"Thuyết âm mưu" và sự nhiễu loạn thông tin

Thứ Hai, 10/08/2015, 08:00
Trong cuốn sách mới nhất của mình về truyền thông có tên "Beyond News-The future of Journalism", nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí nổi tiếng Mitchell Stephens có phân tích rất kỹ về nhu cầu được loan tin như thể mình là người trước tiên biết về tin tức ấy. Nhu cầu đó đã trở nên khủng khiếp hơn nữa ở thời đại thông tin số hóa như ngày hôm nay.

Chỉ cần một thông tin rò rỉ ra, người dùng internet có thể sẽ lập tức loan truyền nó, theo góc nhìn của mình, thậm chí với lập luận và phân tích của mình, không khác gì một ký giả nghiệp dư. Và bản thân người dùng đó, với một lượng người đọc nhất định của họ, có thể sẽ áp đặt được quan điểm của mình lên một đám đông nho nhỏ và từ đó, cấp độ phát tán quan điểm cũng sẽ rộng rãi hơn rất nhiều.

Những phân tích của Mitchell Stephens cho thấy rõ ràng việc phao tin đính kèm quan điểm chủ quan là căn bệnh chung của loài người chứ không chỉ tồn tại ở một môi trường xã hội cụ thể nào cả. Và trong hoàn cảnh đó, đối phó với những luồng thông tin không chính thống kia rõ ràng là một việc rất khó đối với quản lý nhà nước bởi ai cũng hiểu, thông tin nhiễu loạn có thể gây ra một xã hội nhiễu loạn.

Và ở Việt Nam chúng ta hôm nay, sự nhiễu loạn thông tin còn đặc biệt được kích hoạt mạnh mẽ bởi thói quen dựng ra những "thuyết âm mưu", từ tầm phào vô bổ nhất cho tới có lập luận, lý lẽ nhất.

Vụ thảm án ở Bình Phước là điển hình cho việc một số tờ báo dùng “thuyết âm mưu” làm nhiễu loạn thông tin.

Đơn cử như vụ án ở Bình Phước gần đây chẳng hạn. Khi vụ án mới xảy ra, không ít kẻ tôn thờ "thuyết âm mưu" đã đưa bà giúp việc vào tầm ngắm của mình. Họ, với những lập luận theo kiểu "thấy người chết mà không sợ, vẫn còn cố chạy lên lầu để xem tiếp chứng tỏ là có liên quan" đã không hiểu rằng lời kết tội vô tình của mình lại có thể là thứ vũ khí giết người độc ác nhất. Nhưng ngay sau khi lực lượng công an điều tra, phá án một cách tốc độ và xuất sắc, họ không còn nhắc đến "bà giúp việc" nữa mà thay vào đó, lại chèo lái lập luận của mình đi theo hướng khác, với những "thuyết âm mưu" khác hoàn toàn.

Đó có thể không phải là sự xoay chiều của quan điểm mà là sự phát sinh thêm những quan điểm mới, với những ngờ vực mới. Song, cho dù là hình thức nào đi chăng nữa, tất cả những luồng quan điểm kiểu "thuyết âm mưu" ấy đều cùng chung một đặc tính. Ấy là tất cả những chủ nhân của nó đều chỉ ngồi tại nhà, thậm chí trong phòng máy lạnh tiện nghi, phỏng đoán dựa trên trí tưởng tượng của mình không hơn không kém. Tất cả đều quên mất rằng bản chất của đưa tin và bình luận tin phải dựa trên sự xác thực, thứ yêu cầu con người ta phải lăn lộn đến tận hiện trường sự việc và đào xới những bằng chứng, nhân chứng, dẫn chứng liên quan.

Thực tế đời sống cho thấy có rất nhiều "thuyết âm mưu" được dựng lên mỗi ngày bởi trong xã hội hiện đại hôm nay, lượng thông tin mà chúng ta có được dường như đã quá sức đón nhận của mình.

Nguyên nhân chính của việc chúng ta cứ dìm mình sống trong những "thuyết âm mưu" kiểu đó nằm ở hai điểm. Thứ nhất, bản tính tò mò, thích là người đưa tin trước tiên (giống như Mitchell Stephens đã phân tích) và thứ hai, chúng ta không có niềm tin vào bất kỳ điều gì. Sự không có niềm tin vào bất kỳ điều gì được tích hợp với thói biếng lười, chủ quan đã khiến chúng ta trở thành những chuyên gia về âm mưu hoạt động một cách tự nguyện và thường nhật. Hiếm có ai đặt ra một câu hỏi cho chính mình rằng "thay vì mất thời gian ngồi suy tính các âm mưu, chúng ta lao động đúng công việc mà mình đang làm, chúng ta sẽ tạo ra được bao nhiêu giá trị?".

Đây chính là điều mà xã hội Việt Nam cần phải thức tỉnh sớm, đặc biệt là trong cộng đồng những người thuộc thế hệ dưới 45 tuổi, tức là những người vẫn còn sung mãn và nhiều khả năng tạo ra những giá trị cho đời sống. Và điểm cần đánh thức thì quá rõ ràng. Ấy chính là niềm tin. Nếu bản thân chúng ta tự đánh mất đi khả năng biết tin vào một thực tế nào đó, chúng ta sẽ tập cho mình một thói quen sống không niềm tin. Và khi ta đã ngờ vực tất cả, ta không thể có cơ hội thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả đó là lĩnh vực sở trường của mình.

Nhưng vượt trên hết, mỗi con người sống trong xã hội đều có trách nhiệm với chính xã hội ấy. Ý thức trách nhiệm với xã hội là một nghĩa vụ mà mỗi công dân cần phải có và chính việc tạo ra các "thuyết âm mưu" lung lạc những người chúng ta có thể tạo ảnh hưởng chính là hành vi thiếu trách nhiệm xã hội nhất.

 Đơn giản, các âm mưu làm xã hội trở nên hỗn loạn hơn; chúng ta sống trong chính sự hỗn loạn ấy và cảm thấy hoang mang hơn; sự hoang mang lại tạo ra những tổn thương đến niềm tin, điều sẽ dẫn tới việc ta hình thành thêm các thuyết âm mưu khác. Tất cả như một vòng tròn khép kín để rồi một ngày chính chúng ta không thể nào thoát khỏi vòng xoáy của nó.

Hà Quang Minh
.
.