Sân khấu tư nhân: Bên ngoài cười nụ...
Lối đi ngay dưới chân mình
Tâm Đan
Xã hội hoá sân khấu là một chủ trương đúng đắn và cũng là con đường tất yếu của nghệ thuật biểu diễn. Từ sự ra đời của Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần lừng lẫy với vở kịch “Dạ cổ hoài lang”, làng kịch nói thành phố Hồ Chí Minh chứng kiến sự bùng nổ của các sàn diễn tư nhân.
Thật mừng, suốt một thập niên đầu của thế kỷ 21, hằng đêm công chúng đều có thể dò tìm kịch mục ở những tụ điểm như IDECAF, Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận, Kịch Nụ Cười Mới… để chọn cho mình một vở diễn ưng ý.
Thế nhưng, vài năm gần đây, sân khấu kịch có dấu hiệu chững lại, dù nhiều đơn vị mới vẫn được tư nhân bỏ tiền xây dựng như Sân khấu kịch TKC, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu kịch Minh Nhí, Sân khấu kịch Quốc Thảo… Chính giới làm nghề và giới thưởng thức không tránh khỏi tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” khi nói về bối cảnh “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm” của sân khấu tư nhân hiện nay.
Vở kịch múa “Tiên Nga” của Sân khấu IDECAF. |
Làm sao tiếp lửa cho sân khấu tư nhân? Đó là một câu hỏi đặt ra thường xuyên và nóng bỏng, nhưng dường như vẫn chưa được những nhà quản lý văn hoá quan tâm đúng mức. Sân khấu tư nhân tự bơi là một hành trình thử thách đang đẩy nhiều nghệ sĩ vào vòng xoáy lúng túng giữa nghệ thuật và thị trường.
Sân khấu tư nhân không có điểm diễn, phải đi thuê rạp đang nhàn rỗi của đơn vị nghệ thuật được bao cấp, kết quả cơm không lành, canh không ngọt, mà ví dụ rõ ràng nhất là vụ kiện tụng giữa nghệ sĩ Ngọc Trinh và Nhà hát kịch thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi ông bầu Phước Sang vỡ nợ, sân khấu tư nhân đã mất đi một gương mặt năng động. Thị trường kịch nghệ trở nên đơn giản hơn và cũng buồn tẻ hơn. Có những tụ điểm kịch nói chỉ vừa mới khai trương đã phải đóng cửa trong nỗi ngậm ngùi không dễ chia sẻ cùng ai.
Đạo diễn Hạnh Thuý thẳng thắn nhận định: “Tôi thấy nhiều người mở sân khấu mà liều quá. Không có nhân lực, không có diễn viên trụ cột. Kịch bản cũng không có, phải lấy vở cũ ở chỗ khác về dựng lại. Với cách làm “hồn nhiên” như thế thì việc sân khấu hoạt động èo uột, chết yểu là chuyện được báo trước!”.
Thuốc đắng dã tật, phải chăng đã đến lúc phải nói thật về sân khấu tư nhân, nói thật về quá khứ đáng tự hào và hiện tại nhiều ngổn ngang? Chỉ cần có sự quan tâm nhất định, sẽ dễ dàng nhận ra những người làm nghề đang loay hoay tìm cách tự cứu mình. Điều này vừa phụ thuộc vào bản lĩnh sân khấu lẫn trách nhiệm với nghề nghiệp, khán giả. Chỉ có một số ít sân khấu có bản sắc riêng, các sân khấu còn lại đều tương đối giống nhau khi cùng khai thác thể loại kinh dị, đồng tính, hài hước...
Chính vì cách duy nhất để tự cứu sân khấu là làm sao để có khán giả, nên họ nhốn nháo trong cách chọn đề tài, thậm chí có sân khấu không biết khán giả của mình là ai. Trong bối cảnh xã hội hóa gay gắt như bây giờ, sân khấu đang thiếu kịch bản trầm trọng.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, người rất thành công với thương hiệu Kịch IDECAF bày tỏ: “Khán giả của ngày hôm nay đã khác rất nhiều so với 5-10 năm về trước, trong khi các tác giả đang thiếu việc nghiên cứu kỹ thị trường. Theo khảo sát, khán giả hiện nay phân chia thành nhiều nhóm đối tượng khác nhau: khán giả lớn tuổi, khán giả trẻ, thiếu nhi... trong từng nhóm lại phân chia nhỏ hơn, mỗi nhóm lại có thị hiếu, sở thích không giống nhau.
Trong khi đó, đội ngũ tác giả nhiều người có trình độ rất giỏi, có khả năng biên kịch nhưng nhiều kịch bản lại rơi vào tình trạng chung chung, gửi đến các sân khấu trong thế hên xui, có thể được nhận, có thể không. Nhiều tác giả gần như là viết cho riêng mình, theo sở thích và sở trường cá nhân mà không quan tâm đến thị hiếu khán giả.
Trong khi đó, lực lượng các tác giả trẻ dù có nhiệt huyết và sự tươi mới nhưng kịch bản lại hời hợt, thiếu tính văn học. Đối với lĩnh vực kịch nói, tính thẩm mỹ là yếu tố cao nhất, nếu thiếu điều đó coi như thất bại. Theo cá nhân tôi, vấn đề cần nhất hiện nay, các tác giả cần chịu khó và xác định mình sẽ viết cho phân khúc và đối tượng khán giả nào!”.
Đạo diễn – Nhà báo Thanh Hiệp: Đừng để rạp hát treo biển “Nơi này ngày xưa có diễn kịch”
Thái Hiếu (thực hiện)
- Thưa đạo diễn, nhà báo Thanh Hiệp, là một người chuyên viết về sân khấu và cũng tốt nghiệp đạo diễn sân khấu, anh suy tư gì về sân khấu tư nhân hôm nay?
+ Xã hội hoá sân khấu là một cuộc chơi trao quyền sàng lọc cho khán giả. Công chúng chọn lựa sân khấu theo khẩu vị của mình và bỏ tiền mua vé, chứ không phải đi xem bằng vé mời. Anh Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ từng thú thật với tôi rằng, ở Hà Nội đưa vé mời tận tay thì chuyện họ đi xem cũng rất may rủi. Điều ấy cho thấy, sân khấu tư nhân vẫn đang là nền tảng phát triển cho kịch nghệ nước ta.
Tôi cứ băn khoăn, thay vì rót kinh phí cho những đoàn kịch bao cấp hoạt động cầm chừng, thì tại sao không hỗ trợ nguồn tài chính nào cho sân khấu tư nhân khi họ có đề tài tốt. Ví dụ, Sân khấu Kịch TKC hoặc Sân khấu Kịch Phú Nhuận vẫn có thể dàn dựng những vở truyền thống cách mạng như “Rặng trâm bầu” hoặc “Châu về hợp phố”.
- Thành tựu sân khấu tư nhân bằng túi tiền của mình đã góp cho đời sống văn hoá không ít tác phẩm đẳng cấp đấy chứ!
+ Đó là điều không thể nào phủ nhận được. Những vở kịch như “Bí mật vườn Lệ Chi” hoặc “Ngàn năm tình sử” xứng đáng ghi tên vào lịch sử sân khấu Việt Nam. Mới đây, Kịch IDECAF còn dàn dựng kịch múa “Tiên Nga” cực kỳ ấn tượng. Chưa kể, bầu show Hoa Hạ từng bỏ mấy tỷ đồng dựng vở cải lương “Kim Vân Kiều” rất hoành tráng!
- Vàng son dĩ vãng có nuôi được bẽ bàng thực tại không, thưa anh?
+ Dù ai đó nóng mặt thì tôi cũng xin thưa: lãnh đạo ngành văn hoá thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam đã không có chiến lược phát triển sân khấu xã hội hoá. Khi sân khấu tư nhân hưng thịnh thì không biết tạo điều kiện để có sức bật mạnh mẽ hơn. Còn bây giờ, thu nhập của sân khấu tư nhân đã kém đi, thì tụ điểm để diễn lại thành bài toán nan giải. Thật buồn, nếu ngày mai ngang qua rạp hát thấy treo biển “Nơi đây ngày xưa có diễn kịch”.
- Anh có vẻ đề cao vai trò lãnh đạo văn hoá trong sự bền vững của sân khấu?
+ Không thể khác được. Ngày trước ở TP Hồ Chí Minh vì sao cải lương rực rỡ? Vì có Giám đốc Sở Văn hoá như ông Dương Đình Thảo. Ông ấy hiểu rõ từng đoàn hát, từng nghệ sĩ và luôn có những văn bản tháo gỡ vướng mắc cho sân khấu hoạt động. Còn bây giờ, ngay cả những người làm nghề đẳng cấp như Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu cũng không biết Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TP Hồ Chí Minh là ai, vì cả năm không thấy lãnh đạo ngành văn hoá ghé qua sân khấu lấy một lần chiếu cố…
- Đành rằng vậy, nhưng âu lo lớn nhất của sân khấu tư nhân vẫn là sự khan hiếm kịch bản?
+ Tôi đặt câu hỏi: các trại sáng tác kịch bản sân khấu có còn hiệu quả không? Vì rất ít kịch bản mới được dàn dựng. Sân khấu chờ mãi vẫn chưa thấy Lưu Quang Vũ khác xuất hiện. Bây giờ, sân khấu tư nhân mua kịch bản về, phải đắp da đắp thịt thì mới diễn được. Thật hiếm có nơi nào như sân khấu nước ta, diễn viên phải bồi thêm cho kịch bản thì mới có thể thuyết phục được công chúng!
- Thù lao một kịch bản rất ít ỏi, làm sao đòi hỏi nhiều được. Chả lẽ sân khấu tư nhân khước từ quy luật tiền nào của nấy?
+ Tuổi thọ vở diễn càng cao, thì nhuận bút của tác giả càng nhiều chứ. Ví dụ, tác giả Vương Huyền Cơ từng nhận mỗi năm khoảng 200 triệu đồng cho kịch bản “Khi đàn ông có bầu” dàn dựng ở Sân khấu Kịch Sài Gòn.
- Nhiều tác giả sân khấu đã chuyển sang viết cho truyền hình hoặc điện ảnh. Ngay cả diễn viên cũng đồng loạt nhảy bổ lên game show để vừa có tiếng vừa có miếng…
+ Vừa rồi, có một show quy tụ toàn những ngôi sao trên game show truyền hình, vẫn không bán được vé. Vấn đề là có kịch bản phù hợp không. Kịch bản truyền hình khác xa kịch bản sân khấu. Vẫn là ngôi sao đó, nhưng từ truyền hình bước qua sân khấu lại ế chỏng gọng. Khán giả đến sân khấu là để chìm đắm trong không gian nghệ thuật đặc trưng của thể loại này!
NSƯT Trịnh Kim Chi - Giám đốc Sân khấu Kịch TKC: Xin tài trợ khó lắm
Hương Ngân (ghi)
Tôi không ngại sân khấu bị chi phối bởi truyền hình, vì các loại game show sẽ nhanh chóng thoái trào thôi. Cái tôi băn khoăn nhất là dường như những người làm sân khấu tư nhân như chúng tôi đang bị cộng đồng bỏ rơi. Vì sao game show có tài trợ mà sân khấu không có?
Tôi tự hỏi nhiều lần như vậy và cũng tìm gặp nhiều doanh nghiệp để đặt vấn đề, nhưng họ không mặn mà gì. Trong khi đó, chúng tôi làm vở kịch truyền thống cách mạng như “Rặng trâm bầu” được giải thưởng ở Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc đấy chứ. Tôi gửi công văn cho ngành văn hoá và ngành giáo dục, xin tài trợ mấy suất diễn để tôi mang “Rặng trâm bầu” đến với học sinh và công nhân vùng sâu, vùng xa nhưng chỉ nhận lại… câu trả lời “để xem xét” đầy dửng dưng!
Tôi duy trì sân khấu tư nhân vì muốn đóng góp cho sân khấu, chứ thật sự tháng nào cũng bù lỗ. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tài trợ cho sân khấu thì tốt quá. Tôi tin, nếu số tiền tài trợ cho sân khấu được khấu trừ vào thuế, thì nhiều nhà hảo tâm sẽ không ngại đồng hành sân khấu hôm nay và ngày mai!
Đạo diễn-NSƯT Trần Minh Ngọc: Phải phát huy tính tương tác trực tiếp với khán giả
Quân Anh (thực hiện)
- Thưa đạo diễn Trần Minh Ngọc! Ông đã từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Ông nghĩ gì về nguồn lực sân khấu hiện nay?
+ Phải sòng phẳng nhìn nhận, nhân lực cho sân khấu vừa thừa vừa thiếu. Thừa những người có thể đóng đủ loại vai nhàn nhạt, nhưng lại thiếu những người có thể đóng được một vai xuất sắc. Việc đào tạo trong nhà trường, mỗi khoá được vài người có tài thì chúng tôi đã mừng lắm rồi. Vì vậy, nhân lực đông nhưng không đáp ứng được các loại vai, đành phải chấp nhận quy luật đào thải của thị trường.
Cũng may có sân khấu tư nhân, họ cũng là lò đào tạo đáng nể, như chỗ bà bầu Hồng Vân chẳng hạn. Chờ nhà trường chính quy cứ 4 năm cho ra một lớp diễn viên, thì sốt ruột lắm. Sân khấu tư nhân đào tạo nguồn nhân lực theo khuynh hướng của nghệ thuật của từng sân khấu, là một giải pháp cần ủng hộ!
- TP Hồ Chí Minh đã và đang là điểm sáng xã hội hoá sân khấu. Thế nhưng, bây giờ chính sân khấu tư nhân cũng cảm thấy họ rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Có thể tìm kiếm trợ lực ra sao, thưa ông?
+ Tôi không e dè gì để nói thật rằng, những nhà quản lý văn hoá chưa nắm được tinh thần xã hội hoá sân khấu, và chưa hiểu về sân khấu thị trường. Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao TP Hồ Chí Minh cần có những cán bộ có đẳng cấp như bầu show, vừa có kinh nghiệm sân khấu vừa có khả năng nắm bắt nhu cầu khán giả. Do đó, mới có thực trạng đáng buồn là Nhà nước vẫn đầu tư cho sân khấu, nhưng đầu tư không đúng chỗ. Trên thế giới, chả nước nào không đầu tư cho văn hoá, nhưng quan trọng là đầu tư như thế nào. Đầu tư kiểu chia nhỏ miếng bánh, mỗi người một góc lót dạ thì chẳng nên trò trống gì.
- Công chúng phương Nam rất hào hứng với những hoạt động cộng đồng. Có lẽ những nhà quản lý văn hoá cũng quan niệm rằng, chính khán giả sẽ cứu sân khấu mà không cần có chính sách hỗ trợ nào…
+ Ít nơi nào có khán giả nồng nhiệt như TP Hồ Chí Minh, Tuy nhiên, khán giả chỉ bỏ tiền mua vé, chứ không thể bỏ tiền bù đắp cho giá cả mặt bằng làm tụ điểm sân khấu vẫn tăng chóng mặt. Nhiều rạp hát để trống, hoặc nhiều rạp chiếu bóng đã chuyển đổi công năng thành quán cà phê hoặc tiệm thời trang, thì khán giả đâu có quyền chỉ đạo để cho sân khấu tư nhân thuê!
- Sự chuyển động của quá trình xã hội hoá sân khấu, theo ông cần tổng kết lại theo tiêu chuẩn nào để có quyết sách mới cho hành trình tồn tại và phát triển?
+ Từ năm 1986 đến 1996 là 10 năm vinh quang của xã hội hoá sân khấu, đỉnh cao phải kể đến vở kịch “Dạ cổ hoài lang” công diễn hàng ngàn buổi. Sau đó, cơ chế thị trường lại tác động tiêu cực làm thành một vòng lẩn quẩn, hết hài nhảm lại đến kinh dị. Sau trào lưu “Người vợ ma” suy thoái, thì sân khấu tư nhân mạnh ai nấy… nín thở chờ đợi thời cơ!.
- Và kết cục tất yếu là sân khấu né tránh mọi vấn đề cuộc sống mà xã hội đang quan tâm… Những người làm nghề cũng dần lãng quên tính xung kích của sàn diễn…?
+ Đúng, xã hội hoá sân khấu chỉ còn chú trọng tính giải trí. Tôi lưu ý, giải trí lành mạnh cũng là một khía cạnh của nghệ thuật, nhưng sân khấu không thể rời xa thời cuộc. Những người làm sân khấu đang né tránh những vấn đề gai góc như tham nhũng, nhất là các tác giả. Người viết kịch toàn cung cấp những câu chuyện đâu đâu. Chống tham nhũng trên sân khấu được không?
Được chứ, nhưng phải có tính khái quát. Chứ nói cho hả hê thì không được, hình tượng sân khấu mới là điểm nhấn. Tôi thấy nhiều tác giả viết kịch chưa đủ tầm với tới đề tài gai góc. Và tôi cũng chờ một kịch bản chống tham nhũng để bản thân được dàn dựng một cách hào hứng!.
- Trong bối cảnh bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình nghệ thuật nghe nhìn khác, sân khấu phải tự cứu mình trước khi… trời cứu chứ nhỉ?
+ Truyền hình đang thâu tóm gần hết đội ngũ sáng tạo nghệ thuật. Sân khấu chịu thua thiệt trong cuộc cạnh tranh không cân sức với truyền hình. Muốn duy trì, phải làm sân khấu tư nhân sang trọng hơn. Trước hết là hiện đại hoá không gian sân khấu, chứ tụ điểm tạm bợ thì ai mà thèm tới.
Tiếp nữa, sân khấu phải phát huy thế mạnh của mình là tính trực tiếp giao lưu gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả. Truyền hình hoặc điện ảnh không thể có sự tương tác như vậy. Xem nghệ sĩ trên ti vi làm sao cảm giác bằng xem nghệ sĩ bằng xương bằng thịt chỉ cách mình vài mét thôi!