Sân khấu ồ ạt ra đời: Sống còn bằng niềm đam mê

Thứ Sáu, 29/12/2017, 08:52
Mấy năm nay, nói tới sân khấu xã hội hóa TP Hồ Chí Minh là nói tới cảnh chợ chiều hiu hắt với muôn vàn khó khăn. Các sân khấu danh tiếng cũng không thoát khỏi cảnh bù lỗ hằng đêm. Ấy vậy mà năm 2017, một loạt sân khấu sòn sòn ra đời trước con mắt kinh ngạc của giới làm nghề.


Sân khấu kịch Minh Nhí, Rubik, Kịch Quốc Thảo, Kịch Buffalo Theatre, Nhà hát Chợ Lớn, Kịch Văn Khoa... là loạt cái tên mới mẻ của làng sân khấu thành phố trong năm nay. Được sự đỡ đầu của hai đàn anh là danh hài Hoài Linh và Chí Tài, hồi tháng 9, bộ ba nghệ sĩ Khánh Hoàng, Đại Ngọc Trâm, Hoàn Tâm mạnh dạn bắt tay mở sân khấu kịch Rubik tại Nhà Thiếu nhi quận 4.

Ngoài những cái tên nổi tiếng như Hoàng Sơn, Phương Bình, Dũng Nhí, Ngân Quỳnh..., dàn diễn viên nơi đây còn có các tài năng nhí ăn khách như: bé Hoàng Vân, Khánh Như, Phương Thi, Lan Nhi, Bào Ngư… Giải thích về cái tên Rubik, nghệ sĩ Đại Ngọc Trâm cho hay đây sẽ là nơi tổ chức nhiều hoạt động đa sắc từ ca múa nhạc, xiếc đến chính kịch, nhạc kịch, hài kịch... phục vụ cho cả người lớn và trẻ em.

Ông chủ Khánh Hoàng hồ hởi bật mí: "Để hỗ trợ đàn em, anh Chí Tài tham gia vào một số vở của Rubik. Riêng anh Hoài Linh thì công việc rất bận. Nhưng thời gian tới, ảnh sẽ sắp xếp lịch để tham gia suất diễn cuối tuần". Tên tuổi của hai danh hài được coi là thần hộ mệnh của Rubik giữa cảnh sống dở chết dở của làng kịch xã hội hóa.

Cảnh trong vở "Tiếng vạc sành" của Sân khấu kịch Minh Nhí.

Tháng 11, đạo diễn - nghệ sĩ Quốc Thảo và nghệ sĩ Quốc Thuận đưa Sân khấu kịch Quốc Thảo chào sân. Tọa lạc tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, quận 3, Kịch Quốc Thảo là làn gió mới khi hoạt động theo mô hình khá đặc biệt. Nơi đây chia thành 3 sân khấu nhỏ, gồm: Sân khấu thể nghiệm mở các khóa học hình thể, diễn xuất, kịch câm cho học viên và biểu diễn kịch thể nghiệm; Sân khấu chính là nơi biểu diễn các vở kịch với dàn diễn viên là nghệ sĩ nổi tiếng; Sân khấu đào tạo là nơi đào tạo học viên. Mục đích chính của Kịch Quốc Thảo vẫn là tìm kiếm lực lượng diễn viên triển vọng.

Nhấn mạnh vào thể loại hài kịch, nghệ sĩ Minh Nhí mở sân khấu kịch mang tên mình tại quận 1. Riêng nhóm Buffalo chọn nhạc kịch làm hướng đi dài lâu khi thành lập thánh đường riêng mang tên Kịch Buffalo Theatre. Nhà hát Chợ Lớn của nhà thiết kế Sĩ Hoàng thì ưu tiên nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương... Mới đây, CLB Sân khấu và Điện ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cũng trình làng vở diễn đầu tiên nhân ngày ra mắt Sân khấu kịch Văn Khoa.

Trong thời điểm kịch nói, cải lương, hát bội... bị công chúng dần lãng quên như hiện nay thì hiếm ai dám "to gan" mở sân khấu. Bởi như nghệ sĩ Quốc Thuận, người đồng sáng lập Sân khấu kịch Quốc Thảo thừa nhận: "Nêu ý tưởng ra, bạn bè đồng nghiệp ai cũng kêu mình khùng, mở sân khấu thời điểm này là chỉ có chết!".

Nếu bảo để kinh doanh kiếm lời thì chẳng ai dám mơ. Do đó, lý giải về hiện tượng nhiều sân khấu sòn sòn ra đời bất chấp "cảnh báo đỏ", người ta nghiêng về hướng các nghệ sĩ lập sân khấu chủ yếu để thỏa niềm đam mê nghề nghiệp. Nói về Sân khấu kịch Rubik, Đại Ngọc Trâm tâm huyết: "Ấp ủ 10 năm qua, giờ tôi mới thực hiện được ước mơ của mình. Chỉ có sân khấu kịch mới thật sự là nơi cho tôi sống với đam mê, thỏa sức tung tẩy. Đáng buồn là sân khấu kịch thành phố giờ đây không còn nhiều như ngày trước. Tôi chỉ mong góp sức và tâm huyết để giữ gìn loại hình sân khấu kịch ngày càng phát triển, không để mai một theo thời gian".

Riêng cặp nghệ sĩ Quốc Thuận, Quốc Thảo không ngại quả quyết rằng nếu Kịch Quốc Thảo lỗ nặng, họ cũng sẵn sàng chấp nhận để hiện thực hóa giấc mơ đào tạo thế hệ diễn viên chuyên nghiệp. Kiểu "chơi ngông" này khiến lắm người thót tim.

Bởi sân khấu lỗ nặng không phải là chuyện "nếu" mà là sự thật. Khán giả thưa thớt, lỗ vốn khiến loạt sân khấu mới ra mắt được vài tháng phải đóng cửa vô thời hạn. Danh hiệu quán quân gameshow Cười xuyên Việt 2016 giúp nhóm X- Pro nhanh chóng nổi như cồn. Được sự hỗ trợ của một nhà đầu tư, nhóm lập tức mở sân khấu kịch riêng. Khán giả đến nườm nợp vài suất đầu, càng về sau càng thưa thớt. Cầm cự được vài tháng, nhóm đành buông tay.

Một dạo sân khấu Thuần Việt, Kịch Family, Kịch Đinh Tiên Hoàng, Kịch CTM… nô nức ra mắt rồi sau đó không lâu lần lượt đóng cửa. Điều này không thể tránh khỏi bởi ngay cả những đàn anh, đàn chị tầm cỡ như Sân khấu kịch Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh, IDECAF... cũng lâm cảnh đếm từng tấm vé mới dám sáng đèn. Hàng tháng, NSND Hồng Vân bù lỗ hơn 200 triệu cho Kịch Phú Nhuận. Chị cũng như nghệ sĩ Minh Nhí phải chăm chỉ chạy thêm ở gameshow để lấy tiền nuôi sân khấu. Thậm chí, vì quá vắng khách, Sân khấu nhỏ 5B - lá cờ đầu của sân khấu xã hội hóa TP Hồ Chí Minh - phải đóng cửa 2 năm trời để sửa chữa cơ sở vật chất lạc hậu, chấn chỉnh nhiều hạng mục. Đến nay, 5B vẫn chưa thể sáng đèn trở lại.

Ngoài cơ sở vật chất lạc hậu, bất tiện cho khán giả, các sân khấu còn gặp khó ở sự cạnh tranh khốc liệt của truyền hình thực tế, gameshow, phim ảnh. Khán giả không phải mắc công đi xa và tốn cả trăm ngàn tiền vé mà có thể  thưởng thức đủ chương trình giải trí hay ho tại nhà. Diễn viên bỏ bê kịch mục để chạy show.

Cặp nghệ sĩ Quốc Thảo, Quốc Thuận (giữa) quyết tâm bù lỗ để duy trì môi trường đào tạo thế hệ diễn viên triển vọng ở Sân khấu kịch Quốc Thảo.

NSƯT Thành Lộc cho rằng khó có thể trách diễn viên vì tiền cát xê từ gameshow, phim ảnh luôn ngất ngưởng, từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng trong khi cát xê cho diễn viên ở mỗi suất diễn sân khấu chỉ từ vài trăm đến một triệu là hết nóc. Đã vậy nếu suất diễn bán ít vé, diễn viên lại bị trừ cát xê. Vì mưu sinh, họ khó có thể gắn bó dài lâu với sân khấu. Các tác giả kịch bản cũng quay sang đầu quân cho phim ảnh, truyền hình chứ không mặn mà với sân khấu.

Nguồn kịch bản thiếu hụt và khách liên tục sụt giảm khiến không ít sân khấu mới ra đời nhưng đã chăm chăm chạy theo chủ đề giật gân câu khách, đầu tư dễ dãi mà thiếu hẳn tác phẩm vừa có chiều sâu nghệ thuật, vừa bắt kịp xu thế giải trí.

Bị mời những "món ăn" dở, khán giả càng thêm chán ngán. Nó tạo ra vòng luẩn quẩn khiến làng kịch chết dần chết mòn. May ra có Sân khấu Thế giới Trẻ nhanh nhạy bỏ ra 5 tỷ đồng hiện đại hóa cơ sở vật chất và thay đổi kịch mục mới có thể giữ chân khán giả thường xuyên.

Để tồn tại, các sân khấu mới chú trọng nâng cấp ghế ngồi, âm thanh ánh sáng, sàn diễn và cải tiến cách tổ chức biểu diễn. Bỏ ra hơn 1 tỷ đồng tu sửa sân khấu, Minh Nhí còn cho biết: "Ở đây, dù vé bán được ít hay nhiều, hễ sân khấu sáng đèn là diễn viên sẽ được hưởng trọn cát xê chứ không bị trừ do bán ít vé. Nếu vở nào vắng nghệ sĩ sẽ không diễn chứ không thế vai lung tung. Chúng tôi làm vậy để tôn trọng khán giả.

Về mặt tiết mục, tôi làm hài theo kiểu mới hiện nay, đó là hài phi lý nhưng sạch, ý nghĩa". Ngoài ra, không ít sân khấu mở các khóa đào tạo học viên để lấy tiền học phí duy trì suất diễn. Áp dụng cách này có Kịch Quốc Thảo, Kịch Minh Nhí, Kịch TKC của diễn viên Trịnh Kim Chi... Buffalo Theatre thì tồn tại nhờ nhận làm thêm tiểu phẩm, vở kịch cho các sự kiện, đơn vị có yêu cầu.

Loạt sân khấu mới góp phần làm cho đời sống kịch nói TP Hồ Chí Minh trở nên sôi động hơn. Khán giả có thêm điểm đến để thưởng thức kịch mục, thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng. Nghệ sĩ, đặc biệt là lớp nghệ sĩ trẻ có thêm địa điểm để thỏa sức thể hiện đam mê, giữ lửa nghề.

Tuy nhiên, nếu nhìn sự nở rộ của loạt sân khấu này để hào hứng cho rằng nó "cấp cứu" kịp thời cho đời sống sân khấu đang ngắc ngoải thì quả là nhận định vội vàng. Khán phòng, sàn diễn của hầu hết các sân khấu mới vẫn chưa hề đạt chuẩn. Ngay địa điểm mà sân khấu trước làm ăn thất bát hay bị sân khấu kỳ cựu chê vì không gian tồi tàn, thiếu chuyên nghiệp thì sân khấu mới lại chen chân vào. Số lượng sân khấu ra mắt thì nhiều nhưng vở diễn của họ lại không để lại ấn tượng nào. Các vở được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng chưa thấy xuất hiện.

Phan Thi Uyên
.
.