Tản văn

Thêm chữ và bớt chữ

Thứ Năm, 04/09/2014, 08:00
Lâu nay, thơ vẫn được coi là một thể loại văn chương cô đọng nhất, khúc chiết nhất và khái quát vào bậc nhất. Sự cô đọng, khúc chiết và khái quát ấy nằm ở ý, ở tứ của mỗi bài thơ. Và tất nhiên, để diễn đạt được ý bật lên (hoặc bật ra) thành tứ, nhà thơ phải có tài diễn đạt.

Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên coi những bài thơ không có ý, không có tứ là những bài thơ dở. Chính vì thế mà có lần ông viết (đại ý): Thơ hay như gái đẹp, ở đâu, ở đâu cũng lấy được chồng. Cũng theo quan điểm của ông: Thơ dở không dịch được.

 Chắc chắn hai câu ca dao cổ: "Cuộc đời là cuộc đời đi/ Nếu mà dừng lại là đi cuộc đời" sẽ không đứng được nếu không có chữ đi (đi ở câu sáu mang nghĩa "vận động", đi ở câu tám mang nghĩa "chết"). Diễn nôm: Cuộc đời là một cuộc vận động không ngừng, một khi đã không vận động thì không tồn tại.

Chắc chắn bài thơ "Mặt nạ kẻ ác" của nhà thơ B. Brecht sẽ không đứng được nếu như không có câu "Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng".

Chắc chắn bài thơ "Đèo Ngang" của nhà thơ Phạm Tiến Duật sẽ không đứng được nếu không có câu: "Bao nhiêu người làm thơ đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc".

Chắc chắn bài thơ "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu sẽ không hoàn chỉnh nếu không có câu: "Đầu súng trăng treo".

Trong đó, vai trò của chữ rất quan trọng. Chẳng thế mà khi còn sống, nhà thơ Lê Đạt từng nói: "Chính chữ đã bầu lên nhà thơ".

Trong thơ đương đại Việt Nam, nhà thơ Trần Ninh Hồ có bài "Nhớ Bùi Giáng" ấn tượng: "Đâu vờ giận, đâu vờ thương/ Còn suất điên thật xin nhường cho ta/ Ta về trong cỏ làm hoa/ Rồi đem hoàng hạc với gà nuôi chơi". Nhà thơ Trần Ninh Hồ kể lại: "Bản thảo ban đầu của tôi là "Ta về trong cỏ là hoa". Nhưng sau đưa đi đánh máy, người gõ máy chữ đánh nhầm chữ "là" thành chữ "làm". Thấy chữ "làm" mạnh hơn, hay hơn chữ "là", tôi bèn sửa lại. Sự vô tình của người đánh máy đã góp phần chỉnh, sửa câu thơ của tôi".

Gần như cùng thời điểm ra đời với "Nhớ Bùi Giáng", nhà thơ Trịnh Thanh Sơn có bài thơ "Biển vắng" ấn tượng, trong đó có câu kết: "Ngồi buồn rót biển vào chai". Nếu diễn tả đúng thực tế, câu thơ phải là: "Ngồi buồn rót nước biển vào chai". Nhưng khi bỏ bớt chữ "nước", câu thơ tăng thêm độ biến ảo hơn nhiều.

Trong khi ấy thì nhà thơ Xuân Diệu lại làm ngược lại. Từ kiến thức rất địa lý "Trái đất ba phần tư nước", ông thêm một chữ "mắt" vào, thành "Trái đất ba phần tư nước mắt". Nhờ thế mà câu thơ có thêm màu sắc nhân sinh. Nhờ thế mà ông mới có hai câu thơ nhớ đời trong bài thơ dài có tên là "Lệ" in trong tập thơ "Riêng chung" được ấn hành qua Nhà xuất bản Văn học vào năm 1962:

Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung.

Đấy là nói về sự bớt chữ, thêm chữ và sửa chữ của người làm thơ chuyên nghiệp. Còn nói về những cái rất chung và những đòi hỏi tối thiếu với người làm thơ nghiệp dư và thơ nghiệp dư, thì sao?

Câu trả lời là hơi khó trả lời và hơi khó nói.

Quãng năm 2005, một người làm cùng cơ quan với tôi tên là P. có gửi cho tôi một bài thơ có tên là "Hoa sưa" của một người bạn tên là L. Tôi bảo P.: "Bài này không đăng được nếu không chỉnh sửa". P. nói luôn: "Thì ông cứ thoải mái. Miễn sao đọc được, khi ra mắt độc giả".

Không ngờ khi báo ra, P. bị mất bạn. P. kể: "Có một số người là quân của L. đã rất "lựa lời" khi nói với L. Số người này bảo: Thơ này không còn giống thơ của Tổng giám đốc nữa. Và chúng em đọc lên thấy không hay bằng bài thơ lúc còn là bản thảo. Từ đó L. giận, gần như không nhìn mặt P. nữa".

Thế mới hay, trong khi những người làm thơ chuyên nghiệp rất biết trân trọng sự góp ý, chỉnh sửa của ai đó dành cho mình thì với một số người làm thơ nghiệp dư, sự thể có khi là… ngược lại

Ngọc Trản
.
.