Phim hành động thuần Việt đã sang trang
- Ngô Thanh Vân và vai diễn cuối cùng trong phim hành động Việt
- Phát sốt với chiếc xe chuyên dùng quay phim hành động ở Hollywood
- Hiện trường vụ vượt ngục "10 phút" của tên trùm nghiện phim hành động
Theo số liệu của các nhà làm phim cung cấp, nếu như "Cua lại vợ bầu" xác lập doanh thu 190 tỷ thì chỉ vài tuần sau, "Hai Phượng" nhanh chóng xô đổ kỷ lục đó. Mặc dù độ xác thực của doanh thu trăm tỉ của phim Việt có rất nhiều ý kiến trái chiều, song thực tế, khi "Cua lại vợ bầu" bước lên bục cao nhất, lắm người nhíu mày không phục thì khi "Hai Phượng" bước lên vị trí đó, số đông lại tán thưởng. Bởi "Hai Phượng" đánh dấu rất nhiều cột mốc, mở ra kỷ nguyên mới cho phim hành động Việt.
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên có một phim Việt ra rạp cùng lúc ở thị trường Việt Nam và Mỹ. Không chỉ vậy, "Hai Phượng" còn chiếu thương mại ở các thị trường lớn như Canada và dự kiến sắp tới là Trung Quốc. Tấn công thị trường điện ảnh quốc tế là điều mà ít phim Việt làm được chứ đừng nói đến dòng hành động. Lâu nay, phần đông phim Việt chiếu ở nước ngoài theo kiểu giao lưu văn hóa, tham dự liên hoan chứ hiếm khi chiếu thương mại, được khán giả thế giới bỏ tiền mua vé hẳn hoi.
Trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất, "Hai Phượng" tạo cú hích mạnh mẽ cho phim hành động thuần Việt. |
Mặc dù còn vấp phải sạn như kịch bản đơn giản, nhân vật một chiều, nhiều tình tiết phi lý (như nhân vật Hai Phượng đánh đấm liên tục mà không biết mệt trong hai ngày liền dù không ăn uống...) nhưng phim vẫn được đông đảo công chúng đánh giá cao. Có được như vậy là nhờ bản sắc dân tộc đậm đà và loạt pha võ thuật "đã mắt" rất thuần Việt. Thế võ Vovinam liên hoàn khi cận chiến, tạo hình nhân vật trong chiếc áo bà ba, bối cảnh sông nước miền Tây, lối xưng hô dân dã, ngõ hẻm đô thị Sài Gòn... đã khiến cả khán phòng xuýt xoa.
Khán giả càng xuýt xoa hơn khi được xem một phim Việt có cảnh đánh nhau chân thực và khốc liệt trên toa tàu lửa đang chạy- tiếp nối và phát triển hiệu ứng mà "Dòng máu anh hùng" đã làm được 12 năm trước. "Hai Phượng" được khen là dòng hành động đúng chất Việt còn bởi cảnh rượt đuổi nghẹt thở bằng xe máy cà tàng, bằng xuồng máy…; vũ khí để sát thương có thể vơ bất cứ thứ gì như trái sầu riêng, lục bình, cục gạch, mái chèo… thậm chí là ba cây nhang đang cháy. Những điều này hoàn toàn chưa xuất hiện trong bất cứ bộ phim hành động ngoại quốc nào, nhất là màn bạc phương Tây. Do vậy, khán giả Mỹ lẫn giới phê bình vô cùng thích thú, đánh giá cao bộ phim.
Trong buổi họp báo trước công chiếu, Ngô Thanh Vân tâm sự rằng động lực lớn nhất để ekip làm tác phẩm này chính là mong muốn truyền tải văn hóa Việt đến bạn bè năm châu. "Làm nên dấu ấn của điện ảnh Việt, ngoài theo kịp xu hướng điện ảnh thế giới, chúng ta còn phải bám chặt gốc rễ quê hương. Nội dung và bối cảnh thuần Việt nhưng pha hành động, kỹ xảo, cách kể chuyện theo cấu trúc chương hồi... thì sẽ cách tân và học tập từ Hollywood.
Chúng ta sẽ làm nên những bộ phim có chất liệu Việt Nam nhưng chất lượng lại không thua kém gì các bộ phim hành động quốc tế " - cô quả quyết. Lúc "Hai Phượng" mới ra mắt, nhà phê bình Lê Hồng Lâm dành nhiều lời có cánh cho tác phẩm tâm huyết của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Anh nhận xét đây là một phim action/thriller/adventure (hành động/giật gân/phiêu lưu) đúng chất, có kịch bản đơn giản, đơn tuyến nhưng hiệu quả, nhịp phim nhanh, lôi cuốn. Anh hy vọng bộ phim hành động liều cao này có thể phá vỡ lời nguyền phòng vé: "Nếu "Hai Phượng" thành công, tác phẩm này sẽ mở ra một cơ hội mới cho dòng phim hành động tại Việt Nam và phá thế độc tôn của dòng phim rom-com, chick-flick tại các rạp chiếu". Lâu nay, những bộ phim trong câu lạc bộ "trăm tỷ" như "Siêu sao siêu ngố", "Em chưa 18", "Để mai tính 2", "Em là bà nội của anh" và mới đây nhất là "Cua lại vợ bầu" đều thuộc dòng rom-com (lãng mạn - hài hước) hoặc chick-flick (phim tâm lý nhẹ nhàng dành cho phái nữ). Đây là hai dòng dễ làm, an toàn với nhà sản xuất. Do vậy, ở thời điểm đó, niềm hy vọng về một bộ phim hành động phá bỏ được lời nguyền phòng vé của nhà phê bình Lê Hồng Lâm vẫn bị cho là mộng ước xa vời.
Trong khi Hollywood, Trung Quốc, Hàn Quốc... trưng trổ loạt phim hành động mãn nhãn thì số phim hành động chất lượng của nước ta lại quá ít ỏi và kém cạnh. Số phim được lòng công chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Năm 2007, "Dòng máu anh hùng" ra mắt đánh dấu tiếng nói riêng biệt của phim hành động thuần Việt. Các pha võ thuật Vovinam quyết liệt và chân thực khiến phim tạo được tiếng vang lớn, coi như mẫu mực của dòng hành động "made in Việt Nam".
Sau thành công của "Dòng máu anh hùng", ekip tiếp tục trình làng "Bẫy rồng" vào năm 2009. Đây cũng là bộ phim có sự góp mặt của "đả nữ" Ngô Thanh Vân và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người xem. Tuy nhiên, "Bẫy rồng" lặp lại motif của "Dòng máu anh hùng" và có hơi hướng phim xã hội đen Hong Kong thập niên 90.
Sau thời kỳ huy hoàng này, lác đác có vài bộ phim hành động ra mắt như "Lửa Phật", "Truy sát", "Hiệp sĩ mù", "Huyền thoại bất tử", "Lệnh xóa sổ"… nhưng nhanh chóng bị chê bai, la ó. Phim bắt chước nước ngoài, khổ nỗi bắt chước lại không tới. Các pha đánh đấm sơ sài cộng với kịch bản rời rạc, lỏng lẻo khiến công chúng ngán ngẩm quay lưng.
Về sau xuất hiện một số tác phẩm có chất lượng và doanh thu khá khẩm hơn như "Hương Ga" của Trương Ngọc Ánh, "Lật mặt" của Lý Hải. Nhưng hai phim này vẫn chưa phải là dòng hành động - võ thuật thuần túy. "Hương Ga" pha nhiều yếu tố tâm lý còn "Lật mặt" đậm đặc hài. Chưa kể, tín hiệu tích cực của "Hương Ga" và "Lật mặt" không đủ sức để dòng hành động "át vía" dòng rom-com, chick-flick... Vì vậy, không quá khi cho rằng thời điểm trước khi "Hai Phượng" chào sân, phim hành động Việt là một cái bóng quá lu mờ, không có sáng tạo riêng.
Chất lượng kém, số lượng cũng không khả quan gì hơn. Các nhà sản xuất rất e dè rót tiền cho dự án dính đến thể loại này. Không chỉ khó hút khách, so với dòng phim khác, phim hành động còn đòi hỏi yêu cầu khắt khe và chi phí đầu tư khá lớn cho cảnh cháy nổ, rượt đuổi, đánh đấm....
Một cảnh trong phim "Truy sát" của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. |
Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh tiết lộ: "Muốn có phim hành động xem được chứ chưa nói là hay, phải đầu tư ít nhất trên 1 triệu đô la. Như vậy phải đạt doanh thu ít nhất 50 tỉ đồng thì phim mới đủ hòa vốn". Nhìn lại lịch sử dòng phim này sẽ thấy: ngay cả tác phẩm tốt cũng dễ "ngã ngựa".
Năm 2006 mà chi 1,5 triệu đô la để bấm máy "Dòng máu anh hùng" là một số tiền "khủng". Nhưng hãng Chánh Phương chỉ thu được 7 tỉ đồng. Cú ngã này khiến nhà sản xuất Nguyễn Chánh Tín rơi vào cảnh nợ nần. Cũng chi gần 1 triệu đô la nên doanh thu 12 tỷ không thấm tháp gì cho ekip làm phim"Bẫy rồng".
Ngoài kinh phí cao, việc tìm được dàn diễn viên có thể đảm đương vai trò "đả nữ", "đả nam" cũng là bài toán đau đầu. Không phải diễn viên nào cũng có nền tảng võ thuật, chịu đau, chịu khổ. Nếu lạm dụng diễn viên đóng thế thì phim lại khá giả và gượng gạo, pha đánh đấm trông như múa võ. Hiện tại chúng ta chỉ quanh quẩn vài gương mặt đình đám như Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Cung Lê, Dustin Nguyễn…
Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất của dòng phim hành động vẫn là ải kiểm duyệt. Nếu khai thác cảnh bạo lực và nội dung không khéo thì phim dễ bị cắt xén hoặc tệ hơn là bị cấm chiếu. "Bụi đời Chợ Lớn" là bài học đau thương. Dù đã cắt lên cắt xuống hơn 15 phút hành động gay cấn, thậm chí phải quay thêm phân đoạn cuối cho vừa lòng hội đồng kiểm duyệt nhưng đường đến rạp chiếu của "Bụi đời Chợ Lớn" vẫn bít cửa. Phim bị gắn mác là quá bạo lực, máu me, nội dung không thực tế. Thất bại này khiến nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn giơ hai tay: "Ở Việt Nam chỉ có làm phim hài là an toàn!"
Khi web-drama bùng nổ, phim hành động được dịp đua nhau tranh tài vì môi trường internet gần như thả cửa. Các bộ phim khai thác về đề tài giang hồ, gái điếm với rất nhiều pha đánh đấm trình làng như: "Thập Tam Muội", "Ông trùm dẹp loạn giang hồ", "Chết thì chịu", "Người trong giang hồ" ... Nhờ được tự do sáng tạo, nhiều phim được đánh giá cao. Chính vì sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng mạng dành cho series "Thập Tam Muội" mà vợ chồng danh hài Thu Trang, Tiến Luật quyết định đầu tư thành phim điện ảnh "Chị Mười Ba".
Tuy nhiên phần lớn số phim trên vẫn là hài pha hành động chứ không phải là dòng hành động - võ thuật thuần túy như "Hai Phượng". Do đó, sự thành công của "Hai Phượng" là cú hích mạnh mẽ để các nhà làm phim mạnh dạn theo đuổi thể loại này với những chất liệu đậm đà bản sắc dân tộc.