Giải thưởng cho cộng đồng mạng:

Thời thượng nhưng chưa phổ quát?

Thứ Hai, 07/12/2015, 08:00
Chỉ cần người tham gia thêm một cái nhấp chuột khẳng định thích hay không thích, quyết định chia sẻ cho bạn bè cùng thưởng thức sản phẩm mình vừa thưởng thức hay không; sự đơn giản, tiện lợi cùng với số lượng người tham gia vào cộng đồng trực tuyến đang tăng lên với tốc độ chóng mặt khiến các giải thưởng trực tuyến trở thành thời thượng. Chỉ có điều, khó có thể tìm một "bức tranh toàn cảnh" cho lĩnh vực nào đó từ mỗi giải thưởng...

Mùa giải 2015, Zing Music Awards bước qua tuổi thứ 6. Nhạc sĩ Đức Trí - "thương hiệu" được nhiều gương mặt trẻ tìm đến nhờ cậy và cũng đã khá nhiều người thành công một lần nữa lên tiếng thừa nhận: Âm nhạc trực tuyến đã trở thành xu hướng không thể cưỡng lại. Anh khẳng định, chỉ sau 1 đến 2 năm nữa sẽ không còn phổ biến việc sản xuất các đĩa CD âm nhạc. Đơn giản là vì nghệ sĩ và ê kíp sản xuất sẽ thực hiện các sản phẩm âm nhạc và phát hành trực tuyến. Hình thức này nhanh, gọn, dễ phổ biến và ít tốn kém hơn. Sự thay thế này là tất yếu.

Sự phát triển của âm nhạc trực tuyến đã kéo theo tốc độ phát triển khác thường của "làng nhạc Việt". Ngay bản thân người làm nhạc cũng nhận định, các trào lưu âm nhạc ra đời, lan tỏa rất nhanh nhưng nhiều khi cũng "biến mất" rất nhanh trên "bản đồ" âm nhạc. Nói theo cách của nhạc sĩ Đức Trí là có khi chúng ta chưa kịp nắm bắt thì chúng đã "kết thúc một vòng đời". Thậm chí, có khi, chúng chỉ tồn tại một vài ngày nhưng được phổ biến rất nhanh, rất rộng rồi mất hút đâu đó giữa biển thông tin của thế giới phẳng. Nhưng, rất nhiều sản phẩm đã từ thế giới ảo hiện diện trong cuộc đời thực và phổ biến đến mức đi đến đâu, từ nhà ra ngõ, quán xá đều có thể nghe thấy, cảm nhận thấy.

Dành cho cộng đồng trực tuyến, Ban tổ chức Zing Music Awards còn khẳng định muốn hướng giải thưởng đến các bạn trẻ.

Âm nhạc thế giới cũng đang phát triển, thay đổi từng ngày, từng giờ. Nếu không đủ bản lĩnh, người hoạt động trong lĩnh vực này dễ bị cuốn trôi và "nuốt chửng" vào thế giới mênh mông ấy. Tổ chức giải thưởng cũng là một cách định hướng kịp thời. Nếu gọi là "vẽ đường cho hươu chạy" thì cũng rất "nên vẽ", còn hơn là thả tự do cho "hươu chạy lung tung"…

Zing Music Awards còn được những người tổ chức kỳ vọng là sẽ phản ánh bức tranh toàn cảnh về thị trường âm nhạc trực tuyến, tạo bước đệm vững chắc, tạo động lực cho các ca sĩ trẻ trong con đường hoạt động nghệ thuật. Zing Music Awards có 19 giải thưởng, trong đó 13 giải thưởng dành cho sản phẩm (chiếm 70%), và 6 giải thưởng dành cho nghệ sĩ (chiếm 30%). Căn cứ vào chỉ số Z (chỉ số đo được về lượng người xem, nghe, thích, tải về, chia sẻ, bình chọn), Ban tổ chức chọn lọc ra danh sách nổi bật. Trên cơ sở này, nhà báo, hội đồng nghệ thuật hoặc cộng đồng trực tuyến bình chọn tùy theo hạng mục giải. Các hạng mục: Ca khúc của năm, Album của năm, Music video của năm, Nghệ sĩ của năm và Nghệ sĩ mới của năm vẫn là những giải thưởng quan trọng nhất. Trong đó, giải "Nghệ sĩ của năm" và "Nghệ sĩ mới của năm" do các nhà báo văn hóa văn nghệ chọn ra Top 3 và Hội đồng nghệ thuật chọn ra gương mặt xứng đáng nhất để trao giải. Riêng về Hội đồng nghệ thuật, ngoài các tên tuổi quen thuộc đã gắn bó với giải thưởng như nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Đức Trí, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, mùa giải 2015, Ban tổ chức còn mời thêm nhạc sĩ Anh Quân và nhạc sĩ Dương Khắc Linh với hy vọng sự thay đổi này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo giải thưởng được đánh giá từ nhiều góc nhìn trong âm nhạc. Tuy nhiên, đến mùa thứ 6 này, giải thưởng này vẫn chưa hết những lấn cấn trong danh sách chọn lựa được đưa ra để bình chọn.

Khá nhiều những cái tên nằm trong danh sách đưa ra để nhà báo, hội đồng, cộng đồng mạng bình chọn gần như hoàn toàn mới. Và, như nhiều nhà báo tham gia bỏ phiếu bình chọn thì họ gần như là nghe thấy lần đầu. Chưa kể, nhiều cái tên từng liên tục dính vào các tai tiếng song vẫn được đưa vào danh sách để bình chọn. Trong khi đó, Phó Ban tổ chức giải thưởng, anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, danh sách đều dựa trên chỉ số mà hệ thống đo được và sẽ rất khó để có thể dùng các xảo thuật công nghệ để làm sai lệch hệ thống đo đếm của Zing. Lý do là vì việc đo đếm số lượng từ hệ thống là dựa theo điện thoại thông minh và chỉ cho phép mỗi điện thoại bình chọn một lần. Về quy mô giải thưởng, Nguyễn Anh Tuấn tự tin khẳng định, Zing Music Awards phản ánh khá toàn diện về cộng đồng âm nhạc trực tuyến. Cơ sở để khẳng định là con số 23 triệu người đang sử dụng dịch vụ của Zing…

Ra đời sau Zing Music Awards và cũng không gói gọn trong lĩnh vực âm nhạc, Ban tổ chức POPS Awards tuyên bố đây sẽ là giải thưởng dành cho các sản phẩm giải trí kỹ thuật số tại Việt Nam. Với thông điệp "Digital xóa nhòa ranh giới", POPS Awards 2015 sẽ không còn khoảng cách giữa những nghệ sỹ chính thống cũng như những nghệ sỹ trong cộng đồng trực tuyến và mục đích là tìm cho ra những "ngôi sao của cộng đồng mạng". Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đang phát triển mạnh về số lượng người sử dụng Internet. Với 39,8 triệu lượt người dùng, chiếm khoảng 45% dân số, Việt Nam đứng thứ 18 trong bảng thống kê các quốc gia sử dụng Internet trên thế giới… POPS Worldwide đang sở hữu mạng lưới phát hành lớn nhất Việt Nam, với hơn 400 đối tác và đa dạng các lĩnh vực: hài kịch, âm nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình...

Sau mùa giải đầu tiên, POPS Awards 2015 duy trì 12 hạng mục giải thưởng và mỗi hạng mục đều có 3 đề cử theo thứ tự xếp hạng lượt nghe, lượt tải và lượt xem nhiều nhất trên 12 kênh phát hành của POPS Worldwide: Kênh nhạc chờ các nhà mạng, iTunes, Amazon.mp3, Spotify, Deezer, Guvera, Mix Radio, Facebook, Rdio, Google Play, Dailymotion, YouTube. Được tuyên bố rằng POPS Awards 2015  là một cuộc đua công bằng, nhiều hứng khởi bởi việc quyết định ai là người thắng giải được dựa trên dữ liệu thực tế. Tất cả các số liệu này được tổng hợp từ các kênh phát hành của POPS Worldwide.

POPS Awards trao giải dựa vào thế mạnh của nhà phát hành lớn về sản phẩm giải trí tại Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, các con số tổng kết sẽ phản ánh được tác phẩm giải trí nào thực sự thu hút người dùng để chấp nhận trả tiền cho các lượt tải, lượt nghe, lượt xem. Đối với trang miễn phí (không thu tiền người dùng), các chương trình phải thực sự thu hút, có nhiều lượt xem thì mới được các thương hiệu quan tâm, đặt quảng cáo và thu được lợi nhuận… Tuy nhiên, cũng như Zing Music Awards, vì dựa vào con số máy móc đo được nên hàng loạt các sản phẩm của những nhóm sản xuất bị cho là lôi kéo người xem bất chấp thủ đoạn và chất lượng sản phẩm bị đánh giá thấp, thậm chí phản cảm vẫn đường hoàng đứng trong danh sách bầu chọn…

Tiki Book Award hướng đến sách và các nhà văn, tác giả, công ty sách, họa sĩ. Đây là giải thưởng thường niên của Tiki.vn - một trong số các website thương mại điện tử về sách lớn nhất hiện nay. Có khá nhiều hạng mục giải thưởng được Ban tổ chức đề ra: Tác giả nam (hoặc nữ) được yêu thích nhất", "Cuốn sách bán chạy nhất năm", "Họa sĩ minh họa bìa được yêu thích nhất", "Truyện tranh được yêu thích nhất"…

Tại Tiki Book Award 2015, các đề cử đều được dựa trên số liệu thực tế về số đầu sách bán ra tại Tiki.vn. Sau 1/3 chặng đường, gần như tất cả các gương mặt của bạn đọc truyền thống, khán giả truyền thống đều bị vượt qua bởi những gương mặt trẻ mới nổi và được cộng đồng mạng chú ý. Hạng mục Tác giả nữ được yêu thích nhất năm, tác giả mang bút danh Gào đã vượt khá xa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lẫn tác giả trẻ Phan Ý Yên. Gào đang là tên tuổi nổi tiếng trên cộng đồng mạng về cả vị trí công việc trong ngành kinh tế lẫn việc sở hữu kênh truyền thông với lượng người hâm mộ đến hơn 2 triệu.

Tương tự, Huỳnh Thái Lộc, chàng trai trẻ là "cha đẻ" của "Thỏ bảy màu" đang được cộng đồng mạng lan truyền rộng rãi dễ dàng vượt qua rất nhiều tên tuổi khác ở nhiều hạng mục giải thưởng, kể cả nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, NSƯT Thành Lộc, MC Quỳnh Hương…

Xét cho cùng, các giải thưởng vẫn chỉ là các kênh để tham khảo, chưa thể nói là cung cấp được cái nhìn toàn diện về xu hướng, thị hiếu, sáng tạo của cộng đồng mạng nói chung.

Minh Hà
.
.