Nở rộ MV theo phong cách cổ trang: Mới, lạ nhưng thiếu bản sắc?

Thứ Sáu, 22/12/2017, 08:38
Thời gian gần đây, MV (Music Video) xây dựng theo phong cách cổ trang xuất hiện khá nhiều trong showbiz Việt. Một số MV với hình ảnh đẹp, mới lạ đã nhận được lượng người xem "khủng" sau thời gian ngắn được đăng tải trên Youtube. Tuy nhiên, không ít khán giả cho rằng, MV cổ trang được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, kỹ xảo nhưng thiếu bản sắc Việt.


Những MV cổ trang triệu view

Ra mắt công chúng đầu tháng 11/2017, MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của ca sĩ Bảo Anh (sáng tác Mr. Siro, với sự tham gia diễn xuất của Huỳnh Anh, Mai Hồ, đạo diễn MV Đinh Hà Uyên Thư) đã đạt mốc hơn 40 triệu lượt người xem trên youtube trong thời gian ngắn. Bảo Anh kỳ vọng, MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" sẽ đạt mốc 100 triệu lượt xem trong thời gian tới. Con số này không phải là viển vông khi số lượng người xem MV tăng lên từng ngày.

Điểm nổi bật trong MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" là hình ảnh đẹp, bay bổng, có sự đầu tư về kỹ xảo, đồ họa. Xuyên suốt MV là câu chuyện về mối tình ngang trái của nhân vật ma nữ (do Bảo Anh đóng) vì yêu chàng trai (Huỳnh Anh thủ vai) nên phải mượn xác người con gái (Mai Hồ đóng) mà chàng trai yêu thương. Cuộc tình kết thúc trong bi kịch khi ma nữ đứng nhìn chàng trai và cô gái chết thảm.

Một cảnh trong MV nhạc Bolero "Chờ người" của Tố My.

Theo kế hoạch, MV theo phong cách cổ trang "Lạc giữa nhân gian" của ca sĩ Ngô Kiến Huy sẽ "trình làng" vào ngày 18/12/2017. "Lạc giữa nhân gian" do đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư thực hiện, có sự tham gia diễn xuất của Tú Hảo, quán quân "Gương mặt thương hiệu - The Face" mùa thứ 2. Nhiều fan hâm mộ của Ngô Kiến Huy hy vọng rằng, "Lạc giữa nhân gian" sẽ tạo nên "kỳ tích" về lượt người xem như "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của Bảo Anh đạt được trong thời gian qua.

Nói đến MV theo phong cách cổ trang không thể không nhắc tới "Lạc trôi" của nam ca sĩ nhạc trẻ hot hàng đầu showbiz Việt hiện nay là Sơn Tùng M-TP. Ra mắt đúng ngày đầu tiên của năm 2017, sau 24 giờ phát hành "Lạc trôi" đã có 4 triệu lượt xem và đến thời điểm hiện nay, con số này đã đạt đến hơn 165 triệu lượt. "Lạc trôi" do đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư thực hiện.

MV kể về câu chuyện một ông vua dù ở vị trí đỉnh cao quyền lực nhưng luôn cảm thấy cô đơn vì không có được tình yêu đích thực. Vị vua này che giấu con người thật của mình bằng vẻ ngoài lạnh lùng, bất cẩn.

"Lạc trôi" được công yêu thích vì nhiều lý do khác nhau. Cái tên Sơn Tùng M-TP luôn có sức hấp dẫn với công chúng. Dù giới thiệu đến công chúng sản phẩm nào, từ âm nhạc, phim ảnh đến tự truyện, Sơn Tùng M-TP vẫn có được lượng khán giả "trung thành" nhất định. Ngoài sự ảnh hưởng của cái tên Sơn Tùng M-TP, phải thừa nhận rằng, "Lạc trôi" đã đem đến cho khán giả một "món ăn tinh thần" mới, lạ nhờ những cảnh quay đẹp, lung linh, huyền ảo đúng chất "lạc trôi" vô định.

Ngoài "Sống xa anh chẳng dễ dàng", "Lạc trôi", "Lạc giữa nhân gian", có thể "điểm danh" một số MV được xây dựng theo phong cách cổ trang như "Thiên tử" (sáng tác Tăng Nhật Tuệ, đạo diễn Hitchu Le, ra mắt tháng 3/2017, hiện có gần 2 triệu lượt xem); "Họa tình" của Trương Quỳnh Anh (nhạc hoa lời Việt; đạo diễn Tim, DOP, Khánh Trắng, phát hành cuối tháng 8/2017, thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem); MV "Chờ người" của Tố My (sáng tác Khánh Băng, đạo diễn Lê Nhật Trường, ra mắt cuối tháng 11/2017, hiện có gần 700 nghìn lượt xem)…

Bản sắc Việt ở đâu?

Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng xây dựng MV theo phong cách cổ trang được nhiều nghệ sỹ trong khu vực Châu Á sử dụng. Điều này đánh trúng tâm lý của nhiều khán giả trẻ yêu thích những bộ phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc xuất hiện trên màn ảnh nhỏ thời gian vừa qua.

Việc các nghệ sỹ Việt xây dựng phong cách MV cổ trang được đánh giá là nhanh nhạy, kịp thời trong việc nắm bắt thị hiếu của khán giả trẻ. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của MV theo phong cách cổ trang cũng góp phần làm phong phú thực đơn giản trí, mang đến những gam màu mới cho bức tranh âm nhạc Việt.

MV "Bánh trôi nước" của ca sĩ Hoàng Thùy Linh được đánh giá cao nhờ âm nhạc, tạo hình nhân vật, bối cảnh, trang phục... đậm bản sắc Việt.

Theo chia sẻ của nhiều nghệ sỹ, đầu tư MV cổ trang là cuộc chơi tốn kém hơn nhiều so với việc xây dựng MV theo phong cách hiện đại. Điều này dễ hiểu bởi bối cảnh, trang phục, đạo cụ… theo phong cách xưa thường không có sẵn và muốn có MV đẹp, đúng chất cổ trang thì ca sĩ buộc phải chi "mạnh tay".

Được biết, để chuẩn bị cho MV "Lạc giữa nhân gian", Ngô Kiến Huy đã phải đầu tư khoản kinh phí không nhỏ, gần 1 tỷ đồng. Riêng bộ tóc giả cũng được đặt riêng từ một nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng. Trang phục trong MV cũng được đặt thiết kế riêng, đảm bảo "không đụng hàng". Ngoài ra, việc xây dựng ý tưởng cho MV cổ trang, phù hợp với nội dung ca khúc cũng đòi hỏi ekip sản xuất đầu tư nhiều thời gian và công sức.

Điểm đáng ghi nhận nhất trong các MV ca nhạc Việt theo phong cách cổ trang chính là mặt hình ảnh. Hình ảnh trong các MV cổ trang đẹp, được trau chuốt kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Nội dung MV thường là câu chuyện có nội dung rõ ràng, phù hợp với nội dung bài hát.

Với các nghệ sỹ, hóa thân vào các nhân vật trong MV cổ trang cũng là cách giúp họ làm mới hình ảnh của mình. Khán giả thích thú với hình ảnh Sơn Tùng M-TP, Ngô Kiến Huy, Huỳnh Anh hay anh "Bo" Đan Trường với mái tóc dài, khác với hình ảnh trẻ trung thường thấy trước đó. Tương tự như vậy, Bảo Anh, Trương Quỳnh Anh hay Tố Ny cũng mang đến cho khán giả những bất ngờ với hình ảnh mới trong MV cổ trang.

Mặc dù được coi là món ăn mới, lạ nhưng MV cổ trang Việt cũng nhận không ít chỉ trích của khán giả yêu nhạc. Nhiều khán giả cho rằng, nội dung, hình ảnh trong MV cổ trang Việt thiếu bản sắc, mang màu sắc phim kiếm hiệp của Trung Quốc. Ngay cả MV có hơn trăm triệu lượt xem trên youtube là "Lạc trôi" cũng nhận không ít "gạch đá" của cư dân mạng.

Ngoài trang phục cổ trang, Sơn Tùng M-TP còn đưa vào "Lạc trôi" những chi tiết trang phục hiện đại. Không ít khán giả "bắt lỗi" "Lạc trôi" cho rằng, các chi tiết trong MV phi logic khi yếu tố cũ và mới đan xen nhau. Trang phục cổ trang bị cho là giống hình ảnh trong phim hoạt hình và trò chơi điện tử. Tạo hình, những động tác múa trong MV cổ trang cho ca khúc Bolero "Chờ người" của Tố My cũng bị đánh giá là "đặc sệt" phong cách Trung Hoa.

Tương tự như vậy, tạo hình các nhân vật ma nữ, vua, soái ca… cũng làm người xem liên tưởng đến những nhân vật trong phim cổ trang hay truyện kiếm hiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, trang phục của các nhân vật sử dụng trong MV cũng bị đánh giá là thiếu tính thuần Việt.

Chúng tôi cho rằng, MV cổ trang đậm màu sắc Việt nhất xuất hiện trong thời gian gần đây là "Bánh trôi nước" của Hoàng Thùy Linh (đạo diễn Phù Nam) phát hành hồi tháng 8/2016. MV được đánh giá cao khi đề cập đến vấn đề nữ quyền với nhiều hình ảnh đẹp về phụ nữ Việt Nam xuất hiện xuyên suốt MV. Hoàng Thùy Linh "biến hóa" với nhiều hình ảnh khác nhau, khi thì duyên dáng, dịu dàng, thùy mị, nết na, khi thì sắc sảo, mặn mà, đầy uy lực.

Bên cạnh đó, trang phục được sử dụng trong "Bánh trôi nước" cũng được đánh giá cao với thiết kế đẹp mắt, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đáng tiếc là những chi tiết thuần Việt như "Bánh trôi nước" ít hoặc không xuất hiện trong các MV cổ trang thời gian gần đây.

Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo và để chinh phục khán giả, người nghệ sỹ phải không ngừng tìm tòi, mang đến cho khán giả những "món ăn tinh thần" mới. Phải ghi nhận rằng, để có được những MV cổ trang trong vài phút ngắn ngủi, ca sĩ và các thành viên trong ekip của mình đã phải cố gắng, nỗ lực rất lớn.

Những MV cổ trang nhận được sự quan tâm lớn của công chúng chứng tỏ các nghệ sỹ đã "bắt mạch" được thị hiếu khán giả. Tuy nhiên, nghệ thuật không đơn thuần để giải trí mà còn phải thực hiện nhiều sứ mệnh cao cả khác như định hướng thẩm mỹ, giáo dục. MV cổ trang dù có mới lạ, hình ảnh đẹp đến đâu mà khi xem chúng ta không phân biệt được đó là câu chuyện, hình ảnh của quốc gia, dân tộc nào thì đó là điều thực sự đáng tiếc cho nhạc Việt.

Tường Phạm
.
.