Tết ở làng lư đồng An Hội

Thứ Năm, 04/02/2021, 15:34
Khi hương xuân giăng mắc khắp phố phường, ghé đến cuối đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, tiếng đe, tiếng búa trong các lò đúc lư đồng dường như rộn ràng, hối hả hơn thường ngày. Giáp Tết, tất cả mọi người trong nhà đều được huy động vào mọi công đoạn để kịp cho khách và thương lái mang những sản phẩm lấp lánh ánh đồng xuôi ngược muôn phương.


Ít ai ngờ giữa thành phố hiện đại và náo nhiệt bậc nhất cả nước vẫn tồn tại một làng nghề truyền thống có tuổi đời gần 200 năm như làng đúc lư đồng An Hội. Ông tổ khai sinh ra làng nghề này là ông Trần Văn Kỉnh, hay còn gọi là ông Năm Kỉnh. Tầm sư học đạo nghề đúc đồng ở Chợ Quán, Phú Lâm để tìm kế sinh nhai, đến khi thạo việc, ông về Gò Vấp truyền dạy cho con cháu cách đúc lư đồng, chân đèn, bình hương, bình hoa, đồ thờ cúng... 

Lúc đầu, ông Năm Kỉnh chỉ truyền nghề cho con cháu trong dòng họ. Về sau, một học trò ưu tú của ông Năm Kỉnh là ông Trần Văn Thắng (Hai Thắng), kế thừa nghề và phát triển rộng rãi bằng cách truyền dạy cho con em trong vùng. Cứ vậy, làng nghề tồn tại đến ngày nay theo kiểu cha truyền con nối.

Lư đồng An Hội nhanh chóng nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh, thậm chí được mối lái từ miền Bắc, miền Trung đánh xe đến tận nơi lấy hàng là nhờ sự tinh xảo, kỳ công của từng sản phẩm. Nơi đây có hai loại: loại lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Lư đồng có màu ánh vàng đặc trưng, càng lau chùi càng bóng, các họa tiết tinh xảo và sinh động. Những linh vật rồng, phượng, lân,... được khắc tỉ mỉ đến từng đường nét. Nhiều Việt kiều cũng góp công giúp lư đồng An Hội có mặt ở nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar…

Ông Trần Minh Quốc, một nghệ nhân ở làng nghề An Hội cho biết, trung bình một tháng, các lò đúc sản xuất được khoảng 200 đến 300 bộ sản phẩm. Dịp Tết, số đơn hàng tăng lên gấp đôi. Với hàng đại trà, giá mỗi sản phẩm từ 2 triệu đến 5, 6 triệu đồng. Riêng hàng khách đặt thì do đòi hỏi yêu cầu cao hơn nên giá có thể lên đến cả mấy chục triệu.

Thời hoàng kim của làng An Hội là trước năm 1975. Ngày ấy, hàng chục hộ làm lư đồng với hàng trăm nghệ nhân. Già trẻ, gái trai, lớn nhỏ đều gắn với nghề. Đặc biệt, cứ gần đến dịp Tết, tiếng búa, tiếng đe, tiếng máy trộn, máy giũa… rộn ràng khắp con đường. Thương lái khắp nơi nườm nợp về lấy hàng. Hàng làm không kịp nên nhiều lò chỉ nhận đơn đặt hàng trước. Trên những khuôn mặt luôn đỏ bừng vì sức nóng của lò đúc đều hớn hở, hăng say.

Anh Trần Cao Trí, hậu duệ của lò đúc đồng Ba Cồ, cho hay mình theo nghề từ năm 17 tuổi. Nhìn ông bà, cha mẹ ngày đêm rộn ràng tiếng đục, tiếng đẽo bên lò nung nóng bừng, cậu thanh niên khi ấy thích mê. Nhờ ba mẹ chỉ dạy, anh tập tành làm lư và mở rộng việc kinh doanh buôn bán của gia đình. Bắt tay vào làm, anh mới thấy nghề đúc đồng trải qua rất nhiều công đoạn nặng nhọc.

Khâu đầu tiên là khâu làm khuôn ruột bằng đất sét. Để đúng loại đất chuẩn yêu cầu, đó phải là đất sét lấy tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Loại đất này thường dẻo, mịn, không lẫn cát nên khi nung không bị nứt. Đất đem về cán nhuyễn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu giã nhuyễn. Thứ hai là công đoạn đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy. Đây là công đoạn đòi hỏi người có tay nghề cao bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế ấy. 

Công đoạn thứ ba là bao bọc hai lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài khuôn sáp, loại đất này nhất thiết phải được rây thật mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt. Sau 7 đến 10 ngày phơi khô khuôn, người thợ mới cho đổ đồng đã nung nóng chảy vào khuôn. Riêng khâu này đòi hỏi thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian rất kỹ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, gồm các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.

Dịp Tết, các nghệ nhân làng nghề đúc lư đồng An Hội lại làm không ngơi tay (Ảnh: Ngọc Hân).

“Nghề này rất vất vả, đòi hỏi yếu tố tay nghề là chính. Một người để cứng nghề phải mất ít nhất 3 - 4 năm mới ra đảm việc. Mỗi khâu chỉ có một nghệ nhân chuyên trách, không ai làm thay được. Tất cả các khâu đều đòi hỏi tay nghề cao lẫn sự kiên trì, tâm huyết của nghệ nhân. Do đó dù đã có máy móc hỗ trợ một số khâu nhưng chúng tôi chủ yếu thực hiện thủ công để có được sản phẩm ưng ý. Đây chính là điều khác biệt của làng nghề An Hội so với các làng nghề khác” - Anh Trí chia sẻ.

Xưa, làng An Hội có đến 60 hộ làm nghề nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn 5 hộ gồm: Hai Thắng, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh và Út Kiển. Đây đều là các hộ có truyền thống giữ nghề đến 3, 4 thế hệ. Vì chỉ còn vỏn vẹn 5 hộ nên làng nghề giờ đây bị nhiều người gọi thành xóm An Hội. 

Ông Trần Minh Quốc ngậm ngùi: “Sự cạnh tranh của lư đồng công nghiệp cộng với đất đai thu hẹp do tốc độ đô thị hóa khiến lớp trẻ không còn mặn mà với nghề. Giá nhà đất đô thị tăng chóng mặt từng ngày cũng khiến nhiều hộ dân sang bán nhà cửa chứ không chịu đầu tắt mặt tối trong lò nung oi bức. Nghề làm lư đồng tốn khá nhiều công sức do chủ yếu làm thủ công, giá nguyên liệu lại thất thường trong khi thu nhập chỉ đủ lấy công làm lời nên đám con cháu bỏ nghề gần hết. Nhiều nhà không có người nối nghiệp nên cũng giải tán mà chuyển sang nghề khác kiếm sống”. 

Để cạnh tranh, ngoài việc giữ gìn truyền thống làng nghề, gần đây nhiều lò đúc lư đồng lập website, trang fanpage trên trang mạng xã hội để tiện bán hàng trên không gian mạng. Số khác thì tiếp cận các sàn thương mại điện tử để tiện giao dịch, tìm kiếm mở rộng khách hàng. Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm cũng được cải tiến đa dạng hơn. Xưa, làng An Hội chỉ chuyên đúc đồ thờ cúng thì nay còn có thêm các mặt hàng phong thủy, trang trí nhà cửa như 12 con giáp, cóc tài lộc, hoa sen…

Một số sản phẩm của làng lư đồng An Hội.

Nhờ làm thủ công, nên dẫu không còn hưng thịnh như xưa nhưng chất lượng của lư đồng An Hội luôn được khách hàng đánh giá rất cao. Ai sành sỏi mới đến đây mua hàng. Quan trọng nhất, nó chứa đựng cái hồn và nét truyền thống đặc trưng mà sản phẩm công nghiệp không thể nào so sánh được. Trong khi lư đồng An Hội có ánh vàng đặc trưng, càng để lâu càng bóng thì lư đồng sản xuất công nghiệp thường có màu xanh và xỉn màu sau vài năm sử dụng.

Trang trọng đặt lư đồng, đôi chân đèn… lên bàn thờ gia tiên ngày Tết, ai chẳng gửi gắm hồn cốt của dân tộc ẩn hiện trong làn khói hương chứ không thể phó thác vào sản phẩm công nghiệp vô tri lòe loẹt. Bởi lư đồng có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, thể hiện sự thanh tịnh, thoát tục, đồng thời bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của hậu bối với bậc tiền nhân, thần thánh.  Mỗi họa tiết, hoa văn rồng phụng, quỷ thần… được khắc trên đó bao hàm cả tính chất văn hóa nghệ thuật truyền thống thuần Việt.

Dù đã ít nhiều mai một, nhưng điều may mắn là cái nghề của cha ông vẫn được các nghệ nhân nơi đây gắng sức “giữ lửa”. Nói như ông Trần Minh Quốc, hậu duệ đời thứ tư của cụ Trần Văn Kỉnh: “Dù khó khăn, cơ cực đến mấy gia đình tôi vẫn cố giữ nghề vì đây là cái nghiệp mà cha ông mình đã cất công gây dựng và truyền lại. Mình mà bỏ nghề thì có lỗi với tổ tiên lắm”. Gần Tết, ngang qua làng An Hội vẫn nghe rộn ràng tiếng đe, tiếng búa dẫu thế thời đổi thay. Đó cũng như một cách giữ lại chút gì xa xưa của Sài Thành ngày cũ, yên ủi người lắm hoài niệm, nhất là mỗi độ xuân sang…

Phan Thị Uyên
.
.