Rộ trào lưu chế nhạc: Rằng vui thì thật là vui...
Những bản nhạc chế triệu view
Đáng chú ý là những bản nhạc chế thường "ăn theo" ca khúc hit nào đó đang thịnh hành trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Nếu những ca khúc hit có lượng người xem, nghe tăng dần theo cấp số nhân thì những ca khúc nhạc chế cũng không "kém cạnh" khi thu hút hàng triệu, thậm chí vài chục triệu lượt người xem, nghe trên youtube và các chuyên trang âm nhạc lớn.
Chưa bàn đến chuyện hay, dở nhưng rõ ràng, nhạc chế vẫn có được lượng khán giả nhất định và đang dần tạo thành một trào lưu, tồn tại song song với nhiều trào lưu âm nhạc khác trong thị trường âm nhạc. Không ít "ngôi sao nhạc chế" đã xuất hiện.
"Nơi này có cô" của Mini Anti chế từ ca khúc "Nơi này có anh" của Sơn Tùng M-TP hiện thu hút hơn 3 triệu lượt người xem trên Youtube. |
MiNi Anti là cái tên không xa lạ với những bạn trẻ thích nhạc chế trên youtube. MiNi Anti gồm hai chàng trai sinh năm 1999 có tên là Vũ Duy Minh và Phạm Hải Ninh hiện sống tại Hà Hội. MiNi Anti bắt đầu chế nhạc từ năm 2015 và đến nay đã có khoảng 20 sản phẩm nhạc chế được đăng tải trên youtube. Fanpage của MiNi Anti có vài chục ngàn người theo dõi.
Theo chia sẻ của MiNi Anti, tất cả các khâu sản xuất clip đều do nhóm thực hiện, từ việc chọn chủ đề, viết kịch bản, chế nhạc, chọn phong cách quay phù hợp. Trung bình, mỗi clip sẽ mất một tuần để thực hiện.
Chủ đề phổ biến mà MiNi Anti thực hiện xoay quanh các vấn đề liên quan đến học tập, học sinh. Gần đây nhất, clip "Em gái mưa - Diễn biến thực sự" (chế lời ca khúc "Em gái mưa" do ca sĩ Hương Tràm thể hiện) thu hút hơn 4 triệu lượt xem. "Em gái mưa - Diễn biến thực sự" được giới thiệu là thể hiện theo cách Literal (lời theo hình), "giúp khán giả hiểu rõ những diễn biến sâu kín, trần trụi đằng sau khung hình đẹp lung linh của phiên bản gốc "Em gái mưa".
Đình đám nhất phải kể đến ca khúc chế "Despacito" (phiên bản Đại học) (chế từ ca khúc có số lượng người xem nhiều nhất thế giới hiện nay - "Despacito" của ca sĩ người Puerto Rico Luis Fonsi và Daddy Yankee). Nói về tình trạng học thi của các sĩ tử, "Despacito" (phiên bản Đại học) đã thu hút hơn 10 triệu lượt người xem trên youtube.
Ngoài ra, MiNi Anti còn sở hữu nhiều ca khúc chế triệu view như "Nơi này có cô", "Nơi này vắng tanh" (chế từ ca khúc hit "Nơi này có anh" của Sơn Tùng M-TP), "Thân học sinh" (chế từ ca khúc "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu), "Tô Lịch em nhớ" (chế từ ca khúc "Gửi anh xa nhớ" của Bích Phương), "Phía sau bọn có gấu" (chế từ ca khúc "Phía sau một cô gái" do Soobin Hoàng Sơn thể hiện), "Con đang cố gồng" (chế từ ca khúc "Bao giờ lấy chồng" của Bích Phương), "Đứa trẻ và trại cai nghiện" (chế từ ca khúc "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP), "Trẻ trâu liên minh" (chế từ ca khúc "Vì tôi còn sống" của Tiên Tiên)….
Hồ Minh Tài được cư dân mạng gọi là "Thánh chế" với hàng loạt ca khúc chế chục triệu view. Không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp nhưng những bản nhạc chế của Hồ Minh Tài thu hút lượng người xem khá lớn. Những ca khúc chế của "Thánh chế" Hồ Minh Tài phải kể đến như "10 tật xấu của chồng" (Chế từ ca khúc "Duyên phận", sáng tác Thái Thịnh), "Tết xa nhà" (chế lời từ ca khúc "Anh Ba Khía" của Sơn Hạ và "Nỗi buồn mẹ tôi" của Minh Vy), "Tết nhà nghèo" (chế từ ca khúc "Trách ai vô tình"), chế "cải lương Lan và Điệp bằng 400 cái tên nghệ sỹ", "Tám bài học dành cho gái ngoan" (chế từ ca khúc "Tàu quê hương", sáng tác Hồng Vân), "Khi đồng tính có vợ" (chế từ ca khúc "Éo le cuộc tình" của Thái Khang)…
Còn nhiều vấn đề phải bàn luận
Nhiều người đồng tình cho rằng, nghe nhạc chế giúp họ thư giãn, có được cảm giác vui vẻ sau những giờ làm việc căng thẳng. Phần lớn nhạc chế sáng tác cho vui, kiểu "vô thưởng, vô phạt" nhằm mang lại tiếng cười cho khán giả nhưng cũng có những bản nhạc chế phản ánh thực trạng xã hội. Bản nhạc chế "Showbiz thời nay" của Hồ Minh Tài (chế ca khúc "Đám cưới trên đường quê" của Hoàng Thi Thơ), đề cập đến tình trạng không ít bạn trẻ muốn nổi tiếng bằng mọi giá, tìm cách dấn thân vào showbiz trong khi không có thực tài.
Gần đây nhất, nhạc chế ca khúc "Người tình rượu bia" của cô gái Đặng Thanh Tuyền, 29 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông (chế từ ca khúc "Người tình mùa đông", Nhạc: nước ngoài, lời Việt: Anh Bằng) thu hút gần 5 triệu lượt xem, hơn 100 nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội trong thời gian ngắn ra mắt. Tác giả của "Người tình rượu bia" chia sẻ rằng, cô không ngờ, phiên bản chế ca khúc "Người tình mùa đông", đề cập đến tình trạng ăn nhậu trong giới trẻ lại gây hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng mạng đến như vậy.
Khi nói đến nhạc chế, người ta nghĩ ngay đến những bản nhạc có phần lời hài hước, vui vẻ. Chính vì vậy, phần lời thường đơn giản, không mang tính văn học, thậm chí là ngôn từ có khi xuồng xã. Chẳng hạn như lời phiên bản chế "Em gái mưa - Diễn biến thực sự" có đoạn: "…Nhưng sao thầy lại dậy môn sinh/Ngay đúng môn mình ngu nhất/Và một hôm, trời mưa to, bạn Vy đứng lạnh co ro/Dù Vy mang đầy đủ áo mưa nhưng vẫn cố tình ném thính/Thầy liền đớp thính sau vài giây/ Vy ước mưa cả sáng/Vy dẫn thầy chạy lon ton/Đi hết luôn Sài Gòn…".
Ca khúc "Duyên phận" có ca từ mới trong một clip quảng cáo điện máy xuất hiện với tuần suất dày đặc trên truyền hình. |
Hay ca khúc chế "Thân học sinh" có đoạn: "Thân của em chạy xô từ sáng đến đêm khuya/Thân của em mỏng hơn một tờ giấy pơ luya/Não của em bị nhét toàn cộng trừ nhân chia/Nên em nhìn giống mấy bác say bia/Em phải đi ôn thi khắp các phố xa (…) /Ngày ngày má em ca một khúc ca/Học đi kẻo sau này cạp đất". Ca khúc chế "Phía sau bọn có gấu" có đoạn "…Nhiều lần anh mong được nói ra hết thay vì/ Ngồi lặng im nhìn bọn mày sờ mó nhau với ánh mắt ướt át…".
Một vấn đề cũng đáng quan tâm là nhạc chế không chỉ xuất hiện trên intenrnet và mạng xã hội mà còn "ngang nhiên" xuất hiện trong chương trình quảng cáo sản phẩm của một số nhãn hàng nổi tiếng. Ca khúc "Vợ người ta" (sáng tác Phan Mạnh Quỳnh) có phần lời mới trong một clip quảng cáo sữa, ca khúc "Duyên phận" cũng có phần lời được chế thành: "Phận là phụ nữ, mua đồ là đam mê/Quạt, nổi, bếp gas, bình, tách ly muốn mua quài quài…." trong clip quảng cáo của công ty điện máy được phát đi, phát lại nhiều lần trên các đài truyền hình. Điều này khiến không ít người lầm tưởng rằng, chế nhạc là sự sáng tạo đáng được khen ngợi và cổ vũ.
Không chỉ có nhạc trẻ, nhạc xưa, có ca khúc thuộc dòng nhạc trữ tình, cách mạng truyền thống cũng trở thành "nạn nhân" của nhạc chế. Không ít cư dân mạng lên tiếng phản đối việc ca khúc "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" hào hùng một thời trở thành nhạc nền để một số bạn trẻ đề cập đến vấn đề mang tính thời sự nóng hổi liên quan đến BOT Cai Lậy, Tiền Giang. "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" chế BOT Cai Lậy thu hút hơn 14 triệu lượt xem trên youtube. Vui thì có vui, thời sự thì có thời sự nhưng chạnh lòng khi thấy rằng, một ca khúc đi cùng năm tháng đã bị "phá nát" đáng tiếc như vậy.
Không thể phủ nhận sự phát triển của trào lưu nhạc chế trong thời kỳ hiện nay. Khi internet, mạng xã hội phát triển thì sự lan truyền ca khúc nhạc chế càng trở nên mạnh mẽ hơn. Công chúng nghe nhạc đa dạng, nhiều bạn trẻ có xu hướng tìm đến âm nhạc đơn giản, ít hoa mỹ, giai điệu vui vẻ… Điều này lý giải tại sao những ca khúc nhạc chế thu hút đông đảo lượng người xem, nghe như vậy.
Một câu hỏi đặt ra là những ca khúc nhạc chế kể trên đã có được sự đồng ý của nhạc sĩ sáng tác ca khúc hay chưa. Việc chế lời ca khúc mà chưa được phép là hành vi vi phạm quyền tác giả và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa ở đâu? Với những nhạc sĩ, tôi nghĩ rằng, không ít người sẽ cảm thấy buồn khi "đứa con tinh thần" của mình bị "biến dạng", thông điệp nghệ thuật mà mình muốn gửi gắm đã bị "hướng lái" theo một cách khác…