Sau đại dịch, chúng ta còn gặp nhau

Thứ Năm, 10/09/2020, 11:02
"Sau đại dịch, ta còn gặp nhau", hình như đó là quyết tâm đầy ngang tàng, cứng cỏi những cũng rất sâu sắc và tinh tế…


Con gái tôi một hôm bảo: "Bố ơi, con biết bạn gái của ông Mạnh hàng xóm nhà mình rồi!". Tôi thấy hơi lạ vì ở cái tuổi sắp bước sang thất tuần, chả nhẽ… May mà nó lại tiếp: "Sáng nay con thấy ông ấy đi bộ với một chị tầm tuổi con trong công viên". 

Tôi đã vỡ lẽ nên cố gắng giải thích cho cô con gái mình rằng tuy khác nhau về độ tuổi nhưng họ chỉ là bạn bè, cùng đi thể dục, cùng có những suy nghĩ về cuộc sống có thể chia sẻ. Chuyện ấy thực ra rất bình thường.

Tưởng đã xong, không ngờ nó vẫn kịch liệt phản đối: "Sao lại thế được, có gì đấy sai sai. Thời chúng con bây giờ bạn bè thì chỉ tin được bọn bằng tuổi còn đàn ông lớn hơn mình là đều có ý đồ đấy bố ạ".

Tôi nhớ có lần đã được xem một clip hoạt hình với nội dung nhằm trang bị các bé gái khi giao tiếp: Ngoài những người thân như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em (ruột) ra thì không cho ai đến gần động chạm vào phần cơ thể mình. Tôi cũng biết chuyện về một cô gái ở nông thôn từng bị người anh họ cưỡng đoạt nhiều lần đến mức có thai rồi phải trốn lên thành phố. 

Tình cảm với người khác giới vô tư hình như đã "tuyệt chủng" sau những vụ xâm hại, thậm chí người ta cảnh giác cả với những người thân trong dòng họ. Cứ sau một cú sốc như thế, dường như chúng ta lại tức tốc dựng nên một hàng rào ngăn trở vô hình để đảm bảo sự an toàn.

Cô con gái đến thăm mẹ tại một nhà dưỡng lão ở Sao Paulo, Brazil (nguồn Báo Dân trí).

Tôi nghe nói trong những năm máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, những cô gái đã phải nhuộm áo trắng thành tối màu, không thể diện chiếc cặp ghim ba lá vì sợ máy bay phát hiện căn tọa độ ném bom. Thời đổi mới, kinh tế phát triển, nhà cửa mọc lên san sát, người dân trong các ngôi làng cũng không dám ăn nước giếng khoan bởi sự ô nhiễm từ các bể phốt công trình vệ sinh. Mỗi lần ra chợ, các bà nội trợ phải làm quen với việc nhìn những bó rau xanh mướt như một thứ bả độc, rau bị sâu, rau cằn trở thành mục tiêu của họ… Kinh nghiệm sống của mỗi thời đại là chiếc áo giáp che chở cho chúng ta và người thân.

Nhưng có lẽ, dù trong chiến tranh, loạn lạc, chưa bao giờ chúng ta phải thận trọng trước một kẻ thù vô hình như dịch viêm phổi cấp COVID -19. Lịch sử tiến hóa của nhân loại đã chứng minh, sinh vật nào muốn tồn tại phải thay đổi mà con người không phải là ngoại lệ. 

Nhìn vào cuộc sống của "người rừng" Hồ Văn Lang (Quảng Ngãi), chúng ta nhận ra loài người đã tự thích nghi đến như thế nào. Sự thích nghi ấy ban đầu là cái "cực chẳng đã", là sự chôn vùi những gì quen thuộc, yêu thích để tồn tại. Hẳn là, trong những năm đầu thế kỉ trước, việc đôi chân làm quen với đôi giày đen, chiếc cà vạt bó chặt lấy cổ của những người trẻ tuổi khi ấy cũng không hề đơn giản. Trước áp lực của điều kiện sống, chấp nhận mất đi thói quen cũng là khi ta đạt được những cái mới.

Nhưng, trước khi xảy ra đại dịch, công nghệ đã giúp chúng ta có một cuộc giãn cách rất tự nhiên. Mỗi tài khoản trên trang mạng xã hội như một ngôi nhà mà bất cứ ai cũng có thể ghé thăm, trò chuyện, phản hồi. Mọi khoảng cách của: địa vị xã hội, nghề nghiệp, tuổi tác đều được rút ngắn lại. Thậm chí, người ta còn có thể phiêu lưu trong những mối quan hệ ảo. 

Nghĩa là, tuân theo một nguyên tắc bất thành văn: chỉ là bạn trên mạng, chỉ có mối quan hệ trên face book, zalo, chứ không hề có ý định gặp gỡ ngoài đời. Kiểu như, trên face book là tình nhân, ngoài đời là người dưng… Cách thức này giúp người ta tránh được những rủi ro, tránh được sự soi mói của những người xung quanh.

Đời sống công nghệ giúp cuộc sống tinh gọn hơn. Chỉ cần một tin nhắn được đưa lên group, tất cả các thành viên có thể trao đổi trực tiếp. Từ tiện ích ấy mà các nhóm cộng tác nghiên cứu, kinh doanh vận tải (như xe ghép, ship hàng) có thể chủ động, hiệu quả, tiết kiệm chi phí cước viễn thông. 

Việc thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin giúp chúng ta giữ được mối liên lạc cả về tình cảm. "Xã hội thông tin", "cư dân mạng", "dư luận mạng xã hội"… là những điều đang nắm ưu thế  ngày nay. Ngay cả trong một gia đình hiện đại, mọi sự quan tâm, giám sát cũng được triển khai trên nền tảng công nghệ vì cha mẹ ít có điều kiện thời gian quan tâm đến con cái.

Một cặp đôi dùng bữa tại nhà hàng ở Paris, Pháp (nguồn Báo Dân trí).

Có lẽ vì thế, giãn cách xã hội không còn là một cú sốc lớn với mỗi người. Đâu phải chỉ với những ai sống trong những căn hộ chung cư cao tầng, những tư gia kín cổng cao tường mà với mỗi người đã có một pháo đài của tâm hồn. Trẻ thì mải mê học để lập nghiệp, người già thu hẹp cuộc sống trong không gian sống an toàn, giản đơn trước quá nhiều những phiền lụy. 

Khi tôi gặp lại người đồng nghiệp sau một năm nghỉ hưu, ông tỏ ra khá thoải mái trước sự giãn cách ấy bởi lâu nay những lời mời tham gia các hội lớp, hội đồng hương, dòng họ… đã làm ông quá mệt mỏi. Ước mơ có những ngày bình yên được ăn những bữa cơm nhà, được đọc sách, chơi đàn… bỗng như món quà trên trời rơi xuống đối với ông. Chẳng ai muốn nhưng chính đại dịch đã đem lại cho rất nhiều người những gì mà họ mong muốn chăng?

Một ngày cuối tuần, trời mưa lớn, tôi bất giác mở một bài thơ ra đọc và chợt thấy văng vẳng bên tai mình như lời ai đó: "Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng"; rồi thì "Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca" (Đôi mắt người Sơn Tây-Quang Dũng)… Bao giờ? phải sống trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, chiến tranh chia cắt ấy mới thấy những gì bình dị, quen thuộc nhất bỗng hóa thiêng liêng… Còn giờ đây, để được nhìn thấy một khuôn mặt người hiện ra sau chiếc khẩu trang, để được đến nơi nào mà không phải xem đó có thuộc vùng dịch hay không thì vẫn phải nhẫn nại chờ đợi "bao giờ". 

1.Thực ra, chúng ta đang kiên gan, nhẫn nại để tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, nhằm cô lập các ổ bệnh chứ không có nghĩa là kinh sợ. Có lẽ ngày trước, khi việc gặp gỡ, thăm thú quá đỗi bình thường, ta lại tìm đến sự bình yên của lòng mình. Nhưng khi sự bình yên hiển nhiên của thế giới bên ngoài mất đi, ta lại thảng thốt với "bao giờ" mới được như xưa. 

Sử dĩ ta còn mong mỏi không chỉ vì đó là một thói quen mà vì ta còn yêu những miền đất, vẫn còn sư quan tâm đến bạn bè, người thân, muốn mở rộng các mối quan hệ xã hội. Có thể, trong những ngày giãn cách ấy, người ta lại hỏi han, quan tâm, nghĩ về nhau và hiểu nhau hơn khi nhịp sống của mỗi người đều như chậm lại.

2.Con người sẽ biết chắt chiu từng cuộc gặp gỡ và cảm thấy trước đây đã làng phí quá nhiều thời gian vào những cuộc đàn đúm vô bổ. Người xưa từng nói "trong họa có phúc", "trong rủi có may" với hàm nghĩa là sự bù trừ, cân bằng, nhưng điều đó cũng thể hiện cái nhìn khách quan về quy luật đời sống. 

Người Á Đông trọng tình nghĩa, khoan hòa, thường tìm đến bạn bè để ngồi lại tâm tình chia sẻ bên mâm rượu, bên ly trà, tách cà phê… Các cuộc gặp gỡ ấy ngày càng xuất hiện nhiều hơn, lấy đi của chúng ta khá nhiều thời gian và tiền bạc. Giờ đây, không phải vì nơm nớp lo sợ lây nhiễm mà sau một khoảng lặng nghĩ suy, nhiều người nhận ra những gì cần nói, cần gặp, đâu là những mối quan hệ chân tình, bền chặt… sẽ được nhìn nhận lại

3. Sau đại dịch, chúng ta sẽ còn gặp nhau để cùng sẻ chia, tương trợ để vượt qua gian khó. Như dân tộc ta trải qua chiến tranh, qua kinh nghiệm từ quá trình hội nhập, bài học về sự kết nối giúp ích nhiều cho con người. Trong đời sống tinh thần, dẫu có phải ngồi cách một tấm chắn, qua lớp áo mũ bảo hộ nhưng chẳng có gì ngăn cản được tình người. Thứ tài sản lớn nhất ấy là sự tin tưởng, một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người chính là sự đoàn kết. 

Trải qua các cuộc đại chiến, mất mát, chúng ta hiểu ra chỉ sự gắn kết mới có thể giúp nhau vượt qua gian khó. Bởi lẽ đó, dù có thể sớm dập tắt dịch bệnh hay còn phải quyết liệt và kiên trì thì cũng không có gì ngăn cản được sự phát huy trí tuệ và sức mạnh cộng đồng trong cuộc sống. "Sau đại dịch, ta còn gặp nhau", hình như đó là quyết tâm đầy ngang tàng, cứng cỏi những cũng rất sâu sắc và tinh tế…

Bùi Việt Phương
.
.