Quảng bá Văn học: Kết nối Việt Nam và thế giới
Thấy gì qua "Những ngày văn học châu Âu"?
Những hoạt động như giới thiệu - ra mắt sách, triển lãm, đọc truyện, trình diễn thơ, thảo luận văn học, chiếu phim, các hoạt động tương tác được tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán như ra mắt tiểu thuyết "Vùng cách ly" của nhà văn Lorenzo Angeloni - nguyên đại sứ Italia tại Việt Nam, ra mắt tập thơ “Biến tấu thùng nước mưa”của tác giả Jan Wagner (Đức), ra mắt cuốn sách "Ba áng mây trôi dạt xứ bèo" của tác giả Hồng Vân (người Pháp gốc Việt)...
Đặc biệt là tuần lễ tôn vinh và giảm giá sách châu Âu tại đường sách Nguyễn Văn Bình, phố sách Hà Nội... “Những ngày văn học châu Âu” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trở thành một trong những sự kiện văn học lớn nhất trong năm.
Điều này là một tín hiệu vui dành cho những người yêu văn học nói chung và người yêu văn học châu Âu nói riêng. Có thể thấy, trong suốt gần 1 thế kỷ qua, văn học dịch - trong đó chiếm đa số là các tác phẩm văn học đến từ châu Âu có đóng góp quan trọng vào đời sống tinh thần của người Việt. Nhiều cuốn sách văn học có giá trị được tái bản nhiều lần phục vụ nhu cầu của công chúng.
Tuy nhiên, có thể thấy trong những năm gần đây, có nhiều cuốn sách đã đến với độc giả Việt Nam theo con đường “ngoại giao văn hóa”. Có nghĩa là các nhà hoạt động ngoại giao, các tùy viên văn hóa, nhân viên ở các Đại sứ quán đã chủ động tìm cách giới thiệu những cuốn sách mang đặc trưng văn hóa, mang hơi thở của cuộc sống đương đại đến với độc giả Việt Nam. Cách làm ấy có lẽ đã rất hiệu quả trong việc để người Việt hiểu biết và đến gần hơn với đất nước con người của họ.
Nhiều hoạt động giao lưu với tác giả diễn ra sôi động tại “Những ngày văn học châu Âu”. |
Nhưng nhìn lại mới hay, trong những năm qua, việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học đặc sắc của Việt Nam ra với thế giới khá thưa vắng và thiếu sự chủ động và chưa có chiến lược hay tính hệ thống. Cho đến nay, mới chỉ có “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và một cuốn sách nổi tiếng nữa là cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Một số tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, thơ Vi Thùy Linh, tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ hay các cuốn tùy bút của Đỗ Chu được giới thiệu ở Pháp, Đức...
Có lẽ đã đến lúc, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài cần được làm theo con đường ngoại giao chính thống như cách các Đại sứ quán nước ngoài đang giới thiệu về văn học nước họ đối với độc giả Việt Nam. Bởi vì, xét đến cùng, văn hóa hay văn học nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng vẫn sẽ là con đường ngắn nhất gắn kết Việt Nam với thế giới. Mà điều này chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi cách mà các nước đã làm ngay trên đất nước chúng ta.
Ông Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe: Văn học đóng góp quan trọng trong giao lưu văn hóa Đức - Việt
Tại “Những ngày văn học châu Âu”, chúng tôi xin giới thiệu E.O. Plauen - tác giả của cuốn sách "Cha và con" (dịch giả Lê Thị Huyền Trang). Truyện tranh của ông mô tả mối quan hệ đặc biệt giữa cha và con trai. Như vậy quan niệm của mô hình giáo dục cũ, coi cha như một con người xa cách, nghiêm khắc đến mức độ độc ác, nhưng Plauen mô tả một ranh giới mong manh chống lại sự tàn bạo của giáo dục và cuốn sách của ông ủng hộ cậu bé chống lại quan niệm thô lỗ về giáo dục nghiêm ngặt và tàn bạo.
Khi chúng ta nói về giáo dục ở Đức ngày hôm nay, phải nói đến Richard David Precht - ông là nhà văn mà đa số người Đức đã đọc, đã nghe nói đến hoặc xem trên truyền hình. Ông chỉ trích hệ thống giáo dục của Đức và dĩ nhiên là có nhiều thứ có thể chỉ trích. Bạn có thể tưởng tượng điều này có thể được công chúng Việt Nam quan tâm, đón nhận? Chúng tôi sẽ giới thiệu cuốn sách "Vì sao con không muốn đến trường" của Richard David Precht (dịch giả Võ Kim Nga) và tổ chức một buổi hội thảo về đề tài này. Các bạn nên đến tham gia chứ đừng để các chuyên gia bàn về nó.
Nói về văn học, chúng tôi xin giới thiệu một cuốn sách mới của Bernhard Schilink (1944). Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Người đọc” của ông là điểm khởi đầu tiếp cận văn học quốc tế. Cuốn sách và bộ phim này đã nổi tiếng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi muốn các bạn mua cuốn sách đó làm quà tặng cho cha nhân dịp sinh nhật lần thứ 50.
Nhân vật ngôi sao thực sự của chúng tôi và cho “Những ngày văn học châu Âu” ở Việt Nam lần này là Jan Wagner - một nhà thơ nổi tiếng, người đã giành nhiều giải thưởng và là thành viên của Viện Hàn lâm nghệ thuật và Văn học tại Đức. Chúng tôi mời anh đến Việt Nam để tham gia vào Lễ hội Văn học này. Anh ấy sẽ đọc tập thơ “Biến tấu thùng nước mưa” của mình do Tiến sĩ Thái Kim Lan chuyển ngữ và giới thiệu.
Một số bài thơ được nhóm Đông Kinh cổ nhạc chuyển sang hình thức thơ lục bát của Việt Nam và được trình diễn bằng một số loại hình sân khấu truyền thống. Sự kết hợp giữa ca từ của Đức trong bản dịch tiếng Việt và trình bày âm nhạc Việt Nam sẽ vinh danh và nâng cao truyền thống thơ trữ tình Việt Nam. Những gì văn học Đức đóng góp vào “Những ngày văn học châu Âu” ở Việt Nam lần thứ 7 đã thể hiện những nhu cầu của công chúng Việt Nam được các NXB đáp ứng, là đóng góp quan trọng trong hoạt động giao lưu văn hóa Đức - Việt....
Nhà văn Lorenzo Angeloni, nguyên đại sứ Italia tại Việt Nam: Thông qua nhân vật để kể về Việt Nam
Tôi là một nhà ngoại giao, nghề nghiệp của tôi là ngoại giao, còn đam mê là cầm bút. Thực ra, cũng có thể nói rằng, tôi làm công việc ngoại giao của mình với một đam mê hầu như luôn hiện hữu, trong khi viết lách đôi khi lại trở thành một điều bận rộn không kém gì một nghề thực sự, giống như những điều trong cuộc sống đôi khi lẫn lộn với nhau dù chúng ta cố phân biệt chúng thành từng loại.
Trong nhiệm kỳ làm Đại sứ của tôi ở Việt Nam từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 3 năm 2015, đã có một quãng thời gian mà việc viết và công việc của một Đại sứ đan xen nhau, giống như dòng xanh và dòng trắng của sông Nil hòa chung tại Khartoum rồi cùng trôi đi cả một quãng dài mà vẫn giữ đặc tính riêng của mỗi dòng.
Cảm hứng khiến tôi đặt bút viết cuốn tiểu thuyết "Vùng cách ly" đến từ một chuyến đi công tác của tôi đến Huế, thăm trung tâm mang tên Carlo Urbani - người bác sĩ đầu tiên phát hiện ra virus SARS và đề xuất các biện pháp khống chế dịch bệnh chết người này vào năm 2003.
Các bạn sẽ hỏi tiểu thuyết của tôi muốn kể chuyện gì? Nhân vật tôi nghĩ đến là một con người thành công, vô cùng giàu có nhưng vô cảm và hoàn toàn không biết trải nghiệm bất cứ loại cảm xúc nào. Tôi muốn kể về đời anh ta, về hành trình vẫn thường có trong mỗi cuốn tiểu thuyết khi con người nhận ra hoàn cảnh thật của mình.
Trong câu chuyện ấy, những ngày sống trong vùng cách ly đóng một vai trò then chốt. Ngoài ra, tôi cũng muốn thông qua những nhân vật trong tiểu thuyết kể về một Việt Nam nơi tôi đã sống và cảm nhận. Tôi muốn đan xen những số phận mà bên ngoài có vẻ cực kỳ khác biệt, vì tôi tin mọi thứ đều đan xen và kết nối với nhau...
Ông Danny Whitehead - Phó Giám đốc Hội đồng Anh: "Harry Potter" đã "phù phép" độc giả Việt Nam!
Thông qua văn học - những cuốn sách, những câu chuyện và thi ca - chúng ta thật sự có cơ hội được nhìn thấy thế giới qua đôi mắt của một ai đó khác. Những tác phẩm văn học tuyệt vời sẽ giúp chúng ta hiểu được những con người, những nền văn hóa, những quan điểm khác nhau. Đồng thời, quan văn học chúng ta cũng có thể khám phá ra những điểm tương đồng.
Chính vì vậy, "Harry Potter" đối với tôi là một tác phẩm văn học tuyệt vời. Và vì vậy, tôi nghĩ "Harry Potter" đã không chỉ thành công ở Vương quốc Anh mà cả ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Tôi cho rằng, "Harry Potter" rất được yêu thích ở Việt Nam bởi tính nhân văn của câu chuyện. Câu chuyện xoay quanh cậu bé Harry Potter kể về sự mạnh mẽ và can đảm, về việc cần phải làm gì trước những trở ngại lớn và chiến thắng cái ác với tình yêu và lòng dũng cảm.
Đó là những phẩm chất mà mọi người đến từ bất kỳ nền văn hóa nào cũng sẽ có cùng chung quan điểm. "Harry Potter" là một câu chuyện về tình yêu học tập, về phép thuật, các cuộc phiêu lưu và các cuộc chiến đấu với Chúa tể hắc ám Voldermort cùng nhóm tử thần thực tử, hay những người xấu tính như gia đình Draco Malfoy. Một lần nữa, đây là những chủ đề rất phổ biến, dù bạn có ở London hay Lạng Sơn, Birmingham hay Buôn Ma Thuột thì đều thấy rất thân quen.
"Harry Potter" đã "phù phép" độc giả Việt Nam bởi vì những câu chuyện, những thử thách và giấc mơ của cậu bé Harry Potter cũng giống như giấc mơ của người Việt Nam hay những giấc mơ của người Anh vậy. Và đó chính là phép thuật.
Loạt truyện "Harry Potter" giúp mọi người trên toàn thế giới nhân ra những điểm chung. Và đó chính là một hình thức trao đổi văn hóa rất tuyệt vời. Theo đó tôi được biết, có rất nhiều câu lạc bộ người hâm mộ vô cùng năng động như nhóm Hogwarts. Và tôi hi vọng rằng, thông qua mối quan hệ của các bạn ấy với các câu lạc bộ yêu thích Harry Potter khác trên toàn thế giới, chúng ta có thể quảng bá các tác giả và tác phẩm từ Việt Nam.
Ví dụ như sẽ rất tuyệt nếu các bạn trẻ ở Vương quốc Anh có cơ hội đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh hay các tác phẩm văn học cổ điển của Việt Nam như "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm hay "Truyện Kiều" của Nguyễn Du...
Dịch giả Tạ Minh Châu, nguyên Phó Ban đối ngoại Trung ương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan: Quảng bá Văn học Việt Nam chưa được chú ý đúng mức
- Thưa nhà văn, dịch giả Tạ Minh Châu, đến nay “Những ngày Văn học châu Âu” đã được tổ chức lần thứ 7 tại Việt Nam với sự tham gia của đại diện nhiều quốc gia. Từng là nhà ngoại giao ông có quan tâm đến sự kiện này không và theo ông nó có ý nghĩa như thế nào đối với những người yêu văn học Việt Nam?
+ Riêng việc đây là lần thứ 7 các Đại sứ quán các nước châu Âu kết hợp lại tổ chức được “Những ngày Văn học châu Âu” đã nói lên truyền thống coi trọng văn hóa và đặc biệt là văn học của họ. Qua thực tế tôi đã được đi đến các nước này và có điều kiện tiếp xúc, tôi thấy đây là một truyền thống tốt đẹp mà chúng ta cần phải học hỏi.
Các nước châu Âu đều rất chú trọng đến việc tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn học đích thực của họ ra nước ngoài. Trong thời kỳ hội nhập hóa toàn cầu về mọi mặt như hiện nay, việc hợp tác - giao lưu về mặt văn hóa là hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực. Nó giúp cho chúng ta có điều kiện làm quen, tiếp xúc và hiểu được những tác phẩm văn học mới của châu Âu và văn hóa, con người của họ.
- Sau nhiều năm công tác và làm việc ở nước ngoài, ông thấy các hoạt động cộng đồng nhằm tôn vinh những giá trị văn học đích thực thường được diễn ra theo cách thức nào? Họ thường có các chính sách để tôn vinh văn học và quảng bá những giá trị văn học của nước mình ra với thế giới?
+ Trong thời gian tôi đã Đại sứ Việt Nam ở Ba Lan, tôi thấy rằng họ có rất nhiều hình thức để tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền về văn học dành cho cộng đồng. Ở Ba Lan có hẳn một Viện Sách Quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa - Di sản của Ba Lan.
Mỗi năm, Viện Sách này được chi ngân sách rất lớn, nhiều khi đến hơn 2 triệu đôla để làm việc này. Viện Sách đã dùng số tiền này để tham gia nhưng Hội chợ sách quốc tế, mang những cuốn sách tiêu biểu của Ba Lan ra để triển lãm, giới thiệu ở nước ngoài.
Ngoài ra, Ba Lan cũng là một trong những nước hiếm hoi cứ 4 năm 1 lần, Viện Sách lại đứng ra tổ chức Đại hội dành cho các dịch giả tiếng Ba Lan, quy tụ những dịch giả đã dịch văn học Ba Lan trên toàn thế giới về dự và giới thiệu cho họ những tác phẩm tiêu biểu nhất của Ba Lan trong vòng 4 năm qua. Hằng năm, các dịch giả có thể gửi bản kế hoạch của mình sang Viện Sách để tổ chức này nghiên cứu, đánh giá và nếu đáp ứng yêu cầu sẽ mời sang Ba Lan để tiếp tục công việc dịch thuật.
Toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở sẽ được tài trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dịch giả tiếp cận và dịch tác phẩm ấy, qua đó để quảng bá văn học Ba Lan ra với thế giới.
Ngoài ra, tại các hội chợ sách, họ tổ chức rất nhiều hoạt động để tăng cường văn hóa đọc như chương trình thường niên “Mùa thu thơ” - tổ chức cho các nhà thơ trong nước và mời cả những nhà thơ của nước ngoài đi đọc và giới thiệu tác phẩm của mình ở các địa phương.
- Người ta hay viện lý do rằng do Việt Nam còn nghèo và còn quá nhiều vấn đề dân sinh bức xúc khác cần phải quan tâm và dành kinh phí ưu tiên hơn là đầu tư cho việc quảng bá văn học. Theo ông, vấn đề kinh phí có đóng vai trò quyết định đối với sự nghiệp phát triển, quảng bá văn học không?
+ Vấn đề này thực ra có nhiều yếu tố tác động nhưng theo tôi vấn đề quan trọng nhất, đó chính là nhận thức của các cấp các ngành về vai trò, vị trí của văn hóa đọc, văn học - nghệ thuật trong đời sống của đất nước. Đảng ta từng ra những Nghị quyết, trong đó nói văn hóa là nền tảng của xã hội, vì vậy chúng ta phải luôn củng cố cái nền tảng đó.
Nhưng để thực hiện nó như thế nào để biến văn hóa thành nền tảng của xã hội thì là việc làm không phải là dễ. Theo tôi, việc phát triển và quảng bá cho văn hóa nói chung và văn học nói riêng không đơn thuần là vấn đề về tiền, mà phải xuất phát từ sự quan tâm và nhận thức đúng đắn của các cấp, các ngành. Đúng là đất nước ta còn nghèo, có nhiều vấn đề bức xúc khác cần quan tâm nhưng tôi nghĩ chúng ta không phải không có đủ tiền để một năm dành ra một khoản kinh phí vài trăm tỉ, thậm chí hàng nghìn tỉ để chi cho phát triển văn hóa.
Ngay cả những khoản tiền để chi cho văn hóa cũng phải có kế hoạch và sự phân bổ tốt. Tôi cảm thấy rằng, có rất nhiều lễ hội, lễ kỷ niệm được làm tràn lan, tốn kém nhiều tiền của nhưng lại không mang lại những hiệu quả. Nếu trong khuôn khổ nguồn kinh phí có được mà chúng ta biết tập trung, biết đầu tư, khuyến khích... để có những giá trị văn học đích thực và biết quảng bá, tuyên truyền bằng các hình thức sinh động, thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được một cách hiệu quả.
Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, chúng ta cần phải huy động nhiều hơn các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân để có thêm nguồn lực vật chất nhằm phổ cập, quảng bá văn học. Điều này chúng ta phải nghiêm túc nhìn vào các nước để học tập.
Tôi thấy gần đây ta đã có các Hội chợ sách nhưng cũng cần cải tiến hơn nữa với nhiều hình thức tương tác, giao lưu sinh động, tiến gần hơn đến với tác giả, thu hút được nhiều độc giả hơn. Làm sao để tạo được nếp sống, nếp suy nghĩ của người Việt là coi trọng văn học, coi trọng việc đọc sách. Đọc sách không chỉ để giải trí mà phải coi đó như một kênh quan trọng bậc nhất để bồi đắp tri thức và tâm hồn con người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Đó chính là tương lai của một quốc gia.
- Với kinh nghiệm lâu năm của mình, ông có gợi ý nào cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài?
+ Tôi vẫn luôn cho rằng, thông qua văn hóa, văn học nghệ thuật là con đường ngắn nhất để một quốc gia quảng bá về đất nước mình và đi đến kết nối giữa các quốc gia, dân tộc. Cho nên bên châu Âu người ta rất... “khôn”, luôn nhằm vào các yếu tố văn hóa để chinh phục Việt Nam như các tuần phim hoặc tuần Văn học... làm cho hàng triệu người Việt Nam đến với đất nước họ. Vì thế chúng ta phải học hỏi họ rất nhiều từ điều này.
Nhưng ở Việt Nam, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài từ trước đến nay hình như chưa được chú ý đúng mức: còn quá ít và chưa có hệ thống. Những năm gần đây, về mặt ngoại giao chúng ta đã nói nhiều đến ngoại giao văn hóa và đó vẫn là con đường ngắn nhất để giới thiệu truyền thống, tinh hoa của dân tộc mình với thế giới. Việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài cần phải được làm một cách có bài bản. Theo tôi, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với Hội Nhà văn và các cơ quan ngoại giao để lựa chọn ra một danh sách các tác phẩm tiêu biểu của từng thời kỳ và có kể hoạch phối hợp với các dịch giả ở nước ngoài để dịch các tác phẩm ấy ra tiếng bản địa, in và phổ cập nó ở nước ngoài. Gần đây, chúng ta đã làm được một số việc, nhưng vẫn còn bị động lắm!
- Xin cảm ơn nhà văn, dịch giả Tạ Minh Châu!