Tin vào những điều đã bị méo đi, chính là "dị". Tôi vẫn thắc mắc rằng, tại sao đến giờ này, đạo thờ Thánh Mẫu vẫn chưa thể có cho mình một giáo hội để có thể điều hành, quản lý tốt hơn?
- Khi nhận được những lời mời đi biểu diễn phục vụ việc hành lễ thờ Mẫu, anh có phải cân nhắc, chọn lọc trước những lời mời biểu diễn ở các địa điểm được cho là từng có biểu hiện "méo mó", "lệch chuẩn" không?
+ Thực ra, với tư cách là nghệ sĩ, tôi quan niệm rằng, phục vụ ở đâu cũng là phục vụ nhân dân, cho dù là sân khấu lớn hay những không gian nhỏ hẹp. Tôi cho là mình cũng đừng cứng nhắc quá và với cá nhân tôi thì tôi thấy không cần chọn lọc, không cần quá tính toán trước việc khi một người nào đó tìm đến mình để hát phục vụ cho hoạt động của họ.
Tôi chỉ muốn ở đó người ta tôn trọng mình và công việc của mình, có nhu cầu được thưởng thức bộ môn nghệ thuật đích thực và được nhà nước cho phép. Còn ở đó họ làm những gì mà nó chưa phải, nó méo hoặc lệch lạc đi thì với tư cách là một người nghệ sĩ, một người làm văn hóa, mình có thể góp ý với người ta để cảm hóa người ta bằng góc độ của một người làm văn hóa mà thôi.
- Xin cảm ơn NSƯT Văn Chương!
Nhà báo Phan Đăng: Tín ngưỡng thờ mẫu là sự giải phóng năng lượng
"Trong phần lớn các tôn giáo thì đều có chức năng "giải phóng năng lượng", vấn đề ở chỗ là giải phóng năng lượng gì và giải phóng như thế nào thôi. Có thể nhiều người từng biết đến câu nói rất nổi tiếng của Karl Marx: "Tôn giáo là liều thuốc phiện của nhân dân", hiểu theo nghĩa tích cực nó như thuốc gây mê, khiến con người ta đỡ đau thì câu nói của Karl Marx cũng mang ý nghĩa tôn giáo là sự giải phóng.
Còn nếu hiểu theo nghĩa trực tiếp, thuốc phiện là thứ xấu xa, là thứ gây nghiện thì cũng phải nói thêm rằng Marx nói câu đó trong bối cảnh lịch sử là Chủ nghĩ tư bản đang lợi dụng tôn giáo để lầm lạc nhân dân. Khi đó phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân với giai cấp tư sản đang diễn ra gay gắt.
Thế cho nên khi tôi dùng từ "giải phóng năng lượng" thì mọi người cũng hiểu nó theo một nghĩa tương đối, trong một hệ quy chiếu nhất định.
Đầu tiên tôi muốn chia sẻ rằng tín ngưỡng thờ mẫu mang đến cho chúng ta sự "giải phóng nữ quyền". Dân gian có câu rằng: "Thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng làm quan". Trong xã hội phong kiến phương Đông xưa, giấc mơ làm quan của nam tử là một giấc mơ choáng ngợp và với nữ giới, giấc mơ lấy được chồng làm quan, trở thành "bà huyện", "bà phủ" cũng là một giấc mơ đầy choáng ngợp, đầy ước ao, đầy thèm thuồng, xa xỉ. Thế mà việc ngồi đồng còn hơn cả việc lấy được chồng làm quan. Tại sao vậy?
Tôi xin được trả lời theo quan điểm nghiên cứu riêng của tôi thôi, đó là khi bạn ngồi đồng bạn được "giải phóng nữ quyền". Trong xã hội phương Đông, thân phận của người phụ nữ rất bèo bọt, vì thế khi ngồi vào chiếu đồng, được sống trong một thân phận khác - thân phận tiên thánh - và ở đó họ được giải phóng, được tự do, được thể hiện quyền uy của mình.
Trong không gian văn hóa thờ tự xưa, đình - chùa cũng là nơi đại diện cho sức mạnh của nam giới thì đền - phủ lại là nơi nữ giới cất lên tiếng gọi của mình. Tôi cho rằng, tín ngưỡng thờ mẫu là một hình thức tôn giáo rất nhân văn, là nơi để nữ giới "giật" lại chút nữ quyền của mình.
Cái giải phóng thứ hai đó là sự giải phóng về dân tộc, chủng tộc, khiến các dân tộc bình đẳng với nhau. Chúng ta có 54 dân tộc khác nhau với những khác biệt về văn hóa giữa miền núi và miền xuôi, giữa người Kinh với người của các dân tộc ít người và sự hòa hợp dân tộc luôn là mong ước.
Còn trong nghi lễ hầu đồng, việc hành lễ hướng đến việc thờ rất nhiều vị tiên thánh là người miền núi sơn trang thượng ngàn như bà Chúa Thác Bờ, chầu Bé Bắc Lệ, chầu Mười Đồng Mỏ... Trong giá hầu chầu Bé Bắc Lệ có tả một phiên chợ mà tôi chưa thấy một phiên chợ nào đẹp và bình đẳng như thế. Khi chúng ta đang muốn xây dựng một xã hội dân chủ, hòa hợp dân tộc, thì chính điều này có một ý nghĩa đặc biệt.
Thứ ba, tín ngưỡng thờ mẫu còn hướng đến việc giải phóng giới tính. Xã hội Nho giáo phương Đông bản địa, vấn đề giới tính rất khắt khe nghiệt ngã, nhất là đối với những người đã trót sinh ra "xác một nơi, hồn một nẻo" sẽ rất đau đớn, bị ruồng bỏ và không bao giờ có cơ hội thể hiện được giới tính thật của mình. Nhưng chính trên chiếu đồng lại là nơi cho họ cơ hội trở về với giới tính thật của mình.
Ví dụ, những người sinh ra là nữ nhưng tính cách lại là nam giới thì khi họ hóa thân vào các vai nam như Quan đệ Nhất, Quan đệ Nhị, Quan đệ Tam... họ sẽ thể hiện được tất cả tính cách mạnh mẽ, uy nghi của một đấng nam nhi hay hóa thân vào các giá Hoàng là Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười thì cũng thể hiện được sự tao nhã của các đấng nam nhi mà trong đời thường họ không có cơ hội thể hiện. Và ngược lại, những thanh đồng là nam khi vào hầu các vai nữ thì cũng thể hiện được hết vẻ đẹp lộng lẫy, yểu điệu, mềm mại, đẹp đẽ và họ thật sự được là họ.
Tôi cho rằng đây là khía cạnh cực kỳ nhân văn. Có thể khi xưa ông cha ta không nghĩ đến điều này nhưng khi thực hành tín ngưỡng này, những người có sự lệch lạc về giới tính gặp được điều này và họ tìm thấy ở đây như một sự giải phóng, một sự giải thoát những trắc trở trong số phận và trong tính cách của họ.
Thứ 4, tín ngưỡng thờ mẫu là sự giải phóng về mặt mỹ cảm. Người nông dân Việt Nam khi xưa chân lấm tay bùn, màu sắc chủ đạo của họ chỉ là màu nâu - màu của bùn đất. Khi họ thực hiện nghi lễ hầu đồng, họ được sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Đó là thế giới của mỹ cảm, của cái đẹp. Cái đẹp đến từ trang phục, khăn áo sặc sỡ với 4 màu chủ đạo: đỏ (đại diện cho Thiên phủ), trắng (đại diện cho Thủy phủ), vàng (đại diện cho Địa phủ) và xanh (đại diện cho sơn trang, thượng ngàn).
Người nông dân vốn chỉ quen với màu nâu, bỗng dưng được sống trong một thế giới sặc sỡ sắc màu luôn luân chuyển ấy, thì bản thân người ta cũng thấy mình được khác thường ngày. Và những vũ điệu múa trên nền của nhạc chầu Văn phong phú đầy chất thơ, tái hiện những sinh hoạt đời thường nhưng lại được lung linh hóa trên sân khấu hầu đồng.
Như vậy, trong khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, người dân được tiếp cận với vẻ đẹp đầy rung cảm của trang phục, có âm nhạc, có vũ điệu, có thơ ca. Chính vì thế, đối với người dân thuần túy, đây đúng là sự giải phóng mỹ cảm tuyệt vời. Sự giải phóng mỹ cảm đem đến những giá trị quan trọng. Điều này làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của một nhà văn Nga: "Chỉ có cái đẹp mới cứu thế giới khỏi sự sụp đổ mà thôi"...
Hà Anh (ghi)