Phê bình mỹ thuật: Họ chủ yếu vẫn viết theo cảm tính

Thứ Hai, 14/07/2008, 09:30
"Tôi cho rằng trong đời sống mỹ thuật của ta hiện nay, những nhà phê bình thực sự đang rất hiếm hoi. Người làm phê bình chủ yếu vẫn viết theo cảm tính. Thích hay không thích cũng đều cảm tính" - Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Những bài phê bình mỹ thuật trên báo chí chủ yếu nói nhiều đến những câu chuyện về cá nhân người họa sĩ hơn là việc đi sâu vào tìm hiểu những quan điểm, phương  pháp sáng tác của họ. Không chỉ ra được đâu là cái hay, cái dở, đâu là cái tìm tòi, sao chép.

Vẫn tồn tại những kiểu phê bình nể nang, né tránh. Tôi đã từng mong muốn có một cuộc trao đổi giống như một cuộc "bút chiến" trên tinh thần xây dựng, thiện chí để từ đó có thể khai mở những vấn đề thực sự hữu ích trong đời sống mỹ thuật.

Một điều nữa khiến tôi băn khoăn là phê bình mỹ thuật của ta chưa đóng vai trò trong việc phát hiện, lăng- xê các tài năng trẻ. Việc thẩm định, đánh giá những tên tuổi cũng thiếu sự quan sát. Tôi lấy ví dụ, người ta thường hay mua tranh dựa trên tên tuổi của các họa sĩ. Nhưng không phải một họa sĩ tên tuổi lúc nào cũng vẽ đẹp. Vậy, nhà phê bình phải có nhiệm vụ đánh giá từng chặng đường đi của mỗi người họa sĩ.

Tôi không hiểu trong các trường mỹ thuật của ta có dạy phê bình mỹ thuật hay không. Nhưng có dịp ra nước ngoài tôi thấy họ đào tạo những người làm công tác phê bình rất bài bản. Vừa rồi tôi có được mời tham dự một cuộc gặp gỡ dành cho các Gallery tranh ở châu Á.

Rất nhiều đồng nghiệp ở các nước trong khu vực nói với tôi rằng, 15 năm trước họ đã đến Việt Nam và rất khâm phục Việt Nam có nhiều họa sĩ tài năng và họ có ý muốn đưa tên tuổi những họa sĩ đó ra thế giới. Nhưng bây giờ thì họ tiếc là rất nhiều trong số những tài năng ấy đã không chống cự được với xu hướng thương mại. Họ vẽ theo đơn đặt hàng, bị thương mại hóa và lặp lại chính mình. Tôi nghĩ, những câu chuyện như vậy rất đáng để những người tâm huyết với mỹ thuật suy ngẫm

Thy Đoan (ghi ý kiến của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền)
.
.