Tiếp thêm động lực cho cuộc chiến chống "giặc nội xâm"

Thứ Năm, 21/06/2018, 08:04
Thực tế cho thấy "Liêm chính đã trở thành rào cản tham nhũng". Trong lúc mà tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, trở thành mối đe doạ cho sự tồn vong của chế độ ta thì việc vinh danh, biểu dương những tấm gương cán bộ, công chức liêm chính là hết sức cấp thiết.


Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV được đánh giá là một trong những kỳ họp thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ, nhất là các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, có nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, đi thẳng vào vấn đề cụ thể, thiết thực của đất nước và thành phố; nêu rõ những việc làm được, việc cần rút kinh nghiệm. Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng.

Ngày 13-6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận, góp ý về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng cử tri và nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự vào cuộc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. 

Nhân dân mong muốn phải tiêu diệt tham nhũng. Đã là sâu mọt thì phải diệt trừ. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt kiến nghị thêm: Dự thảo luật cũng chưa rõ việc khen thưởng đối với người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng. Trong chống Mỹ chúng ta có "Dũng sĩ diệt Mỹ" thì trong công tác này phải có danh hiệu "Dũng sĩ diệt tham nhũng".

Ảnh minh họa. nguồn: Internet.

Từ thực tế và qua đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ và nhiều địa phương, cơ quan chức năng đều cho rằng việc khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua hiệu quả còn thấp, chưa thực sự động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dũng cảm tố giác, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, tham nhũng. 

Để tiếp thêm động lực cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất cần vinh danh, biểu dương những cá nhân có thành tích trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng bằng những danh hiệu cao hơn thì đề xuất trao danh hiệu "Dũng sĩ diệt tham nhũng" hoặc "Anh hùng chống giặc nội xâm" có lẽ cũng cần thiết. Bởi mục đích của việc làm này nhằm nhấn mạnh hơn nữa việc biểu dương mặt tích cực, đề cao gương sáng, làm cho tên tuổi và những hành động dũng cảm, chính trực lan tỏa ra cả cộng đồng, tới mọi tầng lớp nhân dân, tác động tích cực đối với dư luận, góp phần khích lệ các cá nhân khác trong xã hội nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần vào việc xã hội hóa công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng một xã hội minh bạch, tiến tới cải thiện thứ hạng bị xếp cao về tham nhũng của Việt Nam.

Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Tổ quốc đã ghi công, nhân dân đã ghi tạc công lao của biết bao tấm gương các anh hùng không tiếc máu xương giết giặc lập công. Thì nay trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy khó khăn, nóng bỏng, mang tầm chiến lược quốc gia, chúng ta rất cần biểu dương, đề cao tấm gương của những người yêu nước, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, đó là những con người dũng cảm đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, họ rất xứng đáng được tôn vinh, khen thưởng như những anh hùng trên mặt trận chống giặc ngoại xâm và không để tên tuổi họ bị quên lãng.

Đồng thời với việc biểu dương, tôn vinh những "Dũng sĩ diệt tham nhũng", "Anh hùng chống giặc nội xâm" cũng cần vinh danh những "Cán bộ, công chức liêm chính". Từ xưa tới nay, các vị quan thanh liêm luôn được nhân dân kính trọng. Họ đều là những người trung thực, tận tụy, luôn làm việc đúng, việc chính nghĩa, việc ích nước, lợi dân và tất nhiên một cán bộ, công chức liêm khiết sẽ không khuất phục trước mọi cám dỗ của vật chất tầm thường.

Thực tế cho thấy "Liêm chính đã trở thành rào cản tham nhũng". Trong lúc mà tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, trở thành mối đe doạ cho sự tồn vong của chế độ ta thì việc vinh danh, biểu dương những tấm gương cán bộ, công chức liêm chính là hết sức cấp thiết.

Chúng ta đã và đang có nhiều cuộc bình chọn các cá nhân xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống như: Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Gương Công an sáng trong lòng dân, Công dân tiêu biểu, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Chúng ta đều biết, trong xã hội hiện nay, chắc chắn có rất nhiều cán bộ, công chức thanh liêm, nói đi đôi với làm, nhưng ta chưa có cuộc vận động bình chọn, biểu dương nào để nêu hình tượng tiêu biểu của họ.

Việc tìm cán bộ, công chức liêm chính có lẽ không hề dễ, bởi những người thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vốn rất khiêm tốn, không muốn tự nhận danh hiệu ấy. Mặt khác, để được đánh giá là liêm chính là cả một quá trình lao động, rèn luyện, phấn đấu lâu dài. Nhưng dù khó khăn đến đâu, một đất nước vẫn có rất nhiều cán bộ, công chức cần được vinh danh là công bộc, là đầy tớ tốt của nhân dân làm mẫu mực cho cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước.

Biểu dương, tôn vinh "Dũng sĩ diệt tham nhũng", "Anh hùng chống giặc nội xâm" và "Cán bộ, công chức liêm chính" sẽ nhân lên những nhân tố tích cực trong lĩnh vực chống tham nhũng, xóa đi tiếng xấu về tệ tham nhũng ở Việt Nam với dư luận xã hội và bạn bè quốc tế. Việt Nam đã chứng minh chúng ta rất xuất sắc khi có vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện và đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo. Hình ảnh Việt Nam sẽ còn đẹp hơn nữa nếu nâng vị thế đất nước lên hàng minh bạch, ít tham nhũng.
Cù Tất Dũng
.
.