Phim ăn theo không dễ... ăn theo
Làm phim "phần tiếp theo" không mới, nhất là đối với các bộ phim bom tấn của Hollywood. Công chúng đã quá quen với các series phim như "Tốc độ", "Điệp viên 007", "Chúa nhẫn", "Người sắt", "Cuộc chiến của các vì sao", "Chạng vạng", "Kẻ cắp mặt trăng"…
Thời gian gần đây, xu hướng này ngày càng bùng nổ và hứa hẹn sẽ là xu hướng chủ đạo làm mưa làm gió các rạp của điện ảnh thế giới khi các ý tưởng kịch bản mới mẻ, đột phá dường như đang dần cạn kiệt, không đáp ứng được lượng phim ồ ạt ra đời mỗi năm. Phần tiếp theo của một bộ phim ăn khách thường thu hút các nhà sản xuất so với một bộ phim hoàn toàn mới, bởi đã có phần đầu thử nghiệm ngoài công chúng. Khán giả háo hức khi tò mò về một câu chuyện đã được xem sẽ tiếp tục tiến triển như thế nào. Điều này tạo tiền đề thuận lợi cho bộ phim về mặt quảng bá, giữ chân khán giả mà không tốn nhiều chi phí.
Là một xu hướng phổ biến của điện ảnh thế giới nên phim "phần tiếp theo" có công nghệ sản xuất hẳn hoi. Khi cách kể theo mạch thời gian trở nên nhàm chán và bộ phim vẫn luẩn quẩn trong cái bóng quá lớn của phần một thì điện ảnh thế giới phát sinh ra nhiều cách khai thác "phần tiếp theo" mới lạ như: Tác phẩm song hành (có mô típ gần giống tác phẩm đầu nhưng nhân vật, diễn biến lại hoàn toàn khác), tác phẩm kế thừa tinh thần, tác phẩm khởi động lại mạch chuyện đã kể ở phần một.
Trường hợp điển hình của tác phẩm khởi động lại mạch chuyện phần một là series phim "Người nhện". Dù "Người nhện" đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng nhưng phần tiếp theo "The Amazing Spider Man" gần như kể lại từ đầu câu chuyện với một số điểm thay đổi nhỏ vẫn hút hồn công chúng. Riêng series phim "X-Men", sau ba phần thành công vang dội, phần 4 vẫn tiếp tục khiến khán giả chao đảo bởi hãng Fox quá khôn khéo khi kể một câu chuyện xảy ra trước thời điểm của ba phần trước.
Xé lẻ từng nhân vật trong series phim trước đó để làm thành từng phần riêng biệt; hoặc tập hợp các nhân vật riêng lẻ trước đó quy tụ trong một bộ phim đang là cách làm mới mẻ đầy mạo hiểm mà chỉ những nhà sản xuất cứng cựa về tài chính mới dám thực hiện.
"Cô dâu đại chiến 2" được xem là bộ phim tiên phong cho xu hướng làm phim "phần tiếp theo" của điện ảnh Việt. |
Bắt nhịp xu hướng đó, điện ảnh Việt đang có những bước chuyển mình đầy mới mẻ với những bộ phim ăn khách, doanh thu "khủng". Thật ra, phim "phần tiếp theo" của Việt Nam đã xuất hiện ở một số phim truyền hình đình đám như "Ma làng", "Cảnh sát hình sự", "Chạy án", "Hướng nghiệp"... Tuy nhiên, ở phim điện ảnh, từ dạo "Lọ lem hè phố" xuất hiện năm 2004 được coi như phim "dựa hơi" của "Gái nhảy" thì phải rất lâu sau phim "phần tiếp theo" mới trở lại với "Nụ hôn thần chết" (2008) và "Giải cứu thần chết" (2009) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Những năm gần đây, nền điện ảnh Việt ngày càng khẳng định xu hướng này với việc hàng loạt phim "phần tiếp theo" đã và sắp trình làng.
Sau "thắng đậm" gần 30 tỷ đồng của "Cô dâu đại chiến" năm 2011, Victor Vũ thừa thắng xông lên với bộ phim "Cô dâu đại chiến 2". Không ngoài dự kiến, "Cô dâu đại chiến 2" đạt mức doanh thu hơn 50 tỷ, đứng đầu phòng vé mùa Tết 2014 dù đụng độ với rất nhiều đối thủ nặng ký bởi dư âm quá mạnh của bộ phim đầu. "Để Hội tính" là bộ phim tiếp nối "Để Mai tính" của Charlie Nguyễn đã bấm máy ngày 4/4.
Đạo diễn Charlie Nguyễn từng cho biết: "Nếu phần một thành công về mặt doanh thu, khả năng phim sẽ có phần 2, phần 3… Cái này mình cũng chịu ảnh hưởng theo phong cách của Hollywood". "Scandal - Hào quang trở lại" được xem như phần tiếp theo của "Scandal - Bí mật thảm đỏ" cũng đã bấm máy đầu tháng 3. Rõ ràng phim "phần tiếp theo" thường gây hào hứng cho khán giả bởi ấn tượng quá lớn từ phần đầu. Cả hai phim trên đều trình làng vào cuối năm nay nhưng đã được khán giả quan tâm, trông đợi.
Bộ phim doanh thu "khủng" "Tèo em" cũng đang được đạo diễn Charlie Nguyễn ráo riết quay phần 2. Sau thành công bất ngờ của "Quả tim máu", nhà sản xuất phim dự kiến sẽ làm tiếp phần hai bộ phim kinh dị này. Khác với các phim bom tấn của Hollywood, phim "phần tiếp theo" của Việt Nam vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính thời gian chứ chưa có nhiều đột phá ở cách kể chuyện. Phim có thể thu hút ban đầu nhưng về lâu về dài nếu trung thành với cách khai thác này, phim Việt sẽ đi vào lối mòn.
2. Điều nhiều nhà làm phim lo ngại nhất khi làm phim "phần tiếp theo" - đó là cái bóng quá lớn của phần đầu. Không phủ nhận rằng, nhờ cái bóng đó, khán giả mới chịu bỏ tiền vào phòng vé, nhà sản xuất không tốn chi phí quảng cáo và được khán giả đón nhận ngay khi phim chưa trình làng. Khán giả không hồ nghi và dè dặt nhiều bởi bộ phim chất lượng thế nào ít nhiều họ cũng đoán biết.
Nhưng lặp lại thành công và độ hot của bộ phim trước đó cần có sự tính toán và nghiên cứu thị hiếu khán giả cũng như phân khúc thị trường kỹ lưỡng. Ngay cả kinh đô điện ảnh của thế giới như Hollywood cũng vấp những quả đắng khi làm phim ăn theo.
Phim "Speed 1" ngay khi ra mắt năm 1994 đã khiến người xem ám ảnh bởi chiếc xe buýt đầy tử khí cùng sự diễn xuất tuyệt vời của hai ngôi sao Keanu Reeves và Sandra Bullock. Lợi nhuận khổng lồ buộc nhà sản xuất không thể bỏ qua cơ hội làm "Speed 2". Thế nhưng, sự vắng mặt của ngôi sao Keanu Reeves và mô típ câu chuyện tương tự khá nhàm chán đã khiến bộ phim thất bại thảm hại.
Quay trở lại điện ảnh trong nước, mặc dù doanh thu đứng đầu mùa Tết nhưng "Cô dâu đại chiến 2" bị đánh giá là kém duyên và gượng gạo so với phần một. Dư âm quá mạnh từ bộ phim đầu khiến khán giả kỳ vọng nhiều vào bộ phim thứ hai. Một khi phần tiếp theo không thoát khỏi cái bóng của phần một, thậm chí là tồi tệ hơn sẽ khiến cho ấn tượng của công chúng về phần một ít nhiều bị ảnh hưởng.
Càng về sau phim càng dễ bị đuối. Đạo diễn Charlie Nguyễn thú thật: "Chúng tôi rất hồi hộp khi làm phần 2 "Để Hội tính". Làm phần 2 áp lực hơn rất nhiều so với phần một, vì khán giả đã có ấn tượng quá mạnh với phần một rồi. Điều đó buộc chúng tôi làm phần 2 phải thành công hơn, hoặc ít ra cũng giữ được độ nóng như phần một".
Để làm nên sự sống còn của phim "phần tiếp theo", nhà sản xuất buộc phải giữ được bộ khung các diễn viên chính và đạo diễn cũ. Đây là điều khá khó khăn vì đến thời điểm bấm máy, "các linh hồn của bộ phim" dễ vướng bận công việc, hoặc "hét" giá cátxê và "hành" nhà sản xuất đủ điều mới chịu nhận vai. Việc giữ đạo diễn cũ giúp mạch chuyện và cách kể được đúng điệu như phần một.
Thực tế, thành công của các series phim bom tấn đều có sự gắn bó mật thiết với một đạo diễn gạo cội, điển hình như Sam Raimi, đạo diễn cả ba phần của "Người nhện" hay đạo diễn Peter Jackson với "Chúa nhẫn". Ý thức được điều đó, các nhà sản xuất điện ảnh Việt đã giữ lại những đạo diễn từng tạo nên thành công của bộ phim trước như Victor Vũ và Charlie Nguyễn để đi tiếp "phần tiếp theo". Dàn diễn viên cũng giữ lại những nhân vật chủ chốt như đầu bếp Quyên (Lê Khánh đóng) và bác sĩ Mai Châu (Vân Trang đóng) trong "Cô dâu đại chiến 2". Phim "Để Hội tính" giữ lại nhân vật Trịnh Hương Hội - nhân vật đồng tính được cho là đặc sắc, gây ấn tượng nhất đối với khán giả trong "Để Mai tính".
Ngoài dàn diễn viên và đạo diễn, "phần tiếp theo" cần có những sáng tạo và đột phá thì mới hy vọng giữ được chân khán giả. Bởi từ bộ phim đầu, khán giả ít nhiều đoán trước được nội dung của phần tiếp theo, khiến nó trở nên nhàm chán, cũ kỹ. Do đó để làm được bộ phim "ăn theo" gây được tiếng vang, tạo được hiệu ứng độc lập so với phần một là cả một thử thách mà người đạo diễn và nhà sản xuất phải vượt qua trong xu hướng làm phim tất yếu này…