Những việc làm cần được nhân rộng

Thứ Năm, 15/08/2019, 08:17
Từ chức khi để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý, do không còn tín nhiệm, có những phát ngôn không đúng mực; trả lại quà tặng khi vượt quá quy định; tự lo phương tiện để đi làm… là những việc hết sức bình thường của công chức Nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới.


Vậy mà ở ta, những cán bộ, công chức có những hành động tương tự như trên sẽ được cho là "của hiếm", "lạ", "độc", thậm chí bị coi là người… không bình thường. Một số khác thì cho rằng, đây là những hành động đẹp, là nét văn hóa của một nền hành chính công văn minh, hiện đại, đáng được ngưỡng mộ. Họ xứng đáng để trở thành những tấm gương để nhân rộng.

Trong tuần qua, có hai sự kiện ở Đồng bằng sông Cửu Long gây xôn xao dư luận với hàng triệu ý kiến trao đổi trên mạng xã hội. Vụ việc thứ nhất: Gia đình ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trả lại 1,2 tỷ đồng cho Nhà nước vì đây là số tiền thừa do đền bù sai.

Vụ việc thứ hai, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và một số lãnh đạo sở, ngành luôn đến cơ quan bằng xe máy. Trước đó là việc ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, rồi ông Trần Hữu Hậu, Ủy viên ban Thường vụ, Bí thư Thành ủy Tây Ninh xin được nghỉ hưu trước tuổi, đã thành chuyện thời sự được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm.

Việc trả lại quà biếu, quà hối lộ là chuyện hiếm thấy ở Việt Nam.

Chuyện bình thường ở xứ Tây, lại trở thành lạ ở xứ ta - đây quả là điều cần phải tìm hiểu, để có cái nhìn thấu đáo. Khách quan mà nói thì số cán bộ, công chức chủ động xin từ chức, tự nguyện trả lại quà biếu hay nhận tiền khoán xe công để tự lo phương tiện đi làm ở Việt Nam vẫn còn hiếm "như sao buổi sớm". Đặc biệt, vấn đề này càng không thể có đối với những người chạy chức, chạy quyền... người năng lực, trình độ yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí "dính chàm" vẫn còn cố chạy tội, chạy thành tích để tiếp tục "bám trụ", "giữ ghế"...

Tình trạng chạy chức, chạy quyền là một trong những nguyên nhân khiến việc từ chức, từ nhiệm rất khó khăn bởi mấy lý do sau: Thứ nhất, việc chạy lấy danh hay lấy lợi thì thực chất là phi vụ làm ăn và tất yếu mục đích phải thu hồi cả vốn và phải có "lãi".Như vậy, chấp nhận từ chức là mất "cả chì lẫn chài", cả vốn lẫn lãi. Đây là điều tối kị trong kinh doanh.

Thứ hai, rất nhiều trường hợp, để giành được một vị trí béo bở thì buộc phải "đầu tư", huy động sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần, quan hệ của một nhóm người. Do vậy, người giữ chức vụ được coi là "tài sản chung", nên họ có làm gì cũng phải được sự đồng ý của nhóm lợi ích, chứ bản thân họ cũng không tự mình quyết định được… nên việc từ chức cũng không dễ.

Còn số cán bộ nộp lại quà tặng theo quy định rất ít. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì mỗi năm chỉ khoảng 30 người, giá trị quà tặng khoảng vài trăm triệu đồng. Năm 2018 chỉ có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là hơn 451 triệu đồng. Trong đó, tỉnh nhiều cán bộ trả lại quà tặng nhất là Bình Thuận với 9 người; tỉnh Vĩnh Phúc chỉ một người. Trong khi đó, ở các đại án vừa được xét xử, các bị cáo khai nhận đưa hàng chục tỷ đồng đến biếu cấp trên.

Nhiều doanh nghiệp coi việc tặng quà cho cán bộ, công chức là hoạt động kinh doanh bình thường, thậm chí cần thiết cho doanh nghiệp và mặc dù không thích song họ vẫn sẵn sàng chấp nhận thực tế này để nhận được sự ưu ái và lợi thế trong kinh doanh, động lực này thường được xảy ra khi doanh nghiệp đấu thầu dự án hoặc xin cấp giấy phép.

Câu chuyện khoán xe công tiết kiệm cho ngân sách, được kêu gọi thực hiện hàng chục năm nay, nhưng cán bộ, công chức lại là những người không mặn mà, không vui vẻ gì với chủ trương này. Bởi lẽ, họ đã phải phấn đấu gần như cả đời để có được tiêu chuẩn xe riêng; giàu sang đâu thì chưa biết, nhưng chỉ hơn đời, hơn được người ở cái oai, cái oách, vậy thì dại gì mà đem trả lại.

Trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, nếu cứ duy trì cơ chế "có lên, không có xuống, có vào, không có ra", thì không khác gì nuôi cá trong ao tù, nước đọng, sẽ là mầm mống phát sinh dịch bệnh. Như vậy thì đến bao giờ chúng ta mới có được một đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, một nền văn hóa công vụ văn minh hiện đại?

Tình trạng nói trên đã gây ra nhiều tiêu cực, lãng phí, gây ra hệ lụy trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác cán bộ…. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, làm mất niềm tin trong nhân dân.

Nhân dân vẫn theo dõi và luôn trông chờ vào sự trung thực, tự giác, vào những việc làm ích nước, lợi dân của cán bộ, công chức. Cám ơn những việc làm bình thường của một số cán bộ, mặc dù chỉ tiết kiệm được một chút ít ngân sách cho Nhà nước, hy sinh một chút quyền lợi cá nhân, nhưng đổi lại là hình ảnh thân thiện, giản dị, gắn bó với Nhân dân, thật đáng là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", cần phải được nhân rộng.

Cù Tất Dũng
.
.