Sức trẻ và diện mạo văn chương phương Nam

Thứ Tư, 23/01/2019, 12:57
Trong hàng trăm ngàn cuốn sách được ra đời mỗi năm, không khó để nhận ra sự góp mặt của các tác giả trẻ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Với đặc thù của một đô thị tụ hội, TP Hồ Chí Minh được nhiều bạn trẻ chọn làm nơi mưu sinh và cũng làm nơi sáng tạo. 


Cảm hứng mới trên thị trường sách

Lê  Thiếu Nhơn

Xuân Đinh Hợi 2019 đánh dấu thế kỷ XXI đã đi qua hai thập niên. Đó là khoảng thời gian đủ để hình thành một thế hệ cầm bút mới chăng?

Trong hàng trăm ngàn cuốn sách được ra đời mỗi năm, không khó để nhận ra sự góp mặt của các tác giả trẻ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Với đặc thù của một đô thị tụ hội, TP Hồ Chí Minh được nhiều bạn trẻ chọn làm nơi mưu sinh và cũng làm nơi sáng tạo.

Không ít cây bút trẻ từ các tỉnh đã thành danh tại TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng có vài trường hợp cắm rễ bền chặt vào mảnh đất chôn nhau cắt rốn của họ để viết, thỉnh thoảng mới có cuộc giao lưu cùng độc giả và đồng nghiệp TP Hồ Chí Minh như Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận), Tạ Anh Thư (Bình Dương), Võ Diệu Thanh (An Giang), Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau)…

Nói như Nguyễn Ngọc Tư: “Nếu chuyển hẳn lên Sài Gòn sinh sống thì tui chỉ có cách ra đường bán bắp nướng, chứ không thể cầm bút giữa không khí ngột ngạt!”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những tác giả trẻ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã tạo nên một diện mạo văn chương phương Nam qua những tác phẩm mang nặng ân tình thương nhớ.

Cuộc thi “Văn học tuổi hai mươi” lần thứ 6 trao giải cuối năm 2018.

Trước đây, văn chương trẻ phương Nam sôi động nhờ báo chí. Ngoài những chuyên san dành cho giới trẻ như Áo Trắng hoặc Mực Tím… thì hầu hết các cơ quan truyền thông đều có trang sáng tác để khích lệ người trẻ cầm bút.

Bây giờ, báo chí đối mặt áp lực kinh tế, không còn mấy mặn mà với văn chương nữa. Cũng may, sự phát triển của internet đã giúp tác giả trẻ có những diễn đàn trên mạng, cởi mở hơn và phấn khích hơn. Từ những trang cá nhân, tác giả trẻ khéo léo tạo sự liên kết với bạn đọc và hình thành một lượng độc giả đông đảo. Sức ảnh hưởng của thế giới ảo đã sản sinh ra những cuốn sách thật có số lượng in hàng chục nghìn bản cho Hamlet Trương, Iric Cao hoặc Gào, Phan Ý Yên…

Tại buổi tọa đàm “Văn học trẻ TP Hồ Chí Minh - Một góc nhìn” do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Khoc học Xã hội và Nhân văn tổ chức, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thuý cho rằng: “Cuộc sống hiện đại là tốc độ, và tốc độ đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc sáng tác và thưởng thức văn học của những người trẻ. Các tác giả trẻ đã nắm bắt được những điều này, vì thế tác phẩm của họ đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận độc giả trẻ…

Điểm chung của các tác phẩm bán chạy là chỉ nói về chủ đề tình yêu và đời sống cá nhân thường nhật trong cuộc sống đô thị, mà chất liệu cảm xúc chủ yếu là từ chính cuộc đời tác giả và những quan sát đời sống của tác giả ở bề nổi. Tác giả không cố gắng giải quyết những gì mình nêu ra, không phân tích, không cách điệu hóa, không cho nghệ thuật khoảng cách với đời sống mà tả lại nguyên xi đời sống.

Những câu chuyện họ kể thường ít chi tiết, nhiều vận động, thế giới dù có bao la thì những mối quan hệ của nhân vật cũng rất nhỏ hẹp và lượng nhân vật rất tối giản, chỉ có “em” và “anh”, “anh ấy” và “cô ấy”… Nhưng nó vẫn gây xúc động ở mức độ nào đó. Có thể gấp sách lại, người đọc sẽ không nhớ gì nhiều, nhưng ít nhất nó cũng làm người đọc rung động mà ngẫm về mình!".

Một đặc điểm nổi bật của văn chương trẻ phương Nam là xuất hiện những tác giả trẻ có khả năng gây xôn xao thị trường sách, như nhà thơ trẻ Thục Linh lạc quan: “Những người trẻ ấy đã xác lập một vị thế khác cho người viết sách, đó không phải là những nhà văn tư lự, những người biến đời mình thành bản nháp cho tác phẩm. Họ là những “ngôi sao từ sách”.

 Những “tác giả ngôi sao” này cũng góp phần thay đổi mối giao cảm giữa người viết và người đọc, không đơn thuần là sự tri âm mà là một tình cảm nồng nhiệt, sôi nổi và thực tế hơn rất nhiều. Họ trở thành “thần tượng” của rất nhiều người. Thế nên mới có những dòng người hâm mộ dài dằng dặc xếp hàng đến tận 2 giờ sáng để xin chữ ký tác giả…”.

Nhiều người gọi đó là dòng văn học "thời trang". Khi thị hiếu độc giả có nhu cầu gì, họ lập tức đáp ứng rất nhanh nhạy. Ví dụ tiêu biểu nhất là nhà văn trẻ Anh Khang với những cuốn “Buồn làm sao buông”, “Đường hai ngả người quen thành lạ”, “Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em”, “Thương mấy cũng là người dưng”… mà mỗi cuốn đều in dăm bảy vạn bản.

Có cuốn sách của Anh Khang được công ty sách thương lượng bản quyền cả nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, văn xuôi ăn khách không đáng ngạc nhiên bằng thơ ăn khách. Mới đây, cô gái có bút danh Nồng Nàn Phố tuyên bố tập thơ “Mang san hà đổi lấy duy nhất một người thương” được trả trọn gói… 150 triệu đồng. Cú đột phá của Nồng Nàn Phố khiến công chúng liên hệ với trường hợp nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt. Các tập thơ “Đi qua thương nhớ”, “Từ yêu thương đến thương”, “Sinh ra để cô đơn”, “Sống một cuộc đời bình thường”, “Về đâu những vết thương”, “Sao phải đau đến như vậy”… đều úp mở tái bản liên tục với số lượng in đáng sửng sốt.

Trong bối cảnh các nhà thơ in thơ chỉ để… biếu, thì hiện tượng Nguyễn Phong Việt phải lý giải như thế nào? Tất cả đều mơ mơ hồ hồ giữa những trống chiêng quảng cáo ầm ĩ, cho đến ngày một nhà báo thạo tin hậu trường làng xuất bản nêu thẳng vấn đề trên báo Sài Gòn giải phóng: “Các tập thơ tác giả này được làm với các nhà làm sách khác nhau.

Giới làm sách phân tích, nếu một tập thơ của anh này in 10.000 bản có giá 100.000/cuốn, thì nhà làm sách thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng lợi nhuận (nếu bán hết). In một tập thơ kiếm được chừng đó lợi nhuận, liệu có nhà làm sách nào không muốn giữ chân tác giả ở lại cộng tác lâu dài với mình? Thế nhưng thơ của tác giả này chỉ được cái tiếng, thực chất sách vẫn tồn đống trong kho. Sách thơ bán không được thì chia tay.

Tác giả lại tìm sang nhà làm sách khác và bằng tài thuyết phục của mình, lại in tập thơ mới, lại ra mắt hoành tráng với tuyên bố in hàng chục ngàn bản. Gần đây, có một nhà làm sách mua bản quyền của tác giả này liền mấy tập thơ và sẽ mua luôn những sáng tác chưa ra đời của anh. Phi vụ đang hào hứng bỗng như quả bóng xì hơi sau vài tháng tập thơ đầu tiên được in và sách đang nằm kho chờ... cân ký.

Đến lúc này, nhà làm sách mới nhận ra rằng, vợ chồng nhà thơ cũng có một công ty làm sách, vậy sao không tự in thơ của mình mà đem “món hời” dâng cho hàng xóm?”. Nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt hoàn toàn không có phản ứng gì với thông tin trên, và văn chương trẻ phương Nam thêm một lần… ngơ ngác!

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên: Người trẻ cẩn thận thì tự tin mình có gì

 Hương Ngân  (thực hiện)

- Đã từng được Giải thưởng Nhà văn Trẻ năm 2014 của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh với tập truyện “Cỏ đồi phương Đông”, bây giờ Tiểu Quyên vẫn phân thân giữa hai công việc viết văn và làm báo?

+ Với tôi, viết báo là sống ở dưới đất, còn viết văn thì giống như sống ở trên trời. Có đôi lúc phải thở dài trước những vấp váp giữa cuộc sống, tôi thường đi tìm nụ cười và sự bình yên cho mình bằng cách “dạo bước trên mây” với văn chương. Khi được trải mình cùng với những con chữ - cả văn và báo - tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc.

- Thử dùng ánh mắt một nhà báo chuyên viết về thị trường sách, Tiểu Quyên đánh giá như thế nào về thế hệ cầm bút 8X?

+ Tôi đã có 10 năm dự phần và dõi theo những người cùng thời. Tôi thấy công nghệ giúp văn chương thay đổi, cả số lượng lẫn chất lượng. Có một lực lượng mới ồ ạt xuất hiện, khiến đời sống văn chương phong phú và đa dạng hơn.

- Còn với tâm tư một nhà văn trẻ thì sao?

+ Cứ nghe đồng nghiệp nào ra sách mới thì tôi lại mừng, vì những người cùng khởi điểm với tôi đã rơi rụng ít nhiều. Các nhà văn trẻ như chúng tôi bị ảnh hưởng bởi không gian sống đô thị, lặn ngụp trong cô đơn và tìm cách hàn gắn những đổ vỡ.

- Thế hệ 8X rất giỏi quảng bá tác phẩm của bản thân đấy chứ!

+ Tôi từng chứng kiến những cuộc giới thiệu sách có mấy trăm người đến dự nhờ tác giả biết tận dụng tính tương tác trên mạng xã hội. PR là một việc làm cần thiết. Thế nhưng, PR tốt mà tác phẩm không tốt thì cũng ê chề lắm. Độc giả đã phản hồi ngay trên Facebook rằng, cuốn sách có gì đâu mà làm quá lên như vậy. Tôi là một người trẻ cẩn thận, tôi tự tin mình có gì và biết giới hạn để không trở thành lố bịch bởi những chiêu trò! Tôi nghĩ PR phải đến đúng đối tượng mới hiệu quả. Khi cần thiết, tôi cũng đi về các tỉnh để giao lưu trực tiếp với bạn đọc là học sinh - sinh viên để có thêm độc giả cho mình!

- Văn chương trẻ phương Nam có nhiều cây bút nhạy bén với nhu cầu bạn đọc. Thị trường sách cần loại nào thì họ viết thể loại ấy để có số lượng phát hành rất lớn…

- Tôi thì không có nhu cầu chạy theo người khác. Đề tài nào tôi cảm thấy đủ trải nghiệm thì bắt đầu viết, còn không thì chịu khó tích luỹ thêm kiến thức và vốn sống…

- Nhà văn trẻ Tiểu Quyên cũng là thành viên của Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Theo chị, nhà văn trẻ phương Nam cần trợ lực gì cho hành trình sáng tạo?

- Nhà văn trẻ đang thiếu sân chơi. Trước đây, báo chí dành trang sáng tác văn học tương đối nhiều, nhưng hiện tại thì khan hiếm dần. Nếu không có sân chơi thì khó khuyến khích tác giả và cũng khó thu hút tác phẩm. Chẳng hạn, nếu không có cuộc thi “Văn học tuổi hai mươi” của Nhà xuất bản Trẻ thì chưa chắc đã có được những tác giả trẻ như Trần Thị Hồng Hạnh, Vũ Đình Giang, Nguyễn Thiên Ngân, Nhật Phi… Theo chỗ tôi nắm được, năm nay có đến 500 tác phẩm gửi dự thi “Văn học tuổi hai mươi”, chứng tỏ nội lực văn chương trẻ rất dồi dào!

- Nhiều người thắc mắc về sự xa rời đời sống của văn chương trẻ. Chị có nghĩ vậy không?

+ Những trăn trở với hiện thực và những bức bối với xã hội cũng thể hiện trong văn chương trẻ đấy chứ. Thế nhưng, theo tôi, cái thiếu và cái yếu trong sáng tác của nhà văn trẻ là phẩm chất văn hoá. Làm sao mỗi trang văn không chỉ có tình tiết và sự kiện mà phải có hồn vía của một vùng đất.

- Nếu nói đến một mong ước của văn chương trẻ phương Nam, thì chị đề cập vấn đề gì?

+ Văn chương trẻ phương Nam nói riêng và cả nước nói chung đều quá ít cơ hội để bước ra khỏi biên giới. Nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh hoặc mỹ thuật đã giao lưu với bạn bè quốc tế rất dễ dàng, nhưng văn chương dường như vẫn khép kín. Tôi mong ước có nhiều tác phẩm của nhà văn trẻ được dịch và được giới thiệu ở các nước khác, để thế giới hiểu thêm tâm tư của người Việt thế kỷ XXI.

Tác giả trẻ cần được bồi đắp thực tế cuộc sống

Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh

Những năm qua, sáng tác văn học của các bạn trẻ luôn có những sáng tạo về kết cấu, thủ pháp nghệ thuật và ngôn từ; các bạn trẻ đã thể hiện mạnh mẽ cá tính của mình. Nguồn tri thức quốc tế và sự giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài đã giúp các bạn mở rộng hiện thực đến với những nền văn hóa, xã hội khác.

Sự trải nghiệm mang tính quốc tế đã giúp các bạn tự tin thể hiện chiều sâu đời sống tinh thần của mình và trách nhiệm công dân. Thế mạnh đặc biệt của tuổi xuân và khát vọng khám phá đời sống của các bạn đã được thể hiện rất rõ.

Trước hết, cần thống nhất với nhận định: Không có văn học trẻ hay già, chỉ có hay hoặc chưa hay. Phạm trù cái hay trong văn học nghệ thuật rất rộng và luôn chuyển động, nhưng chuẩn mực về văn hóa và sự có ích không bao giờ thay đổi.

Bạn đọc giữ vai trò có tính quyết định về cái hay, nhưng bạn đọc không phải là thị trường; thị trường chỉ là một bộ phận của bạn đọc. Dẫu vậy, dường như các bạn trẻ ngày nay chịu áp lực quá lớn về vấn đề “sách bán chạy” để thể hiện bút lực của mình.

Các bạn trẻ luôn nhạy bén với nhu cầu thị trường nên sản phẩm văn học của các bạn đưa ra đều được thị trường đón nhận, không “bán chạy” cũng ở mức “bán được”. Có thể nói, đây là thành công bước đầu của các bạn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chất lượng văn học từ những nhà văn trẻ đã thành công ở những sáng tác đầu tay, có thể nêu ra nhận định: Một số lượng lớn bạn trẻ ngày nay có thừa kiến thức sách vở nhưng còn thiếu tri thức đời sống xã hội.

Tính xã hội trong tác phẩm của nhiều cây viết trẻ còn ít. Xã hội nào cũng có những vấn đề nóng, những “hỉ, nộ, ái, ố” của riêng mình. Thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay, những vấn đề nêu trên luôn thể hiện trong đời sống thật và trên mạng xã hội. Sự song hành giữa “thế giới thật” và “thế giới ảo” là một bước phát triển thần kỳ của nhân loại. Nhưng phải khẳng định cái “thật trong đời sống” mới là gốc, là nền tảng cho mọi hoạt động văn học nghệ thuật.

Có thể các bạn trẻ chưa dành nhiều thời gian cho đời sống thật, chưa gắn bó và dấn thân hết mình vào đời sống xã hội, nên tác phẩm còn thừa chữ nghĩa, thiếu đời sống thật.

Cái hay của văn học là không thừa, không thiếu theo kết cấu tình yêu. Yêu thừa hay yêu thiếu chưa phải là tình yêu. Mọi cái đều chỉ là tương đối, nhưng văn học sẽ chưa hay nếu để bạn đọc nhận thấy rõ cái thiếu, cái thừa trong tác phẩm văn học. Tài năng là điều kiện cần, vốn sống xã hội là điều kiện đủ.

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Vẫn thao thức các vấn đề xã hội

Thái Hiếu (thực hiện)

- Từng đứng trên bục giảng trường trung học để dạy môn Sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thầy giáo trẻ Lê Văn Thành trở thành nhà văn trẻ Văn Thành Lê khá ngoạn mục. Anh đánh giá như thế nào về những người đồng hành trong văn chương trẻ phương Nam?

+ Ai cũng thấy TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phương Nam có một lực lượng văn chương trẻ hùng hậu. Sau thế hệ 7X đã thành danh với những Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Vĩnh Nguyên… là thế hệ 8X đang rất sung sức với những Nguyễn Thị Kim Hoà, Hồ Huy Sơn, Ngô Thị Hạnh, Võ Thu Hương, Phương Huyền… Theo tôi, họ có sự mới mẻ về lối viết, và tạo không ít đột phá cho thị trường sách.

- Cụ thể, sự mới mẻ ấy chỉ đơn giản là chuyển từ bản thảo viết tay sang bản thảo máy tính chăng?

+ Đó là một thế hệ viết văn trên mạng rất biết cách PR tác phẩm, và cũng biết khoanh vùng độc giả qua những fanpage trên facebook. Tác phẩm của họ cũng dịch chuyển theo thị trường, từ thể loại tản văn, tuỳ bút đến thể loại du ký, khởi nghiệp… Tuy nhiên, PR nhiều quá cũng tai hại, làm lẫn lộn giá trị, giống như Tiến sĩ rởm làm hại Tiến sĩ thật.

- Một khi nhà văn trẻ đã chọn đối tượng để tiếp thị, thì tại sao lại không chọn đối tượng để sáng tác nhỉ? Văn học thiếu nhi đang có nhu cầu tác phẩm rất lớn, mà ký ức thơ ấu thì vẫn còn nguyên vẹn trong lứa tuổi đôi mươi. Nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi cũng có thế mạnh riêng chứ. Anh đang công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, anh có suy nghĩ gì?

+ Nhìn về bề nổi thì tác phẩm viết cho thiếu nhi không được chú ý nhiều lắm. Thế nhưng, tình hình văn học thiếu nhi không u ám như nhiều người lầm tưởng. Mỗi năm Nhà xuất bản Kim Đồng có khoảng 200 cuốn sách văn học dành do lứa tuổi thiếu nhi, mà các nhà văn trẻ đóng góp cũng không ít. Tất nhiên, văn học thiếu nhi bây giờ không có tầm vóc như thời Tô Hoài viết “Dế mèn phiêu lưu ký” hoặc Đoàn Giỏi viết “Đất rừng phương Nam”, nhưng tác phẩm vẫn tái bản đều đều.

Tôi cho rằng, nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi vẫn có đất dụng võ. Riêng tôi, mỗi lần viết cho thiếu nhi là như được trở về tắm trên dòng - sông - tuổi - thơ, dù tôi không máy móc bê nguyên khối tuổi thơ của mình đặt lên trang giấy. Khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà có lẽ bất cứ ai cũng mơ màng muốn có.

- Sau truyện vừa “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, thì hiện thực bộn bề của cuộc sống có vẻ thưa vắng trong tác phẩm các nhà văn trẻ phương Nam. Đây là một nỗi băn khoăn…

+ Đúng là văn chương trẻ vẫn chưa có đối trọng của “Cánh đồng bất tận” trong một thập niên trở lại đây. Có thể do thiếu dũng cảm và cũng có thể do thiếu tài năng. Bản thân tôi xin thú nhận là vẫn thao thức các vấn đề xã hội, nhưng chưa gây được sự chú ý cho bạn đọc qua tác phẩm của mình.

- Nhà văn trẻ xứ An Giang Huỳnh Trọng Khang đã xuất bản tiểu thuyết “Mộ phần tuổi trẻ” khi đang ngồi ghế giảng đường, từng chia sẻ: “Tôi tin rằng không có một giọt mực nào rơi trên giấy lại không mang trong mình một sứ mệnh, một trách nhiệm, sự ký thác của tâm hồn người viết gửi lại cho nhân gian. Do đó, mọi tác phẩm được viết ra phải kèm theo đó một sự trân trọng với bản thân mình và cả độc giả.Sự tôn trọng duy nhất mà nhà văn dành cho độc giả chính là luôn đòi hỏi bản thân cao hơn, không bao giờ được thấp hơn thị hiếu của độc giả, bước qua những giới hạn của chính mình và cùng với đó nâng tầm độc giả lên”. Thái độ ấy có phổ biến trong văn chương trẻ phương Nam không?

+ Sự ưu tư đó đáng trân trọng. Thế hệ chúng tôi vẫn cầm bút với nhu cầu nội tại chứ không hẳn bị chi phối bởi những yếu tố thị trường. Điều khiến tôi âu lo nhất là thế hệ chúng tôi không có những nhà phê bình chỉ ra những cái hay, cái dở của từng tác phẩm nên đôi khi cũng lúng túng với những được mất riêng mình.

- Nhân anh đề cập đến sự trống vắng nhà phê bình cho văn chương trẻ phương Nam, xin nhắc đến ý kiến của cây bút trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê - Chủ nhiệm CLB Sáng tác ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: “Đọc sách của những người trẻ Việt, ta dường như bị kéo vào trong một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ, từ say nắng, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách buông bỏ những hỗn độn trong tình cảm. Có thể tóm gọn là xuýt xoa cho vết thương tình yêu và loay hoay tìm cách để chữa lành vết thương riêng ấy”. Cách “bắt mạch” như vậy có đúng “căn bệnh” không?

+ Nhà văn trẻ tiếp nhận được thứ gì thì họ sẽ viết ra thứ nấy. Cách các nhà văn trẻ tiếp nhận cuộc sống hiện đại cũng đã khác xưa, nên họ không có cái nhìn bao quát đối với chuyển động thời cuộc. Vốn sống được hiểu là được dung nạp từ trải nghiệm cá nhân, tri giác nhặt nhạnh xung quanh mình và tiếp nhận từ sách vở, tri thức từ sách vở. Nếu chỉ vốn sống thôi thì bất kể người sống thâm niên nào đã thoát nạn mù chữ cũng đều có thể viết văn. Vốn sống là điều kiện cần nhưng chính năng lực tưởng tượng sẽ quyết định người viết đấy ở tầm nào. 
PV - Xuân 2019
.
.