Tết – Cảm thức đời người

Thứ Ba, 13/02/2018, 08:06
Trong tâm thức của đại đa số người dân ở mọi tầng lớp, nỗi “mong Tết” vẫn luôn gây tâm trạng nôn nao háo hức. Tết là vấn đề cảm thức dân tộc, không phải câu chuyện của tri thức, không thể đưa ra quyết sách để có thể giải quyết số phận cho nó theo chiều này hay chiều kia...


Ngắm hoa nở, nhớ người...

Nguyễn Hồng Lam

Năm 2012, xuất phát từ đề xuất của TS Võ Tòng Xuân, thỉnh thoảng vấn đề bỏ Tết Nguyên Đán hoặc hoặc nhập chung Tết Âm lịch với Tết dương lịch lại được đề cập. Tranh luận rất hăng, song chỉ là những tranh cãi xã hội không nhằm đi đến thống nhất hay quyết sách.

Trong tâm thức của đại đa số người dân ở mọi tầng lớp, nỗi “mong Tết” vẫn luôn gây tâm trạng nôn nao háo hức. Tết là vấn đề cảm thức dân tộc, không phải câu chuyện của tri thức, không thể đưa ra quyết sách để có thể giải quyết số phận cho nó theo chiều này hay chiều kia.

Trong thực tế, đã và đang có xu hướng những gia đình trẻ ở các đô thị đã dành trọn thời gian nghỉ Tết để đi du lịch, không quây quần ăn Tết kiểu truyền thống với gia đình, dòng họ hay làng xóm nữa. Đa phần, đây là xu thế của những người trẻ xuất thân từ nông thôn nhưng sống ở đô thị và hiện tại không còn nhiều gắn bó, quan hệ ở quê cũ nữa. Họ có điều kiện. Tết với họ là một dịp để nghỉ ngơi, hưởng thụ, thoát ly hoàn toàn với những ràng buộc có tính lễ nghi, trách nhiệm. Xu hướng này đang gia tăng.

Tuy nhiên, lấy hiện tượng này để cổ vũ cho chuyện bỏ Tết cổ truyền thì thật sai lầm. Thực chất, đây chỉ là một sự thay đổi “thực hành Tết” chứ không phải bỏ Tết hay xa lánh Tết. Người ta vẫn chờ đợi, mong mỏi Tết đến, Xuân về đề có dịp nghỉ ngơi, hưởng thụ cùng với gia đình nhỏ của mình theo một cách thức phóng khoáng, hiện đại hơn, không câu nệ vào những thủ tục lễ nghi ràng buộc bị coi là mất thời gian..

Chợ Hoa Tết ở phố Hàng Lược - Hà Nội. Ảnh internet

Đời sống hiện đại, phát triển, đầy đủ hơn, rất nhiều những thói quen, thậm chí tập tục đã vắng dần trong đời sống hàng ngày. Đây là điều dễ hiểu và phải chấp nhận, nếu muốn phát triển. Tết chính là dịp để các tập tục, thói quen đang mai một đó có dịp sống lại, được tái thực hành. Người ta sẽ có cảm hứng và khoảng thời gian, không gian cần thiết để chế biến những món ăn truyền thống, trưng bày, trang hoàng nhà cửa, thăm thú cảnh ngoạn, thăm hỏi chúc mừng người thân, bạn bè…Với Tết, truyền thống, hồi ức đang mai một sẽ được giữ lại.

Cuộc sống đầy đủ hơn nên khái niệm ăn Tết đang dịch chuyển thành chơi Tết hoặc nghỉ Tết – thiên về thụ hưởng hơn. Thực hành thụ hưởng vật chất trong những ngày Tết ngày càng ít quan trọng, nhưng thực hành thụ hưởng tinh thần lại đang có xu hướng ngày càng được coi trọng.

Tết là dịp để hoài niệm, sống lại với hồi ức. Tết cũng là dịp để tổng kết đời sống năm cũ và thiết lập một hy vọng, chờ đợi…nào đó cho tương lai. Không lệ thuộc vào cơ sở tri thức, những dự báo có thể có trong mấy ngày Tết vẫn góp phần rất lớn tạo niềm tin cho cả một năm kế tiếp, thậm chí cả tương lai. Có thể chỉ là một nụ mai, một búp đào bất ngờ bung sắc đúng ngày  đầu năm cũng đủ tạo liên tưởng cho một năm viên mãn, sung túc. Có thể chỉ một búp hương cháy đều không rụng tàn cũng thành sự linh hiển, khiến người ta tin người thân từ cõi âm dường như cũng đang về quây quần, chia sẻ…

Những ý nghĩ, cảm xúc tâm linh sẽ góp phần vun đắp đời sống đạo đức tinh thần, một mặt không thể lơ là trong đời sống. Không dịp nào tốt hơn Tết để tạo ra những liên tưởng, những thực hành đời sống tâm linh đó.

Những người ủng hộ bỏ Tết thường viện ra những lo lắng: nghỉ Tết dài ngày, tiêu thụ nhiều, không làm ra… sẽ là một sự lãng phí. Sự trễ nải do dư âm Tết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lao động và công việc… Thực tế, họ đã không tính chiều bù lại: Tết tạo ra một khoảng thời gian và nhu cầu kích cầu sản xuất, tiêu thụ. Tâm trạng phấn khởi, hạnh phúc sau Tết có thể sẽ khiến người ta lao động với sự phấn chấn, hy vọng nhiều hơn, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.

Có nhiều điều không thể chỉ đơn thuần nhìn bằng cặp mắt đạo đức học thô sơ, hoặc bằng những phép tính khô khan thực dụng. Suy cho cùng, mọi lao động, phấn đấu của con người đều nhằm mục đích cuối cùng là đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng.

Tết chính là dịp tốt nhất cho điều đó, để con người có dịp đền đáp, quan tâm cho người thân quý và tự đãi ngộ chính mình, gia đình mình, sống cho mình và nhìn lại mình. Chính vì thế, ngay cả những người có xu hướng ủng hộ gộp Tết, bỏ Tết Nguyên Đán…thì vẫn không hề phản đối hay tẩy chay Tết.

Từ trong sâu thẳm, họ vẫn háo hức mong chờ Tết. Bởi, Tết là của mọi người, đồng thời Tết cũng là của riêng mỗi người. Như hoa mai, hoa đào vậy thôi, cứ đầu xuân là lại háo hức bung hương sắc…

Những xa xôi còn lại

Nguyễn Quang Trí (Nghiên cứu sinh tại Canada)

Mấy bạn trẻ hỏi sao anh già rồi mà còn ham Tết vậy. Tôi không biết trả lời sao cho thuyết phục. Nhưng với riêng mình, câu trả lời sẽ rất đơn giản: Tết là để  nhớ về.

Không nhớ tự khi nào tôi biết Tết, mong đến Tết. Chỉ nhớ, hồi học lớp 2, khi có khách đến nhà chúc Tết, tôi cứ mượn cớ khát nước chạy vô chạy ra phòng khách rót nước uống hoài, cho đến khi khách thấy mặt mình kêu lại lì xì mới… hết khát.

Nhớ lắm. Ngày 27 Tết một năm nào đó, má đưa tiền kêu tôi ra chợ mua mấy quả chanh về để các anh đánh bóng lư đồng. Tôi tung tăng tung tẩy thế nào lại để lọt xuống cống. Tôi phải lấy hết can đảm nhắm mắt, rồi dùng tay vớt lên vì không muốn về nhà bị ăn đòn. Không biết năm ấy có phải nhờ mấy quả chanh lọt cống chợ Phan Thiết hay không mà lư đồng nhà tôi lại sáng bóng lạ.

Cúng Tất niên là một nghi lễ thiêng liêng trong dịp Tết cổ truyền. Ảnh internet

Sáng 30 Tết nào cũng vậy, ba chở đi hốt cát ở đồi cát trắng nhất xứ biển để về bỏ lư nhang bàn thờ. Trên đường về, ba thường cho ghé vào quán hủ tiếu ngon nhất Phan Thiết làm một tô. Chiều 30, tôi lại được ba đèo trên chiếc xe đạp cà tàng đi dạo một vòng phiên chợ của “năm cùng tháng tận”. Ba muốn tôi chứng kiến cái xác xơ của hoa ế, cái hối hả nhưng hả hê của những người nghèo, phải đợi đến phút chót mới “gom xuân” đại hạ giá.

Ba cũng muốn tôi nhìn thấy cái tất tả của bà con Phú Hội, Phong Nẫm, Phú Long sau khi đem hoa quả, rau củ xuống Phan Thiết bán mấy ngày đêm liền, giờ phải nhanh chóng dọn dẹp kịp về đón giao thừa cùng gia đình... Cậu bé tiểu học là tôi lúc đó làm gì hiểu được cái ẩn ý của ba khi cho mình đi chợ chiều 30 như thế!

Còn nhiều lắm những chuyện đáng nhớ như vậy, nhưng phần lớn giờ chỉ còn lại trong ký ức của kẻ "ham" Tết này. Giờ thì tôi không còn mua chanh chùi lư đồng, không còn đi hốt cát bỏ lư nhang, không còn ngồi cạnh má "bóc lủm" mấy miếng "ba vớ" tróc ra từ khuôn bánh thuẫn, không còn "hụ hợ" mấy anh đóng cốm và cũng không còn được ba chở đi dạo chợ chiều 30… Tuy nhiên, với "tài đạo diễn" của hai thủ lĩnh U90 nhà tôi, cái Tết với anh em con cháu chúng tôi vẫn còn gây háo hức lắm.

Chỉ mới tháng 8 âm lịch, ba má đã hỏi năm nay có về Tết không. Sau đó, cứ 2-3 tuần là một cú điện thoại nhắc nhở. Giờ thì chúng tôi không cần phải nhúng tay vào việc gì để lo Tết. Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ cần chúng tôi "dẫn xác" về là ông bà đã vui đến không ngủ.

Năm nào may mắn, có thể về trước Tết 2-3 ngày là vui quá xá. Tôi vui vì không chỉ dẫn các con đi chợ Tết ở vườn hoa để ngửi cái không khí xuân ở một đô thị nhỏ nơi tỉnh lẻ, mà còn vì nhìn ba một ngày xách xe đạp chạy lên chạy xuống không biết bao nhiêu lần chợ hoa, để lúc thì vác hai cây thược dược, hồi thì khuân cành mai, khi thì bê mấy chậu vạn thọ, chập thì tha mấy bó trường sinh về nhà. Tôi vui không chỉ vì anh em bữa nào cũng tụ tập ăn cơm bàn chuyện thế sự và "ghẹo” ba má vừa lo Tết vừa "lườm" nhau, mà còn vì được má cho ăn Tết theo kiểu "bổn cũ soạn lại".

Năm nào cũng như năm nào. Trưa 30, cúng tất niên với các món "yến" thịnh soạn nhất, chiều 30 ăn cháo Quảng Đông má nấu để nhẹ bụng đón giao thừa. Giao thừa ăn nhẹ, uống champagne, rồi cả nhà quây quần ngồi nói dóc và tự…xem bói, rất thảnh thơi.

Sáng mùng 1, vừa thức dậy đã có bữa cơm chay má dọn sẵn sau khi cúng sớm. Sáng mùng 2 canh chua cá thu muối "sươi", mùng 3 chả cá chiên… Tôi vui không chỉ vì mấy nhóc thế hệ thứ ba của chúng tôi, nay có thể thay bố mẹ chúc Tết ông bà, mà còn vì được "tận hưởng" những nụ cười viên mãn của hai cụ khi thấy cháu con quây quần bên mình.

Tôi vui vì năm nay lại được về quê ăn một cái Tết nữa cùng với đại gia đình và nhất là vẫn với sự đạo diễn của hai cụ U90. Tôi sẽ còn vui hoài, vui hoài nếu chúng tôi vẫn còn nhiều những cái Tết do hai cụ nhà tôi đạo diễn...

Nhớ cốm hộc từ thời mở cõi

Độc giả Lâm Minh Phú (Bình Thuận):

Có một thứ đặc sản Tết Bình Thuận, nơi khác không có: cốm hộc. Đến nhà nào cũng thấy trên bàn thờ trưng mấy hộc cốm và phong bánh in, nhìn rất trang trọng. Bánh in, kẹo mứt có thể thay thế bằng thức khác, nhưng cốm hộc thì là món bắt buộc phải có trên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết của người dân phía Nam Bình Thuận.

Ninh Thuận, Khánh Hòa cũng có cốm nhưng chỉ là cốm “nhi đồng”, so với cốm Bình Thuận “đại lực sĩ”! Hộc cốm to như cái gối, vuông vức, nhẹ nhưng rất chắc. Muốn ăn, phải dùng rựa mới bổ cốm ra thành từng miếng nhỏ được.

Cốm  được làm từ nếp vỏ rang nổ, sảy sạch vỏ. Phải huy động cả bộ ván (cái phản nằm) để đóng cốm. Dùng dây thừng một đầu buộc vào một đòn gỗ to dài, một đầu cố định vào thanh ngang dưới bộ ván. Dưới đòn gỗ là một miếng gỗ to nặng để trên hộc cốm, dạng như đòn bẩy để tạo lực ép cốm! Công đoạn này phải đàn ông to khỏe mới đủ sức. Cả nhà mấy ngày đó như một xưởng làm bánh kẹo!

Cốm hộc là đặc sản của người dân Phan Thiết trong dịp Tết.

Tết là dịp các bà các mẹ khoe tài nữ công gia chánh. Nào bánh nào mứt, nào chả nào nem, cắm hoa hồng sao cho tươi lâu, nở đúng sáng mùng một Tết... Nhưng vui nhất vẫn là đóng cốm, cả nhà đều chung tay làm. Người lớn vo viên cốm to, em nhỏ thì vo viên cốm nhỏ. Món này có thể lén… ăn vụng được. Còn khâu trộn cốm với nước đường thắng gừng và thơm (dứa) xắt nhỏ thì phải dùng tấm bạt to lót vào cái thúng đi biển mới chứa hết. Nhà này đóng xong thì nhà khác mượn dụng cụ, đóng tiếp.

Vượt ra ngoài tác dụng truyền thống là bánh kẹo ngày Tết của người nghèo, đóng cốm còn là một sinh hoạt gắn liền với văn hóa nông nghiệp giồng cát. Sau tết không lâu là mùa dưa hồng non, rồi mùa dưa lấy hạt, dưa hấu. Thay vì đi làm rẫy phải mang theo gạo nấu cơm, bà con vùng cát sẽ đem theo ít cá nục nhỏ kho khô. Bánh tráng nhúng, cốm, và thậm chí cả bánh tổ... lúc này sẽ không phải là bánh kẹo, quà vặt, mà trở thành lương thực, ăn với cá kho lạt và dưa hồng non.

Đây là một sáng tạo độc đáo, riêng có của nông dân Bình Thuận nhưng có xuất xứ Thuận - Quảng thời di dân tự do tự phát, tức từ 1653 đến khoảng 1750 (lúc còn phải mượn đường Chiêm Thành, lúc này chưa bị chúa Nguyễn thôn tính).

Vì thế nên cốm Bình Thuận được đóng thành hộc to, đóng chặt, nhằm để được lâu, sử dụng làm lương thực được cho nhiều khẩu phần. Bánh tổ cũng được nén rất chặt, ngâm dưới giếng (thay tủ lạnh thôi), để một tháng rưỡi không hư. Lượng cốm thường đủ để thay cho lương thực buổi trưa suốt cả hơn một tháng mùa dưa sau Tết.  Hết mùa dưa, bạn sẽ thấy cốm và bánh tổ cũng không còn cái nào.

Bất kỳ sự tồn tại nào cũng có lý do, không có gì là ngẫu nhiên cả. Trong cái quen thuộc luôn có cái mới mẻ, thú vị, nếu chúng ta chịu tìm hiểu. Cốm hộc bình Thuận chính là một đặc sản như vậy.

Sự nhầm lẫn trong khái niệm “Tết cổ truyền”

TS. Mai thanh Sơn

Trong các cuộc tranh luận hiện nay cả trên báo chí và mạng xã hội, khái niệm “Tết Nguyên đán”, thường được gọi là “Tết ta” để phân biệt với Tết Dương lịch là “Tết tây”, luôn mặc nhiên được hiểu là “Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia Việt Nam”.

Thực ra, đây là một cách hiểu không đầy đủ. Việt Nam là quốc gia đa tộc người, và các cộng đồng tộc người hiện vẫn sử dụng nhiều hệ lịch pháp, với những điểm khởi đầu của năm mới (Tết) khác nhau. Tết Nguyên đán chỉ là điểm khởi đầu năm mới của hệ lịch pháp chúng ta vẫn quen gọi là “âm lịch”, vốn được dùng phổ biến ở nhiều tộc người phương Đông từ mấy ngàn năm qua. Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, cách gọi “âm lịch” như thói quen xưa nay của người Việt mới chỉ “phản ánh đúng một nửa bản chất” của hệ lịch pháp này.

Cảnh trong một lễ hội dịp Tết của người Mông. Ảnh internet

Ông cũng cho rằng, xét về mặt nào đó, hệ lịch pháp này có nhiều điểm ưu việt hơn Dương lịch của phương Tây, vì nó có sự kết hợp giữa chu kỳ của cả mặt trăng và mặt trời. Nếu theo tháng của Dương lịch, sẽ không thể tính được chu kỳ của mặt trăng, chu kỳ của “con nước”, của thủy triều – điều có ý nghĩa rất quan trọng đối với nông dân trồng lúa ở đồng bằng châu thổ và ngư dân sống dựa vào biển. Vì thế, ông luôn gọi đầy đủ đó là “âm dương hợp lịch”.

Mặc dù được đánh giá là hợp lý và có sức sống lâu bền như vậy, nhưng “âm dương hợp lịch” vẫn không hẳn là lịch pháp bao trùm của dân tộc/quốc gia. Hệ lịch này chỉ có ở các tộc người chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán. Tại Việt Nam, hiện nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 20 tộc người sử dụng “âm dương hợp lịch”: Kinh, Mường, Hoa, Tày, Nùng, Giáy, Dao, Pà Thẻn, Sán Chay, Sán Dìu, Ngái…

Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến sử dụng hệ lịch riêng, mỗi năm có 365 ngày nhưng chia thành 10 tháng; mỗi tháng 3 tuần, mỗi tuần 12 ngày, ứng với 12 con giáp; 5 ngày còn lại tính vào những ngày lễ tết. Hà Nhì là tộc người cho đến nay vẫn sử dụng phổ biến hệ lịch này, và năm mới của họ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 của “âm dương hợp lịch”.

Người Hmông tuy cùng nhóm ngôn ngữ với các tộc Pà Thẻn và Dao nhưng có lịch riêng, không hoàn toàn trùng với âm dương hợp lịch, và năm mới của họ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 của âm dương hợp lịch. Tết của người Hà Nhì và người Hmông thường kéo dài khoảng 1 tuần (12 ngày).

Cộng đồng người Thái Tây Bắc và miền Tây Thanh Nghệ lâu nay đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán, nhưng trong nhiều bối cảnh (ma chay, cưới hỏi, khởi dựng nhà cửa, làm lễ cầu an…), họ vẫn sử dụng lịch pháp truyền thống, gần với lịch của người Lào và người Thái ở Thailand.

Ở duyên hải Nam Trung bộ, cộng đồng người Chăm thuộc cả 2 dòng (Chăm Awal -người Chăm Bàni và Chăm Ahiér - người Chăm Bàlamôn) đều theo lịchSakawi Ahiér, coi lễ hộiRija Nagar, được tổ chức vào khoảng tháng 4 Dương lịch, là thời điểm tiễn đưa năm cũ đón mừng năm mới.

Cũng trong khoảng thời gian này, đồng bào Khmer nam bộ cũng tổ chức đón năm mới thông qua lễ hội Chon chnam thamay. Thực tế, lịch pháp của người Chăm và người Khmer có nhiều nét tương đồng với các cộng đồng người đang sinh sống ở Ấn Độ, Thailand, Miama… chịu ảnh hưởng nhiều của hệ Phật lịch. Tết của người Chăm và Khmer Nam bộ cùng thời điểm với lễ đón mừng năm mới của một số các dân tộc ở Đông Nam Á nhưBun hot namcủa Lào,Chon chnam thamaycủa Khmer,Songkrancủa Thái,Thinyancủa Miama…

Riêng các tộc người thiểu số tại chỗ khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên cho đến trước 1975 không có tục đón Tết mừng năm mới. Họ không có hệ thống lịch pháp được văn bản hóa. Cách tính niên hạn của họ chủ yếu dựa theo mùa rẫy và sự vận hành đắp đổi của tuần trăng. Hàng năm, sau khi thu lúa rẫy, hầu hết các tộc người đều tổ chức lễ Mừng lúa mới và bắt đầu vào mùa Ning nơng, kéo dài từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau – theo âm dương hợp lịch. Mùa Ning nơng là mùa của lễ hội, sửa nhà, cưới hỏi, ăn trâu… Đó cũng chính là thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhưng không có một ngày Tết cụ thể. Hết mùa Ning nơng, người dân sẽ lại bước vào một chu kỳ mới với việc phát rẫy, trỉa bắp, gieo lúa…

Như vậy, Tết Nguyên đán hay “Tết ta” theo thói quen vẫn gọi hiện nay chỉ là Tết của tộc người Kinh và các tộc người sử dụng “âm dương hợp lịch” chứ không thể coi là Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia. Trên thực tế, không có một “Tết cổ truyền” chung cho cả 54 cộng đồng tộc người ở Việt Nam. Đa phần các nhà báo khi viết về Tết Nguyên đán đều cơ bản dựa trên tâm thế của “người Kinh” chứ không phải người Việt nói chung. Và điều này bắt nguồn từ chính các cơ quan tư vấn chính sách và có quyền ra quyết định.

PV - Xuân 2018
.
.