Sai lạc về chữ nghĩa ở một số di tích mới trùng tu tôn tạo

Thứ Năm, 11/03/2021, 15:00
Vừa qua, công luận đã nói nhiều đến những sai phạm khi sửa chữa, tôn tạo các di tích lịch sử, tín ngưỡng thờ tự. Sau khi tôn tạo đã không giữ được giá trị kiến trúc ban đầu của các di tích đó.


Ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cách đây đã lâu một vị giáo sư đã nói đến sai lạc trong kiến trúc khi xây dựng nhà Thái học. Theo đó nhà làm theo kiểu chữ “công” thì tòa đứng trước bao giờ cũng phải lớn hơn tòa đứng sau, nhưng ở đây đã làm ngược lại.

Người xưa quan niệm “tả chinh”, “hữu cổ” tức chuông đặt bên trái của “thần”, trống đặt bên phải của “thần”, nhưng ở đây gác chuông, gác trống đã đặt lộn.

Chúng tôi không bàn luận gì thêm về việc phân tích trên. Dưới đây chỉ nêu lên việc “chữ nghĩa” liên quan đến các công trình kiến trúc khi trùng tu tôn tạo.

“Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn”, ghi như thế  là không đúng với quan chế triều Trần.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngoài việc chuông, trống treo sai vị trí như đã nói trên, “chữ nghĩa” trên đó cũng là điều cần phải nói. Chiếc chuông đúc 4 chữ “Chuông nhà Thái học” bằng chữ Nôm ở bốn mặt. Dưới đó là bài “minh” . Đầu của bài “minh” có câu:

“Kể từ vua Lý, dời Hoa Lư chuyển đến Thăng Long”

Hai chữ “Hoa Lư” đã viết là “.............” đáng lẽ phải viết là “2........”. Hoa Lư ở đây là địa danh, mà “địa danh”, “nhân danh” (tên đất, tên người) dù văn bản Hán hay Nôm đều phải viết đúng nguyên tự của từ đó (trừ trường hợp không xác định được) mà không thể viết tùy tiện.

Trong cuốn “Đại Nam quốc sử diễn ca”, tuy bằng chữ Nôm nhưng trong câu: “Có ông Bộ Lĩnh học Đinh, con quan Thứ sử ở thành Hoa Lư”, hai chữ “Hoa Lư” cũng được viết là “3........”. Việc ghi địa danh với chữ nghĩa viết ra xưa kia đều được qui định rất nghiêm ngặt không thể tùy tiện, khi cần sửa đổi phải tấu trình. Có trường hợp vẫn giữ âm đọc, nhưng chỉ thay đổi nét chữ cũng phải ghi rõ trình lên. Tên xã “Ba Lăng” đổi chữ “Lăng” có bộ "thủy" (mang nghĩa không đẹp) sang bộ “phụ” cũng phải ghi trong tấu trình là một ví dụ (có ghi trong sách “Các làng xã Việt Nam”). Chữ “Hoa Lư” với nghĩa đẹp đã được triều đại trước đây ghi danh một vùng đất nổi tiếng, cho đến triều Nguyễn vẫn dùng. Vậy chữ “Hoa Lư” khắc trên chuông là không đúng với lịch sử ghi chép địa danh này. Chưa nói đến chữ “Lư” trên chuông, nếu muốn có nghĩa "cây lau" (Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận) thì cũng không đúng, đó phải là chữ “Lư” bộ “thảo - 4......”, trên chuông là chữ “Lư - 5.....” (bộ trúc) có nghĩa là cái “sọt”.

Trong nhà Thái học đắp nổi 7 chữ Hán mầu vàng “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí” cũng không đúng nguyên tự trên bia. Trên bia chữ “Tài” bộ mộc (6.....) đã được thay bởi chữ “tài” bộ thủ (7...). Hai chữ ngoài nghĩa giống nhau, mỗi chữ còn có nghĩa khác nữa, biểu ý khác nhau (xin không bàn ở đây). Thân Nhân Trung đã thận trọng viết như vậy, nay sao trích lại thì phải viết đúng như nguyên bản.

Đến thăm di tích chiến thắng Bạch Đằng, bước vào cổng thấy hai chữ “Tràng Kinh” tạc trên cổng đá. Đúng ra chữ “Tràng” phải được viết là “8....” ở đây lại viết là: “9.....” (bộ thổ) là sân, bãi.

Một số câu đối, văn khắc trên chuông cung tiến ở các di tích nhiều nơi không được chọn lọc kỹ, xứng tầm với di tích được thờ tự hoặc bảo tồn. Trong di tích Bạch Đằng nói trên ở đền thờ Ngô Quyền có chiếc chuông đúc 4 chữ Hán “Tổ quốc chung từ”. Chúng tôi cũng không hiểu 4 chữ này nói gì?

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được thờ tại nhiều nơi trên khắp đất nước và chức phong của ngài thường được ghi ở bệ tượng, án thờ (và còn nhiều văn bản khác) là “Quốc công tiết chế” nay cũng xin được nói rõ, việc ghi như vậy là không đúng với quan chế triều Trần. 

Theo quan chế triều Trần “Quốc công” là chức (Thân vương làm “Tướng quốc” được phong “Quốc công”). Còn “Tiết chế” là quyền “Đổng thống” (chỉ huy). 

Ngay lần thứ nhất chống quân Nguyên, Hưng Đạo Vương đã được giao quyền “tiết chế”: “Tháng chín xuống chiếu lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ngăn giữ biên giới chịu sự “tiết chế” của Quốc Tuấn” (thụ Quốc Tuấn tiết chế). 

Lần thứ hai chống quân Nguyên, Hưng Đạo Vương được phong “Quốc công” và lại được giao quyền “tiết chế” quân đội: “Tiến phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn làm “quốc công”, chỉ huy thống lĩnh quân đội toàn quốc” (Tiến phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn vi quốc công, tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân).

Trong nguyên bản chữ Hán “Đại Việt sử ký toàn thư”, cũng như “Việt sử cương mục tiết yếu” sau chữ quốc công đều có dấu ngắt – dấu “chấm chanh”, nhưng rất tiếc bản dịch năm 1993 đã dịch sai dấu “phẩy” này, đánh dấu phẩy sau chữ “tiết chế”, biến thành cụm từ “Quốc công tiết chế”. Phải chăng vì thế khiến hiểu nhầm đó là một chức chung (Bản dịch năm 1971 đã in đúng chi tiết này). 

Vậy “Quốc công” mới là chức, còn “Tiết chế” là quyền chỉ huy, không phải là chức. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cũng nói rõ như vậy. Tuy nhiên nay đã thế ít nhất cũng có dấu phảy sau hai chữ “Quốc công” để không hiểu sai danh chức của Ngài.

Trong tín ngưỡng thờ tự, nhiều nơi có thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, hoặc phối thờ ở các đền, chùa. Những di tích được trùng tu, tôn tạo trong những thập niên gần đây ta thường thấy đại tự “Mẫu nghi thiên hạ” trước án thờ. Ngay ở phủ Tây Hồ nhiều người đã biết, hay ở đền Huy Văn cũng vậy. 

Thực ra đây là cách diễn nôm không đúng với nguyên tự của điển ngữ này, nhưng lại khiến người ta dễ hiểu nhầm là Đại tự Hán. Đúng ra phải viết là “Thiên hạ mẫu nghi” (Người mẹ mẫu mực của thiên hạ). Xin cho được không diễn giải dẫn lại sách vở. Quý độc giả có thể khảo ở hậu cung chùa Phổ Minh (Nam Định) với đại tự “Thiên hạ mẫu” (Bậc mẫu nghi của thiên hạ), hay ở “Đồng thiên quán” phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm với đại tự “Lý đại mẫu nghi” (Mẫu nghi triều Lý) là những đại tự cổ sẽ rõ về cách viết đúng đại tự trên.
Ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) có đền thờ trên cổng ghi 4 chữ Hán “Vọng Sòng Sơn từ” (Đền thờ vọng đền Sòng Sơn) được phiên là: “Đền Sòng Sơn” khắc trên một tấm biển kim loại to dựng chắn ngang hè phố. Thực chất đền Sòng là ở Thanh Hóa.

Chữ nghĩa nhầm lẫn, sai chữ nhầm nghĩa thấy không ít trên các di tích trùng tu tôn tạo mà công luận báo chí nhắc đến nhiều. Lăng Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương ở Giảng Võ là một ví dụ. Di tích này với mấy chữ trên viết sai, cẩu thả đã nhắc đến nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa.

Gần đây, lại có di tích phiên nghĩa sai tên di tích khiến người ta hiểu sai về chủ thể của di tích. Ở phố Tôn Đức Thắng có đền thờ trên cổng ghi 4 chữ Hán “Vọng Sòng Sơn từ” (Đền thờ vọng đền Sòng Sơn) được phiên là: “Đền Sòng Sơn” và khắc trên một tấm biển kim loại to dựng chắn ngang hè phố. Đền Sòng là ở Thanh Hóa, còn tại đây là phố Tôn Đức Thắng chỉ là nơi thờ vọng của đền Sòng. Sự sai lạc đó không rõ có phải là nhầm lẫn?

Trong một số di tích có phối thờ Hồ Chủ tịch. Ở di tích Bạch Đằng cũng vậy, kèm theo là đôi câu đối giống ở các nơi, ca ngợi Người (xin không chép lại ở đây) nhưng không rõ xuất xứ. Nơi thờ bậc vĩ nhân, văn từ rất cần được lựa chọn kỹ lưỡng mà không nên chỉ từ cảm tính thể hiện ra, chưa chắc đã xứng với tầm của bậc vĩ nhân được tôn thờ.

Trên đây chúng tôi chỉ nêu ra một số trường hợp trong những trường hợp quan sát được. Đó thực sự là vấn đề bức xúc hiện nay mà báo chí và các phương tiện thông tin khác cũng đã nói tới nhưng chậm được khắc phục. Có những việc khó khắc phục, có những việc hoàn toàn có thể khắc phục được và một điều quan trọng là không nên để tiếp tục xảy ra. Chúng tôi nêu ra đây để lưu ý các nhà quản lý có trách nhiệm quan tâm đúng mức để các di tích trên sau khi trùng tu tôn tạo thực sự kế tục đúng những giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại.

Trần Nghiễm
.
.