Tiệc Cannes 2018 đã kết thúc: Điện ảnh Nhật xứng đáng được vinh danh
- Tiệc Cannes 2018: Dấu ấn Châu Á và niềm tự hào mang tên Việt Nam
- Nhã Phương được giới thiệu là gương mặt tài năng tại Cannes 2018
Truyền thông quốc tế đã không ngại ngần khi ví 12 ngày diễn ra sự kiện điện ảnh danh giá nhất hành tinh tại thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp là 12 ngày của lộng lẫy, xa hoa và hào nhoáng showbiz; 12 ngày của lao động và tôn vinh nghệ thuật một cách nghiêm túc nhất. Bao chờ đợi, đồn đoán và hồi hộp cuối cùng cũng đã kết thúc.
Điện ảnh Nhật, niềm tự hào của châu Á lại một lần nữa được vinh danh ở giải thưởng cao nhất của Cannes lần thứ 71 khi bộ phim "Shoplifters" của đạo diễn Hirokazu Kore-eda đã giành được giải thưởng Cành Cọ Vàng.
Đạo diễn người Nhật Hirozaku Kore-eda nhận giải Cành Cọ Vàng. |
Các giải thưởng đã có chủ
Để có được một kết quả "tâm phục, khẩu phục" trong dàn các giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh này, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cate Blanchett cùng các thành viên như Kristen Stewart, Denis Villeneuve, Lea Seydoux, DuVernay đã có những ngày làm việc nghiêm túc để đưa ra quyết định "xác đáng" về những giải thưởng quan trọng nhất.
Giải thưởng lớn nhất, biểu tượng Cành Cọ Vàng của liên hoan phim Cannes lần thứ 71 đã thuộc về đạo diễn Hirokazu Kore-eda - Nhật Bản với bộ phim "Shoplifters". "Shoplifters" đã vượt qua và chiến thắng một cách ngoạn mục nhiều ứng viên nặng ký khác như "Burning" của đạo diễn Lee Chang Dong, "Cold War" của đạo diễn Pawe Pawlikowski để được xướng tên ở bục vinh quang.
Vị đạo diễn người Nhật đã chứng tỏ tài năng xuất sắc của mình khi lần thứ hai được nhận giải thưởng ở Cannes. Bộ phim "Like Father, Like Son" của ông vào năm 2013 cũng đã giành được giải thưởng của Hội đồng Giám khảo.
"Shoplifters" được các nhà phê bình nhận xét là bộ phim đã mang lại cho người xem những "trải nghiệm cảm xúc vô cùng sâu sắc". Họ đánh giá cao tính nhân đạo mà đạo diễn truyền tải qua câu chuyện buồn và cảm động về góc khuất trong xã hội Nhật Bản với những thân phận đơn lẻ khốn khổ.
Trong khi đó, bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao nhất tại Liên hoan phim Cannes lần này và được rất nhiều người kì vọng sẽ gặt hái được những giải thưởng quan trọng và danh giá của Cannes 2018 là "Burning" của đạo diễn Lee Chang Dong lại chỉ nhận được giải của Hiệp hội Phê bình báo chí trong hạng mục trao giải Độc lập. Đây quả thực là một bất ngờ đối với giới phê bình điện ảnh và người hâm mộ, song cuộc thi và Hội đồng Giám khảo có những quyết định xét giải dựa trên những tiêu chí riêng và khắt khe của họ.
Giải thưởng quan trọng thứ 2 của Cannes là Grand Prix (Giải thưởng lớn) đã được trao cho bộ phim về phân biệt chủng tộc tại Mỹ "BlacKkKlansman" của đạo diễn Spike Lee. Đạo diễn Spike Lee mong muốn bộ phim sẽ mang đến thông điệp sâu sắc cho những người vẫn mang trong lòng sự kì thị chủng tộc, đặc biệt là trong thời đại của Tổng thống Donald Trump.
Giải "ba" - Giải của Hội đồng Giám khảo dành cho bộ phim "Capernaum" của nữ đạo diễn người Li-Băng Nadine Labaki. Nhiều người nhận xét "Capernaum" đã để lại nhiều dư âm và cảm xúc cho khán giả tại buổi công chiếu. Khi kết thúc phim, khán giả đã có cơn mưa vỗ tay không dứt trong suốt 15 phút. Đây là một giải thưởng xứng đáng trong bối cảnh những làn sóng về nữ quyền đang dấy lên rộng rãi, và sự bình đẳng giới đang trở thành một tâm điểm được chú ý trong lĩnh vực điện ảnh.
Bên cạnh đó, các giải thưởng cá nhân quan trọng đã được trao cho những cái tên xứng đáng nhất. Giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho đạo diễn người Ba Lan Pawe Pawlikowski với bộ phim về những vết thương hậu thế chiến thứ 2: "Cold War". Giải thưởng Đồng kịch bản xuất sắc nhất được trao cho nữ đạo diễn người Ý Alice Rohrwacher với phim "Happy as Lazzaro" và đạo diễn Iran Jafar Panahi với phim "Three faces".
Bộ phim "Shoplifters" - tác phẩm xuất sắc nhất Cannes 2018 của đạo diễn người Nhật Hirozaku Kore-eda. |
Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất được trao cho cho Samal Yeslyamova trong phim "Ayka", còn giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất được trao cho Marcello Fonte trong phim "Dogman". Đặc biệt, đạo diễn huyền thoại Jean-Luc Godard đã nhận Cành Cọ Vàng đặc biệt cho tác phẩm "The Image Book". Ngoài ra, giải thưởng mà đạo diễn Trần Anh Hùng từng đoạt được tại Cannes - Camera d'or đã thuộc về bộ phim "Girl" của đạo diễn Lukas Dhont.
Cành Cọ Vàng cho phim ngắn đã được trao cho bộ phim "All These Creatures" của đạo diễn Charles Williams. Còn hai giải đặc biệt cho phim về chủ đề đồng tính đã trao cho "Girl" của Lukas Dhont và phim ngắn "The Orphan" của Carolina Markowicz.
Bộ phim "Climax" đã đoạt giải cao nhất ở nhánh Directors' Fortnight. Đó là bộ phim18 + về bùa yêu và bạo lực, tình dục. Phim kể về "bùa yêu" được bỏ vào đồ uống khiến mọi người rơi vào trạng thái quỷ nhập dẫn đến một "bữa tiệc" xác thịt. Đạo diễn Gaspar Nóe bày tỏ sự hài lòng của mình ở vị trí này chứ không phải tham gia tranh giải Cành Cọ Vàng danh giá. Ông cho rằng: "Phim của tôi là một kiểu năng lượng khác. Người ta không cần mua áo tuxedo để đi xem nó như khi họ đến buổi chiếu các phim tranh giải chính".
Điện ảnh châu Á và những lần được vinh danh Cành Cọ Vàng
Đầu tiên phải kể đến Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ở châu Á giành được Cành Cọ Vàng (lúc đó là "Giải thưởng lớn" của Liên hoan phim Cannes) vào năm 1946 cho bộ phim "Lowly City" (tạm dịch Thành phố hèn mọn). "Gate of Hell" (Cổng địa ngục) là bộ phim thứ hai đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes do đạo diễn Teinosuke Kinugasa thực hiện.
Phim kể về một samurai muốn cưới một người phụ nữ đã có chồng. "Gate of Hell" là bộ phim màu đầu tiên của Nhật Bản được trình chiếu tại nước ngoài. Bộ phim cũng thành công khi giành được giải thưởng danh dự cho phim nước ngoài xuất sắc nhất tại mùa giải Oscar năm 1955.
Tiếp theo cũng là một bộ phim về samurai của đạo diễn Kurosawa Akira Nhật Bản có tên là "Kagemusha" (Võ sĩ thế thân). "Kagemusha" kể về một samurai vốn được dùng làm thế thân cho một vị lãnh chúa, tuy nhiên vị lãnh chúa không may qua đời đã làm mọi chuyện hoàn toàn xáo trộn. "Kagemusha" là bộ phim giành được giải Cành Cọ Vàng năm 1980 và giải thưởng dành cho phim ngoại quốc hay nhất năm 1981. "Kagemusha chia sẻ Cành Cọ Vàng với tác phẩm "All that Jazz" của đạo diễn người Mỹ Bob Fosse. "Kagemusha" cũng được đề cử Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất vào mùa Oscar năm 1981.
Đạo diễn Nhật Bản Shohei Imamura là đạo diễn châu Á duy nhất cho đến thời điểm này từng hai lần có phim thắng giải, hai lần được vinh danh ở Liên hoan Cannes. Bộ phim thứ nhất "The Ballad of Narayama" (Núi Narayama) đoạt giải Cành Cọ Vàng năm 1993. Tác phẩm thứ 2 "The Eel" năm 1997. Tại Liên hoan Cannes năm 1997, đạo diễn Shohei Imamura đã chia sẻ Cành Cọ Vàng cùng đạo diễn Iran Abbas Kiarostami với bộ phim "Taste of Cherry"- một trong những bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn Iran Abbas.
Điện ảnh Trung Quốc cũng từng được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes khi bộ phim "Farewell my Concubine" (Bá Vương Biệt Cơ) của đạo diễn Trần Khải Ca đã chia sẻ Cành Cọ Vàng cùng bộ phim "The Piano" của nữ đạo diễn Jane Campion vào Liên hoan Cannes năm 1993. "Bá Vương Biệt Cơ" có thể xếp vào danh sách những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là bộ phim nói tiếng Trung duy nhất từng giành Cành Cọ Vàng.
Lần đầu tiên, một tác phẩm Đông Nam Á - Bộ phim "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" (Chú Boonmee) của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul Thái Lan đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Cannes 2010. Bộ phim khai thác câu chuyện về sự đầu thai trong triết lý Phật giáo. "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Live" nhận được rất nhiều lời khen ngợi, trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu khi người ta nhắc đến điện ảnh Đông Nam Á.
Và mới đây nhất, bộ phim "Shoplifters" của đạo diễn Hirokazu Kore-eda đã được trao Cành Cọ Vàng trong Liên hoan phim Cannes lần thứ 71, năm 2018.
Như vậy, trong số các tác phẩm điện ảnh châu Á khiêm tốn được vinh danh tại Giải thưởng Cannes thì Nhật Bản là quốc gia chiếm ưu thế nhất khi có tới 5 tác phẩm đoạt giải Cành Cọ Vàng.