Phố phường nặng kiếp cầm ca

Thứ Bảy, 20/02/2016, 08:00
Họ cất tiếng hát, run rẩy và say sưa. Sân khấu hôm nay không phải là lề đường inh ỏi còi xe hay quán nhậu ồn ào tiếng người cụng ly. Sân khấu có đèn màu trong giấc mơ họ từng khao khát. Phía dưới có khán giả yên lặng nghe họ hát. Và có những người sẽ dìu họ vào con đường âm nhạc thực thụ.


Liên hoan Âm nhạc đường phố 2015 quy tụ phần lớn dân bán kẹo kéo và hát rong ở các đám tiệc. Lần đầu phát động, người của Công ty Truyền thông Lê Thạch phải rong ruổi khắp phố phường để phát tờ rơi thông tin về cuộc thi. Đời mưu sinh cơ cực, mấy ai trong họ chú ý đọc báo, lướt mạng. Tối chở loa đi, hát đến mờ sáng mới về. Ngày ngủ vùi để khi phố lên đèn, cuộc mưu sinh lại lấm bụi đường.

Nhận được tờ rơi, Trần Thiện Mẫn nhảy cẫng. “Hotboy kẹo kéo” của đường Bùi Viện (quận 1, TP Hồ Chí Minh) có dịp so tài giọng hát với bạn bè đồng nghiệp. Đến với cuộc thi, lọt vào vòng chung kết, ai nấy sụt sùi. Thí sinh khóc, giám khảo cũng khóc.

Ban tổ chức và giám khảo trao giải cho các thí sinh.

Lời cảm ơn nấc nghẹn: “Chưa bao giờ tụi em được tham gia chương trình mà ở đó mình được vỗ ngực xưng tên là nghệ sĩ đường phố”. Phận bán kẹo kéo, dù hát hay cỡ nào người đời vẫn xem họ là đứa bán kẹo kéo, không hơn. Gia cảnh đứa bán kẹo kéo cũng có hơn gì: mồ côi cha mẹ, đi ra từ mái ấm, gia đình nghèo túng, học hành dang dở…

Giám đốc Lê Thạch ngậm ngùi: “Họ đa phần đều tốt nghiệp hoặc học dở dang đại học, cao đẳng. Khó khăn buộc họ phải bỏ gánh giữa chừng để lo cơm áo”. Lê Thạch từng lê la lề đường cùng các thí sinh trong những ngày đầu liên hoan để hiểu hơn về nghề, nhưng anh bảo: “Tôi phải uống thật say rồi mới dám đi cùng họ. Vì mình sao chịu được nỗi chạnh lòng”.

Người ta ăn uống no say, họ khản cổ đêm dài, mời mọc đủ điều. Cái phẩy tay xua đuổi, cái lắc đầu từ chối, ánh mắt dè chừng… Nguyễn Văn Mến bao lần quệt nước mắt khi về quê lại nghe bà con chòm xóm xì xào: “Tưởng nó lên Sài Gòn làm gì, hóa ra bán kẹo kéo”. “Làm cái nghề như nó có khác gì ăn mày hát rong xin tiền”…

Dù người dưng coi thường nghề kẹo kéo nhưng với họ, đó là cái nghiệp say mê. Khi say mê một đóa hồng thì gai của nó có hề gì. Người ta hỏi sao không bỏ nghề để làm nghề khác bớt cực hơn, họ đều bảo, vì bán kẹo kéo được hát. Tin lời bầu sô, Tạ Ngọc Huy bán cả nhà lẫn vườn khăn gói xuống TP Hồ Chí Minh với ước mơ trở thành ca sĩ. Bị lừa mất trắng, cuối cùng cậu vác loa đi hát kẹo kéo. Âu cũng là hát cho mình, hát cho người.

Mẫn xem mọi người trên đường phố, quán nhậu là khán giả. Dù họ có ngả ngớn xô bồ thì anh vẫn hát. Tủi thân làm gì khi đời vốn bạc. Và khi bỏ mặc thế nhân thì tiếng hát của Mẫn càng sâu vào cõi hồn để rút ra tỉ tê với người đồng điệu. Số kẹo kéo bán được bao nhiêu không quan trọng bằng hằng đêm họ được cất giọng, da diết kể chuyện mình. Người ta mua kẹo vì thương tiếng hát chứ mấy ai thèm ngọt. Hôm nào không xuống đường, lại nhớ lắm mùi khói xe, hơi người, tiếng ồn ã của phố, thèm tiếng hát, thèm tiếng nhạc xập xình.

Rong ruổi quán nhậu, nhà hàng quận 4, tình cờ Mẫn gặp nghệ sĩ Trấn Thành. “Chú em hát hay quá, anh không mua kẹo nhưng tặng chú 100 ngàn”. Chưa bao giờ Mẫn sung sướng như thế. Sung sướng đến nỗi lắp bắp lên xe, chạy đi một quãng, bị công an bắt mới biết mình quên nón bảo hiểm. Lần khác, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mượn dàn loa kẹo kéo của Mẫn để thử hát rong như anh. Nhờ sự hào phóng của Mẫn mà đường Bùi Viện được dịp kẹt xe đột xuất.

Ngồi quán lề đường, thấy một người bán kẹo kéo, ca sĩ Ánh Tuyết khều vai Lê Thạch: “Chị em ta làm cái gì đó cho mấy đứa đi. Tụi nó có giọng hát đâu thua kém gì ca sĩ”. Liên hoan Âm nhạc đường phố ra đời được nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quang Hiếu… ủng hộ và gửi lời động viên tinh thần thí sinh. Khởi động từ tháng 8-2015, liên hoan nhanh chóng thu hút hơn 70 thí sinh đăng ký tham gia.

Dù có quy mô nhỏ song chương trình vẫn được đầu tư bài bản không khác gì cuộc thi chuyên nghiệp. Công ty mới thành lập nên giám đốc Lê Thạch phải chạy ngược chạy xuôi lo tài trợ cho một cuộc thi mới toanh. Ban giám khảo gồm nhạc sĩ Kim Lệ - Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, giảng viên thanh nhạc Anh Quân và giám đốc Lê Thạch. Vừa nghe lời mời làm giám khảo liên hoan, nhạc sĩ Kim Lệ gật đầu ngay. Chị từng nghĩ về một cuộc thi cho các nghệ sĩ đường phố, thế nhưng khó khăn vây quanh không dễ thực hiện.

Điều trăn trở trong chị là hình ảnh cô gái bán kẹo kéo năm nào. Vào quán lẩu, chị thấy một người đàn ông đứng tuổi, dáng vẻ còm cõi chở bộ loa đến cho cô gái đang dặm phấn tô son. Người cha bật nhạc và cô con gái bình thản cầm micro cất tiếng hát. Giọng ca mượt mà khiến những nhạc sĩ đi cùng Kim Lệ ngoái nhìn. Chị hỏi: “Con xinh đẹp, hát hay sao không đi theo con đường chuyên nghiệp?”. “Dạ, con có quen biết ai đâu cô”. Đêm đêm, họ cũng bán giọng hát như ca sĩ nhưng sao lại bị coi thường, lượm từng cắc từng đồng để đổi lấy miếng cơm manh áo còn ca sĩ thì được trọng vọng?

Nghĩ vậy nên chị mừng lắm khi Lê Thạch tổ chức sân chơi này. “Đa số các em hát vì niềm đam mê chứ ít am hiểu về nhạc lý. Giọng ca của các em rất bản năng, nó giống như ngọc trong đá mà chúng tôi đi tìm và gọt giũa” – nhạc sĩ Kim Lệ nhận xét.

Một tiết mục của thí sinh trong vòng chung kết Liên hoan Âm nhạc đường phố 2015.

Dư luận trước đây lùm xùm vụ anh chàng bán kẹo kéo Trọng Nghĩa vinh dự lọt vào mắt xanh hai ca sĩ đàn anh là Quang Lê và Đàm Vĩnh Hưng. Trọng Nghĩa được mệnh danh là “Đan Nguyên đường phố” vì có giọng ca giống hệt ca sĩ hải ngoại Đan Nguyên. Đây cũng là yếu tố khiến hai đàn anh sống chết giành “gà”.

Cuối cùng, Trọng Nghĩa dở khóc dở cười khi không biết về đội của ai. Tình mến thương của Quang Lê và Đàm Vĩnh Hưng sau vụ việc ít nhiều bị sứt mẻ. Trường hợp Trọng Nghĩa cho thấy không hiếm người bán kẹo kéo có giọng hát hay được các ngôi sao chú ý. Song, dân kẹo kéo thường có thần tượng của mình để bắt chước nên giọng ca của họ na ná thần tượng.

Trong Liên hoan Âm nhạc đường phố 2015 không hiếm gặp những thí sinh như thế. Công Duy có giọng ca như Đan Trường, Lý Thành Phú thì y chang Giang Tử, Trần Thiện Mẫn không khác mấy Hồ Quang Hiếu… Ví von đó khiến họ cảm thấy vui khi giọng ca của mình không thua kém ngôi sao. Song, nói như giảng viên thanh nhạc Anh Quân, sẽ không thể tồn tại trong làng giải trí nếu cứ mãi làm cái bóng của người khác. Vì phiên bản thật mới là thứ người ta thực sự quan tâm. Do vậy, họ tìm đến Liên hoan như một cách thoát bóng.

Vòng chung kết ngày 17-1 với dòng nhạc bolero, trữ tình, dân ca đã tìm ra chủ nhân: thí sinh Công Duy đoạt giải nhất, Trần Thiện Mẫn giải nhì, Nguyễn Hoàng Anh giải ba. Ban giám khảo không ngại chỉ ra điểm được, điểm yếu của mỗi thí sinh. Hát bản năng nên họ vẫn chưa có kỹ năng biểu diễn. Thậm chí, có thí sinh rụt rè, vừa hát vừa cúi mặt “đếm tiền xu”.

Liên hoan còn trao giải cho thí sinh ấn tượng, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn… như một lời động viên. Sau cuộc thi, các thí sinh được Công ty Lê Thạch ký hợp đồng đào tạo, quản lý để họ phát triển, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Riêng ba thí sinh đoạt giải cao sẽ được các nghệ sĩ tên tuổi hỗ trợ đi diễn ở sân khấu lớn mà bước mở màn đầu tiên là minishow “Nhạc sĩ Kim Lệ và các bạn nghệ sĩ đường phố” tại phòng trà Tiếng Xưa tối 28-1.

Sắp tới, Câu lạc bộ Nghệ sĩ đường phố do nhạc sĩ Kim Lệ làm chủ nhiệm cũng sẽ ra mắt để những ca sĩ, vũ công lề đường có nơi giao lưu, học hỏi. Đêm chung kết khép lại cũng là lúc mùa hai của liên hoan bắt đầu. Lê Thạch hy vọng mình có thể tổ chức liên hoan thường xuyên để tìm ra những giọng hát triển vọng từ đường phố, hỗ trợ họ trên con đường nghệ thuật. Hoặc chí ít, đó cũng là nơi để người ta thấy rằng nghề hát bán kẹo kéo là một nghề đáng trọng như bao nghề và kẻ cầm micro mời chào bằng câu hát kia cũng mang trong mình nặng kiếp cầm ca.

Phan Thi Uyên
.
.