Phê bình điện ảnh trên báo chí

Chủ Nhật, 02/09/2018, 08:41
Không phải cổ súy công chúng xem phim qua… báo, nhưng nếu truyền thông khước từ vai trò dẫn dắt dư luận và định hướng thẩm mỹ, thì nền điện ảnh không thể phát triển lành mạnh. Phê bình điện ảnh trên báo chí thực sự là một lĩnh vực đang cần báo động đỏ trong đời sống văn hoá.


Nguy cơ điện ảnh Việt đánh mất bản sắc Việt!

Tuy Hòa

Thật khó hiểu một nghịch lý, báo chí càng mở rộng biên độ với nhiều thể loại phong phú báo nói, báo hình, báo mạng… thì phê bình điện ảnh lại càng thưa vắng. Mỗi năm số lượng phim tung ra rạp và trình chiếu trên ti vi lên đến con số hàng trăm thì những bài phê bình điện ảnh chỉ dừng ở con số lẻ tẻ dăm ba rời rạc và vô vị. Thảm cảnh này biết trách ai, khi nghề phê bình điện ảnh phải đối mặt với thực tế bỏ thì thương vương thì tội trên báo chí!

Trước đây, các trường văn hoá nghệ thuật đều có khoa phê bình điện ảnh. Bây giờ, có tuyển sinh thì cũng chẳng ai theo học. Lý do, dường như người ta mặc định công việc ấy cứ giao hẳn cho các nhà báo. Nghĩ cũng lạ, không được đào tạo và không tự nghiên cứu thì làm sao viết phê bình điện ảnh nhỉ?

Có rất nhiều tờ báo xem nhẹ mảng văn hoá, nên sắp xếp phóng viên có năng lực hạn chế nhất theo dõi mảng điện ảnh. Và hệ lụy nảy sinh, bức tranh điện ảnh trên báo chí chỉ là thông tin scandal diễn viên hoặc vài chuyện hậu trường lặt vặt của mấy đoàn làm phim đang bấm máy. Khi nhà báo không có khát vọng trở thành chuyên gia trong mảng đề tài mình tác nghiệp, thì muốn có một bài phê bình điện ảnh trên báo chí không khác gì mò trăng đáy nước.

Có vẻ hơi hoài cổ, nhưng không thể không nhắc lại, phê bình điện ảnh trên báo chí từng có một thế hệ vàng những cây bút được độc giả yêu mến và tin cậy, như Đức Kôn, Tô Hoàng, Song Chi, Cát Vũ, Ngô Ngọc Ngũ Long, Trần Hữu Lục, Thanh Lộc, Hữu Thân…

Những hoạt động điện ảnh ngày càng vắng bóng giới phê bình phim!

Điểm chung của những cây bút này là đều học hành bài bản và có sự am hiểu nhất định về công việc làm phim. Mặt khác, họ không ngại va chạm khi trình bày góc nhìn của mình về tác phẩm điện ảnh một cách thẳng thắn. Chính sự chuyên nghiệp của họ mà không khí điện ảnh thập niên 90 của thế kỷ trước được tiếp lửa rất sôi động, rất hào hứng.

Thế hệ vàng của phê bình điện ảnh trên báo chí hôm nay hầu hết đã lớn tuổi và không còn mấy mặn mà với công việc mà họ từng gắn bó. Có hai nguyên nhân khiến họ gác bút: thứ nhất là họ không còn điều kiện để cập nhật những trào lưu, những xu hướng của điện ảnh hiện đại nên tự nguyện dừng cuộc chơi, thứ hai là họ không còn diễn đàn hoặc ngán ngại thái độ ghẻ lạnh mà các tờ báo dành những bài phê bình điện ảnh chân chính!

Quá khứ đã lùi xa, bây giờ báo chí thỉnh thoảng vẫn có chuyên mục điện ảnh, nhưng hầu hết chỉ là những bài giới thiệu phim mang tính thông tin sơ lược và rất hiếm khi che giấu thái độ hiếu hỉ giữa người viết báo và người làm phim.

Lâu lâu có một bài viết về phim rất hoành tráng, thì nội dung cũng chỉ là… kể lại các tình tiết trong phim kèm đôi câu ngọt lạt khen ngợi vuốt ve. Thậm chí, đáng sợ hơn là những bài nhân danh phê bình phim để… quảng cáo phim, mà khán giả nếu trót tin vào bài viết thì sẽ thất vọng hoàn toàn khi xem phim.

Có một cảm giác thường xuyên xảy ra với những ai quan tâm đến những thông tin điện ảnh trên báo chí, đó là dường như người viết không hề xem qua bộ phim hoặc có xem thì cũng chỉ xem vài cảnh chiếu lệ, nên bộ phim A được đề cập trên báo và bộ phim A được công chiếu cứ… xa lạ như hai thực thể khác biệt nhau hoàn toàn.

Hiện nay, những nhà sản xuất phim đã đưa kinh phí quảng bá vào dự toán làm phim ngay từ khi khởi động dự án điện ảnh. Do đó, chuyện chi tiền để PR phim đã che mờ phê bình phim đích thực. Bộ phim nào cũng được rao là “đột phá”, là “mới mẻ”, là “siêu phẩm”… khiến công chúng lạc vào mê hồn trận của “hội chợ phù hoa”.

Lẽ nào, những tổ chức nghề nghiệp như Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Hội Điện ảnh Hà Nội vẫn duy trì Hội đồng Lý luận Phê bình, mà trên báo chí lại khủng hoảng thiếu những nhà phê bình điện ảnh? May mắn thay, giữa muôn vàn nhà báo viết về điện ảnh mà mơ hồ về điện ảnh, cũng có được một cây bút Lê Hồng Lâm. Gã trai này học báo chí, nhưng tự học hỏi để mở cho riêng mình một cánh cửa bước vào nghề phê bình điện ảnh.

Năm nay 41 tuổi, Lê Hồng Lâm đã có ba cuốn sách riêng viết về điện ảnh là “Xem chữ đọc hình”, “Cánh chim trong gió” và “Sự lưỡng nan của tình thế làm người”. Lê Hồng Lâm quan niệm về nghề phê bình điện ảnh trên báo chí: “Câu chuyện điện ảnh mà tôi dẫn độc giả vào, đó không chỉ là câu chuyện về những bộ phim và các nhà làm phim cùng những thành công và thất bại của chúng, những vẻ đẹp và chiều sâu của chúng: đó còn là câu chuyện về xã hội và bản chất con người”.

Đồng thời, Lê Hồng Lâm cũng không giấu giếm mơ ước dùng ngòi bút của mình để củng cố tình yêu của công chúng với điện ảnh nước nhà: “Hình như giới trẻ Việt Nam thường có cái nhìn phiến diện, đôi khi hơi mặc cảm về những bộ phim của nước mình. Tuy nhiên, có rất nhiều thước phim giá trị. Nếu không có những công trình tập hợp, khai thác chuyên sâu về nó, tôi sợ rằng khối di sản này sẽ bị vùi lấp”.

Nhà phê bình điện ảnh Cát Vũ: Bây giờ phổ biến hình thức trả tiền để đưa tin

 Thái Hiếu (thực hiện)

-  Hiện nay, điện ảnh tư nhân đang chiếm ưu thế. Mỗi công ty giải trí khi đầu tư làm phim đều có một bộ phận truyền thông khá nhạy bén. Từ khi lên kế hoạch sản xuất đến khi phát hành, đều liên tục cập nhật thông tin bộ phim trên fanpage, website và gửi thông cáo báo chí cho các phóng viên. Như vậy, hình thức phê bình điện ảnh trên báo chí còn tồn tại không?

+ Trên lý thuyết, thì vẫn còn. Thế nhưng, trên thực tế thì bẽ bàng lắm. Muốn có phê bình điện ảnh trên báo chí không chỉ cần bản lĩnh của phóng viên mảng này mà còn cần sự chú trọng của ban biên tập mỗi tờ báo. Khi phóng viên không hứng thú và khi tờ báo cũng không khuyến khích, thì không còn cơ hội cho bất kỳ bài phê bình điện ảnh nào xuất hiện trên báo chí. Đành rằng, phóng viên trẻ thì chưa thể viết phê bình điện ảnh, nhưng nếu muốn thì tờ báo có thể đặt hàng để có bài viết ra tấm ra món về một bộ phim nào đó.

- Vì nhu cầu kinh tế báo chí, nhiều cơ quan truyền thông chấp nhận in những bài giới thiệu phim dưới dạng một hợp đồng quảng cáo. Điều này có tác động như thế nào đến người xem?

+ Nhà sản xuất trả tiền để đưa tin, bài về bộ phim là một thực tế đang diễn ra. Điều này có tác động là giúp công chúng biết được đang có một bộ phim vừa khởi quay hoặc vừa khởi chiếu, nhưng không ai hình dung được bộ phim như thế nào. Nghĩa là, về tác động truyền thông, chỉ mang đến cho độc giả một nửa sự thật về một bộ phim. Một nửa sự thật thì có được như một nửa cái bánh mì đâu. Tôi thấy đau lòng!

-  Không có nhà sản xuất nào muốn báo chí nói đến hạn chế của bộ phim mà họ bỏ tiền đầu tư. Như vậy, sự định hướng thẩm mỹ cho công chúng điện ảnh trên báo chí sẽ đi về đâu?

+ Khi cái hạn chế của bộ phim bị giấu biệt, thì định hướng thẩm mỹ điện ảnh dành cho khán giả cũng bị triệt tiêu. Tuy nhiên, điều đáng hãi hùng hơn là những bài viết in trên báo do chính ê-kip làm phim cung cấp cho báo chí luôn thổi phồng giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tư tưởng của bộ phim theo cách quảng cáo thiếu đạo đức. Nếu tin theo những bài viết ấy để mua vé vào rạp, thì công chúng nếm một quả lừa ngoạn mục!

-  Là một người được đào tạo chính quy ở Khoa Phê bình phim của Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh, chị đánh giá trong màu sắc rực rỡ những thông tin điện ảnh trên báo chí bây giờ, tỷ lệ những bài đúng nghĩa phê bình phim chiếm bao nhiêu phần trăm?

+ Nếu được 1% đã là an ủi. Tôi xin báo động một thực tế nữa là không ít phóng viên điện ảnh của các báo kiêm luôn vai trò nhân viên PR của công ty sản xuất phim, nên thông tin mà họ đưa ra chỉ nhằm có lợi cho việc bán vé khi bộ phim ra rạp.

Trong bối cảnh ấy, tìm đâu ra bài phê bình phim sắc sảo! Sự thật là nhà phê bình phim chuyên nghiệp không thể sống được bằng nghề. Tôi cầm tấm bằng cử nhân cũng phải đi làm báo mới có thể tồn tại theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Nghệ thuật điện ảnh, nếu biết sơ sơ thì không thể phê bình được. Cho nên, một phóng viên không được đào tạo chuyên môn sẽ thấy được hạn chế của mình, và chỉ có thể viết về phim một cách chung chung!

-  Chị nghĩ gì trước xu hướng khai thác những scandal của diễn viên trong phim, như một cách quảng bá bộ phim?

+ Đó là chiêu trò rẻ tiền, nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khán giả tò mò. Một nhà báo viết về điện ảnh có khát vọng trở thành một nhà phê bình phim đúng nghĩa thì không nên nhúng bút vào những thông tin chụp giựt ấy!

-  Với tư cách tiền bối, chị cho rằng làm sao để nhà báo có thể làm nhà phê bình điện ảnh?

+ Bản thân người viết phải rất yêu điện ảnh. Viết về điện ảnh, nếu hạn chế về kỹ thuật có thể trao đổi thêm với đạo diễn để bổ sung cho bài viết, nhưng nếu hạn chế về văn hoá thì gay go! Phê bình điện ảnh phải là một tác phẩm độc lập so với bộ phim, khi tương tác với khán giả. Muốn làm nhà phê bình điện ảnh, đôi khi phải chấp nhận “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”.

Tôi cứ nhớ mãi câu nói một giáo sư đã nhắc trên giảng đường: “Khi nhà phê bình ngồi cà phê với nhà sáng tác thì nền phê bình bị tê tiệt”. Người phê bình và người sáng tác phải phản biện lẫn nhau thì điện ảnh mới có cơ hội phát triển!

Đạo diễn Nguyễn Lâm: Người xem phim đang lạc giữa mê hồn trận

Hải Sơn (ghi)

Trong xã hội hôm nay, ai cũng được mệnh danh là “người tiêu dùng thông minh”. Tuy nhiên, những người ngồi trước màn ảnh vẫn chưa thể chọn lựa những tác phẩm điện ảnh đích thực cho mình. Thực trạng này chỉ được giải quyết khi có những nhà phê bình phim chuyên nghiệp và tử tế.

Tôi cũng như nhiều nhà làm phim khác, luôn mong có những bài phê bình phim đích đáng, và sẵn sàng chấp nhận bị sốc khi báo chí chỉ ra đúng nhược điểm ở tác phẩm của mình. Đáng tiếc, những bài phê bình phim trên báo chí chủ yếu là… kể lại nội dung bộ phim. Thậm chí, nhiều bài viết chứng tỏ người viết xem phim một cách qua loa nên viết sai cả những tình tiết quan trọng.

Mỗi khi chuẩn bị ra mắt phim nào, thì hầu hết phóng viên không quan tâm đến kỹ thuật dàn dựng cũng như khả năng diễn xuất mà chỉ hỏi… có chuyện hậu trường gì hấp dẫn để đưa lên báo mà giật tít cho xôm tụ. Đành rằng, những thông tin như vậy cũng cuốn hút, nhưng đọc xong chỉ thấy bực bội. Là một đạo diễn tự bỏ vốn làm phim, tôi thường chưng hửng khi thấy bộ phim của mình được truyền thông khai thác ở khía cạnh scandal.

Làm phim thời buổi thị trường thì phải tính cả chi phí quảng bá. Phim đầu tư ít thì cũng mất vài trăm triệu đồng để phục vụ cho nhu cầu PR. Tôi nghĩ, đó là chi phí hợp lý, nhưng cũng là chi phí bất hợp lý khi không có một bài phê bình phim nào ra tấm ra món. Chính vì sự quay lưng của những nhà phê bình phim mà người làm phim đành nhờ những Facebooker nổi tiếng viết những bài cảm nhận vu vơ hòng đánh động công chúng.

Bạn bè cùng lứa với tôi ở Trường Sân khấu Điện ảnh có nhiều nhà phê bình phim, nhưng họ đã bỏ nghề cả rồi. Thù lao cho mỗi bài phê bình quá ít ỏi chăng? Theo tôi, tiền bạc chưa phải yếu tố cốt lõi. Quan trọng là những nhà phê bình phim không còn mặn mà với thể loại thêm thù bớt bạn này. Ở góc độ cá nhân, tôi luôn biết ơn những bài phê bình phim thẳng thắn và sòng phẳng.

Mỗi năm hàng chục phim điện ảnh và hàng trăm phim truyền hình trình chiếu, nếu không có phê bình phim trên báo chí thì công chúng lạc vào mê hồn trận. Tất nhiên, khi người xem không được khơi gợi giá trị của phim Việt thì họ sẽ tìm đến những bộ phim nước ngoài. Và một điều tôi lo lắng nữa là, dòng phim remake đang làm mưa làm gió trong sự cổ vũ của đám đông mà lại không có một lời cảnh tỉnh nào cho nguy cơ điện ảnh Việt đánh mất bản sắc Việt!

Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long: Thiếu một lớp phê bình phim dũng cảm, trung thực và nhiệt huyết

Hương Ngân (thực hiện)

- Từ một giáo viên Văn ở Cần Thơ, chị chuyển sang làm báo, rồi định danh một nhà phê bình phim. Hành trình ấy có phải một sự ngẫu nhiên?

+ Đó là sự đưa đẩy của số phận, nhưng không hề dễ dàng. Tôi không được đào tạo chính quy, nên phải mày mò tự học để hiểu về điện ảnh và để viết phê bình phim. Công việc phóng viên ngày nay không giống thế hệ tôi trước kia. Tôi có cảm giác các bạn trẻ bây giờ làm báo nhiều toan tính quá, họ không viết theo những gì họ nghĩ mà viết theo những gì… người khác muốn!

-  Dĩ nhiên, “người khác” chỉ muốn phóng viên thực hiện thao tác nghiệp vụ của một nhân viên PR thân thiện và hiền lành!

+ Vì vậy, trên báo chí chỉ có giới thiệu phim chứ không có phê bình phim. Báo chí không mặn mà với phê bình phim, mà những người viết cũng ngại đụng chạm.

-  Người làm phim và người viết về phim đang cùng hợp tác cho mục tiêu “hòa khí sinh tài”. Khổ, chút tài chính ít ỏi cũng có thể... hại tài năng phê bình điện ảnh!

+ Sở dĩ tôi có thể thành nhà phê bình phim nhờ đứng ngoài tầm ảnh hưởng đó. Tôi không chịu bất kỳ sự tác động nào khi viết về một bộ phim. Lẽ thường, không ai chịu được đứa con mình sinh ra lại bị người khác chê xấu, chê mập hoặc chê… lùn. Thế nhưng, là nhà phê bình thì tôi phải viết đúng cảm nhận của tôi.

-  Cũng sinh hoạt trong giới, quay qua quay lại thì đụng mặt nhau, nói thẳng có ái ngại không?

+ Có gì mà phải đắn đo nhiều như vậy, nếu mình thực sự trong sáng. Đôi khi cũng có bài phê bình mà tôi bị mất… bạn. Tuy nhiên, nếu làm những người làm nghề thì không có gì phải giận hờn lâu.

- Cái tâm lý khen ngọt khen lạt, còn hơn chê tròn chê méo rất phổ biến trong đời sống văn hóa. Với phê bình phim, một lời nói thẳng nói thật có khó khăn lắm chăng?

+ Có đạo diễn hoặc nhà sản xuất ghét tôi ra mặt, sau đó vẫn vui vẻ bảo “mai mốt tui làm phim, bà tiếp tục “phang” nữa chứ!”.

-  Rõ ràng, phê bình phim không chỉ cần trình độ, mà còn cần dũng khí. Bản thân các chị đã phải đối mặt với những thử thách như thế nào?

+ Bao giờ sau một bài phê bình gay gắt thì tên mình sẽ bị gạch ra khỏi danh sách khách mời buổi ra mắt phim tiếp theo của công ty ấy hoặc của nhà sản xuất ấy. Có đáng buồn lắm không? Không sao, tự mình mua vé vào rạp để viết về bộ phim đúng theo mong đợi của công chúng. Kinh nghiệm bản thân tôi chứng minh rằng, những bài phê bình phim ưng ý nhất đều từ tư cách khán giả bình thường ngồi xem phim bằng tiền túi của mình!

- Trong bối cảnh báo điện tử rầm rộ, lẽ ra phê bình phim phải tạo ra làn sóng tranh luận nghệ thuật mạnh mẽ, thì chỉ thấy những bài PR vô thưởng vô phạt. Nghịch lý này phải lý giải ra sao?

+ Đội ngũ phê bình phim đang khủng hoảng. Bây giờ không còn trường nghệ thuật nào mở lớp đào tạo lý luận - phê bình phim nữa. Mặt khác, nhiều tờ báo giao mảng điện ảnh nói riêng và mảng văn hoá nói chung cho những phóng viên non nớt nghiệp vụ nhất toà soạn. Cho nên, cách làm việc duy nhất tồn tại ở trang điện ảnh trên các tờ báo là phóng viên cứ dựa theo cái thông cáo báo chí của những nhà làm phim mà chép lại kèm vài câu cảm thán xen lẫn câu tâng bốc!

-  Xin được thay đổi vai trò của chị trong cuộc trao đổi. Chị đâu chỉ là nhà phê bình mà còn đương chức Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, các tổ chức nghề nghiệp như Hội Điện ảnh Việt Nam hoặc Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại Hội đồng Lý luận Phê bình. Nơi hội tụ những nhân vật được mặc định chuyên nghiệp như vậy, có bám sát thực tế điện ảnh để thúc đẩy phê bình phim không?

+ Khoá trước, tôi làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình của Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã có sáng kiến thành lập một Câu lạc bộ phê bình phim và mời gọi phóng viên điện ảnh của các báo tham gia. Buổi ra mắt Câu lạc bộ cũng rôm rả, nhưng các buổi sinh hoạt sau thì cứ vắng dần, vắng dần rồi tự… giải tán. Các nhà báo chuyên theo dõi phim đã nói thẳng với tôi rằng, họ không cần những yếu tố chuyên môn phức tạp như vậy, họ chỉ cần viết sao cho nhanh, cho nhiều và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với những nhà làm phim.

-  Nghĩa là Hội Điện ảnh đang bất lực trong việc nhen nhóm lên một lớp phê bình phim kế cận, trẻ trung hơn và nhiệt huyết hơn?

+ Đúng! Có lẽ cần một chiến lược quy mô tầm quốc gia cho hoạt động phê bình điện ảnh trên báo chí! Nếu có chừng 10 vị Tổng Biên tập yêu điện ảnh và thích xem phim thì may ra mới có những bài phê bình phim đích thực trên báo chí!
PV
.
.