Thấy gì qua chiếc bánh mỳ

Thứ Năm, 29/07/2021, 12:37
Dịp này, tôi dành thời gian theo dõi tin tức về dịch COVID - 19 ở các tỉnh phía Nam và Hà Nội, ngoài ra, là nắm bắt thông tin về tình hình đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020. Nhưng thật bất ngờ, một buổi chiều gần đây trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều từ khóa “bánh mỳ” cùng hình ảnh những cái bánh mỳ với những định nghĩa được cư dân mạng chế ra. Thấy lạ, về “hot trend” mới này, sau khi vội vàng tìm kiếm thông tin và được biết câu chuyện đáng tiếc về việc xử phạt anh Trần Văn Em (ở Khánh Hòa).


Giữa bối cảnh đại dịch bùng phát, khi chính quyền, đoàn thể và từng người dân đang đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cách hành xử của vị Phó Chủ tịch phường này châm ngòi cho sự bùng nổ của những bức ảnh chế, những bình luận từ trực diện đến bóng gió. Một sự việc không đáng có giữa lúc chúng ta đang cần tập trung tinh thần và cảm xúc, đồng lòng hướng đến cuộc chiến với bệnh dịch.

Nhưng sớm hôm sau thức dậy, ngày mới của tôi lại được bắt đầu bằng cái tin liên quan đến chiếc bánh mỳ nhưng ở một chiều hoàn toàn ngược lại: “Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết trong buổi họp giao ban Tỉnh ủy sáng 20-7, ông đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Nha Trang làm ngay thư xin lỗi đối với anh Trần Văn Em, vì để xảy ra vụ việc tịch thu xe khi anh này đi mua bánh mì. Thư xin lỗi phải gửi tận tay anh Em và công khai để nhân dân biết, giám sát và chia sẻ cùng tỉnh trong thời điểm dịch COVID -19 đang rất phức tạp như hiện nay”.

Bức thư của ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang gửi xin lỗi công dân Trần Văn Em.

Ngoài thư xin lỗi của TP. Nha Trang, bản thân ông Phó Chủ tịch phường đương nhiên phải có thư xin lỗi riêng với anh Em. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hải Ninh cũng đã gọi điện cho lãnh đạo chủ dự án là Công ty Cổ phần Vega City, nhờ họ xem xét tiếp nhận anh Em vào làm việc.

Những ngày sau, chuyện về cái bánh mì đã xuất hiện thêm những điều mới. Tôi không bất ngờ với việc báo chí đưa tin thêm về clip ông Trần Lê Hữu Thọ đến tận lò bánh mì xử phạt mà chỉ thật sự chú ý đến một điểm sáng mới: Sở Công Thương TP. Cần Thơ đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc hướng dẫn nhóm hàng thiết yếu (trong đó nhóm 1 là nhóm thực phẩm, bao gồm các sản phẩm được chế biến từ bột, tinh bột, là bánh mì, bánh bao, bún...). Hóa ra, chuyện bánh mỳ cũng đáng giá lắm chứ. Tự dưng trong đầu tôi nảy ra một câu hỏi khá hài hước: Điều gì đã xảy ra trong mấy ngày qua với chiếc bánh mỳ?

Thực ra, việc nhiều cư dân mạng lo ngại cho cách hành xử của cán bộ lãnh đạo địa phương trong vùng dịch là rất có lý. Một việc nhỏ như chiếc bánh, đích thân anh là lãnh đạo phường đi giải quyết còn thiếu chính xác, vậy thì với những công việc đòi hỏi tầm quản trị vĩ mô hơn, anh sẽ thực hiện như thế nào? Liệu đấy có phải là số ít hay chính là một nguy cơ đáng lo trong cách thực hiện các chỉ thị, các quy định về phòng tránh dịch ở nhiều địa phương. Lo ngại về thái độ cửa quyền, độc đoán của một bộ phận cán bộ đối với người dân khi nắm trong tay chế tài xử phạt mới…

Ở một góc nhìn khác, nói đi cũng phải nói lại, mỗi người dân cũng cần cân nhắc những gì thật sự cần thiết. Vẫn không ít người tìm cách ra ngoài tập thể dục, đi câu cá… Bản thân chính quyền cũng cần nghiên cứu bố trí các điểm cung cấp hàng thiết yếu để người dân không phải đi lại ở cự ly dài, tăng nguy cơ tiếp xúc các F lây lan bệnh dịch.

Ông Trần Lê Hữu Thọ (bên phải) xin lỗi và tặng quà cho anh Trần Văn Em.

Đằng sau “chiếc bánh mỳ” nóng hổi trong mấy ngày qua là một dạng “khoái khẩu” khác đang được gặm nhấm trên mạng xã hội cũng đáng lo ngại. Nhiều người đã không mấy để ý đến diễn biến tiếp theo của sự việc, đến thái độ cầu thị, khả năng phản ứng nhanh và hợp tình, hợp lý của ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Với họ, “bánh mỳ, bánh mỳ” như một điệp khúc lặp lại trên những dòng trạng thái. 

Trên báo điện tử Vnexpress.net, trong  bài viết: "Bánh mỳ và sự tường minh", tác giả Hoàng Anh Tú cho rằng: “Nhưng còn một thứ tin tức được coi là "mồi nhậu" cho cư dân mạng vẫn tồn tại. Nó là biến thể delta của tin giả, là những tin tức dạng "nửa chiếc bánh mỳ - một nửa sự thật".Như câu chuyện đi mua bánh mỳ của công dân Trần Văn Em, nhiều người chỉ nhay đi nhắc lại "bánh mỳ không thiết yếu" mà bỏ qua hành động cầu thị và bức thư xin lỗi chân thành của Thành phố”. Điều đáng nói ở chỗ, chuyện “bánh mỳ” không còn là trò đùa, là một trend giễu nhại mà đã ít nhiều trở thành một thứ tin câu like che khuất cả những câu chuyện đẹp, tấm gương đẹp trong mùa dịch.

Ngẫm ra, không cứ gì sự việc vừa nêu trên mà rất nhiều thứ “mồi nhậu” (chữ của tác giả Hoàng Anh Tú) khác trên các trang mạng, các nhóm online hay offline cho thấy một xu thế đáng báo động về độ an toàn dinh dưỡng cho tâm hồn. Có thể nêu ra để bạn đọc cùng suy ngẫm:

1.Lợi ích lớn nhất của việc phát triển thông tin là hướng đến sự minh bạch. Sai phạm của cá nhân hay tổ chức nào cũng cần được giám sát bởi pháp luật, bởi đôi mắt cộng đồng nhưng không có nghĩa là mặc sức bêu riếu, chế biến thành muôn vàn định nghĩa, “thành ngữ” khác. Một người lãnh đạo như ông Nguyễn Hải Ninh, một chính quyền như tỉnh Khánh Hòa cũng đâu có thể ngờ được sự sai phạm của cá nhân trong bộ máy; bản thân họ cũng đã rất áy náy và xấu hổ về sự việc đó. 

Trong khi họ cũng như nhiều địa phương khác đang phải ứng phó với dịch bệnh. Cư dân mạng có lòng vị tha không? Sự lên án của chúng ta có nhằm phê phán khuyến thiện không hay chỉ giống cách ''đánh hội đồng'' trẻ trộm? Mạng xã hội tuy không phải kênh thông tin chính thống nhưng lại tạo ra hiệu ứng cảm xúc, tình cảm xã hội. Ai cũng là người viết, là độc giả, chẳng lẽ chỉ biết đay đả mãi với cái bánh mỳ.

2.Việc Sở Công Thương TP. Cần Thơ thống kê công khai các mặt hàng thiết yếu thực sự là việc làm kịp thời và đúng đắn. Có thể nhiều người sẽ tặc lưỡi: “Việc gì phải làm thế”, rồi thì: “Cứ đi vào tiểu tiết,  rối rắm thế này thì làm sao đề ra được các chủ trương ra tấm, ra món”… Xin thưa rằng, trong hoàn cảnh cụ thể, khi chúng ta đang cần một thế trận chống dịch chặt chẽ, việc thống kê cụ thể đó đâu chỉ tránh làm khó người dân mà còn giúp chính quyền cơ sở xác định rõ nguồn thực phẩm để chuẩn bị cung cấp cho nhân dân khi xuất hiện các khu vực bị phong tỏa. Trong những hoàn cảnh cụ thể, cần những nội hàm cụ thể. Câu chuyện về chiếc bánh mỳ của anh Trần Văn Em (dù không ai mong muốn) đâu chỉ giúp nhận ra cách hành xử của một cán bộ, cảnh tỉnh, răn đe người khác mà còn giúp chúng ta hoàn thiện hơn các quy định để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Dù có những quy định cụ thể đến đâu chăng nữa cũng không thể thiếu thái độ cảnh giác và ý thức tuân thủ cách phòng tránh dịch. Người dân có cái lý lẽ riêng, chính quyền có cái khó riêng, để tìm ra được mẫu số chung, được sự hài hòa, thậm chí cần đến sự trao đổi bàn bạc nghiêm túc để tìm ra những giải pháp tốt nhất để đạt được các mục tiêu. Mong rằng sau chuyện về chiếc bánh mỳ ấy, chúng ta cùng nhận ra còn nhiều việc chuẩn bị mỗi khi ứng phó với đợt dịch bùng phát, bởi người dân không chỉ cần thực phẩm thiết yếu mà còn cả sự thấu hiểu, đồng cảm sẻ chia khó khăn. Ngược lại, mỗi người dân cũng cần hiểu đúng các quy định, minh bạch giám sát bằng một thái độ đúng mực để góp phần giúp đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên.

Lương Việt
.
.