Phê bình mỹ thuật: Chưa cùng đi trên một con đường

Thứ Hai, 14/07/2008, 09:15
"Nếu không có được sự đồng cảm, thì nhà phê bình với người sáng tác sẽ chẳng bao giờ đi trên cùng một con đường, là mang cái đẹp, cái tinh túy đến cho công chúng. Và công chúng mất đi cái cơ may được đến gần với những tâm tư, tình cảm , quan điểm, phương pháp của người sáng tạo..." - Họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm cho biết.

- Là một họa sĩ, anh nhìn nhận thế nào về vai trò của công tác phê bình trong việc thúc đẩy sáng tác của chính mình?

+ Có thể nhận thấy phần nhiều họa sĩ không coi trọng công tác lý luận phê bình. Họ cho rằng sáng tác là công việc của cá nhân họ. Nhà phê bình và nhà sáng tác thường hay mâu thuẫn nhau.

Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói: "Nếu tôi chết, hãy chôn tôi cùng một nhà phê bình". Nhưng tôi cho rằng cụ Nguyễn Tuân hài hước mà nói vậy thôi. Bởi vì tôi đã từng đọc những trang viết của GS Nguyễn Đăng Mạnh, người dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu về Nguyễn Tuân thì tôi rất cảm phục. Và nhận thấy phê bình có một vị trí rất quan trọng đối với sáng tạo nghệ thuật.

Tôi rất coi trọng công tác lý luận phê bình. Nhưng tiếc là phê bình mỹ thuật của chúng ta hiện nay chưa định hướng được cho công chúng và người sáng tác. Chúng ta mới chỉ có được một vài cá nhân làm công tác phê bình có khả năng ấn định được vai trò của họ đối với đời sống mỹ thuật và giúp cho người họa sĩ có thể mở rộng được vấn đề như Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng...

- Phê bình trong đời sống văn học nghệ thuật hôm nay nói chung thường ít tính khách quan, học thuật, mà chủ yếu là để tung hô hay "lopby" một tên tuổi nào đó. Trong mỹ thuật anh thấy sao?

+ Tôi cho rằng nhiều họa sĩ khác cũng giống như tôi, không thích đọc những bài phê bình mang tính ve vuốt, tung hô. Người làm việc thực sự cần những lời nghiêm khắc hơn là những lời khen đánh bóng mạ kền

- Người ta thường tự hỏi, đọc một bài phê bình mỹ thuật có ý nghĩa gì nếu như chính con mắt của họ chưa từng được nhìn ngắm tác phẩm hội họa mà nhà phê bình đang nhắc tới....

+ Chị đang nhắc tới công chúng của mỹ thuật đấy. Chúng ta gần như chưa có công chúng của mỹ thuật. Mà công chúng hội họa nói thẳng ra là những người có kiến thức, hiểu biết về mỹ thuật còn quá ít. Cái số ít ỏi ấy lại lõm bõm về kiến thức hệ thống.

Một năm người ta đi xem triển lãm mỹ thuật một vài lần. Mà triển lãm của ta thì "thượng vàng hạ cám", cái đích thực ít, cái "cải lương" lại nhiều. Vậy thì đọc phê bình mỹ thuật đúng là nhiều khi không để làm gì, là vô nghĩa. Vấn đề quan trọng ở đây vẫn là nâng cao trình độ hiểu biết cho người thưởng thức mỹ thuật. Phải có một công chúng tốt thì nền mỹ thuật mới lành mạnh, từ đó phê bình mới phát triển được.

- Theo anh, mối quan hệ giữa nhà sáng tác và nhà phê bình cần phải như thế nào để thực sự hiểu biết về nhau và giúp công chúng hiểu biết về công việc của mình?

+ Tôi cho rằng các nhà phê bình mỹ thuật cần sống cạnh người sáng tác và tình cảm với cuộc đời như những nhà sáng tác thì sẽ là một cuộc đồng hành đẹp đẽ. Người làm phê bình phải vui nỗi vui của người sáng tác, buồn nỗi buồn của người sáng tác. Sự cộng cảm ấy sẽ giúp cho công chúng được hưởng lợi.

Trên thế giới có nhiều danh họa luôn giao du với những người bạn là nhà thơ. Họa sĩ rất gần với thi sĩ. Và chính các thi sĩ lại là nhà phê bình mỹ thuật mà họa sĩ tin tưởng. Nói như vậy để thấy rằng, nếu không có được sự đồng cảm, thì nhà phê bình với người sáng tác sẽ chẳng bao giờ đi trên cùng một con đường, là mang cái đẹp, cái tinh túy đến cho công chúng. Và công chúng mất đi cái cơ may được đến gần với những tâm tư, tình cảm , quan điểm, phương pháp của người sáng tạo.

- Đã từng có những bài phê bình về tranh của anh khiến anh "nổi giận" chưa?

+ Đã từng có bài phê bình bức tranh của tôi in trên báo, tôi đọc mà đỏ mặt. Vì giữa tranh và lời bình của người viết chả có gì ăn nhập vào nhau cả.

- Vậy có bao nhiêu phần trăm bài viết về tác phẩm của anh làm anh hài lòng?

+ Tôi nghĩ khoảng chừng 40%. Con số này, theo như suy nghĩ của nhiều người là vẫn hơi bị... lạc quan.

- Để phê bình mỹ thuật thực sự gần gũi với người sáng tác và tốt hơn với việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng, theo anh cần phải thay đổi những gì?

+ Tôi chỉ nói ở góc độ của người sáng tạo. Là anh em phê bình phải gần gũi với anh em sáng tác hơn nữa thì công tác phê bình sẽ hiệu quả hơn, và ngược lại. Riêng về mặt bằng hiểu biết của công chúng, chúng ta hãy hỏi các nhà giáo dục và các nhà quản lý.

- Xin cảm ơn họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm

Hội Quân (thực hiện)
.
.