Phim sitcom kiểu Việt: Chưa kịp cười đã muốn khóc

Thứ Sáu, 30/06/2017, 08:01
Cách đây 10 năm, thể loại phim sitcom từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ nước ta. Đạt tỷ lệ người xem khủng khiếp và gây ấn tượng mạnh mẽ với giới chuyên môn là bộ phim "Nhật ký Vàng Anh". Đáng tiếc, giá trị của sản phẩm sitcom ấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố diễn viên HTL lộ clip nhạy cảm. Bây giờ, với sự trợ thủ của Youtube, phim sitcom kiểu Việt đang có vẻ đắc dụng với hàng loạt bộ phim được bấm máy liên tục!


Rộ lên một thời gian ngắn rồi chìm khuất hẳn, thể loại phim sitcom đang có dấu hiệu trở lại ồ ạt màn ảnh nhỏ. Hai kênh HTV7 và HTV9 của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tỏ ra hài lòng khi phát sóng liên tục hai bộ phim "Xóm trọ vui nhộn" và "Chuyện gì đang xảy ra" đều có độ dài trên dưới 100 tập. Thừa thắng xông lên, một sản phẩm sitcom đình đám nhất trong năm nay có tên gọi "Nè biết gì chưa?" được dẫn dắt đến 260 tập, nghĩa là có thể chiếu mỗi ngày một tập suốt 12 tháng!

Câu hỏi đặt ra: vì sao phim sitcom lại được những nhà đầu tư hào hứng như vậy? Hai chữ sitcom viết tắt từ situation comedy (tình huống hài hước). Do đó, yêu cầu thiết yếu của phim sitcom là tình huống và hài hước. Với độ dài khoảng 25-30 phút vừa có tình huống vừa có hài hước, thực sự rất mang tính thử thách cho ê-kíp làm phim. Nhìn vào thực lực của đội ngũ nghệ sĩ nước ta, yếu tố diễn viên có thể đảm bảo, nhưng yếu tố kịch bản và yếu tố đạo diễn vẫn chưa đủ sức để làm phim sitcom ra tấm ra món.

Việt Trinh quyết định đầu tư phim sitcom "Những bức tranh của bé Bơ".

Đừng nghĩ hồn nhiên, cứ phim ngắn nhiều tập mà khoác lên cái nhãn sitcom. Loạt phim sitcom đầu tiên "Lẵng hoa tình yêu" trình chiếu trên sóng Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh từ năm 2004 rất có tiếng vang. 

Thế nhưng, khái niệm phim sitcom chỉ gây sốt cho khán giả khi "Nhật ký Vàng Anh" xuất hiện trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. Nếu đừng xảy ra scandal clip nhạy cảm của diễn viên HTL thì "Nhật ký Vàng Anh" chắc chắn tạo đà cho sự phát triển phim sitcom tại Việt Nam. Ê-kíp làm phim "Nhật ký Vàng Anh" trình diễn màn khóc lóc và xin lỗi khán giả trên màn ảnh nhỏ quốc gia vào năm 2007, chính là một khoảnh khắc tăm tối của phim sitcom kiểu Việt!

Muốn có phim sitcom thu hút người xem, đầu tiên phải có biên kịch lành nghề, biết cách xử lý khéo léo cốt truyện sao cho hấp dẫn và bất ngờ. Kế đến phải có đạo diễn thông minh và sáng tạo, biết cách nhấn nhá tình huống để mỗi tập đáp ứng ngay sở thích khán giả mà vẫn tạo sức quyến rũ để họ nhớ bật tivi vào hôm sau.

Tạm thời làng nghệ thuật thứ bảy chưa có biên kịch chuyên nghiệp và đạo diễn chuyên nghiệp ở thể loại sitcom. Giải pháp tạm thời là… chia nhỏ những tập phim truyền hình bình thường, và thêm thắt vài chi tiết chọc cười. Một giám đốc Hãng phim đã chân thành thú nhận: "Phim truyền hình kiểu cũ 45 phút không còn nóng như các năm trước. Mỗi tập chi phí bỏ hơn trăm triệu đồng. Số tiền thu lại bằng quảng cáo không đủ để bù chi.

Nhà sản xuất phim như chúng tôi thường xuyên bị lỗ.Vì thế việc chuyển hướng sang sản xuất sitcom là một cách để giải quyết vấn đề tài chính. Phim sitcom không tốn kém nhiều về bối cảnh, diễn viên ít nên chi phí cho mỗi tập phim giảm đáng kể, chỉ chiếm khoảng 1/3 chi phí sản xuất phim 45 phút thông thường!".

Một cái khó nữa của sitcom là ngôn ngữ phải cực kỳ linh hoạt và hóm hỉnh. Đòi hỏi này có lẽ còn lâu đội ngũ biên kịch nước ta mới đáp ứng được, cho nên đạo diễn phải chữa cháy bằng tiểu xảo bẹo hình bẹo dạng của các danh hài. Bây giờ nở rộ nhiều danh hài, mời họ đóng phim không khó. Những cái tên như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, Chí Tài… hoàn toàn đủ sức tạo hứng thú cho khán giả đối với thể loại phim sitcom. Thế nhưng, cái thử thách mà những nhà sản xuất khó vượt qua là làm sao đừng biến phim sitcom thành chương trình tấu hài được ghi hình!

Với xu hướng giải trí ngày càng được ưa chuộng trên truyền hình, thì thể loại sitcom giống như một cứu cánh cho những nhà sản xuất phim. Kinh phí ít mà lại thu hồi vốn nhanh, những đơn vị tư nhân cũng dễ dàng tham gia vào thị trường phim sitcom.

Vài năm gần đây, cũng đã có dăm bảy phim sitcom đạt được lợi nhuận tương tự như "Bộ tứ 10A8", "Cửa sổ thủy tinh", "Những phóng viên vui nhộn", "5S online" hoặc "Tiệm bánh hoàng tử bé". Mặt khác, một ưu điểm để phim sitcom được nhiều người bỏ tiền sản xuất là sau khi thương lượng đổi quảng cáo cho đài truyền hình thì còn có thể phát sóng trên Youtube mà có thêm một khoản lợi nhuận nữa!

Khả năng tương tác rộng khắp đã khiến Youtube có được thứ quyền lực vô biên trên thị trường giải trí. Tranh thủ được tiện ích của Youtube sẽ có được một thương hiệu kiếm tiền mỗi ngày. Cách đây 2 năm, nhà sản xuất Nguyễn Thành Nam ( biệt danh Nam Cito) đã tiên phong làm phim sitcom không cần liên doanh với đài truyền hình nào, mà phát thẳng lên Youtube.

Ca sĩ Phương Thanh trong phim sitcom "Xóm trọ vui nhộn"

Dự án phim sitcom "Căn hộ 69" dài 25 tập, mỗi tháng công chiếu một tập trên Youtube, phải nói là một quyết định mạo hiểm và thú vị. Nếu thành công, ê-kip làm phim "Căn hộ 69" sẽ truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều đồng nghiệp khác. Đáng tiếc, điều mà "Căn hộ 69" không ngờ tới chính là biên độ bất tận của Youtube cũng tiềm ẩn nguy hiểm bất ngờ.

Không thể phủ nhận, bộ phim sitcom "Căn hộ 69" đầu tư khá công phu về mặt hình ảnh, âm thanh cũng như dàn dựng. Ngay tập đầu tiên phát sóng, "Căn hộ 69" đã có lượng người xem đông đảo. Tiên liệu mỗi tập phim đạt được con số trên một triệu cái nhấp chuột hoàn toàn không quá hão huyền. Thế nhưng, bộ phim sitcom "Căn hộ 69" phản ánh đời sống giới trẻ hiện đại, với sự phóng túng về tình yêu và tình dục.

Sự khôn ngoan gắn nhãn "18+" của nhà sản xuất vẫn không thể ngăn cản luồng dư luận trái chiều. Những cảnh quay đùa cợt khiếm nhã và những cảnh quay âu yếm nóng bỏng như những bằng cớ thuyết phục nhất để công chúng phản ứng mạnh mẽ. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt những người thực hiện bộ phim "Căn hộ 69" số tiền 10 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất cho hành vi "chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng" với tình tiết tăng nặng là "vi phạm hành chính có tổ chức".

Sự bẽ bàng của bộ phim sitcom "Căn hộ 69" để lại bài học xương máu cho những nhà sản xuất. Gắn mác "18+" cho sản phẩm trên YouTube thì không ai có thể chắc chắn người truy cập không nằm ở tuổi vị thành niên hoặc… trẻ nhỏ. Nhà sản xuất "Căn hộ 69" công khai thừa nhận: "YouTube có thể cho nhà sản xuất biết người xem đến từ những quốc gia, vùng nào, nhưng không thể cho biết độ tuổi thật của họ. Một người sinh năm 2000 nhưng đăng ký tài khoản YouTube sinh năm 1993 thì YouTube cũng không thể biết và chặn lại". 

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, phim sitcom đã được khai thác rất rầm rộ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ tại những thị trường phim sôi động như Mỹ, Ấn Độ  hoặc Hồng Kông, mà vài bạn bè láng giềng của nước ta cũng hình thành công nghệ phim sitcom. Ví dụ, Singapore có sản phẩm "The Kitchen Musical" được bán bản quyền sang hàng chục ngôn ngữ khác và lọt vào đề cử giải thưởng EMMY uy tín. 

Đáng tiếc, kịch bản "The Kitchen Musical" khi mua về Việt Nam sản xuất thành bộ phim "Bếp hát" thì lại không thành công như mong đợi (ngược lại, phim sitcom "Bà mẹ nhí" mua bản quyền của Tây Ban Nha lại được biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc và đạo diễn Minh Chung bắt tay Việt hóa rất ăn khách, góp phần xây dựng nên một gương mặt diễn viên Angela Phương Trinh nổi tiếng từ tuổi thiếu niên!).

Tương lai của phim sitcom tại nước ta vẫn là ẩn số, dù nhiều nhà sản xuất hào hứng. Ngay cả kiều nữ nhan sắc một thời Việt Trinh cũng chọn phim sitcom "Những bức tranh của bé Bơ" dài 50 tập để trổ tài đạo diễn, trong khi đồng nghiệp của chị thì ưu tư: "Phim sitcom khó ở tình huống và thoại. Phim Việt Nam chỉ mới dừng lại ở tiểu phẩm hài, quay hai ba máy rồi gọi là sitcom là không đúng!".

Tuy Hòa
.
.