Tết ta Tết tây - giữ truyền thống hay tăng hội nhập?

Thứ Bảy, 11/02/2017, 08:03
Có quan điểm còn cho rằng, giữ Tết là cách duy trì đạo đức, phong tục truyền thống. Tết là dịp để anh em đoàn viên, con cháu quây quần báo đáp cha mẹ tổ tiên, bạn bè, láng giềng thăm viếng trả ơn, chúc tụng  nhau. Bỏ Tết cổ truyền, do đó được xem như phản văn hóa, vong ân bội nghĩa, bỏ quên nguồn cội…v.v.


Tết - truyền thống quý trên đường hội nhập

Năm nào cũng thế, trước và sau kỳ nghỉ Tết lại tái diễn cảnh kẹt xe, ùn tắc cầu phà, giao thông ngưng trệ do cầu vượt xa cung. Áp Tết, chợ búa, siêu thị không cung cấp kịp và đủ cho người tiêu thụ một số mặt hàng khiến giá cả leo thang.

Sau Tết nửa tháng, cả tháng, một số khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp ở các thành phố lớn lại bị đe dọa đình trệ hoạt động sản xuất do thiếu hụt lao động bởi phần lớn là người từ các tỉnh, thành xa thời gian sau Tết còn nấn ná ở lại quê, thậm chí sẵn sàng bỏ việc luôn để dành thời gian cho chơi Tết… Tất cả các yếu tố đó đã gộp nhau thổi bùng lên ý kiến nên gộp ngày Tết cổ truyền Việt vào Tết dương lịch chung một kỳ nghỉ Tết.

Làm như vậy vừa tránh được lãng phí do ăn chơi, tiêu pha quá nhiều, còn viện cả lý do hiện Tết Âm lịch chỉ còn có Việt Nam, Trung Quốc và vài ba nơi có đông người Hoa sinh sống, có  nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc để "nâng quan điểm", rằng bỏ ăn Tết  Nguyên đán theo âm lịch là một sự khẳng định độc lập mạnh mẽ về phương diện tư tưởng, văn hóa.

Ý kiến này thật ra không mới mẻ gì, nhưng hầu như mỗi lúc có ai đó tiếp tục nêu lại, nó lại lập tức làm bùng lên mạnh mẽ một cuộc tranh luận nảy lửa với hai luồng  bảo vệ và phản bác đối chọi nhau gay gắt.

Khung cảnh Tết cổ truyền ở Việt Nam trong một gia đình.

Chỉ quan sát, chưa cần đến việc khảo  sát, thăm dò dư luận xã hội một cách tỉ mỉ, người ta vẫn dễ nhận ra rằng phần đông người dân Việt vẫn hướng về cái Tết cổ truyền một cách háo hức. Số đông vẫn cho rằng Tết cổ truyền là nét văn hóa đặc trưng từ ngàn xưa để lại, không lý do gì, chẳng cần vì ai mà phải bỏ.

Có quan điểm còn cho rằng, giữ Tết là cách duy trì đạo đức, phong tục truyền thống. Tết là dịp để anh em đoàn viên, con cháu quây quần báo đáp cha mẹ tổ tiên, bạn bè, láng giềng thăm viếng trả ơn, chúc tụng  nhau. Bỏ Tết cổ truyền, do đó được xem như phản văn hóa, vong ân bội nghĩa, bỏ quên nguồn cội…v.v.

Áp đảo về số lượng, đa số những người ủng hộ khuynh hướng này thường phản ứng rất gay gắt, không chấp nhận và gần như bỏ ngoài tai mọi lý lẽ mà phái "cấp tiến" đưa ra. Tết là Tết. Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi, đó còn là tín ngưỡng thiêng liêng, bất khả đổi.Hết năm thì phải Tết, thế thôi. Họ không chấp nhận chuyện "ông bà ông vãi, ông Địa và Thần Tài lại nắm tay ông già Noel và công chúa Tuyết cùng hát Happy new year". Lại càng không thể chấp nhận việc khui sâm - panh, nướng xúc xích thay cho "cỗ xôi con gà" đặt lên bàn thờ cúng tất niên với hương trầm thành kính. Ý kiến phản bác, vì thế đôi khi đâm ra hơi cực đoan.

Ủng hộ quan điểm gộp Tết theo dương lịch được bắt đầu và có tiếng nói mạnh mẽ từ những trí thức, văn nghệ sĩ có ảnh hưởng xã hội lớn, trong đó có GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan,  PGSTS Đoàn Lê Giang hay nhà văn nữ trẻ Tuệ Nghi.

Những phát biểu, bài viết của họ đề xuất, ủng hộ việc gộp Tết đều hướng tới việc chống lãng phí, từ bỏ hủ tục, thói xấu hội hè đình đám, bãi bỏ "lệ" ăn chơi hưởng thụ xả giàn, dài ngày làm ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, học tập.

Nhiều ý kiến nhìn việc duy trì Tết cổ truyền như một sự bảo thủ, trì trệ, kéo lùi sự phát triển, ngăn trở sự hội nhập. Và do đó, nó được coi như một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam tụt hậu.

Không ít viện dẫn đã chỉ ra rằng thói quen, cách thức ăn Tết của một bộ phận người Việt - nhất là ở các đô thị - đã thật sự thay đổi hẳn. Tết đơn thuần chỉ là một kỳ nghỉ. Cả gia đình có thể đưa nhau đi nghỉ ngơi, hưởng thụ ở đâu đó chứ không cần về quê, không câu nệ lễ lạt cúng bái. "Tây" hơn nữa, một bộ phận giới trẻ chỉ chờ Tết đến để có cơ hội nghỉ làm để "xách ba lô lên và đi", đi đâu tùy thích, tùy điều kiện, không ràng buộc.

Đã là kỳ nghỉ thì đúng rồi, không nên kéo quá dài. Năm nào cũng thế, nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhất là trong các đơn vị kinh tế liên doanh với nước ngoài, đã phải lao đao khi không thể sớm tập trung lại được đầy đủ  số lao động cần thiết. Nguyên nhân, không gì khác hơn, do Tết!

Chúng tôi cho rằng, cả hai quan  niệm giữ Tết cổ truyền để giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa hay gộp Tết, rút ngắn lễ lạt, nghỉ ngơi để tăng cơ hội hội nhập đều hợp lý, xứng đáng được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa, chúng ta sẽ thấy bản thân chuyện duy trì Tết cổ truyền thật ra không phải là nguyên nhân có thể dẫn đến tụt hậu kinh tế, văn hóa, làm giảm khả năng hội nhập.

Lỗi, điều cần chống là những tệ nạn, những thói xấu ăn theo và hoành hành trong dịp Tết, mượn Tết làm cơ hội. Tết là một nét văn hóa đặc sắc, đặc biệt của Việt Nam được rất đông bạn bè quốc tế, khách du lịch và cả người nước ngoài sinh sống, làm ăn trên đất Việt thừa nhận, thích thú. Nếu chuẩn bị chu đáo, khai thác tốt, Tết có thể chính là một cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, dân tộc, con người, sản phẩm Việt, tạo một tiền đề thuận lợi phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch gắn với văn hóa giàu bản sắc.

Chúng ta cần hội nhập bằng cách phát triển cái ta có, chứ không chỉ sao y hay gò theo cái người khác có, người khác muốn.

PGS, TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học - Ngôn ngữ  Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: Thấy tốt thì nên làm

Kể từ năm 1873, Nhật Bản chuyển sang dùng ngày Dương lịch để ăn Tết cổ truyền. Tất cả các tập tục từ thức ăn đến bài trí, đi nghe chuông chùa lúc giao thừa... đều giữ như ngàn xưa, nhưng thay vì tính theo lịch âm thì theo lịch dương. Cái lợi của nó là sống và làm ăn theo lịch của phương Tây và các nước khác (trừ Trung Quốc). Người ta nghỉ thì mình nghỉ, người ta buôn bán, làm ăn thì mình cũng buôn bán, làm ăn.

Còn như ta hiện nay thì vừa nghỉ Tết dương lịch mấy ngày, làm được một hai chục ngày thì lại lo nghỉ Tết âm lịch. Tàu bè, chứng khoán, nhà xưởng, du lịch... tất cả đều ngưng hết từ nửa tháng đến một tháng. Người ta làm việc thì mình ùn ùn về quê nghỉ Tết. Thiệt hại kinh tế không biết bao nhiêu mà kể.Nghèo mãi một phần cũng vì thế.

Từ 10 năm trước, GS Võ Tòng Xuân đã đưa ra ý kiến nghỉ Tết theo dương lịch. Tôi ủng hộ ý kiến đó. Nước mình hội nhập quốc tế rồi thì cũng nên chuyển sang dùng dương lịch để ăn Tết cổ truyền. Còn Tết ta, nếu muốn nghỉ thì chỉ nghỉ 1-2 ngày, và thuần túy là một sinh hoạt trong gia đình thôi.

Tôi thấy ngày xưa vua Minh Trị (Nhật Bản) quyết luôn chuyện chuyển Tết cổ truyền sang Dương lịch, khỏi phải đưa ra quốc dân bàn bạc làm gì. Nước mình ngày nay, nếu thấy việc ấy có người làm tốt, làm đúng rồi, ta cứ thế mà theo, học tập cái tốt của người ta không có gì phải xấu hổ. Nhà nước mình cũng nên quyết luôn: Từ năm sau sẽ nghỉ Tết cổ truyền theo dương lịch, từ 23/ 12 đến 3/1, tức là 10 ngày. Mọi phong tục cây nêu ngày Tết, bánh chưng bánh tét, hoa đào hoa mai, mừng tuổi đầu năm, thăm hỏi họ hàng, vui chơi ngoài trời... đều theo phong tục ông bà từ ngàn xưa. Đến ngày Tết tính theo âm lịch, nếu dân chúng vẫn còn lưu luyến thì cho nghỉ 1-2 ngày nữa, và chỉ sinh hoạt trong gia đình thôi, nhà nước không tổ chức gì cả. Nhà nước quyết luôn, giống như trước đây, nhà nước muốn cho dân nghỉ thứ bảy giống với nước ngoài là quyết luôn.Cứ làm rồi từ từ sẽ quen và sẽ thấy tiện lợi, vì bản chất văn hóa của Tết cổ truyền không có gì thay đổi, mà chỉ đổi cách tính ngày thôi.

Về thời tiết, miền Nam rất phù hợp cho Tết cổ truyền dương lịch, vì thời tiết mát mẻ, có khi se lạnh; miền Bắc nhiều năm nay tháng 12, tháng 1 dương lịch khá ấm áp, cho thấy thời tiết đã sẵn sàng cho việc thay đổi Tết cổ truyền sang dương lịch. Với cây mai cây đào, chỉ cần vặt lá vào khoảng giữa tháng 12 (dương lịch) thì sẽ nở đúng vào 1/1 tết cổ truyền Dương lịch.

Hơn nữa, ngày nay gia đình Việt có thân nhân ở nước ngoài rất nhiều. Nếu nghỉ Tết theo lịch dương thì thân nhân có thể dễ dàng về quê nhà ăn Tết.

Chuyển Tết cổ truyền sang tính theo dương lịch, gọi là "Tết cổ truyền dương lịch", là một sự cam kết mạnh mẽ của nước ta cho hội nhập quốc tế và hiện đại hóa đất nước.

ThS Kiều Ngọc, Giám đốc điều hành - Công ty TNHH Dịch thuật & Phần mềm STAR Việt Nam: Nên gộp Tết ta vào Tết tây

Tôi ủng hộ ý kiến nghỉ Tết dương lịch và Tết ta cùng thời điểm, tuy nhiên chỉ nên nghỉ 1 ngày Tết dương lịch và 1-2 ngày Tết cổ truyền là đủ. Nghỉ Tết tây/ ta dài ngày quá (7~10 ngày như hiện nay) sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại kinh tế, giảm năng suất cạnh tranh, đất nước vẫn tiếp tục bị chậm lụt hội nhập quốc tế!

Tôi sống, học tập và làm việc tại Hoa Kỳ mười mấy năm trời.Suốt thời gian đó, tôi thấy duy nhất họ chỉ nghỉ Tết dương lịch đúng 1 ngày (1 tháng 1 dương lịch). Trong các công ty, nếu muốn kết hợp nghỉ phép (nhiều lắm cũng không hơn 1 tuần lễ) thì phải có kế hoạch xin phép trước ít nhất 6 tháng để bộ phận quản lý sắp xếp luân phiên nghỉ hàng năm cho đội ngũ nhân sự, nhằm bảo đảm luôn có người xử lý công việc khi có người nghỉ phép!

 Nhiều người Việt Nam ta cứ tưởng tượng dân Âu -  Mỹ nghỉ Tết tây cả tháng là nhầm to! Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi tại sao nền kinh tế nhiều nước tư bản tăng trưởng cấp số nhân, trong khi xứ ta ham ăn chơi nghỉ tết dài ngày, phần nào ảnh hưởng nên nền kinh tế ngày càng tụt hậu! Lười biếng lao động, ham nghỉ ngơi ăn chơi nhiều ngày thì làm sao khá lên được, chưa kể đến hệ lụy của nó là nhiều hủ tục đi kèm ăn theo các lễ hội quá lạc hậu và tốn kém!

TS Châu Minh Hùng, Trường Đại học Quy Nhơn: Có bỏ Tết cổ truyền được không?

Từ khi bước chân vào đời sống công chức và đô thị bận rộn, tôi từng có ý tưởng nhập Tết ta với Tết tây làm một. Đơn giản vì nghỉ Tết ta kéo dài gây trì trệ công việc, vì ăn tết khá tốn kém gây lãng phí, vì những tập tục phiền hà gây mệt mỏi. Cho nên, tôi không hề ngạc nhiên khi thấy xuất hiện cùng lúc nhiều tiếng nói như mình từng nghĩ.

Duy có điều, trong điều kiện xã hội hiện nay, tôi khẳng định không ai, dù là quyền lực tối cao, có thể bắt buộc toàn dân bỏ Tết cổ truyền.

Tết cổ truyền, tức Tết ta hay Tết Nguyên đán là sự kiện văn hóa quan trọng nhất của người Việt và một số nước nông nghiệp phương Đông. Dù hiện tại, cách ăn Tết của người Việt ta có gây trì trệ, tốn kém, lãng phí và phiền hà, nhưng những giá trị tinh thần của nó là không thể phủ nhận.

Tết, âm Hán Việt cổ đọc là "tiết", chỉ khoảng thời gian chuyển mùa trong thiên văn học và trong kinh nghiệm sản xuất của nền văn minh nông nghiệp phương Đông.Âm lịch, vì thế còn gọi là nông lịch.Với người nhà nông, ngày mồng một tháng Giêng nông lịch gọi là "xuân tiết", có nghĩa là tết xuân.Tiết xuân là một trong 24 tiết khí khác nhau trong năm và được xem là thời khắc giao thừa. Thời khắc này rất quan trọng: Lòng người - vạn vật giao hòa, sinh sôi nảy nở. Tết ngày xưa là toàn bộ tháng Giêng, với tất cả những ý nghĩa nhân văn: Gia đình sum họp, thăm hỏi họ hàng, xóm giềng, mừng tuổi ông bà, cúng tế gia tiên và hoạt động lễ hội giao tế thần linh, đất trời…

Tết có ý nghĩa tống tiễn cái cũ, cái xấu để đón nhận cái mới, cái tốt lành.Vui chơi trong ngày Tết có ý nghĩa hòa giải những khác biệt và những xung đột thường ngày.

Nhập Tết ta với Tết tây theo phong cách mở rượu sâm banh đón giao thừa và nghỉ ngơi một ngày, toàn bộ ý nghĩa trên sẽ biến mất. Cách ăn Tết tây chỉ có thể phù hợp với không gian đô thị hoặc văn minh công nghiệp khi vấn đề gia đình, họ hàng, xóm giềng trở thành thứ yếu so với nhu cầu giải phóng cá nhân và thực dụng của con người hiện đại.

Người Nhật bỏ hẳn Tết cổ truyền để gia nhập Tết tây vì họ đã đô thị hóa và công nghiệp hóa gần như toàn diện.Khi nào đa số người Việt ham làm việc đến mức làm quá giờ quy định như người Nhật hiện nay thì Tết cổ truyền mới hết chức năng và ý nghĩa nó.Khi ấy Tết cổ truyền tự lùi về quá khứ chứ không cần ai chủ trương dẹp bỏ.

Theo tôi, Việt Nam có phát triển đến mức nào thì nền sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò căn bản và chủ lực. Với người nông dân cả một năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cho dù Tết kéo dài hết cả tháng Giêng (tháng Giêng là tháng ăn chơi) thì với họ, xét đến cùng vẫn không phải là lãng phí thời gian, tiền bạc.

Người nông dân cần một khoảng trống lớn cho những sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần. Sự tiêu pha trong tháng Tết mang lại lợi ích vật chất: Đồng tiền lưu thông, kích thích sự trao đổi sản phẩm, hàng hóa. Với cái gốc gia đình, dòng họ của đời sống nông nghiệp ấy, ngay cả những công chức, viên chức, công nhân, thị dân như chúng ta cũng không phải không cần Tết. Chim có tổ người có tông, Tết là thời gian để những đứa con tha phương có dịp trở về cội nguồn.

Giả định, nếu Chính phủ có ra lệnh hủy bỏ Tết cổ truyền, tôi nghĩ điều đó chỉ có tác dụng đối với thành phần công chức, viên chức. Riêng người dân quê, ai có thể cấm họ ăn Tết theo truyền thống của mình?

Theo tôi, chỉ có thể dẹp bỏ những hủ tục phiền hà, ngăn cản những tiêu xài xa hoa lãng phí, nghiêm cấm những tệ nạn ăn chơi cờ bạc, những lễ hội man di, chứ không thể duy ý chí mà đòi hủy bỏ hay nghiêm cấm ăn Tết cổ truyền được!

Nguyễn Hồng Lam
.
.