Phòng vệ tự thân

Thứ Năm, 08/04/2021, 10:46
Ngày 26/3 vừa rồi, Hãng truyền hình SBS của Hàn Quốc đã quyết định ngưng chiếu vĩnh viễn serie truyền hình dài tập có tên “Joseon Exorcist” do chính hãng này sản xuất.


Đây là một quyết định khá ngạc nhiên khi mà “Joseon Exorcist” đã ghi hình xong đến 80% và quyết định ngưng chiếu có thể mang đến thiệt hại rất lớn cho SBS. 

Sự việc này có thể ít được người Việt Nam quan tâm nhưng lại có thể là một bài học tốt đối với đời sống văn hoá, giải trí ở Việt Nam hiện nay.

Hãng truyền hình SBS ngưng chiếu “Joseon Exorcist” là do có nhiều ý kiến từ khán giả Hàn Quốc cho rằng bộ phim này xây dựng hình ảnh nhân vật lịch sử (minh quân Taejong) thiếu chính xác, nếu không nói là bóp méo và xuyên tạc. 

Nhưng quan trọng nhất là việc phục trang trong phim quá giống với các phục trang phim lịch sử của Trung Quốc. Điều đó chạm đến tự hào dân tộc của người Hàn Quốc. Bởi vậy, quyết định ngưng chiếu vĩnh viễn của SBS đã được coi là động thái khôn ngoan và đáng được tôn trọng. 

Ở Việt Nam, cộng đồng đang tranh luận khá sôi nổi xung quanh câu chuyện một nhãn hàng thời trang đã thoả hiệp với phía chính quyền Trung Quốc và chỉnh sửa lại bản đồ chỉ dẫn các cửa hàng toàn cầu của họ mà trong đó có sử dụng “đường lưỡi bò” ở Biển Đông phi pháp. 

Có nhiều ý kiến kêu gọi tẩy chay nhãn hàng kia trong khi bên cạnh đó cũng có các quan điểm mong muốn mọi người thận trọng hơn với thông tin trước khi phán xét.

Không chỉ một mà có khá nhiều nhãn hàng khác cũng đang thoả hiệp như vậy. Điều đó rất dễ lý giải. Nó đến từ áp lực thương mại và một thị trường tỷ dân là một thứ vũ khí mặc cả quá hữu hiệu.

Trở lại với chuyện ở Hàn Quốc, sức ép thương mại cũng đã và đang mang lại nhiều tác động tiêu cực đối với thị trường giải trí của quốc gia này. Ngày một xuất hiện nhiều hơn các phim truyền hình Hàn Quốc quảng bá sản phẩm của Trung Quốc một cách thô vụng, kể cả là sản phẩm ấy không hề phù hợp với bối cảnh văn hoá trong phim. Rõ ràng, trước áp lực doanh thu và lợi nhuận, sự xâm lăng văn hoá càng trở nên nguy hiểm hơn, tinh vi hơn và mạnh mẽ hơn.

Chính Hàn Quốc từng là một cường quốc giải trí suốt nhiều thập niên qua, sử dụng sự xâm thực văn hoá để làm tiên phong cho thương mại, lại đang là nạn nhân của một quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng hậu hơn mình. Nó cho thấy, số người quan tâm đến sự sống còn của bản sắc không bao giờ chiếm ưu thế nổi trước số người chỉ đề cao lợi ích kinh tài lên hàng đầu.

Cũng như việc các nhãn hàng sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” ở Bển Đông phi pháp kể trên mà thôi. Có thể họ vẫn nhận thức được đâu là chân lý, đâu là đúng, đâu là sai nhưng vì lợi ích thương mại, họ sẵn sàng nhắm mắt. Giả sử, thị trường Việt Nam có tầm quan trọng bậc nhất châu Á, các nhãn hàng ấy sẽ không đời nào sử dụng một tấm bản đồ đi ngược lại với quyền lợi chính đáng của Việt Nam cả.

Trước một thế giới chỉ vị lợi nhuận như thế, việc phòng vệ văn hoá tự thân của cộng đồng bản địa vẫn luôn có vai trò quan trọng nhất. SBS ngưng chiếu vĩnh viễn “Joseon Exorcist” chính là một hành động phòng vệ tự thân. Nó có thể đơn lẻ nhưng không vô ích và lâu dài sẽ không còn đơn độc. Nó có sức kích thích tính tự tôn để các hãng giải trí khác của Hàn Quốc bắt đầu hành động phòng vệ văn hoá.

Đây chính là bài học tốt cho Việt Nam lúc này. Phim ảnh Việt hiện cũng bị chiếm dụng văn hoá quá dễ dãi và thường xuyên. Chỉ cần nhìn vào phục trang của các phim có bối cảnh lịch sử ở các thế kỷ trước, chúng ta đủ thấy nó “Trung Quốc hoá” đến mức nào. Còn vô vàn thứ chiếm dụng, xâm thực khác nữa, như cách dùng các từ xa lạ như kiểu “chân ái” chẳng hạn. 

Vấn nạn này không thể chỉ quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý mà thực chất, phải được giải quyết rốt ráo ngay từ những đơn vị sản xuất, từ chính khán giả. Dù gì đi nữa, khán giả là người tiêu thụ và nhà sản xuất thì luôn chiều theo lực lượng tiêu thụ này.

Văn Đoàn
.
.